THÁNH LỄ TẠI SÂN VẬN ĐỘNG QUỐC GIA BAHRAIN

Ngọc Yến - Vatican News

Vatican News (05.11.2022) – Thứ Bảy, ngày 05/11/2022, ngày thứ ba trong chuyến tông du của Đức Thánh Cha đến Bahrain. Vào lúc 7 giờ 40, giờ địa phương, Đức Thánh Cha đi xe đến Sân vận động quốc gia Bahrain cách nơi ở của ngài 7km để dâng Thánh lễ với các tín hữu.

Sân vận động quốc gia Bahrain

 

Sân vận động quốc gia

Sân vận động quốc gia Bahrain nằm ở phía đông Riffa, nơi ở của gia đình Hoàng gia Bahrain. Sân có sức chứa khoảng 30.000 người, được xây dựng từ năm 1982 và đã được cải tạo vào tháng 12/2012 để tổ chức giải đấu Cúp bóng đá vịnh Ả Rập lần thứ 21, và được sử dụng chủ yếu cho các trận đấu bóng đá và các sự kiện thể thao quan trọng của quốc gia.

Thánh lễ cầu nguyện cho hoà bình và công lý

Khi đến nơi, Đức Thánh Cha được chào đón nồng nhiệt bởi các tín hữu đến từ bốn quốc gia của Hạt Đại diện Tông toà Bắc Ả Rập - Bahrain, Kuwait, Qatar, Ả Rập Xê Út và các quốc gia khác của Vùng Vịnh, cũng như từ các vùng lãnh thổ khác.

Đức Thánh Cha chủ sự Thánh lễ cầu nguyện đặc biệt cho hoà bình và công lý. Vì thế trong bài giảng ngài tập trung vào ý chỉ này đồng thời mời gọi các tín hữu nỗ lực không ngừng để nhân loại thực sự được sống trong hoà bình và công lý.

 

Sân vận động quốc gia

Quyền bính của Chúa Giêsu là tình yêu

Bài giảng của Đức Thánh Cha tập trung vào đoạn Tin Mừng Matthêu 5,38-48 được công bố trong Thánh lễ, trong đó Chúa mời gọi các môn đệ yêu thương tất cả mọi người, không loại trừ ai, yêu thương cả kẻ thù.

Ngài bắt đầu bài giảng như sau: “Về Đấng Mêsia mà Thiên Chúa sẽ cho xuất hiện, ngôn sứ Isaia nói: ‘Người sẽ mở rộng quyền bính, và lập nền hoà bình vô tận’ (Is 9, 6). Xem ra điều này là một sự mâu thuẫn: thực tế, trong bối cảnh của thế giới này, chúng ta thường thấy khi người ta càng tìm kiếm quyền lực, thì hòa bình càng bị đe dọa. Trái lại, ngôn sứ đưa ra một loan báo về sự mới lạ ngoại thường: Đấng Mêsia đến với quyền bính, nhưng không theo cách của một thủ lãnh gây chiến và thống trị người khác, nhưng là một ‘Hoàng tử hòa bình’, Đấng hòa giải con người với Thiên Chúa và giữa con người với nhau. Quyền bính của Người không đến từ sức mạnh của bạo lực, nhưng đến từ sự yếu đuối của tình yêu. Quyền bính của Chúa Kitô là tình yêu. Chúa Giêsu cũng ban cho chúng ta chính quyền bính đó nhân danh Người, quyền bính để yêu thương, yêu thương như Người đã yêu. Bằng cách nào? Một cách vô điều kiện: chúng ta không chỉ yêu thương khi mọi thứ diễn ra tốt đẹp, nhưng phải luôn yêu thương; không chỉ đối với bạn bè và hàng xóm, nhưng yêu thương tất cả mọi người, kể cả kẻ thù”.

 

Đức Thánh Cha chào các tín hữu

Luôn yêu thương 

Ở điểm này, Đức Thánh Cha mời gọi: “Luôn yêu thương và yêu thương tất cả mọi người: Chúng ta hãy dừng lại và suy ngẫm về điều này”.

