SỨ
ĐIỆP MÙA CHAY CỦA ĐỨC THÁNH CHA
NĂM 2006
“Chúa Giêsu thấy
đám đông thì chạnh lòng thương” (Mt 9, 36)
Anh chị em thân mến!
Mùa Chay là thời gian đặc biệt cho cuộc hành hương nội tâm đến
với Đấng là suối nguồn của lòng thương xót. Đó là một cuộc hành hương mà
chính Người đồng hành với chúng ta vượt qua sa mạc của thân phận
nghèo khó của chúng ta, nâng đỡ chúng ta trên con đường hướng về niềm vui rạng
rỡ của Lễ Phục Sinh. Dù bước qua “thung lũng tối” như tác giả Thánh Vịnh
nói (Tv 22 [23], 4), khi tên cám dỗ xúi giục chúng ta thất vọng hoặc khi chúng
ta đặt hi vọng hão huyền vào công việc chúng ta làm, thì Thiên Chúa luôn gìn giữ
và nâng đỡ chúng ta. Vâng, cả hôm nay Chúa vẫn nghe tiếng kêu gào của biết
bao người khao khát niềm vui, hoà bình và tình thương. Như trong mọi thời
đại, họ cảm thấy mình bị bỏ rơi. Tuy nhiên, ngay cả trong cảnh tuyệt vọng
của bất hạnh, của cô đơn, bạo lực và nghèo khổ tác động đến bất kể trẻ em, người
lớn, người già cả thì Thiên Chúa không cho phép bóng tối thắng thế. Thật vậy,
theo lời của vị Tiền Nhiệm kính yêu của tôi, Đức Gioan Phaolô II, có một “hạn mức
thiêng liêng áp đặt trên sự ác”, đó chính là lòng Chúa thương xót (Kí ức và Căn
Tính, trg. 19 tt).
Trong tinh thần đó, tôi muốn dừng lại và suy nghĩ về một vấn
đề đã được nhiều người chúng ta tranh luận, đó là vấn đề phát triển. Ngày
nay, “cái nhìn” cảm thương của Chúa Kitô vẫn tiếp tục hướng đến các cá nhân và
các dân tộc. Người chăm chú nhìn họ, vì biết rằng “kế hoạch” của Thiên
Chúa là kêu gọi tất cả mọi người đạt được ơn cứu độ. Chúa Giêsu biết rõ những
nguy hiểm đối kháng lại kế hoạch ấy và Người chạnh lòng thương dân chúng. Người
quyết tâm bảo vệ họ khỏi chó sói cho dù phải trả giá bằng chính mạng sống của
Người. Cái nhìn của Chúa Giêsu ôm trọn mỗi cá nhân và mọi người, Người đưa
dẫn họ đến với Chúa Cha và tự hiến làm lễ dâng chuộc tội.
Được soi sáng bởi sự thật của mầu nhiệm Phục Sinh, Giáo Hội
biết rằng để khởi xướng công cuộc phát triển toàn vẹn, chúng ta phải có “cái
nhìn” về nhân loại theo cái nhìn của chính Chúa Kitô. Thật vậy,
không thể tách biệt việc đáp ứng những nhu cầu vật chất và xã hội ra khỏi việc
thực hiện những ước muốn sâu thẳm trong tâm hồn của họ. Điều này càng cần
được nhấn mạnh hơn nữa trong thế giới biến chuyển mau chóng hiện nay, trong đó
trách nhiệm đối với người nghèo hiện ra rõ nét và cấp bách hơn. Vị Tiền
Nhiệm Đáng Kính của tôi, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã diễn tả thật chính xác rằng
nỗi hổ nhục về tình trạng kém phát triển là một sự xúc phạm đến nhân loại. Theo
tinh thần đó, trong Thông Điệp Populorum Progressio, ngài đã tố giác “tình trạng
thiếu những cung ứng vật chất cho những người không có cả đến những cái tối thiểu
