Cộng Đồng Dân Chúa Việt Nam

cử hành NĂM THÁNH 2010

NỘI QUI

Phần I. Ý NGHĨA VÀ MỤC ĐÍCH

1. Ý nghĩa

Năm Thánh 2010 ghi dấu thời điểm kỷ niệm: (1) 350 năm thành lập hai giáo phận Tông Toà Đàng Ngoài và Đàng Trong (xem Sắc Chỉ Super Cathedram, 9.9.1659, của Đức Alexandre VII), (2) 50 năm thiết lập hàng giáo phẩm Việt Nam (xem Tông hiến Venerabilium Nostrorum 24.11.1960). Thời gian cử hành Năm Thánh từ 24.11.2009 đến lễ Hiển Linh 06.01.2011, đi từ khởi điểm và chứng nhân đức tin đến toả sáng và chia sẻ niềm tin.

2. Mục đích

Việc cử hành Năm Thánh 2010 nhằm:

(1) Nhìn lại quãng đường lịch sử gần 500 năm truyền giáo qua 3 thời kỳ: 126 năm Bảo Hộ (1533-1659), 300 năm Tông Toà (1659-1960), đặc biệt là 50 năm Chánh Toà (1960-2010). Nhìn lại lịch sử nhằm mời gọi cộng đồng Dân Chúa Việt Nam cùng chung lòng tạ ơn Chúa đã thương ban cho Dân Người được hình thành, tồn tại và phát triển qua những thăng trầm của lịch sử, đồng thời bày tỏ lòng biết ơn đối với Toà Thánh và các bậc tiền nhân đã góp phần tích cực vào việc loan Tin Mừng và xây dựng Giáo Hội trên đất nước Việt Nam.

(2) Nhìn lại lịch sử cùng với những thẩm định về đời sống Giáo Hội nhằm rút ra những bài học lịch sử cho việc thi hành sứ vụ yêu thương và phục vụ của Chúa Kitô, trong cộng đồng dân tộc cũng như cộng đồng thế giới hôm nay.

(3) Đồng thời cũng nhìn tới tương lai trong bối cảnh văn hoá xã hội đang đổi thay của những thập niên đầu thiên niên kỷ III, nhằm vận động cộng đồng Dân Chúa một lòng quyết tâm đáp trả tình thương của Chúa, và làm mới hình ảnh gia đình Giáo Hội tại Việt Nam theo hình mẫu mà Công Đồng Vatican II 1965 đã phác họa như sau:

·    Giáo Hội hiệp thông: đào sâu mối hiệp thông giữa cộng đoàn tín hữu với Thiên Chúa trong Đức Kitô nhờ Chúa Thánh Thần, củng cố sự hiệp thông giữa các thành phần Dân Chúa, giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân, trong mỗi Giáo Hội địa phương, hiệp thông giữa các Giáo Hội địa phương với nhau cũng như với Giáo Hội toàn cầu;

·     Giáo Hội tham gia: mọi thành phần Dân Chúa, giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân, đều có quyền và trách nhiệm tham dự vào mầu nhiệm, hiệp thông và sứ vụ của Giáo Hội, mỗi thành phần theo đặc sủng của mình;

·     Giáo Hội vì loài người: quyền bính và sứ vụ của Giáo Hội là quyền và trách nhiệm yêu thương và phục vụ cho sự sống của mọi người anh em đồng bào và đồng loại.

Phần II. CỬ HÀNH NĂM THÁNH 2010

3. Giai đoạn chuẩn bị

(1) Năm 2008: HĐGM.VN thống nhất và xin Toà Thánh cho mở Năm Thánh 2010. Đồng thời, HĐGM.VN phê chuẩn Ban Tổ Chức cử hành Năm Thánh, và hình thành những Tiểu Ban chuyên môn. Trong năm 2008, các Tiểu Ban cần soạn xong tài liệu học tập, hội thảo, tổ chức lễ hội, cầu nguyện, hành hương theo những chủ đề giúp cho cộng đồng Dân Chúa trong các giáo tỉnh, giáo phận, giáo xứ, dòng tu, tu hội, Đại chủng viện, các đoàn thể giáo dân, các phong trào tông đồ, ý thức tạ ơn Chúa, và quyết tâm cùng nhau làm mới hình ảnh Giáo Hội tại Việt Nam.

(2) Chủ đề của Năm Thánh 2010 là:

GIÁO HỘI TẠI VIỆT NAM:

Mầu nhiệm - Hiệp thông - Sứ vụ

Chủ đề này được triển khai theo 3 chủ điểm lớn sau đây:

- Giáo Hội mầu nhiệm, với chức năng ngôn sứ và tư tế (mục vụ Thánh Kinh, Lời Chúa, giáo lý đức tin, Phụng tự, lòng đạo đức bình dân, kinh sách)

- Giáo Hội hiệp thông, với chức năng mục tử (mục vụ tổ chức và điều hành giáo phận, giáo xứ, dòng tu, tu hội, các tổ chức mục vụ, các đoàn thể tông đồ giáo dân, tạo tương quan liên đới, đối thoại, hợp tác, đối nội, đối ngoại).

