SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA
NHÂN NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN THÔNG XÃ HỘI
LẦN THỨ 42 – NĂM 2008
Phương tiện truyền thông: trước hai lựa chọn tự tôn phong hay phục vụ.
Tìm kiếm Sự Thật để chia sẻ với người khác.
Anh chị em thân mến,
1. Chủ đề của Ngày Thế Giới Truyền Thông năm nay- “Phương tiện
truyền thông trước hai lựa chọn tự tôn phong hay phục vụ. Tìm kiếm Sự Thật để
chia sẻ với người khác”- soi sáng cho vai trò quan trọng của các phương tiện
truyền thông trong đời sống cá nhân cũng như xã hội. Thật vậy, không có một
linh vực nào trong kinh nghiệm của con người, đặc biệt trước hiện tượng toàn cầu
hoá đang mở rộng, mà trong đó truyền thông lại không nắm giữ một vai trò bao
quát trong các mối tương quan liên vị cũng như trong sự phát triển về xã hội,
kinh tế, chính trị và tôn giáo. Như tôi đã trình bày trong Sứ Điệp Ngày Thế Giới
Hoà Bình đầu năm (1 tháng Giêng 2008): “Các phương tiện truyền thông xã hội, vì
tiềm năng giáo dục đặc thù của nó, giữ một trách nhiệm đặc chuyên trong việc
phát huy sự tôn trọng gia đình, làm sáng tỏ những nguyện vọng và các quyền của
gia đình, cũng như trình bày tất cả vẻ đẹp của nó” (s. 5).
2. Nhờ tiến bộ mau chóng về kĩ thuật, các phương tiện truyền
thông đã thủ đắc được những tiềm lực phi thường, nhưng cũng đặt ra biết bao vấn
đề mới lạ, những vấn nạn chưa từng có trước đây. Người ta không thể phủ nhận những
đóng góp của nó trong việc phổ biến tin tức, truyền đạt những kiến thức về các
biến cố cũng như việc phổ cập thông tin: nó nắm giữ một vai trò quyết định, thí
dụ như trong việc phổ biến văn hoá và trong tiến trình xã hội hoá, cũng như
trong việc phát triển nền dân chủ và đối thoại giữa các dân tộc. Không có những
đóng góp của truyền thông thật khó mà mở mang và củng cố sự thông hiểu giữa các
quốc gia, khó thổi hơi vào các cuộc đối thoại mang tính toàn cầu, khó bảo đảm lợi
ích ưu hảo của việc cập nhật thông tin, mà đồng thời vẫn bảo đảm quyền tự do
trao đổi tư tưởng, nhất là cổ vũ các lí tưởng về tình liên đới và công bình xã
hội. Quả thật, nhìn một cách bao quát, các phương tiện truyền thông không chỉ
là những phương tiện để truyền đạt tư tưởng, mà còn có thể và phải trở thành những
khí cụ để phục vụ thế giới được công bằng và liên đới hơn. Nhưng thật đáng buồn,
các phương tiện truyền thông đang bị biến thành những hệ thống nhắm vào việc bắt
người ta phải lệ thuộc các chương trình đặt ra vì chủ đích lợi nhuận. Điều này
xảy ra khi truyền thông bị lạm dụng vào các mục tiêu tuyên truyền ý thức hệ hoặc
quảng cáo việc tiêu thụ sản phẩm gây ra bực bội. Mệnh danh là trình bày thực tế,
người ta có thể hợp pháp hoá hay áp đặt những kiểu mẫu lệch lạc về đời sống cá
nhân, gia đình và xã hội. Hơn nữa, để thu hút và gia tăng khán thính giả, đôi
khi người ta không ngần ngại đi trệch hướng để đưa vào những cái tầm thường và
bạo lực. Truyền thông cũng có thể trình bày và hỗ trợ các mô hình phát triển,
giúp thăng tiến hơn là chế giảm trình độ kĩ thuật giữa các nước giàu và nước
nghèo.
