Sứ điệp của Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI
gửi Đức Tổng giám mục München và Freising
do Cộng đoàn thánh Egidio tổ chức tại München, 11–13/9/2011



""

Hiền huynh Reinhard Marx,
Hồng y Tổng giám mục München và Freising kính mến,

Vài tuần nữa là đúng 25 năm kỷ niệm ngày Chân phước Gioan Phaolô II mời các đại biểu của các tôn giáo trên thế giới đến Assisi tham gia cuộc gặp gỡ quốc tế để cầu nguyện cho hòa bình.

Liên kết với sự kiện đáng nhớ này, kể từ đó hằng năm Cộng đoàn thánh Egidio đều có tổ chức một cuộc gặp gỡ vì hòa bình để đào sâu hơn tinh thần hòa bình và hòa giải nơi chúng ta và để Thiên Chúa làm cho chúng ta trở nên những con người của hòa bình nhờ lời cầu nguyện.

Tôi vui mừng thấy hội nghị năm nay được tổ chức tại München, nơi trước đây tôi đã làm giám mục, và ngay trước chuyến thăm của tôi đến Đức, để chuẩn bị cho việc mừng kỷ niệm 25 năm ngày thế giới gặp gỡ cầu nguyện tại Assisi vào tháng Mười sắp tới.

Tôi đoan chắc sẽ ở gần bên những người tổ chức và những người tham dự cuộc gặp gỡ ở München về tinh thần, và xin gửi đến mọi người lời chào chúc thân ái.

Chủ đề của cuộc Hội thảo về hòa bình “Liên kết để chung sống” / “Chung sống – vận mệnh của chúng ta” nhắc nhở chúng ta rằng con người chúng ta được liên kết với nhau. Trước hết sự chung sống này đơn giản là một khuynh hướng, vốn xuất phát từ nơi chính con người. Nên bổn phận của chúng ta là phải đem lại cho nó một nội dung tích cực. Sự chung sống ấy có thể trở thành chống lại nhau, có thể trở thành địa ngục nếu chúng ta không học biết chấp nhận nhau, nếu mọi người chỉ muốn sống cho mình. Nhưng nó cũng có thể là một món quà, nếu chúng ta mở lòng ra với nhau, nếu chúng ta cho đi chính mình.

Vì thế, tất cả đều tùy thuộc vào việc chúng ta có hiểu biết rằng sẵn sàng chung sống với nhau là một bổn phận và cũng là quà tặng; điều đó phụ thuộc vào việc tìm ra phương cách đúng đắn để chung sống. Việc chung sống ấy, trước đây vốn có thể giới hạn trong một khu vực, ngày nay chỉ có thể được thực hiện ở cấp độ toàn cầu. Ngày nay đối tượng của việc chung sống là toàn thể nhân loại. Cuộc gặp gỡ như ở Assisi và cuộc gặp gỡ ở München này là dịp để các tôn giáo tự xét mình và tự hỏi làm thế nào để trở thành sức mạnh của việc chung sống.

Khi người Kitô hữu quy tụ với nhau, chúng ta nhớ rằng theo đức tin trong Kinh Thánh, Thiên Chúa là Đấng dựng nên mọi người, Ngài muốn chúng ta trở thành một gia đình trong đó chúng ta là anh em chị em với nhau. Và chúng ta cũng nhớ rằng Chúa Kitô rao giảng bình an, cho những người ở xa và những người ở gần (x. Ep 2, 16tt). Chúng ta phải luôn ôn lại điều này. Ý nghĩa chủ yếu của việc gặp gỡ ấy là chúng ta gặp những người ở xa và những người ở gần trong cùng một tinh thần bình an mà Chúa Kitô đã nêu gương cho chúng ta.

