Giáo phận Xuân Lộc
Tâm Tình Mục Tử tháng 01 năm 2025
‘Ánh Sáng và Sợi Chỉ’
Quý Cha, quý Tu sĩ thân mến,
Sống giữa Dân Thánh của Chúa, vào thời điểm này, các mục tử đón nhận rất nhiều tâm tình bổ dưỡng tâm hồn. Giáo hội đang hành hương trải qua hồng phúc Chúa Giáng Sinh, bước sang năm mới kỷ niệm ‘Ngọc Khánh thành lập Giáo phận Xuân Lộc’ và tiến vào Năm Thánh toàn cầu: ‘Những người hành hương của Hy Vọng’.
Một
Các mục tử cần sống đậm đà Năm Thánh, tránh nguy cơ cuộc đời… như dòng sông khô cạn không còn chuyển nổi một giọt nước nào… như người mẹ ‘buồn’ không còn chút sữa nuôi con… như giây nho khô nhựa không thể trổ bông trái…
Tâm tình mục tử xin anh chị em tham khảo Tông sắc ‘Spes non Confundit’(viết tắt: SnC), ‘Sắc lệnh về ban Ân Xá’ của Tòa Ân Giải Tối Cao và ‘Thư Định Hướng Mục Vụ’ của Giáo phận, để hướng dẫn cộng đoàn được ủy thác cho mình sống Năm Thánh.
Hai
Cùng với dòng suy tư phong phú của Năm Thánh, ta không thể quên hai phẩm tính cơ bản của hiện hữu người: ‘Thời gian tính và không gian tính’:
(1) Từ ngữ ‘Năm Thánh’ đưa ta về tầm nhìn vĩ đại ‘thánh hóa thời gian’ của Dân Thiên Chúa. Mọi tạo vật đều mang chiều kích thời gian. Riêng con người, tạo vật có khả năng biết ‘thời gian tính’ nơi mình gọi là ‘đời người’ và muốn làm đầy bằng ‘nghĩa lý’, ‘lẽ sống’. Thời gian cũng làm con người trăn trở xao xuyến vì ‘đời người’ như dòng nước trôi qua kẽ tay sẽ ‘hao mòn’ và dần dà đến gần cái chết.
Năm Thánh là một trong nhiều di sản Dân Thánh nhận được từ thời Cựu Ước. Truyền thống tư tế khám phá tinh thần ‘sabbat’ (hưu lễ), phân biệt thời gian cho công việc và thời gian dành cho Thiên Chúa. Israel thực hiện một hoạt động ‘tầm cỡ’: Con người không bị lệ thuộc thời gian nhưng làm chủ thời gian khi tin nhận Thiên Chúa Đấng làm chủ thời gian. Có Đấng mạnh mẽ hơn thời gian và là Đấng duy nhất ‘chuộc lại’ thời gian nhờ quyền năng sống lại. Israel đã thực hiện ‘ngày hưu lễ’ hằng tuần, thành ‘ngày sabbat’, ‘năm hưu lễ’ của chu kỳ bảy năm và chu kỳ bảy lần bảy năm, thành ‘năm sabbat’. Đây là ‘sabbat’ kính Đức Chúa, ‘sabbat’ xá tội, ‘sabbat’ ân xá. Tất cả trở về cội nguồn Thiên Chúa: đất đai nghỉ ngơi, nợ nần được xóa, nô lệ được tự do, và thời gian của lịch sử được thánh hóa (x. Lv 25: 1-12).
(2) Một biểu tượng đặc sắc của Năm Thánh là ‘Mở Cửa Thánh’. Hành vi này nhấn mạnh chiều kích hữu chất, ‘không gian tính’ của con người. Bên cạnh ‘thời gian tính’, mọi người còn mang chiều kích ‘không gian tính’. Chúng ta nghiệm được ‘không gian tính’ khi hằng ngày ta mở cửa - đóng cửa để đi ra - đi vào và biết đâu… để đón tiếp - xua đuổi. Trong giấc mơ về chiếc thang nối đất- trời, trên đó các Thiên Thần lên xuống, tổ phụ Giacóp thốt lên: ‘Nơi này đáng sợ thay! Đây là nhà của Thiên Chúa, là cửa trời’ (St 28: 17).
