ỦY BAN GIÁO DỤC CÔNG GIÁO
Hội Đồng Giám Mục Việt Nam
THƯ GỬI SINH VIÊN, HỌC SINH CÔNG GIÁO
NHÂN DỊP MỪNG LỄ CHÚA PHỤC SINH 2022
Các con thân mến,
Chúng ta đang ở
trong những ngày của Tuần Thánh, tuần lễ quan trọng bậc nhất trong Phụng vụ của
Giáo Hội để mừng lễ Chúa Phục sinh. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói trong bài giảng
lễ này vào năm 2017 rằng: “Chúa Giêsu đã
sống lại từ cõi chết, và đây không phải là một chuyện tưởng tượng”. Đúng vậy,
sự kiện Chúa sống lại không phải là một sản phẩm của trí tưởng tượng, nhưng là
một sự kiện lịch sử và đặc biệt là một mầu nhiệm của đức tin, một mầu nhiệm nền
tảng đức tin Kitô giáo của chúng ta như lời Thánh Phaolô xác nhận: “Nếu Đức Ki-tô đã không trỗi dậy, thì lời rao
giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng…. và hảo
huyền …” (x.1 Cr 15, 14-19). Hôm nay, trước khi bước vào Tam Nhật Thánh, dựa
vào những mô tả của Phúc âm, cha muốn cùng với các con nhìn lại phẩm tính đức
tin của những chứng nhân đầu tiên trước sự Phục sinh của Chúa Kitô, Chúa chúng
ta.
1. Sự
kiện Chúa Kitô Phục sinh
Sự kiện này phải gắn liền với cái chết của
Chúa Kitô, vì không có tử nạn thì sẽ không có phục sinh. Chúng ta không trực tiếp
chứng kiến cái chết này, nhưng một vài chi tiết được thuật lại trong Phúc âm,
cho phép chúng ta tin chắc rằng: Chúa Kitô đã chết thật. Cả bốn Thánh sử đều tường
thuật cuộc khổ nạn và sự chết của Người trên thập giá. Sau khi bị hành hình và
treo lên thập giá như những tử tội khác, Người đã bị một tên lính dùng một ngọn
giáo đâm vào cạnh sườn thâu qua trái tim, và lập tức máu cùng nước chảy ra (x.
Ga 19, 34). Sau cùng, cuộc mai táng dành cho Người cũng được hoàn tất bằng một
tảng đá to che lấp cửa mộ (x. Mt 27, 59-60).
Nhưng rồi đúng như lời tiên báo của Chúa Kitô:
Người đã sống lại. Hiện tượng Chúa sống lại đã khiến toán lính canh khiếp sợ,
và các bà sợ hãi nhưng vui mừng (x. Mt 28, 4-5). Người đã sống lại qua sự thay
đổi lạ thường trong thái độ của các môn đệ như sách Tông Đồ Công Vụ đã ghi
chép: “Chúng tôi, những kẻ đã được cùng
ăn cùng uống với Người, sau khi Người từ cõi chết sống lại” (Cv 10, 41). Với
chúng ta hôm nay, Chúa Phục sinh là một chân lý đức tin, và cũng là nền tảng đức
tin của chúng ta. Tuy nhiên, cha tin rằng: việc nhìn lại những diễn biến đức
tin của các chứng nhân đầu tiên về Chúa Phục sinh, sẽ làm cho đức tin của chúng
ta được củng cố nhiều hơn. Vậy, các nhân chứng ấy đã phản ứng như thế nào trước
sự Phục sinh của Chúa?
2. Những
người đã tin
a. Maria Mađalêna
Maria Mađalêna người phụ nữ được Chúa Giêsu cứu
khỏi quỉ ám… bà là người trung thành, là một trong ít người có mặt trên núi Sọ,
đã chứng kiến trọn vẹn cuộc khổ nạn và mai táng của Chúa Giêsu, người Thầy đáng
kính của mình (x. Ga 19, 25). Maria Mađalêna là một trong ba người phụ nữ đến
viếng mộ Chúa từ tảng sáng ngày thứ nhất trong tuần (x. Mt 28, 1). “Sao các bà lại tìm Người Sống ở giữa kẻ chết?
