SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA
NHÂN NGÀY THẾ GIỚI CẦU NGUYỆN CHO ƠN GỌI

LẦN THỨ 45, NĂM 2008

ƠN GỌI PHỤC VỤ GIÁO HỘI TRUYỀN GIÁO

Ngày 03 tháng 12 năm 2007, Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI đã ký Sứ điệp nhân Ngày Thế giới cầu nguyện cho Ơn gọi lần thứ 45 năm 2008 với chủ đề: “Ơn gọi phục vụ Giáo Hội truyền giáo”. Sau đây là toàn văn Sứ điệp:

Anh chị em thân mến !

1. Tôi đã chọn đề tài “Ơn gọi phục vụ Giáo Hội truyền giáo” cho Ngày Thế Giới cầu cho các ơn gọi sẽ được cử hành ngày 13/4/2008. Chúa Giêsu phục sinh đã ủy thác cho các Tông Đồ mệnh lệnh: “Vậy các con hãy đi giảng dạy tất cả các dân các nước, rửa tội cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” (Mt 28,19), và Ngài hứa với họ: “Này đây Thầy ở với các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20). Giáo Hội là thừa sai trong toàn bộ và trong mỗi phần tử của mình. Nếu, do bí tích Rửa tội và Thêm sức, mỗi tín hữu Kitô được kêu gọi làm chứng tá và rao giảng Tin Mừng, thì chiều kích truyền giáo càng được gắn liền với ơn gọi Linh Mục một cách đặc biệt và thâm sâu hơn. Trong giao ước với Israel, Thiên Chúa đã ủy thác sứ mạng làm ngôn sứ và tư tế cho những người được Ngài tuyển chọn, kêu gọi và gửi tới toàn dân nhân danh Ngài. Ví dụ Chúa đã làm như thế với Môsê: Giavê nói với ông: “Giờ đây ngươi hãy đi ! Ta sai ngươi đến gặp Pharaô. Ngươi hãy đưa dân Ta ra khỏi Ai Cập… sau khi ngươi đã đưa dân ra khỏi Ai Cập, các ngươi sẽ phụng sự Thiên Chúa trên núi này” (Xh 3,10.12). Chúa cũng làm như vậy với các ngôn sứ.

2. Những lời hứa với các Tổ Phụ chúng ta đã được thể hiện viên mãn trong Chúa Giêsu Kitô. Về vấn đề này, Công đồng chung Vatican 2 đã quả quyết: “Vì thế, Chúa Con đã đến. Ngày được Chúa Cha sai đi, nơi Người, trước khi tạo thành vũ trụ, Chúa Cha đã chọn và tiền định cho chúng ta trở nên dưỡng tử… Vì thế, để chu toàn ý Chúa Cha, Đức Kitô đã khai mạc Nước Trời trên mặt đất này và đã mạc khải cho chúng ta mầu nhiệm Nước ấy, và đã cứu chuộc bằng sự vâng phục của Người” (Lumen gentium, 3). Và trong đời sống công khai, khi rao giảng tại Galilea, Chúa Giêsu đã chọn các môn đệ như những cộng tác viên thân tín của Ngài trong sứ vụ thiên sai. Ví dụ, trong dịp hóa bánh ra nhiều, khi Ngài nói với các Tông Đồ: “Chính các con hãy cho họ ăn đi” (Mt 14,16), qua đó Ngài khích lệ các ông hãy đảm trách nhu cầu của đám đông mà Ngài muốn cho họ lương thực để ăn no nê, nhưng đồng thời Ngài cũng mạc khải “lương thực trường tồn cho đời sống vĩnh cửu” (Ga 6,27). Chúa động lòng thương đối với dân chúng, vì trong khi rảo quanh các thành thị và làng mạc, Ngài gặp thấy những đám đông mệt mỏi và kiệt lực, “như những chiên không có người chăn” (x. Mt 9,36). Từ cái nhìn yêu thương ấy nảy sinh lời Chúa mời gọi các môn đệ: “Vậy các con hãy xin chủ mùa gặt để Người sai thợ đến trong mùa gặt của Người” (Mt 9,38), và Ngài sai Nhóm 12 trước tiên đến 'với các chiên lạc Nhà Israel', với những lời dặn dò kỹ lưỡng. Nếu chúng ta dừng lại để suy niệm về trang này của Tin Mừng theo thánh Mathêu, thường được gọi là ”diễn văn truyền giáo”, chúng ta nhận thấy tất cả các khía cạnh nói lên đặc tính hoạt động truyền giáo của một cộng đồng Kitô, muốn trung thành với mẫu gương và giáo huấn của Chúa Giêsu. Việc đáp lại tiếng gọi của Chúa bao hàm sự đương đầu, một cách thận trọng và đơn sơ, với mọi nguy hiểm và cả những cuộc bách hại nữa, vì “một môn đệ không cao trọng hơn Thầy, một đầy tớ không trọng hơn chủ” (Mt 10,24). Được nên một với Thầy, các môn đệ không còn đơn độc trong khi rao giảng Nước Trời, vì chính Chúa Giêsu hành động trong họ: “Ai đón nhận các con là đón nhận Thầy, và ai đón nhận Thầy là đón nhận Đấng đã sai Thầy” (Mt 10,40). Và ngoài ra, trong tư cách là những chứng nhân đích thực, có quyền năng từ trên cao” (Lc 24,49), họ rao giảng cho mọi dân ”sự hoán cải và sự tha thứ tội lỗi” (Lc 24,47).

