TGP TP.HCM: Thường huấn linh mục

WGPSG – Vào lúc 8g30 sáng thứ tư 30-9-2009, các linh mục của Tổng Giáo phận TP.HCM đã tề tựu tại Trung tâm Mục vụ TGP.TPHCM để tham dự buổi Thường huấn học hỏi về Thông điệp Caritas in Veritate (Bác ái trong Chân lý) của ĐTC Bênêđictô XVI.

Khi vào Hội trường, các linh mục nhận được hai tài liệu:

– Bản dịch toàn bộ Thông điệp Caritas in Veritate (Bác ái trong Chân lý) 158 trang, do Uỷ Ban Giáo lý Đức tin trực thuộc HĐGMVN thực hiện (Cha Augustinô Nguyễn Văn Trinh chuyển ngữ, và Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm hiệu đính).

– Bản tóm tắt từng số (79 số) của Thông điệp (do ĐHY GB. Phạm Minh Mẫn thực hiện), kèm theo Lời ĐTC giới thiệu Thông điệp, và Lời Chủ Chăn: “Giáo dục Kitô giáo và sự phát triển toàn vẹn”.

""Khởi đầu cho phần Thường huấn,  ĐGM Phụ tá Phêrô Nguyễn Văn Khảm đã trình bày: “Một vài ghi nhận khi đọc Thông Điệp Bác ái trong Chân lý”. Ngài lần lượt trình bày:

– Lược đồ của Thông điệp

– Một Thông điệp xã hội

– Bác ái trong chân lý: sức mạnh điều hướng sự phát triển đích thực

– Bác ái trong chân lý: nguyên tắc hướng dẫn mọi lãnh vực của đời sống.

Nối tiếp phần Thường huấn, Đức Hồng y GB. Phạm Minh Mẫn muốn đào sâu hai chữ Chân lý của Thông điệp. Ngài chia sẻ những kinh nghiệm cụ thể về một chân lý bị con người ngày nay bóp méo, để nhắc nhở mọi người cần đi đến Chân lý trọn hảo đích thực là chính Đức Kitô. Ngài nhắc lại hai lời khuyên của ĐTC khi các giám mục Việt Nam đi Ad Limina:

– Mở rộng và nâng cao kiến thức đức tin của các tín hữu. ĐHY nhấn mạnh “phải xem lại cốt lõi: đằng sau những sinh hoạt rườm rà, chúng ta nhắm dạy cái gì? Đâu là phần cốt lõi? Bản chất của Đạo Chúa là gì?” Thông điệp Caritas in Veritate chỉ cho ta thấy cốt lõi đó.

– Là tín hữu tốt thì sẽ là người công dân tốt. Khi thực thi Bác ái trong Chân lý, người ta sẽ vượt qua được sự hẹp hòi của đối đầu để đi đến đối thoại. Đối thoại để tìm thấy Chân lý thật, và sống Bác ái trong Chân lý đó.

ĐHY lấy ý của Thông điệp: “Không tin vào Thiên Chúa, con người sẽ không biết mình đi về đâu, và cũng sẽ không biết mình là ai.” Ngài so sánh hai nước Nhật và Hàn. Hai nước giống nhau ở chỗ đều là những nước tiến bộ về khoa học kỹ thuật. Nhưng khác nhau về mặt tôn giáo:

– Nhật không phát triển về niềm tin tôn giáo. Nhật rất giàu, nhưng tự tử lại quá nhiều: mỗi ngày có hơn 100 người chết vì tự vẫn. Lý do: quá căng thẳng vì cạnh tranh quyết liệt trong học hành cũng như trong kinh doanh. Và không có niềm tin dẫn lối, đành tìm giải quyết bằng cách tự sát khi thất vọng hoặc thất bại...

– Hàn Quốc phát triển khá mạnh về niềm tin tôn giáo, họ phát biểu: “Những gì chúng tôi có được là do Trời ban”, nên tâm hồn thanh thản...

Người Việt Nam cũng có niềm tin vào Trời, Phật như thế. Đó là điều đáng mừng và cần phát huy.

Cũng với tinh thần của Thông điệp, ĐHY vẫn thường khuyên các doanh nhân công giáo phải chăm sóc cho các công nhân, và sản xuất có chất lượng thật, không lừa gạt, gian dối...

Sau phần Thường huấn, ĐGM Phụ tá Phêrô có một vài thông tin về việc xây dựng của Trung Tâm Mục vụ TGP.TPHCM: mục đích của TTMV là để phục vụ sinh hoạt đào tạo và mục vụ của toàn giáo phận. Trung tâm hiện đã có 3 Hội Trường mang tên các vị chủ chăn lớn của Tổng Giáo Phận:

– Hội trường Hồng y GB. Phạm Minh Mẫn: có sức chứa 1000 người.

– Hội trường TGM. Phaolô Nguyễn Văn Bình (ở lầu 3): dành cho những hội nghị đặc biệt và ít người như Hội nghị của HĐGM. VN.

– Hội trường Hồng y FX. Nguyễn Văn Thuận (ở lầu 1): có sức chứa 250 người.

TTMV cũng gần hoàn thành dẫy nhà dành để huấn luyện các chủng sinh dự bị, hơn 30 phòng ở cho khách dự hội nghị hoặc tĩnh tâm, một nguyện đường trang nghiêm thánh thiện...

Đức cha Phêrô chỉ vào “một chiếc ngai Giám mục” tượng trưng cho sự hiện diện ấm cúng của ĐHY tại TTMV, và nhân dịp này, TTMV cũng ngỏ ý kính tặng Nhà Thờ Đức Bà “chiếc ngai Giám mục” này.

Buổi Thường huấn kết thúc bằng một phút im lặng cầu nguyện cho các nạn nhân của cơn bão số 9 (Ketsana) vừa quét vào miền Trung Việt Nam.