SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA
NHÂN NGÀY THẾ GIỚI DI DÂN VÀ TỊ NẠN

LẦN THỨ 105 – NĂM 2019
(Chúa nhật, 29.09.2019)

Đó không chỉ là về những người di cư

Anh chị em thân mến,

Đức tin bảo đảm với chúng ta rằng theo một cách huyền nhiệm, Nước Thiên Chúa đã hiện diện ở đây trên trái đất (x. Gaudium et Spes, số 39). Tuy nhiên, trong thời đại của chúng ta, chúng ta rất buồn khi chứng kiến những trở ngại và những sự đối lập mà nó gặp phải. Các cuộc xung đột bạo lực và các cuộc chiến tranh toàn diện tiếp tục xé nát nhân loại; những sự bất công và phân biệt đối xử theo sau đó đối với người khác; sự mất cân đối về mặt kinh tế và xã hội ở quy mô địa phương hoặc toàn cầu tỏ ra khó có thể khắc phục. Và trên hết, chính những người nghèo nhất trong số những người nghèo và những người thiệt thòi nhất phải trả giá.

Các xã hội phát triển nhất về mặt kinh tế đang chứng kiến một xu hướng ngày càng phát triển hướng đến chủ nghĩa cá nhân cực đoan, kết hợp với não trạng thực dụng và được củng cố bởi các phương tiện truyền thông, đang tạo ra “một sự toàn cầu hóa của sự thờ ơ”. Với viễn tượng này, những người di cư, những người tị nạn, những người bị buộc phải di tản và các nạn nhân của nạn buôn người đã trở thành những biểu tượng của sự loại trừ. Ngoài những khó khăn mà tình trạng của họ gây ra, họ thường bị coi thường và bị coi như là nguồn gốc của tất cả các tệ nạn xã hội. Thái độ đó chính là một hồi chuông cảnh báo về tình trạng suy thoái đạo đức mà chúng ta sẽ phải đối mặt nếu như chúng ta tiếp tục đặt nền móng cho nền văn hóa thải loại. Trong thực tế, nếu nó tiếp tục, bất cứ ai không nằm trong các tiêu chuẩn được chấp nhận về mặt sức khỏe thể chất, tinh thần và xã hội đều có nguy cơ bị gạt ra bên lề xã hội và bị loại trừ.

Chính vì lý do này, sự hiện diện của những người di cư và những người tị nạn – và của những người dễ bị tổn thương nói chung – là một lời mời gọi để phục hồi một số khía cạnh thiết yếu của sự tồn tại Kitô giáo và tinh thần nhân đạo của chúng ta có nguy cơ bị bỏ qua trong một xã hội thịnh vượng. Đó chính là lý do tại sao nó không chỉ nói về những người di cư. Khi chúng ta thể hiện sự quan tâm đối với họ, chúng ta cũng thể hiện sự quan tâm đối với chính mình, đối với mọi người; trong việc chăm sóc họ, tất cả chúng ta đều lớn lên; khi lắng nghe họ, chúng ta cũng biểu lộ một phần của bản thân mà chúng ta có thể giấu kín vì ngày nay nó không được coi trọng.

“Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!” (Mt 14, 27). Nó không chỉ nói về những người di cư: nó cũng nói về nỗi sợ hãi của chúng ta. Những dấu hiệu của sự bủn xỉn keo kiệt mà chúng ta nhận thấy xung quanh chúng ta làm tăng thêm “nỗi sợ hãi của chúng ta đối với ‘tha nhân’, những người vô danh, những người bị gạt ra bên lề xã hội, những người ngoại kiều…Đặc biệt, ngày hôm nay chúng ta nhận thấy điều này, đối mặt với sự xuất hiện của những người di cư và những người tị nạn gõ cửa nhà chúng ta nhằm tìm kiếm sự bảo vệ, sự an toàn và một tương lai tốt đẹp hơn. Ở một mức độ nào đó, sự lo sợ là chính đáng, cũng bởi vì sự chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ này còn thiếu sót” (Bài giảng Thánh lễ tại Sacrofano, ngày 15 tháng 2 năm 2019). Nhưng vấn đề không phải là việc chúng ta có những sự nghi ngờ và sợ hãi. Vấn đề là khi họ điều chỉnh cách suy nghĩ và hành động của chúng ta đến mức khiến chúng ta không khoan dung, khép kín và thậm chí – không nhận ra điều đó – sự phân biệt chủng tộc. Theo cách này, sự sợ hãi tước đoạt khỏi chúng ta ham muốn và khả năng gặp gỡ người khác; nó tước đoạt khỏi tôi cơ hội gặp gỡ Thiên Chúa (xem Bài giảng Thánh lễ nhân Ngày Di dân và Tị nạn Thế giới, ngày 14 tháng 1 năm 2018).

“Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao?” (Mt 5, 46). Đó không chỉ là về những người di cư: đó là về lòng nhân ái. Thông qua các công việc từ thiện bác ái, chúng ta chứng minh đức tin của mình (x. Gc 2:18). Và hình thức bác ái cao nhất đó là được thể hiện với những người không có khả năng đáp trả và thậm chí không có thể cảm ơn chúng ta. “Đây cũng chính là về khuôn mặt mà chúng ta muốn cống hiến cho xã hội và về giá trị của mỗi sự sống con người… Sự phát triển của người dân của chúng ta trước hết phụ thuộc vào sự cởi mở của chúng ta để được chạm đến và bị đánh động bởi những người gõ cửa nhà chúng ta. Khuôn mặt của họ làm tiêu tan và vạch trần tất cả những thần tượng ngụy tạo vốn có thể chiếm lĩnh và khiến cho cuộc sống của chúng ta trở nên nô lệ; những thần tượng hứa hẹn hạnh phúc ảo tưởng và nhất thời mù quáng trước cuộc sống cũng như sự đau khổ của những người khác (Bài phát biểu tại Giáo phận Rabat thuộc tổ chức Caritas, ngày 30 tháng 3 năm 2019).

“Nhưng một người Sa-ma-ri kia đi đường, tới ngang chỗ người ấy, cũng thấy, và chạnh lòng thương” (Lc 10, 33). Nó không chỉ nói về những người di cư: nó nói về nhân loại của chúng ta. Lòng trắc ẩn thúc đẩy người Sa-ma-ri đó – đối với người Do Thái, một người ngoại kiều – không ngoảnh mặt bỏ đi. Lòng trắc ẩn là một cảm giác không thể giải thích được ở mức độ hợp lý thuần túy. Lòng trắc ẩn đánh đúng vào tình cảm nhạy bén nhất của nhân loại chúng ta, tạo ra một sự thôi thúc mãnh liệt để trở thành “một người thân cận” với tất cả những người mà chúng ta gặp gỡ đang phải lâm vào những tình cảnh khốn đốn. Như chính Chúa Giêsu đã dạy chúng ta (x. Mt 9: 35-36; 14: 13-14; 15: 32-37), việc trở nên động lòng trắc ẩn có nghĩa là nhận ra sự đau khổ của người khác và hành động ngay lập tức để xoa dịu, chữa lành và giải thoát. Việc trở nên động lòng trắc ẩn có nghĩa là nhường chỗ cho sự dịu dàng nhân ái mà xã hội ngày nay thường hay yêu cầu chúng ta phải kiềm chế. “Việc tự cởi mở mình ra với người khác không dẫn đến sự hao mòn nghèo khó, mà dẫn đến sự phong phú, bởi vì nó cho phép chúng ta trở nên con người hơn: nhận ra mình là những người tham gia vào một tập thể lớn hơn và nhận thức được rằng cuộc sống của chúng ta như một món quà cho người khác; coi đó như là mục tiêu, chứ không phải là lợi ích của chúng ta, mà là lợi ích của nhân loại” (Bài phát biểu tại Đền thờ Hồi giáo Heydar Aliyev, Baku, ngày 2 tháng 10 năm 2016).