để sống, tình trạng thiếu kém về đạo đức của những người bị tính ích kỉ làm cho
hư hỏng”, cùng “những cơ cấu xã hội áp bức, vừa do bởi sự lạm dụng quyền sở hữu
hoặc lạm dụng quyền lực, để khai thác các công nhân và làm ăn bất chính” (ibid.,
21). Như liều thuốc chữa trị cho sự ác đó, Đức Phaolô VI gợi ra là không chỉ
“nâng cao nhận thức về phẩm giá của người khác, quay về với tinh thần nghèo
khó, hợp tác vì công ích, mong muốn và khao khát hoà bình”, mà còn phải “nhận
biết con người có các giá trị cao trọng, nhận biết Thiên Chúa là căn nguyên và
cùng đích của họ” (ibid). Trong tâm tư ấy, Đức Giáo Hoàng tiếp tục đề xuất rằng,
sau cùng và trên hết mọi sự, cần có “đức tin, một hồng ân Thiên Chúa ban, được
con người thiện tâm đón nhận, và sự hiệp nhất trong đức ái của Chúa Kitô”
(ibid.). Như vậy, “cái nhìn” của Chúa Kitô trên dân chúng thúc đẩy chúng ta xác
định nội dung đích thật của “chủ thuyết nhân đạo toàn hảo” mà theo Đức
Phaolô VI hệ tại “sự phát triển con người toàn diện và phát triển mọi người”
(ibid. 42). Vì lí do đó sự đóng góp chủ yếu mà Giáo Hội cống hiến cho sự phát
triển nhân loại và các dân tộc không chỉ hệ tại những phương tiện vật chất hay
những giải pháp kĩ thuật. Đúng hơn, sự đóng góp ấy hàm chứa việc rao truyền sự
thật về Chúa Kitô, Đấng giáo dục lương tâm con người và dạy dỗ phẩm giá đích thực
về nhân vị và về lao động; điều đó có nghĩa là đề cao một nền văn hoá thật sự
đáp ứng mọi vấn nạn của con người.
Đối mặt với sự thách đố ghê gớm của tình trạng nghèo đói
đang hành khổ biết bao dân cư trên thế giới thì sự dửng dưng và sự cô lập chỉ
quy hướng về mình tương phản mạnh mẽ với “cái nhìn” của Chúa Kitô. Việc ăn chay
và bố thí cùng với sự cầu nguyện mà Giáo Hội đề ra một cách đặc biệt trong Mùa
Chay là những phương thế thích hợp để chúng ta trở nên đồng nhất với “cái nhìn”
này. Gương sáng của các vị thánh và lịch sử lâu dài hoạt động truyền giáo của
Giáo Hội cung cấp những chỉ dẫn quý báu về những đường lối hữu hiệu nhất giúp
cho việc phát triển. Cả trong thời đại tương thuộc toàn cầu này, không thể có một
dự án kinh tế, xã hội, hoặc chính trị nào có thể thay thế sự hi sinh
bản thân cho người khác mà qua đó đức ái được thể hiện. Những người hành động
theo luật Phúc Âm như vậy thì sống đức tin như tình bằng hữu với Thiên Chúa Nhập
Thể và, cũng như Người, mang lấy gánh nặng những nhu cầu vật chất và thiêng
liêng của các anh em mình. Họ thấy điều ấy như một mầu nhiệm vô biên, đáng
được miệt mài quan tâm lưu ý. Họ biết rằng người nào không cho Thiên Chúa tức
là cho quá ít; như chân phước Têrêxa thành Calcutta thường nói, tình
trạng nghèo đói tồi tệ nhất chính là không biết Thiên Chúa. Bởi đó, chúng
ta phải giúp người khác tìm gặp được Thiên Chúa trong dung mạo đầy thương xót của
Chúa Kitô.