- Giáo Hội sứ vụ, với chức năng thi hành sứ vụ yêu thương và phục vụ cho Tin Mừng và cho sự sống dồi dào của mọi người, đặc biệt người kém may mắn, bị bỏ rơi (mục vụ truyền giáo, văn hóa giáo dục, y tế, bác ái xã hội, phát triển, di dân).

(3) Năm 2009, các giáo tỉnh, giáo phận, giáo xứ, dòng tu, Đại chủng viện, đoàn thể tông đồ giáo dân, tổ chức cho cộng đoàn Dân Chúa cử hành lễ hội, học tập, hội thảo, góp ý, đề xuất, cầu nguyện, hành hương vào một số dịp và theo 3 chủ đề đã nêu trên … Phát hành Kỷ Yếu 50 năm thiết lập hàng giáo phẩm Việt Nam, với phần nhìn lại các thời kỳ lịch sử truyền giáo, đặc biệt thời kỳ chánh toà…

4. Cử hành Năm Thánh 2010

(1) Cử hành Thánh lễ tạ ơn và xin ơn toàn xá vào dịp một số lễ do HĐGM.VN ấn định [1]. Có thể tiếp tục lễ hội, học hội, góp ý đề xuất, cầu nguyện, hành hương theo những chủ đề nói trên …
(2) Tổ chức Đại hội Dân Chúa Việt Nam.

(3) Năm 2010 hoặc năm 2011, phát hành Kỷ Yếu Đại hội Dân Chúa Việt Nam năm 2010, trình bày những diễn tiến và kết quả của Đại hội, đồng thời đưa ra những định hướng mục vụ cụ thể nhằm xây dựng một Giáo Hội hiệp thông, tham gia, và phục vụ sự sống của mọi người anh em đồng bào và đồng loại.

Phần III. ĐẠI HỘI DÂN CHÚA VIỆT NAM 2010

5. Tính chất và mục đích của Đại hội

(1) Đại hội Dân Chúa Việt Nam là cơ hội cho HĐGM kêu gọi mọi thành phần Dân Chúa chung lòng chung sức với hàng Giáo phẩm xây dựng một Giáo Hội hiệp thông, Giáo Hội tham gia, và Giáo Hội vì loài người, nhằm tạo thuận lợi cho việc thi hành cách có hiệu quả hơn sứ vụ yêu thương và phục vụ của Chúa Kitô, trong cộng đồng dân tộc cũng như cộng đồng thế giới hôm nay.

(2) Đại hội Dân Chúa Việt Nam không những nhằm thể hiện sự hiệp thông trong Giáo Hội Công giáo tại Việt Nam, song còn nhằm cổ võ mọi thành phần trong Cộng đồng dân Chúa Việt Nam tại các châu lục, linh mục, tu sĩ, giáo dân, tích cực tham gia thi hành sứ vụ của Giáo Hội vì sự sống của mọi người anh em đồng bào và đồng loại.

6. Giai đoạn chuẩn bị

(1) Công việc chuẩn bị Đại hội, trước hết nhằm giúp cho HĐGM phát hiện những vấn đề cần được đưa ra bàn thảo trong Đại hội Dân Chúa Việt Nam năm 2010. Đồng thời còn nhằm làm cho mọi thành phần Dân Chúa trong các Giáo Hội địa phương cảm nhận rằng họ có liên hệ mật thiết với Đại hội. Đạt được mục tiêu trên, công việc của Đại hội sẽ mở đường cho sự hiệp thông đi vào đời sống Giáo Hội, nhờ đó mọi tín hữu được chuẩn bị sẵn sàng đón nhận những gì HĐGM sẽ quyết định với tư cách là mục tử của Dân Chúa.

(2) Tham khảo ý kiến của mọi thành phần Dân Chúa. Công việc chuẩn bị còn nhằm giúp mọi tín hữu tham gia cách tích cực vào đời sống Giáo Hội. Các cộng đoàn tín hữu, giáo xứ, dòng tu, tu hội, Đại chủng viện, cùng tham gia Đại hội bằng học hỏi theo những chủ đề nêu trên, đồng thời bày tỏ suy nghĩ, nguyện vọng, nhu cầu, và đề xuất những phương thế đảm nhận những thách đố mục vụ.