“Anh em hãy coi chừng, chớ khinh một ai trong những kẻ bé mọn này; quả thật, Thầy nói cho anh em biết: các thiên thần của họ ở trên trời không ngừng chiêm ngưỡng nhan Cha Thầy, Đấng ngự trên trời” (Mt 18, 10). Đó không chỉ là về những người di cư: đó là một vấn đề để nhận thấy rằng không ai bị loại trừ. Thế giới ngày nay hiện đang ngày càng trở nên tinh hoa ưu đẳng và tàn nhẫn hơn đối với những người bị loại trừ. Các quốc gia đang phát triển tiếp tục bị rút cạn kiệt các nguồn tài nguyên thiên nhiên và con người tốt nhất vì lợi ích của một vài thị trường đặc quyền. Chiến tranh chỉ ảnh hưởng đến một số khu vực trên thế giới, nhưng các loại vũ khí chiến tranh lại được sản xuất và được bán ở các khu vực khác mà sau đó không sẵn sàng tiếp nhận những người tị nạn do những cuộc xung đột này tạo ra. Những người phải trả giá luôn là những người thấp cổ bé họng, những người nghèo khổ, những người dễ bị tổn thương nhất, những người bị ngăn không cho ngồi vào bàn và bị ngăn không cho dùng “những mẩu vụn” rơi rớt của bữa tiệc (x. Lc 16: 19-21). “Giáo hội ‘đi ra’…có thể tiến lên, mạnh dạn chủ động đưa ra những sáng kiến, đến với tha nhân, tìm kiếm những người bị hạ thấp, đứng ở ngã tư đường và chào đón những người bị ruồng bỏ (Evangelii Gaudium, số 24). Một sự phát triển mang tính loại trừ làm cho người giàu trở nên giàu hơn và người nghèo trở nên càng nghèo hơn. Mặt khác, một sự phát triển thực sự tìm cách tính đến tất cả đàn ông và phụ nữ trên thế giới, nhằm thúc đẩy sự phát triển toàn diện của họ, và đồng thời thể hiện sự quan tâm đối với các thế hệ mai sau.

“Nhưng giữa anh em thì không được như vậy: ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em;44 ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người” (Mc 10, 43-44). Nó không chỉ là về những người di cư: đó là về việc đặt những người rốt hết ở vị trí đầu tiên. Chúa Giêsu Kitô yêu cầu chúng ta không được nhượng bộ luận lý của thế giới, vốn biện minh cho sự bất công đối với người khác vì lợi ích của riêng tôi hoặc của nhóm tôi. “Tôi phải là trước hết, rồi sau đó mới đến người khác”. Thay vào đó, phương châm thực sự của Kitô giáo đó chính là: “Kẻ rốt hết sẽ nên trước hết”. “Tinh thần chủ nghĩa cá nhân chính là mảnh đất màu mỡ cho sự phát triển của hình thức của sự thờ ơ đó đối với các quốc gia láng giềng của chúng ta vốn dẫn đến việc xem họ dưới dạng kinh tế thuần túy, dẫn đến sự thiếu quan tâm đến nhân tính của họ, và cuối cùng là cảm giác của sự sợ hãi và hoài nghi. Liệu có phải đây chẳng phải là những thái độ mà chúng ta thường áp dụng đối với người nghèo, những người bị gạt ra bên lề xã hội và ‘những người thấp kém nhất’ trong xã hội? Và chúng ta có biết bao nhiêu người trong số ‘những người thấp kém nhất’ trong các xã hội của chúng ta! Trong số đó, tôi chủ yếu nghĩ đến những người di cư, với gánh nặng khó khăn và đau khổ, khi họ hàng ngày tìm kiếm, thường là trong tuyệt vọng, một nơi để được sống trong sự yên ổn và phẩm giá con người” (Bài phát biểu với Ngoại giao đoàn, ngày 11 tháng 1 năm 2016). Theo luận lý của Tin Mừng, kẻ rốt sẽ nên trước hết, và chúng ta phải đặt mình vào việc vụ họ.

“Phần tôi, tôi đến để cho họ được sống và sống dồi dào” (Ga 10:10). Nó không chỉ nói về những người di cư: nó nói về toàn bộ nhân loại, về tất cả mọi người. Theo lời của Chúa Giêsu, chúng ta bắt gặp chính trọng tâm sứ mạng của Ngài: để nhận thấy rằng tất cả đều được lãnh nhận món quà của sự sống trọn vẹn, theo ý muốn của Chúa Cha. Trong mọi hoạt động chính trị, trong mọi chương trình, trong mọi hoạt động mục vụ, chúng ta phải luôn đặt con người làm trọng tâm, trong nhiều khía cạnh của người họ, bao gồm cả chiều kích tâm linh. Và điều này áp dụng cho tất cả mọi người, những người mà sự bình đẳng cơ bản của họ phải được công nhận. Do đó, “sự phát triển không thể chỉ giới hạn ở sự tăng trưởng kinh tế mà thôi. Để trở nên đáng tin cậy, nó phải mang tính bao quát; nó phải thúc đẩy sự phát triển của mỗi người và của toàn bộ con người” (Thánh Phaolô VI, Populorum Progressio, số 14).