Giáo hội ‘Mở Cửa Thánh’ đi vào không gian nơi đền thờ tại thế bao hàm ý nghĩa ‘Mở Cửa Thánh’ nơi đền thờ trên trời: ‘Này một cửa mở ra trên trời’ (Kh 4: 1). ‘Mở Cửa Thánh’ để đi qua ‘Cửa Giêsu’ vào không gian sống dồi dào: ‘Cửa ràn chiên, chính là Ta !’ … ‘Cửa vào, chính là Ta! Ai ngang qua Ta mà vào thì sẽ được cứu… và sẽ gặp được lương thực’ (Ga 10: 7.9). Thiên Chúa, Đấng cội nguồn sự sống sẽ ‘gìn giữ bạn, lúc ra vào, lui tới, từ giờ đây cho đến mãi muôn đời’ (Tv 121: 8).
Sau khi tham khảo ý kiến các vị hữu trách, tôi đã xác định 17 nơi hành hương:
(a) 13 nhà thờ các cha Quản hạt, bao hàm nhà thờ Chính Tòa.
(b) 3 nơi thờ phượng có ý nghĩa đặc biệt của Giáo phận:
Đại Chủng viện Thánh Giuse,
Trung tâm hành hương Đức Mẹ Núi Cúi,
Xứ Tân Triều quê hương Thánh Tử đạo Phaolô Hạnh (28-5-1859).
(c) Nhà thờ Giáo xứ Phú lý vì xa cách Giáo xứ Hiếu Liêm 38 cây số.
Ba
‘Ánh Sáng và Sợi Chỉ’ là tựa đề diễn từ của nhà văn người Hàn Quốc, Han Kang, được phát biểu khi nhà văn được Viện Hàn Lâm Thụy Điển trao giải Nobel Văn Chương, tại thành phố Stockholm, ngày 07 tháng 12 năm 2024.
Nhà văn quay ngược về bốn mươi năm trước, từ kỷ niệm dòng thơ ban đầu, qua một số tác phẩm tiêu biểu để trải lòng tâm sự về thân phận người và đời người… Mỗi tác phẩm mang nỗi day dứt và thắc mắc khôn nguôi. Tác giả chịu đựng những câu hỏi, sống trong chúng… Những câu hỏi nhìn chằm chằm và thách thức tác giả, chờ đợi câu trả lời.
Vào tháng 4-1979, khi mới tám tuổi, tác giả đã viết dòng thơ:
‘Tình yêu ở đâu? Nó nằm trong lồng ngực đập thình thịch của tôi
‘Tình yêu là gì? Nó là sợi chỉ vàng kết nối trái tim của chúng ta’
Tác phẩm ‘Người ăn chay’ kể về nhân vật lựa chọn không ăn thịt để từ chối bạo lực, cuối cùng từ chối mọi đồ ăn, thức uống… với niềm tin mình đã biến thành cây… nhưng lại rơi vào tình trạng mỉa mai ‘càng muốn tự cứu mình thì càng nhanh chóng hướng đến cái chết’. ‘Điều gì sẽ xẩy ra với cá nhân từ chối thuộc về giống loài gọi là ‘con người’?
Lúc mười hai tuổi, tác giả gặp cuốn ‘Sách ảnh Gwangju’, ghi lại bằng hình những thường dân, sinh viên Gwangju bị giết bằng gậy, lưỡi lê và súng đạn thời đảo chính năm 1980. Là một đứa trẻ, tác giả chưa hiểu mấy ý nghĩa chính trị, nhưng những cảnh tượng, những khuôn mặt dập nát trong sách đã hằn in trong tâm trí thơ ngây câu hỏi: ‘Đây có phải là hành động của một con người đối với con người hay không ?’... Nhưng khi xem tấm hình đoàn người vô tận chờ hiến máu bên ngoài bệnh viện, tác giả tự hỏi: ‘Đây có phải là hành động của một con người đối với con người hay không?’
… Và còn nhiều bạo lực khắp thế giới… Càng ngày tác giả chạm trán trước những câu hỏi không thể trả lời. Va vấp những khía cạnh đen tối dai dẳng nhất của nhân loại, tác giả cảm thấy những tàn dư của niềm tin vào con người, vốn đã gẫy đổ, nay vỡ vụn hoàn toàn.
Một ‘biến cố’ xẩy đến, biến cố rất lớn trong ‘một’ con người ‘nhút nhát, trầm tính’. Anh là giáo viên trẻ dạy trường buổi tối, tham gia ‘cộng đoàn’ những công dân tự trị hình thành trong mười ngày nổi dậy tháng 5-1980, ở Gwangju. Trong đêm trước ngày bị bắn chết, anh ghi nhật ký: ‘Chúa ơi, tại sao lương tâm con lại đau khổ và cắn rứt như vậy? Con muốn được sống…’
Trong tâm tư tác giả, hai cặp câu hỏi được đặt ra:
‘Hiện tại có thể giúp quá khứ không? Người sống có thể cứu người chết không?’