Người không còn đây nữa, nhưng đã trỗi dậy rồi.” (Lc 24, 5-6). Chúng ta
cũng dễ dàng hiểu được rằng, tại sao Maria Mađalêna như đã bỏ ngoài tai sự loan
báo ấy. Thưa tất cả là vì lòng yêu mến. Ước mong duy nhất của bà lúc này là được
chăm sóc cho thân xác của Thầy mình một cách cẩn thận và chu đáo
hơn : “mang theo dầu thơm đã
chuẩn bị sẵn” để ướp xác Chúa Giêsu (x. Lc 24, 1). Lòng yêu mến ấy đã được
Chúa Phục sinh ân thưởng. Đức Giêsu gọi: Ma-ri-a! Bà quay lại và đáp “Lạy
Thầy” (x. Ga 20, 16). Niềm tin vào Đấng Phục sinh của bà đã trở nên trọn vẹn
và mạnh mẽ nhất khi nó được được chia sẻ cho những người khác : “Tôi đã thấy Chúa”, và bà kể lại những điều
Người đã nói với bà. (x. Ga 20, 11-18). Câu chuyện của bà đã để lại cho
chúng ta một bài học đáng quý: Khi bạn thực sự yêu mến Chúa nhân lành, bạn sẽ
không gặp khó khăn gì để tin.
b. Phêrô và Gioan
Nhận được lời báo tin của Maria Mađalêna, cả
hai cùng chạy đến mồ, cùng vào trong mồ, cùng nhìn thấy những sự việc như nhau
(x. Ga 20, 3-8). Tuy nhiên, thái độ của hai ông thì có phần khác nhau. Gioan đã
thấy và ông đã tin, Phêrô thì im lặng. Sự im lặng của ông trong lúc này dường
như thể hiện sự cẩn trọng hơn là một thái độ xua tan niềm tin vào sự sống lại của
Thầy mình. Bởi lẽ ông đang bị tác động bởi những ký ức về tính bộc trực dẫn đến
những sa ngã nhớ đời của mình. Chính vì thế, giờ phút này, khi chứng kiến ngôi
mộ của Thầy đang trong tình trạng trống trãi một cách có trật tự: khăn và băng
vải được cuốn lại và xếp riêng ra một nơi (x. Ga 20, 7), dù vậy, ông đang muốn
thể hiện niềm tin của mình một cách khiêm tốn và thận trọng hơn. Dựa trên những
suy nghĩ này, cha tin rằng, cả Phêrô và Gioan đều có những xác tín nhất định về
việc sống lại của Thầy mình.
Tâm trạng của hai vị Tông đồ trong ngày đầu
Chúa sống lại làm phong phú thêm bài học đáng quý ở trên: Khi bạn thực sự yêu mến
Chúa nhân lành, bạn sẽ không gặp khó khăn gì để tin.
c. Người
Pharisêu
Có lẽ các con sẽ ngạc nhiên khi cha nhắc đến
những thành phần này trong nhóm những người tin vào Chúa. Tường thuật Phúc âm
cho thấy mục tiêu của những người Pharisêu là tìm mọi cách để loại bỏ sớm nhất
sự hiện diện của Chúa Giêsu trong Do Thái giáo. Sự kiện táng xác Chúa Giêsu vào
trong mồ tưởng chừng như đã kết thúc tất cả. Thế nhưng niềm vui chiến thắng của
họ nhanh chóng bị đổi thành nỗi âu lo bởi những sự kiện lạ lùng: bức màn trong
Đền Thờ xé ra làm đôi, xác của nhiều vị thánh đã an nghỉ được trỗi dậy (x. Mt
27, 51-54) và những lời tường trình của lính canh giữ mộ. Thế là, một cuộc hội
ý khẩn cấp được diễn ra. “Các thượng tế
liền họp với các kỳ mục; sau khi bàn bạc, họ cho lính một số tiền lớn, và bảo:
'Các anh hãy nói như thế này: Ban đêm đang lúc chúng tôi ngủ, các môn đệ của hắn
đã đến lấy trộm xác…'” (Mt 28, 12-15).
Đứng ở một góc nhìn nào đó, những sự việc đang
diễn ra trong nội bộ của các thượng tế và những người Pharisêu ngay lúc này, chứng
tỏ họ đã tin một cách chắc chắn rằng Chúa Giêsu đã sống lại. Họ không thể
phủ nhận điều đó, nhưng muốn che giấu nó bằng một kịch bản thô sơ: chúng tôi
đang ngủ….
3. Những
người chậm tin
a. Hai môn đệ làng
Em-mau
Thánh Luca đã ghi lại sự buồn bã và thất vọng ấy
qua câu chuyện của hai môn đệ trên đường Em-mau. Sợ hãi và thất vọng là tâm trạng
chung của tất cả các môn đệ Chúa Giêsu sau khi Người được mai táng trong mồ.