Nhờ những người nam nữ thuận phục Chúa Thánh Thần, nhiều hình thức hoạt động bác ái nhắm đến việc mở rộng sự phát triển đã khởi dậy trong lòng Giáo Hội: các bệnh viện, các đại học, các trường huấn nghệ, và những doanh nghiệp nhỏ. Những sáng kiến như thế chứng tỏ sự quan tâm nhân đạo thành tâm của những người được sứ điệp Phúc Âm thúc đẩy, vượt xa các loại hình phúc lợi xã hội. Những hoạt động xã hội đó vạch ra đường lối để hoàn thiện tiến trình toàn cầu hóa được tập trung vào thiện ích của nhân loại và, từ đó, mở ra con đường hướng tới hoà bình đích thực. Chạnh lòng thương như Chúa Giêsu với lòng trắc ẩn trước đám đông dân chúng, ngày nay Giáo Hội coi mình có nhiệm vụ yêu cầu các nhà lãnh đạo chính trị và những người nắm quyền kinh tế tài chính phải cổ vũ sự phát triển dựa trên sự tôn trọng phẩm giá mọi người nam nữ. Một sự kiểm tra quan trọng đối với thành công cho những nỗ lực của họ đó là tự do tôn giáo, được nhìn nhận không chỉ qua việc cử hành và loan truyền Chúa Kitô, nhưng còn phải có cơ hội góp phần xây dựng một thế giới được sống động nhờ đức ái. Những nỗ lực này phải bao hàm một sự nhìn nhận vai trò trung tâm của những giá trị tôn giáo đích thực trong việc đáp ứng những mối quan tâm sâu xa nhất của con người, cũng như tạo ra động năng đạo đức cho những trách nhiệm cá nhân và xã hội của họ. Đó là những tiêu chuẩn mà qua đó các Kitô hữu sẽ lượng định những chương trình chính trị của các nhà lãnh đạo của họ.
Chúng ta không thể không hay biết những lỗi lầm mà những người
xưng mình là môn đệ Chúa Giêsu mắc phải qua dòng lịch sử. Rất thường, khi
phải giải quyết những vấn đề nghiêm trọng đặt ra họ nghĩ rằng họ phải cải thiện
thế giới này trước rồi sau đó mới hướng về những việc thiêng liêng. Sa vào
cám dỗ đó là tin rằng trước những nhu cầu cấp bách mệnh lệnh đầu tiên là phải
thay đổi những cơ cấu bên ngoài. Hậu quả đối với một số người là Kitô giáo
trở thành một thứ chủ thuyết luân lí, ‘đức tin’ được thay thế bằng ‘hành động’. Bởi
đó, vị Tiền Nhiệm thật đáng nhớ của tôi, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nhận
xét đúng đắn rằng: “Cám dỗ trong thời đại hiện nay là giản lược Kitô giáo vào sự
khôn ngoan thuần tuý con người, một khoa học giả hiệu về sự sung túc. Trong thế
giới bị tục hoá nghiêm trọng của chúng ta, một ‘sự tục hoá ơn cứu độ cứ tuần tự’ diễn
ra, đến nỗi con người nỗ lực vì thiện ích của con người, nhưng chính con người
lại bị đốn cụt... Tuy nhiên, chúng ta biết rằng Chúa Giêsu đã đến để đem lại ơn
cứu độ toàn diện (Redemptio Missio, 11).
Chính để đón nhận ơn cứu độ toàn diện này mà Mùa Chay dẫn
chúng ta bước vào cuộc vinh thắng của Chúa Kitô trên mọi sự ác đang đè nặng
trên chúng ta. Khi hướng về vị Thầy Thần Linh, khi quay trở về với Người,
khi cảm nghiệm lòng thương xót của Người qua Bí Tích Hoà Giải, chúng ta sẽ khám
phá thấy một “cái nhìn” đang dõi tìm chúng ta từ sâu thẳm để trao ban sự sống mới
cho đám đông dân chúng và cho mỗi người chúng ta. Cái nhìn đó phục hồi niềm
tin tưởng cho những người không vấp ngã vì hoài nghi, mở ra cho họ hướng nhìn về
hạnh phúc vĩnh cửu. Thật vậy, qua dòng lịch sử, cả những khi hận thù xem
ra thắng thế, Chúa vẫn không ngừng biểu tỏ dấu chứng sáng ngời về tình yêu của
Người. Hướng về Mẹ Maria là “nguồn hi vọng sống động” (Dante Alighieri,
Paradiso, XXXIII, 12), chúng ta phó dâng hành trình Mùa Chay của chúng ta để Mẹ
dẫn chúng ta đến với Con của ngài. Tôi đặc biệt uỷ thác cho Mẹ biết bao
người đang lâm cảnh túng nghèo và đang kêu cầu được trợ giúp, nâng đỡ, và cảm
thông. Với những tâm tình này, tôi thân ái ban Phép Lành Tông Toà đặc biệt
cho tất cả anh chị em.
Từ Vatican, 29 tháng Chín, 2005
Bênêđictô XVI, Giáo Hoàng
Chuyển ngữ: Lm. Giuse Ngô Quang Trung
Nguồn: simonhoadalat.com