Và Đức Thánh Cha diễn giải rằng Lời Chúa trong Tin Mừng Matthêu mời gọi chúng ta luôn yêu thương, nghĩa là luôn luôn ở trong tình yêu Người, nuôi dưỡng tình yêu đó và đem ra thực hành, trong mọi hoàn cảnh sống của chúng ta. Tuy nhiên, cần chú ý: cái nhìn của Chúa Giêsu là cụ thể; Chúa không nói điều đó sẽ dễ dàng, và đây không phải tình yêu theo tình cảm hay lãng mạn, như thể trong các mối quan hệ con người sẽ không có những lúc xung đột hoặc giữa các dân tộc sẽ không có các lý do thù địch. Chúa Giêsu không duy tâm, nhưng thực tế: Người nói rõ về “sự dữ” và “kẻ thù” (câu 38 và 43). Người biết rằng trong các mối quan hệ của chúng ta có một cuộc đấu tranh hàng ngày giữa tình yêu và thù hận. Cũng vậy, trong tâm hồn chúng ta, mỗi ngày có xung đột giữa ánh sáng và bóng tối: giữa nhiều quyết tâm và ước muốn điều tốt và sự yếu đuối tội lỗi thường lôi kéo chúng ta làm điều ác. Chúa cũng biết không phải lúc nào chúng ta cũng nhận được điều tốt như mong đợi khi nỗ lực sống quảng đại, trái lại, có những lúc chúng ta phải chịu đựng điều ác một cách không thể hiểu được. Hơn nữa, Chúa đau khổ khi nhìn thấy trong thời đại chúng ta và ở nhiều nơi trên thế giới, những cách thực thi quyền bính nuôi dưỡng sự áp bức và bạo lực, tìm cách mở rộng không gian của chính mình bằng cách hạn chế không gian của người khác, áp đặt sự thống trị và hạn chế các quyền tự do cơ bản, và theo cách này áp bức người yếu đuối. Chúa Giêsu nói, như thế có xung đột, áp bức và thù nghịch.

Dâng lễ vật

Sống tình huynh đệ cách cụ thể

Trước tất cả những điều này, câu hỏi quan trọng cần đặt ra là: Chúng ta phải làm gì trong những tình huống như vậy? Câu trả lời của Chúa Giêsu gây ngạc nhiên, mạnh mẽ và táo bạo. Người yêu cầu các môn đệ can đảm mạo hiểm trước một điều dường như rõ ràng là thất bại. Người yêu cầu các môn đệ luôn trung thành trong yêu thương, bất chấp mọi sự, ngay cả khi đứng trước sự dữ và kẻ thù. Phản ứng bình thường của con người sẽ là “mắt đền mắt, răng đền răng”,nhưng điều đó có nghĩa là thực thi công lý bằng chính vũ khí của sự ác nhận được. Chúa Giêsu dám đề xuất một cái gì đó mới, khác biệt, không thể tưởng tượng được, theo cách riêng của Người. “Thầy bảo anh em, đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả bên trái ra nữa” (câu 39). Đây là điều Chúa yêu cầu chúng ta: không mơ ước một cách lý tưởng về một thế giới huynh đệ, nhưng dấn thân, bắt đầu từ chính chúng ta, bắt đầu sống cụ thể và can đảm tình huynh đệ phổ quát, kiên trì trong điều tốt ngay cả khi chúng ta nhận điều ác, phá vỡ vòng xoáy của sự báo thù, giải giáp bạo lực, loại bỏ vũ khí khỏi con tim. Thánh Tông đồ Phaolô lặp lại lời Chúa Giêsu khi viết: “Đừng để cho sự ác thắng được mình, nhưng hãy lấy thiện mà thắng ác” (Rm 12, 21).

Vì thế, lời mời gọi của Chúa Giêsu trước hết không liên quan đến những vấn đề lớn của nhân loại, nhưng là những tình huống cụ thể trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta: các mối quan hệ trong gia đình và trong cộng đoàn Kitô, tại nơi làm việc và trong xã hội. Sẽ có những bất hoà, căng thẳng, xung đột và quan điểm đối lập, nhưng ai theo Hoàng tử hòa bình phải luôn hướng tới hòa bình. Và hòa bình không thể được khôi phục nếu một lời thô lỗ được đáp lại bằng một lời đôi khi còn khiêu khích hơn, nếu một cái tát theo sau một cái tát khác. Không, chúng ta cần phải “giải trừ vũ khí”, phá vỡ xiềng xích của cái ác, phá vỡ vòng xoáy bạo lực, chấm dứt sự oán giận, thôi than phiền và ăn vạ. Chúng ta phải luôn yêu thương. Đây là cách Chúa Giêsu làm vinh danh Thiên Chúa trên Trời và xây dựng hòa bình nơi mặt đất. Luôn yêu thương.

 