3. Nhân loại ngày hôm nay đang đứng trước một giao lộ. Người
ta có thể áp dụng đúng mức cho truyền thông những điều tôi đã trình bày trong
Thông điệp Spe Salvi liên quan đến tính hàm hồ của sự tiến bộ, một mặt nó tạo
ra nhiều khả năng mới mẻ để thực hiện điều thiện, nhưng đồng thời nó cũng mở ra
những tiềm lực kinh khủng phát sinh sự ác chưa hề tồn tại trước đây (x. số 22).
Bởi đó, chúng ta phải truy vấn xem có khôn ngoan không khi để cho các phương tiện
truyền thông bị khai thác bừa bãi vào việc “tự phát triển”, và rốt cuộc lại rơi
vào tay những kẻ dụng tâm lèo lái lương tâm con người. Thay vào đó, sao người
ta không ưu tiên bảo đảm cho nó luôn phục vụ con người và thiện ích chung cũng
như vun trồng “việc đào tạo luân lí cho con người…giúp con người phát triển tâm
hồn” (ibid.)? Người ta đều nhìn nhận ảnh hưởng lớn lao của các phương tiện truyền
thông trên đời sống cá nhân cũng như xã hội, tuy nhiên ngày hôm nay cần phải nhấn
mạnh đến bước ngoặt triệt để, hoặc như người ta có thể nói, sự biến thái hoàn
toàn nó đang tạo ra. Hôm nay, truyền thông dường như vẫn không chỉ đòi hỏi
trình bày thực tại mà còn xác định thực tại nhờ đặc quyền và sức mạnh dẫn dụ nó
nắm giữ. Chẳng hạn, rõ ràng là trong một tình hình người ta không sử dụng truyền
thông vào mục đích chính đáng là phổ biến thông tin, mà còn “tạo ra” chính các
biến cố. Chuyện thay đổi chức năng gây nguy hại này đã được nhiều vị lãnh đạo
Giáo Hội quan tâm chỉ vạch. Chính bởi chúng ta đang tiếp cận với những thực tại
có ảnh hưởng sâu đậm trên tất cả mọi khía cạnh của đời sống (luân lí, suy nghĩ,
tôn giáo, tương quan, tình cảm, văn hoá), trong đó cái thiện của con người giao
chuyển, thì cần phải nhấn mạnh rằng không phải tất cả những gì khả thi về mặt
kĩ thuật đều được phép về mặt đạo đức. Do đó, ảnh hưởng của truyền thông trên đời
sống hiện đại đặt ra những vấn nạn không thể tránh né, đòi phải có những lựa chọn
và giải quyết không thể trì hoãn.
4. Vai trò mà các phương tiện truyền thông thủ đắc trong xã
hội phải được nhìn nhận như một phần hoàn chỉnh về vấn đề con người, đang mở ra
như một thách đố trọng yếu trong ngàn năm thứ ba. Giống như những gì đang xảy
ra trong lãnh vực sự sống con người, hôn nhân và gia đình, trong các vấn đề trọng
đại hiện nay liên quan đến hoà bình, công lí, bảo vệ môi trường, thì trong lãnh
vực truyền thông xã hội những chiều kích nền tảng về con người và sự thật liên
quan đến con người cũng đang nảy sinh. Khi truyền thông đánh mất trụ cột đạo đức
của mình, để cho xã hội khống chế thì rốt cuộc nó không còn để ý đến trọng tâm
con người, có một phẩm giá bất khả xâm phạm. Hệ quả là nó liều lĩnh tác động ảnh
hưởng tiêu cực trên lương tâm của họ, trên chọn lựa của họ để cuối cùng ràng buộc
tự do và chính đời sống của họ vào những điều kiện khác nhau. Chính vì vậy,
truyền thông xã hội phải miệt mài bảo vệ con người và hết lòng tôn trọng phẩm
giá con người. Nhiều người ngày nay cho rằng trong lãnh vực này cần phải có một
nền “đạo đức truyền thông”, như đã có nền luân lí sinh học trong lãnh vực y
khoa với những nghiên cứu tìm tòi liên quan đến sự sống.