(3) Xác định những vấn đề cần bàn thảo trong Đại hội

Dựa vào tư liệu do các Tiểu Ban chuyên môn soạn ra, Ban Thư ký tổ chức Đại hội soạn thảo một bản Đề Cương với những câu hỏi, và gởi đến các tham dự viên Đại hội, xin họ trả lời các câu hỏi trước tháng 6, 2009. Thu thập lại các câu trả lời, đúc kết thành một Bản Tư Liệu Làm Việc, gởi đến các tham dự viên trước tháng 12, 2009. Các bài phát biểu trong Đại hội cần phải dựa vào Bản Tư Liệu Làm Việc đó, và gởi 1 bản đến Ban Thư Ký Đại hội trước tháng 4, 2010.

7. Tham dự Đại hội Dân Chúa Việt Nam

(1) Chủ tọa đoàn: gồm Ban Thường Vụ Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Chủ tịch và các Phó Chủ tịch Ban Tổ Chức cử hành Năm Thánh.

(2) Thành phần tham dự Đại hội với quyền biểu quyết: Các Giám mục tại Việt Nam.

(3) Thành phần tham dự Đại hội với quyền tư vấn:

- Các Tổng Đại diện và đại diện Giám Mục, các Giám đốc Đại Chủng viện.

- Các dòng tu, tu hội đề cử 15 nam, 15 nữ đại diện cho hơn 90 dòng tu và tu hội đời có mặt tại Việt Nam.

- Mỗi giáo phận đề cử một linh mục, hai giáo dân, một nam, một nữ [2],

- Một số đại diện các cộng đoàn công giáo VN ở các Châu lục, mỗi Châu lục từ 5-10 người,

- HĐGM mời một số thượng khách như Tổng Giám mục và Giám mục VN ở Châu lục khác, và một số vị đã góp phần tích cực vào công cuộc truyền giáo và xây dựng Giáo hội tại Việt Nam [3]

(4) Các tham dự viên, - giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân, (với tổng số khoảng 200) - “trợ giúp” HĐGM bằng cách đóng góp ý kiến hoặc biểu quyết những vấn đề mà HĐGM đề xuất. Việc biểu quyết đó mang tính tư vấn. Sau khi lắng nghe, các Giám mục có bổn phận thẩm định, phân định và quyết định. Cách thi hành tác vụ Giám mục bao hàm việc lắng nghe mọi thành phần Dân Chúa, và cổ võ họ cùng nhau tìm kiếm điều mà Chúa Thánh Thần đòi hỏi nơi gia đình Giáo Hội tại Việt Nam trong hoàn cảnh hiện tại.

8. Tiến trình của Đại hội

(1) Cử hành lễ khai mạc, lễ bế mạc

Có thể cử hành long trọng và được mở rộng tại một nơi mà nhiều ngàn tín hữu tham dự được. (x. Sách Nghi thức Giám mục, số 1169-1176; Tông huấn Mirificus Eventus, 7.12.1965)

(2) Tuyên tín

Trước khi bắt đầu góp ý, các tham dự viên tuyên tín theo Giáo Luật 833, nhằm khơi dậy ý thức đức tin và lòng yêu mến đối với di sản thiêng liêng của Giáo Hội.

(3) Những vấn đề cần bàn thảo

Cần ấn định trước qua bản Tư Liệu Làm Việc những vấn đề đưa ra cho các tham dự viên tự do góp ý trong Đại hội. Các tham dự viên viên được tự do phát biểu về những vấn đề đã được đưa ra, trong thời hạn nội quy ấn định. Sau những buổi phát biểu, cần có bản tóm tắt về mỗi vấn đề, mỗi lãnh vực mục vụ, nhằm tạo thuận lợi cho việc nghiên cứu và thảo luận kế tiếp.

(4) Cách thức tiến hành Đại hội

- Mỗi bài phát biểu trong Đại hội cần dựa vào nội dung Tư Liệu Làm Việc, và dài tối đa 5 phút. Không kéo dài thêm sau khi nghe tiếng chuông. Cần gởi cho Văn phòng Ban Thư ký Đại hội 1 bản bài phát biểu ít là 4 tháng trước Đại hội.

- Sau các buổi phát biểu, Ban Thư ký trình bày bản đức kết các ý kiến phát biểu. Sau đó là 3 buổi thảo luận nhóm, mỗi buổi thảo luận một lãnh vực mục vụ (Giáo Hội mầu nhiệm, Giáo Hội hiệp thông, Giáo hội sứ vụ) Ban Thư ký lo liệu phân nhóm với trưởng phó nhóm, 2 thư ký, và chỉ định chỗ cho mỗi nhóm thảo luận. Mỗi nhóm tối đa là 20 người.

- Sau các buổi thảo luận nhóm, tại hội trường, các thư ký nhóm trình bày bản đúc kết ý kiến của nhóm. Sau đó tùy theo thời giờ, các tham dự viên có thể góp ý bổ sung.