Thánh lễ

Yêu thương tất cả mọi người

Đức Thánh Cha diễn giải tiếp khía cạnh thứ hai: yêu thương tất cả mọi người. Ngài nói rằng chúng ta có thể cam kết yêu thương, nhưng chưa đủ nếu chúng ta thu hẹp cam kết này trong phạm vi gần gũi của những người yêu thương chúng ta, những người bạn hoặc những người giống chúng ta. Trong trường hợp này, lời mời gọi của Chúa Giêsu gây ngạc nhiên vì nó vượt qua ranh giới của luật pháp và lẽ thường. Yêu thương người lân cận, những người gần gũi với chúng ta, mặc dù hợp lý, là đã khó lắm rồi. Nói chung, đây là những gì một cộng đồng hoặc một dân tộc cố gắng làm để giữ sự bình an cho chính cộng đồng hoặc dân tộc đó. Nếu chúng ta thuộc cùng một gia đình hoặc quốc gia, hoặc có cùng ý tưởng hoặc sở thích và tuyên xưng cùng một đức tin, thì việc chúng ta cố gắng giúp đỡ và yêu thương nhau là điều bình thường. Tuy nhiên, điều gì sẽ xảy ra nếu những người ở xa đến gần chúng ta, nếu họ là người nước ngoài, những người khác biệt hoặc có niềm tin khác, trở thành người lân cận của chúng ta? Chính vùng đất này là một hình ảnh sống động về sự cùng tồn tại trong sự đa dạng, và thực sự là một hình ảnh của thế giới chúng ta, ngày càng được đánh dấu bởi sự di cư liên tục của các dân tộc và bởi sự đa nguyên của các ý tưởng, tập quán và truyền thống. Do đó, điều quan trọng là phải đón nhận lời mời gọi của Chúa Giêsu: “Nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao?” (Mt 5, 46). Nếu chúng ta muốn trở thành con của Cha và xây đắp một thế giới huynh đệ, thì thách đố thực sự là học cách yêu thương tất cả mọi người, ngay cả kẻ thù: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (câu 43-44). Thực tế, điều này có nghĩa là chọn không có kẻ thù, không nhìn thấy người khác là một trở ngại cần vượt qua, nhưng là một người anh chị em để yêu thương. Yêu thương kẻ thù là làm cho trái đất này trở thành sự phản chiếu của Nước Trời; là làm hướng xuống trần gian cái nhìn và con tim của Cha, Đấng không phân biệt đối xử hay kỳ thị, nhưng là “Đấng cho mặt trời của người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính” (câu 45).

 

Thánh lễ

Cần phải cầu xin để có thể yêu thương tất cả mọi người

Đức Thánh Cha giải thích thêm: “Quyền bính của Chúa Giêsu là tình thương và Chúa ban cho chúng ta quyền bính để yêu thương theo cách này, cách có vẻ siêu phàm đối với chúng ta. Tuy nhiên, khả năng này không thể chỉ là kết quả của những nỗ lực của chính chúng ta; nhưng trước hết là ân sủng. Một ân sủng phải được cầu xin không ngừng: ‘Lạy Chúa Giêsu, Chúa yêu thương con, xin dạy con yêu thương như Chúa. Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã tha thứ cho con, xin dạy con biết tha thứ như Chúa. Xin gửi Thánh Thần tình yêu đến trên con’. Chúng ta hãy cầu xin ân sủng này. Bởi vì nhiều khi chúng ta xin Chúa chú ý đến nhiều nhu cầu, nhưng điều cần thiết đối với Kitô hữu là biết yêu thương như Chúa Kitô yêu. Tình yêu là hồng ân tuyệt vời nhất, và chúng ta lãnh nhận được khi chúng ta dành chỗ cho Chúa trong cầu nguyện, khi chúng ta chào đón sự hiện hiện của Người trong Lời của Người vốn có sức biến đổi chúng ta và trong sự khiêm nhường mang tính cách mạng của Bánh được bẻ ra. Do đó, từng bước, làm sụp đổ những bức tường làm chai đá con tim chúng ta, và chúng ta tìm được niềm vui khi thi hành lòng thương xót đối với mọi người. Sau đó, chúng ta nhận ra rằng hạnh phúc trong cuộc sống đến qua các mối phúc và bao gồm việc chúng ta trở thành những người xây dựng hòa bình (Mt 5, 9)”.

Kết thúc bài giảng, Đức Thánh Cha bày tỏ lòng biết ơn đối với các tín hữu của Bahrain vì “chứng tá hiền lành và vui tươi của anh chị em về tình huynh đệ, về việc anh chị em trở thành hạt giống của tình yêu thương và bình an nơi mảnh đất này. Đó là thách đố mà Tin Mừng đưa ra hàng ngày cho các cộng đoàn Kitô của chúng ta và cho mỗi chúng ta”. 

Cuối cùng, hướng tất cả các tín hữu đang tham dự Thánh lễ, đến  từ bốn quốc gia của Hạt Đại diện Tông toà Bắc Ả Rập - Bahrain, Kuwait, Qatar, Ả Rập Xê Út và các quốc gia khác của Vùng Vịnh, cũng như từ các vùng lãnh thổ khác, Đức Thánh Cha nói: “Hôm nay tôi mang đến lòng quý mến và sự gần gũi của Giáo hội hoàn vũ, nhìn và ôm lấy anh chị em, yêu mến và khuyến khích anh chị em. Xin Đức Trinh Nữ, Đức Mẹ Ả Rập, đồng hành cùng anh chị em trên hành trình và luôn gìn giữ anh chị em trong yêu thương đối với tất cả mọi người”.

 

Quà của ĐTC cho Giáo hội Bahrain

Cuối Thánh Lễ, Đức cha Paul Hinder, OFM., Giám quản Hạt Đại diện Tông toà Bắc Ả Rập đã cảm ơn Đức Thánh Cha về chuyến viếng thăm, đặc biệt là Thánh lễ này.

Sau Thánh Lễ, Đức Thánh Cha trở về nơi ở để dùng bữa trưa riêng và chuẩn bị cho chương trình buổi chiều.

Nguồn: vaticannews.va/vi