‘Quá khứ có thể giúp hiện tại không? Người chết có thể cứu người sống không?’
Tác giả dần dần nhận ra: ‘quá khứ thực sự đang giúp hiện tại, và người chết đang cứu người sống’.
Tác giả chính là người sống được ‘sống lại’ nhờ anh thanh niên giáo viên đã hy sinh. ‘Con người sao lại bạo lực đến vậy? Đồng thời tại sao ‘con người có thể chống lại bạo lực với sức mạnh áp đảo đến vậy? Để băng qua ‘con đường không thể qua’ nối khoảng không của hai vách đứng của nỗi sợ và phẩm giá con người, tôi cần sự trợ giúp của người chết’.
Tác phẩm ‘Mực và Máu’ khắc sâu câu hỏi: ‘Từ chối cuộc sống và thế giới này để từ chối bạo lực là sự bất khả. ‘Lẽ nào chúng ta không được sống sót đến cùng? Lẽ nào đời ta không là minh chứng cho chân lý?’
Với ‘Những Bài Học Hy Lạp’, tác giả chìm sâu vào những trải nghiệm tâm hồn, minh chứng có những khoảnh khắc bật lên ‘sự sống’. Hai nhân vật, một phụ nữ mất tiếng nói, bị câm và một người đàn ông mất dần thị giác, bị mù… đang đi trong lặng lẽ (câm) và bóng tối (mù). Họ sống ‘hạnh phúc’ khi những ngả đường đơn độc của họ giao nhau… Bàn tay của người phụ nữ với tới và viết vài từ trong lòng bàn tay của người đàn ông… đó là giây phút rực sáng vĩnh hằng…
‘Phải chăng bằng cách quan tâm đến những khía cạnh dịu dàng nhất của nhân loại, bằng cách vuốt ve sự ấm áp không thể chối cãi đang tồn tại ở nhân tính… rốt cuộc, chúng ta có thể tiếp tục sống trong thế giới hữu hạn đầy bạo lực này, phải không?’ ‘Chúng ta đang tiến một bước nữa về phía ánh sáng và sự ấm áp…’ ‘Tôi cảm nhận ánh sáng của sự sống. Tôi cảm thấy ánh sáng và không khí bao bọc tôi trong ấm áp khôn tả…’
‘Phải chăng Tình yêu sinh ra nỗi đau, và nỗi đau là bằng chứng của Tình yêu?’ ‘Chúng ta có thể yêu đến mức nào? Đâu là giới hạn của chúng ta?’ ‘Chúng ta phải yêu đến mức nào để duy trì được nhân tính đến tận cùng?’ ‘Chẳng phải lớp sâu nhất của các truy vấn của tôi đều luôn hướng về tình yêu hay sao? Phải chăng tình yêu thực sự là âm điệu cổ xưa và căn bản nhất trong cuộc đời tôi?’
Anh chị em thân mến,
Xin ghi lại đây câu tóm lược hơn năm mươi năm làm ‘người’, giữa cõi đời thăng trầm phong ba của nhà văn nhận giải Nobel Văn chương 2024: ‘Tình yêu nằm ở một nơi riêng tư được gọi là ‘trái tim của tôi’, đứa trẻ đã viết vào tháng 4-1979. ‘Nó nằm trong lồng ngực đập thình thịch của tôi’. Và về tình yêu là gì, đây là câu trả lời của cô bé: ‘Nó là sợi chỉ vàng kết nối trái tim của chúng ta’ Và… và tác giả từng nguyện cầu: ‘Tôi nguyện cầu cho chúng ta được kết nối’.
Thấm đậm mầu nhiệm Con Thiên Chúa đã nhập thể, ‘Love came down’, những trăn trở của một tâm hồn cao quý như Han Kang, và của mọi tâm hồn nhân loại, tìm được giải đáp. ‘Love came down’ để hiến mạng sống vì người mình yêu. ‘Love came down’ hòa giải con người về Thiên Chúa, trong ‘Ngôi hiệp’, kết nối nhân tính nên một với Thiên tính, nhờ đó, con người đón nhận ơn phục sinh. Chúa Giêsu là Ánh Sáng, là Sợi Chỉ, là Tin Mừng ‘không làm thất vọng vì có nền tảng là Tình Yêu’ (SnC. n. 2).
† Gioan Đỗ Văn Ngân
Giám mục hiệp hành với anh chị em
Nguồn: giaophanxuanloc.net