Chúng ta phải học sống, không phải bên cạnh nhau, cho bằng là với nhau, nghĩa là mở lòng ra với nhau, để cho những người đồng loại tham dự vào những niềm vui mừng, hy vọng và nỗi lo âu của chúng ta. Con tim là nơi Thiên Chúa chạm đến chúng ta. Vì vậy, tôn giáo –nơi con người gặp gỡ mầu nhiệm Thiên Chúa– có liên quan thiết yếu với vấn đề hòa bình. Nếu tôn giáo không thể giúp gặp gỡ với Thiên Chúa, thay vì nâng chúng ta lên với Thiên Chúa lại kéo Chúa xuống với mình, có thể nói biến Thiên Chúa thành sở hữu của mình, thì lúc ấy tôn giáo chỉ phá hoại hòa bình. Nhưng nếu tôn giáo dẫn tới Thiên Chúa, Đấng Tạo dựng và Cứu chuộc mọi người, thì tôn giáo sẽ trở thành sức mạnh của hòa bình. Chúng ta biết rằng ngay cả trong Kitô giáo thực tế cũng đã có những sự bóp méo hình ảnh Thiên Chúa, đưa tới phá hoại hòa bình. Vì thế, tất cả chúng ta được mời gọi chính yếu để cho Thiên Chúa thanh tẩy, hầu trở nên những con người của hòa bình.

Trong nỗ lực chung vì hòa bình, chúng ta không bao giờ được nhụt chí. Do đó nhiều sáng kiến trên thế giới cũng như sáng kiến gặp gỡ hòa bình hằng năm của Cộng đoàn Thánh Egidio và các cuộc họp tương tự sẽ có ý nghĩa rất lớn. Lĩnh vực đem lại nhiều thành quả cho hòa bình phải luôn được vun trồng. Chúng ta thường không thể làm gì hơn là không ngừng dọn đường cho hòa bình trong chúng ta và xung quanh chúng ta bằng nhiều bước đi nhỏ, ngay cả đối với những thách thức lớn mà không chỉ cá nhân nhưng toàn bộ gia đình nhân loại phải đương đầu, chẳng hạn như tình trạng di dân, toàn cầu hóa, khủng hoảng kinh tế và bảo vệ môi sinh. Tuy nhiên rốt cuộc, chúng ta nhận biết hòa bình không đơn giản là “được làm ra”, nhưng luôn phải là “được ban tặng ”. “Hòa bình là món quà của Thiên Chúa đồng thời là một kế hoạch phải được thực hiện và không bao giờ hoàn thành” (Sứ điệp Ngày Thế giới Hòa bình năm 2011, số 15). Ngay lúc này cần có chứng từ chung của tất cả những ai thành tâm tìm kiếm Thiên Chúa, để ngày càng thể hiện viễn cảnh mọi người chung sống hoà bình.

Từ cuộc gặp gỡ đầu tiên tại Assisi cách nay 25 năm, đã và vẫn có nhiều sáng kiến hòa giải và hòa bình đầy hứa hẹn, nhưng rất tiếc là cũng có nhiều cơ hội bị bỏ lỡ, nhiều bước thụt lùi. Những hành vi bạo lực và khủng bố kinh hoàng đã nhiều lần bóp nghẹt hy vọng sống chung hòa bình của gia đình nhân loại vào buổi bình minh của ngàn năm thứ ba, những cuộc xung đột cũ đang âm ỉ nay lại bùng lên và thêm vào đó lại có những cuộc xung đột và các vấn đề mới. Tất cả những điều đó cho thấy rõ rằng hòa bình là một sứ mệnh trường kỳ được ủy thác cho tất cả chúng ta và cũng là một quà tặng mà chúng ta phải cầu xin.

Theo ý nghĩa này, ước mong cuộc gặp gỡ vì hòa bình ở München và các cuộc họp sẽ diễn ra ở đây góp phần thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau và chung sống, và dọn những con đường luôn mới mẻ  cho hòa bình trong thời đại chúng ta.

Tôi nài xin Thiên Chúa Toàn Năng chúc lành cho tất cả những người tham gia Hội nghị hòa bình năm nay ở München.

Castel Gandolfo, ngày 1 tháng Chín 2011

Bênêđictô XVI, giáo hoàng

(Nguồn: vatican.va)