5. Truyền thông phải tránh trở thành tiếng nói cổ xúy cho chủ
thuyết duy vật kinh tế và chủ thuyết tương đối về đạo đức, là những vết thương
thật sự trong thời đại của chúng ta. Thay vào đó, nó có thể và phải góp phần
thông đạt sự thật về con người, và phải bênh vực sự thật chống lại những kẻ muốn
phủ nhận hoặc loại bỏ sự thật. Người ta còn có thể xác quyết rằng truy tìm sự
thật và trình bày sự thật về con người làm nên ơn gọi cao quý nhất của truyền
thông xã hội. Sử dụng mọi ngôn từ cao đẹp và ý nhị vào mục đích truyền thông là
một bổn phận đầy phấn khích, được trao phó trước hết cho những nhà quản lí cũng
như nhà thực hiện chương trình. Tuy nhiên, đó cũng là bổn phận mà trong một mức
độ nào đó, liên quan đến tất cả chúng ta, bởi vì trong thời đại toàn cầu hoá
này, tất cả chúng ta đều là những người hưởng dùng và là những người thực hiện
truyền thông xã hội. Các phương tiện truyền thông hiện đại- liên lạc viễn thông
và đặc biệt Internet- đang biến đổi chính bộ mặt của truyền thông; và có lẽ đây
là một dịp quý hoá để tái định dạng chúng, và theo lời vị tiền nhiệm đáng kính
của tôi là Đức Gioan Phaolô II, để làm cho những yếu tố nền tảng và thiết yếu của
sự thật về con người được hiển thị rõ nét hơn (x. Tông thư Sự Phát Triển nhanh
Chóng, 10).
6. Con người khao khát sự thật, họ truy tìm sự thật; sự kiện
này được minh chứng bằng việc chăm chú theo dõi những thành quả đạt được do những
ấn phẩm đa dạng xuất bản, những chương trình hoặc những văn phẩm giá trị, trong
đó sự thật và nét cao quý của con người, gồm cả chiều kích tôn giáo được trình
bày và thu nhận một cách tốt đẹp. Chúa Giêsu nói: “Các ngươi sẽ biết sự thật và
sự thật sẽ giải phóng các ngươi” (Ga 8, 32). Sự thật giải phóng chúng ta là
Chúa Kitô, vì chỉ Người mới có thể hoàn toàn làm dịu cơn khát về sự sống và
tình yêu hiện hữu trong tâm khảm con người. Những ai đã gặp Người và hăng hái
đón nhận sứ điệp của Người đều cảm nhận một sự ao ước không thể kềm hãm là phải
chia sẻ và truyền thông sự thật này. Thánh Gioan viết: “Điều vẫn có ngay từ lúc
khởi đầu, điều chúng tôi đã nghe, điều chúng tôi đã thấy tận mắt, điều chúng
tôi đã chiêm ngưỡng và tay chúng tôi đã chạm đến, đó là Lời sự sống…chúng tôi
loan báo cho cả anh em nữa, để chính anh em cũng được hiệp thông với chúng tôi,
mà chúng tôi thì hiệp thông với Chúa Cha, và với Con của Người là Đức Giêsu
Kitô. Những điều này chúng tôi viết ra để niềm vui của chúng ta được nên trọn vẹn”
(1 Ga 1,1- 3).
Chúng ta hãy cầu xin Chúa Thánh Thần để có được những người
làm truyền thông dũng cảm và những chứng nhân đích thực làm chứng cho sự thật,
trung thành với mệnh lệnh của Chúa Kitô và nhiệt thành với sứ điệp đức tin, đó
là những người biết “cắt nghĩa nhu cầu văn hoá của thời đại, dấn thân đi vào thời
đại truyền thông không phải như thời khắc đầy băn khoăn bối rối, nhưng như thời
điểm quý báu để tìm kiếm sự thật và phát huy tình hiệp thông giữa con người và
các dân tộc” (Gioan Phaolô II, Diễn văn cho Hội Nghị của những người hoạt động
Truyền thông và Văn Hoá, 9 tháng Mười Một 2002).
Qua những lời cầu chúc này tôi thân ái ban Phép Lành cho mọi
người.
Từ Vatican , 24 tháng Giêng 2008, Lễ Thánh Phanxicô Salêsiô.
BÊNÊĐICTÔ XVI, GIÁO HOÀNG
Chuyển ngữ: Lm. Giuse Ngô Quang Trung
Nguồn: simonhoadalat.com