3. Chính vì được Chúa sai đi, Nhóm Mười Hai mang danh hiệu là ”Tông Đồ”, được sai đi, rảo bước trên các nẻo đường thế giới, loan báo Tin Mừng như những chứng nhân về cái chết và sự sống lại của Chúa Kitô. Thánh Phaolô đã viết cho các tín hữu Corinto: “Chúng tôi – nghĩa là các Tông Đồ – rao giảng Chúa Kitô chịu đóng đanh” (1Cr 1,23). Trong tiến trình truyền giảng Tin Mừng này, sách Công Vụ các Tông Đồ cũng dành một vai trò rất quan trọng cho các môn đệ khác, những người có ơn gọi thừa sai nảy sinh từ những hoàn cảnh do Chúa Quan Phòng thiết định, nhiều khi đau thương, như sự trục xuất khỏi lãnh thổ của họ vì là môn đệ Chúa Giêsu (x. 8,1-4). Chúa Thánh Linh cho phép biến thử thách ấy thành cơ hội hồng phúc, và rút ra từ đó một điều lợi ích để danh Chúa được rao giảng cho dân ngoại và cộng động Kitô được mở rộng. Như thánh Luca đã viết trong sách Công Vụ, đó là những người nam nữ “hiến dâng cuộc sống cho chính nghĩa Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta” (15,26). Người đầu tiên trong mọi người khác, được chính Chúa kêu gọi để trở thành Tông Đồ thực sự, chắc chắn là thánh Phaolô thành Tarso. Tiểu sử thánh Phaolô, nhà truyền giáo lớn nhất trong mọi thời đại, làm nổi bật, dưới mọi khía cạnh, mối liên hệ giữa ơn gọi và sứ mạng truyền giáo. Bị những đối phương tố cáo là không được phép thi hành việc tông đồ, thánh nhân thường nại tới ơn gọi đã nhận lãnh trực tiếp từ Chúa (x. Rm 1,1 ; Gl 1,11-12.15-17).