Trong tâm trạng như thế, cho nên hai ông cũng không nhận ra Chúa Giêsu đến gần
và cùng đàm đạo với hai ông. Nhưng cuộc gặp gỡ vô tình này như một cơ hội để
trút hết những nỗi buồn trĩu nặng. Hai môn đệ ấy đã thổ lộ nỗi lòng: phần chúng
tôi, trước đây vẫn hy vọng Chúa Giêsu sẽ cứu chuộc Israel, nhưng…. các việc ấy
xảy ra đến nay là ngày thứ ba rồi (x. Lc 24, 18…). Phán đoán theo hình thức bên
ngoài, theo Chúa vì lợi ích trần gian, khi gian nan thử thách xảy đến, nó sẽ trở
thành chiếc nút thắt chặt chúng ta trong thất vọng và hối tiếc. Chúa Phục sinh
đã giúp hai môn đệ cởi bỏ chiếc nút này một cách hiệu quả bằng việc mời gọi các
ngài hướng về Lời Chúa : “Nào Đấng
Ki-tô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của
Người sao?” (Lc 24, 26).
Và cuối cùng, niềm vui Chúa Phục sinh cũng đã
bừng lên, hòa nhập với niềm vui của các anh em môn đệ khác khi các ngài quay trở
lại Giêrusalem.
b. Tông đồ Tôma
Niềm vui Chúa Phục sinh đang dần xóa tan nỗi sợ
hãi và thất vọng nơi các môn đệ, bỗng nhiên bị chùng xuống bởi lời tuyên bố cứng
rắn và lạnh lùng của Tôma: “Nếu tôi
không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không
đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin” (Ga 20, 25b).Với
Tôma, việc Chúa sống lại là điều không thể và mãi mãi là không thể xảy ra. Chúa
Phục sinh biết rất rõ Tôma là ai và đang cần gì trong lúc này, Người đã kiên nhẫn
trao cho ông điều đó, khiến ông thay đổi hoàn toàn con người của mình qua
lời tuyên xưng: “Lạy Chúa của con, lạy
Thiên Chúa của con”. Chắc chắn rằng, Chúa không chê trách Tôma, nhưng
qua con người luôn muốn có bằng chứng trong mọi sự ấy, Chúa chúc phúc cho những
người không thấy mà tin : “Vì đã thấy
Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!...” (Ga 20,
24-28).
Chúng con lưu ý đôi khi trong đời sống đức tin
của chúng ta chỉ biết hoài nghi vào những điều phải tin, trái lại quá tin tưởng
vào những điều bình thường của cuộc sống! ... Ít quan tâm đến những lời tiên
tri về Chúa... về những phép lạ của Chúa Giêsu... Vì thế chúng con nên : “Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con”
(Lc 17, 5).
4. Sống
niềm tin vào Chúa Phục Sinh
Các con thân mến, việc chúng ta nhìn lại phản ứng
đức tin của tất cả những nhận vật trên đây, hoàn toàn không phải để so sánh hay
nhận định, nhưng ngang qua những cung bậc đức tin ấy, niềm tin vào Chúa Phục
sinh chúng ta sẽ được củng cố vững chắc hơn. Tuy nhiên, niềm tin này đòi buộc
chúng ta phải sống, phải thể hiện như là một nhân chứng cho Tin mừng Chúa Phục
sinh. Trong Sứ điệp Mùa Chay năm nay 2022, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chỉ cho
chúng ta phương cách sống Mùa Chay thật ý nghĩa qua cụm từ: Gieo và Gặt. Đó cũng là cách thức xứng
hợp để chúng ta sống và thể hiện niềm tin vào Chúa Phục sinh. Thánh Phaolô
đã chỉ ra mối liên hệ chặt chẽ giữa gieo và gặt khi khẳng định: “Ai gieo ít thì sẽ gặt ít và ai gieo nhiều
thì sẽ gặt được nhiều” (2Cr 9, 6). Tục ngữ có câu: “Có gieo là sẽ có gặt”. Từ đây ta có thể
suy ra: ta gieo điều gì thì sẽ gặt điều đó. Gieo gió thì sẽ gặt bão, gieo hạt
lành sẽ gặt được quả ngon. Vậy, theo ý Đức Thánh Cha, đừng ngại khó khăn, các
con hãy gieo thật nhiều các việc lành. Các con cũng hãy gieo siêng năng
trong việc sống đạo, gieo tích cực trong việc tham dự Thánh Lễ, gieo nhiệt
thành trong các việc bác ái và tông đồ, gieo kiên trì trong việc sống theo ý
Chúa. Cha tin rằng, các con sẽ vui mừng trong mùa gặt phần rỗi đời đời của
mình. Đó cũng là lời chúc mừng lễ Phục sinh của cha đến tất cả các con.
MỪNG
CHÚA PHỤC SINH. ALLELUIA.
Vĩnh Long, ngày 12 tháng 4 năm 2022.
Phêrô Huỳnh Văn Hai
Giám mục Giáo Phận Vĩnh Long
Chủ tịch Ủy Ban Giáo Dục Công Giáo