“Vậy anh em không còn phải là người xa lạ hay người tạm trú, nhưng là người đồng hương với các người thuộc dân thánh, và là người nhà của Thiên Chúa” (Ep 2, 19). Nó không chỉ nói về những người di cư: nó nói về việc xây dựng thành phố của Thiên Chúa và con người. Trong thời đại của chúng ta, cũng có thể được gọi là kỷ nguyên của sự di cư, nhiều người vô tội trở thành nạn nhân của “sự lừa dối vĩ đại” của sự phát triển vô hạn của công nghệ và chủ nghĩa tiêu thụ (x. Laudato Si, số 34). Kết quả là, họ thực hiện một cuộc hành trình hướng tới một “thiên đường” vốn chắc chắn sẽ phản bội lại những kỳ vọng của họ. Sự hiện diện của họ, đôi khi bất tiện, giúp vạch trần sự huyền thoại về một sự phát triển có lợi cho một bộ phận thiểu số trong khi được xây dựng dựa trên việc bóc lột nhiều người. “Bản thân chúng ta cần phải nhìn thấy, và sau đó cho phép người khác nhận ra rằng những người di cư và những người tị nạn không chỉ đại diện cho một vấn đề cần phải được giải quyết mà họ còn là anh chị em của chúng ta phải được chào đón, tôn trọng và yêu thương. Họ chính là một cơ hội mà Đấng Quan Phòng đã ban cho chúng ta để giúp xây dựng một xã hội công bằng hơn, một nền dân chủ hoàn hảo hơn, một đất nước đoàn kết hơn, một thế giới huynh đệ hơn và một cộng đồng Kitô giáo cởi mở và mang tinh thần Tin Mừng hơn” (Sứ điệp nhân Ngày Di dân và Tị nạn Thế giới 2014).

Anh chị em thân mến, phản ứng của chúng ta đối với những thách thức được đặt ra bởi tình trạng di cư đương thời có thể được tóm tắt trong bốn động từ: chào đón, bảo vệ, khuyến khích và hội nhập. Tuy nhiên, những động từ này không chỉ áp dụng cho những người di cư và những người tị nạn. Chúng mô tả sứ mạng của Giáo hội đối với tất cả những người sống ở các khu vực ngoại vi hiện sinh, những người cần được chào đón, bảo vệ, khuyến khích và hội nhập. Nếu như chúng ta đưa bốn động từ đó vào thực tế, chúng ta sẽ giúp xây dựng thành phố của Thiên Chúa và con người. Chúng ta sẽ thúc đẩy sự phát triển con người toàn diện của tất cả mọi người. Chúng ta cũng sẽ giúp cho cộng đồng thế giới đến gần hơn với các mục tiêu phát triển bền vững mà nó đã đặt ra cho chính mình và, nếu như thiếu đi một cách tiếp cận như vậy, thì sẽ khó đạt được các mục tiêu đó.

Nói một cách dễ hiểu, đó không chỉ là nguyên nhân của những người di cư hiện đang bị đe dọa; nó không chỉ nói về họ, mà là về tất cả chúng ta, và về hiện tại và tương lai của đại gia đình nhân loại. Những người di cư, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương nhất, giúp chúng ta nhận ra “những dấu chỉ của thời đại”. Thông qua họ, Thiên Chúa đang mời gọi chúng ta hoán cải, để được giải thoát khỏi sự tính độc chiếm, thái độ thờ ơ và văn hóa thải loại. Thông qua họ, Thiên Chúa mời gọi chúng ta thực hiện trọn vẹn đời sống Kitô hữu của mình và đóng góp, mỗi người theo ơn gọi đúng đắn của mình, cho việc xây dựng một thế giới ngày càng phù hợp hơn với kế hoạch của Thiên Chúa.

Qua việc bày tỏ niềm hy vọng này, và nhờ lời cầu bầu của Đức Trinh Nữ Maria, nguyện xin Thiên Chúa tuôn đổ dồi dào phúc lành xuống trên tất cả những người di cư cũng như những người tị nạn trên thế giới và trên hết là những người cùng đồng hành trên cuộc hành trình của họ.

Từ Vatican, ngày 27 tháng 5 năm 2019.

Phanxicô

Chuyển ngữ: Minh Tuệ
Nguồn: simonhoadalat.com