4. Ngay từ đầu, cũng như sau đó, yếu tố “thúc đẩy” các Tông Đồ (x. 2Cr 5,14) vẫn luôn là “Tình yêu Chúa Kitô”. Trong tư cách là những đầy tớ trung thành của Giáo Hội, ngoan ngoãn đối với hoạt động của Chúa Thánh Linh, vô số các thừa sai, qua các thế kỷ, đã theo vết của các môn đệ đầu tiên. Công đồng chung Vatican 2 đã nhận xét: “Tuy nghĩa vụ truyền bá đức tin thuộc về bất kỳ môn đệ nào của Chúa Kitô theo khả năng của họ, nhưng Chúa Kitô không ngừng kêu gọi từ đám đông các môn đệ của Ngài những người mà Ngài muốn, để họ ở với Ngài và để sai họ đi rao giảng cho muôn dân (x. Mc 3,13-15)” (Ad Gentes, 23). Thực vậy, tình yêu Chúa Kitô phải được thông truyền cho anh chị em bằng gương lành và lời nói, bằng trọn cuộc sống. Như vị Tiền Nhiệm Đáng kính của tôi Gioan Phaolô 2 đã viết: “Ơn gọi đặc biệt của các thừa sai ad vitam trọn đời vẫn duy trì trọn vẹn giá trị: ơn gọi này là mẫu mực sự dấn thân truyền giáo của Giáo Hội, Giáo Hội luôn cần sự hiến thân quyết liệt và trọn vẹn, cần những động lực mới mẻ và táo bạo” (Thông điệp Redemptoris missio, 66).

5. Trong số những người hoàn toàn dấn thân phục vụ Tin Mừng đặc biệt có những linh mục được kêu gọi ban phát Lời Chúa, cử hành các bí tích, đặc biệt là Thánh Thể và Hòa giải, hiến thân phục vụ những người bé mọn nhất, các bệnh nhân, người đau khổ, người nghèo và những người đang trải qua những giờ phút khó khăn tại những vùng trên trái đất, nơi mà đôi khi có nhiều người ngày nay vẫn chưa được thực sự gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô. Các thừa sai rao giảng lần đầu tiên cho họ về tình yêu cứu độ. Các thống kê cho thấy rằng con số những người được rửa tội hằng năm vẫn gia tăng nhờ hoạt động mục vụ của các linh mục ấy, những người hoàn toàn hiến thân cho phần rỗi của anh chị em. Trong bối cảnh đó, cần đặc biệt ghi ơn các “linh mục fidei donum (hồng ân đức tin), đang quảng đại và tận tụy khéo léo xây dựng cộng đoàn và rao giảng Lời Chúa cho họ, bẻ Bánh Sự Sống, mà không dè xẻn năng lực trong việc phục vụ công cuộc truyền giáo của Giáo Hội. Cần cảm tạ Chúa vì bao nhiêu linh mục đã chịu đau khổ đến độ hy sinh mạng sống để phụng sự Chúa Kitô.. Đó là những chứng tá cảm động có thể gợi hứng cho bao nhiêu người trẻ bước theo Chúa Kitô và hiến thân cho tha nhân, và nhờ đó tìm được sự sống đích thực” (Tông huấn Sacramentum caritaris, 26). Vì vậy, qua các linh mục của Ngài, Chúa Giêsu hiện diện giữa con người ngày nay, cho đến những góc trời xa xăm hẻo lánh nhất.

6. Trong Giáo Hội vẫn luôn có nhiều người nam nữ, được Chúa Thánh Linh thúc đẩy, quyết định sống Tin Mừng một cách quyết liệt, tuyên xưng các lời khấn khiết tịnh, thanh bần và vâng phục. Hàng ngũ các tu sĩ nam nữ ấy, thuộc về vô số các dòng tu chiêm niệm và hoạt động, vẫn còn “giữ một phần rất quan trọng trong việc truyền giảng Tin Mừng cho thế giới” (Ad Gentes, 40). Nhờ kinh nguyện liên lỉ và chung, các tu sĩ sống đời chiêm niệm không ngừng chuyển cầu cho toàn thể nhân loại ; các tu sĩ sống đời hoạt động, với những hoạt động bác ái đa diện, đang mang lại cho mọi người chứng tá sinh động về tình yêu và lòng từ bi của Thiên Chúa. Vị Tôi Tớ Chúa Phaolô VI đã nói về các vị tông đồ ấy của thời đại chúng ta rằng: “Do sự thánh hiến tu trì của họ, họ là những người thiện nguyện tuyệt hảo và tự do từ bỏ mọi sự, để ra đi rao giảng Tin Mừng cho đến tận bờ cõi trái đất. Họ có tinh thần biến báo và hoạt động tông đồ của họ thường có sắc thái đặc sắc, một thiên tài khiến người khác phải ngưỡng mộ. Họ quảng đại: họ thường ở tiền tuyến trong sứ mạng truyền giáo và chấp nhận những rủi ro nguy hiểm nhất cho sức khỏe và cho cả mạng sống của họ nữa. Đúng vậy, Giáo Hội mang ơn họ rất nhiều” (Tông huấn Evangelii nuntiandi, 69).

7. Ngoài ra, để Giáo Hội có thể tiếp tục thi hành sứ mạng Chúa Kitô đã giao phó và không thiếu các nhà truyền giảng Tin Mừng mà thế giới đang cần, điều cần thiết là, trong các cộng đồng Kitô, cần phải liên tục giáo dục đức tin cho các trẻ em và người lớn, cần duy trì ý thức sinh động về trách nhiệm truyền giáo nơi các tín hữu và về sự liên đới với các dân tộc trên thế giới. Hồng ân đức tin mời gọi tất cả các tín hữu Kitô cộng tác vào công cuộc truyền giảng Tin Mừng. Cần nuôi dưỡng ý thức ấy bằng việc giảng thuyết và huấn giáo, phụng vụ và huấn luyện liên tục về cầu nguyện ; ý thức ấy cũng tăng trưởng nhờ thực thi việc đón tiếp, bác ái và tháp tùng thiêng liêng, cũng như bằng một dự án mục vụ, trong đó có phần quan tâm đến các ơn gọi.

8. Ơn gọi linh mục thừa tác và đời sống thánh hiến chỉ triển nở trong một thửa đất được vun trồng kỹ lưỡng về mặt thiêng liêng. Thực vậy, những cộng đồng Kitô nào sống khẩn trương chiều kích truyền giáo trong mầu nhiệm Giáo Hội, sẽ không bao giờ co cụm vào mình. Sứ vụ truyền giáo, như chứng tá về tình yêu của Chúa, đặc biệt trở nên hữu hiệu khi được chia sẻ trong cộng đồng, “để cho thế gian tin” (x. Ga 17,21). Ơn gọi là hồng ân mà Giáo Hội hằng ngày phải cầu xin Chúa Thánh Linh. Giống như thuở ban đầu, quây quần quanh Đức Trinh Nữ Maria, Nữ Vương các Tông Đồ, Cộng đồng Giáo Hội đang học hỏi nơi Mẹ cách thức cầu xin Chúa cho có thêm nhiều tông đồ mới, biết sống nơi mình niềm tin và tình yêu cần thiết cho sứ vụ truyền giáo.

9. Trong lúc tôi gửi những suy tư này đến tất cả các cộng đồng Giáo Hội, để họ đón nhận làm của mình và nhất là gợi hứng từ đó để cầu nguyện, tôi khích lệ sự dấn thân của tất cả những người đang hoạt động trong tin tưởng và quảng đại để phục vụ ơn gọi và tôi thành tâm gửi Phép lành đặc biệt của tôi đến các nhà đào tạo, các giáo lý viên và tất cả mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ đang tiến bước trong hành trình ơn gọi.

Vatican, ngày 3 tháng 12 năm 2007

BÊNÊĐICTÔ XVI, Giáo Hoàng

LM Trần Đức Anh OP chuyển ngữ
(Radio Vatican 22/02/2008)

Nguồn: simonhoadalat.com