(5) Phiếu kín

Các thành viên Đại hội có thể được mời bày tỏ ý kiến qua phiếu kín. Cần giải thích cho Đại hội ý nghĩa hành vi này là nhằm xác minh mức độ đồng ý với những đề xuất, và kết quả của việc bỏ phiếu không có tính quyết định, vì lẽ chức năng của Đại hội là trợ giúp HĐGM, không thay thế HĐGM.

Nhiệm vụ của HĐGM là thẩm định mọi sự trước mặt Chúa trước khi quyết định. Thế nhưng HĐGM cần theo ý kiến đa số nếu xét thấy không có trở ngại trầm trọng. (Unitas in necessariis, Libertas in dubiis, Caritas in omnibus)

9. Soạn thảo và công bố văn kiện sau Đại hội

(1) Soạn thảo văn kiện sau Đại hội

Với chỉ dẫn cần thiết, HĐGM giao cho Ban Thư ký Đại hội và các Tiểu ban Đại hội soạn ra bản thảo văn kiện. Trong việc soạn thảo, cần tìm công thức chính xác, rõ ràng, nhằm làm cho văn kiện thành bản chỉ dẫn thực hiện chương trình mục vụ tương lai. Do đó cần tránh dừng lại ở những cách nói mang tính đại cương hoặc chỉ cổ võ.

(2) Công bố văn kiện

Văn kiện phải mang chữ ký của vị Chủ tịch và Tổng Thư ký HĐGM. Văn từ được dùng phải biểu tỏ chính HĐGM là tác giả.

(3) Chuyển đạt văn kiện

Những nơi cần chuyển đạt văn kiện sau Đại hội:

- Các Giám mục Việt Nam

- Các tham dự viên Đại hội

- Các đại diện các thành phần Dân Chúa Việt Nam

(4) Thể thức và thời điểm thi hành những quyết định của Đại hội

Sau Đại hội, HĐGM có nhiệm vụ xác định thể thức và thời điểm toàn thể GHCG tại Việt Nam thi hành những quyết định được ghi trong văn kiện sau Đại hội.

Phần IV. PHÂN CÔNG VÀ PHÂN NHIỆM

10. Hội đồng Giám mục Việt Nam

(1) Xin Tòa Thánh cho mở Năm Thánh 2010

(2) Phê chuẩn: - Ban Tổ chức Năm Thánh

- những tiểu ban chuyên môn

- Nội quy cử hành Năm Thánh 2010

(3) Phê chuẩn Chủ toạ đoàn Đại hội Dân Chúa Việt Nam

(4) Triệu tập Đại hội Dân Chúa Việt Nam.

(5) Ấn định địa điểm và thời gian tiến hành Đại hội

(6) Ấn định Nội quy tổ chức và tiến hành Đại hội, và các vấn đề cần được thảo luận.

(7) Tuyên bố ngày khai mạc Đại hội, thời gian Đại hội, triển hạn, bế mạc Đại hội.

(8) Phê chuẩn và công bố văn kiện sau Đại hội.

11. Ban Tổ Chức Năm Thánh

Ban Tổ Chức Năm Thánh gồm có:

- Đoàn Chủ tịch:

- Chủ tịch: Đức Hồng Y Tổng Giám Mục TP HCM,

- Phó Chủ tịch: hai Đức Tổng Giám Mục Tổng Giáo phận Hà Nội và Huế,

- Quý Đức Cha thành viên: Phêrô Trần Đình Tứ, Phaolô Bùi Văn Đọc, Giuse Vũ Duy Thống.

- Ban Thư ký và Ban Tài chánh (do đoàn Chủ tịch tổ chức Năm Thánh đề cử), có nhiệm vụ trợ giúp HĐGM trong những việc như sau:

(1) Tổ chức và điều hành các công việc trong suốt thời gian chuẩn bị và cử hành Năm Thánh, đặc biệt là công việc chuẩn bị và tiến hành Đại hội Dân Chúa VN.

(2) Lên kế hoạch kinh phí, tìm nguồn tài trợ cho việc chuẩn bị cũng như cử hành Năm Thánh.

(3) Tham khảo ý kiến và xác định những vấn đề cần bàn thảo trong Đại hội.

(4) Soạn thảo các văn kiện sau Đại hội, trình cho HĐGM xét duyệt, thống nhất, phê chuẩn và ban hành trong Hội Nghị tháng 10 năm 2010, hoặc trong Hội Nghị tháng 3 năm 2011.

12. Ban Thư ký Năm Thánh

(1) Ban Thư ký Năm Thánh gồm:

- Thư ký thường trực: do đoàn Chủ tịch Ban Tổ chức Năm Thánh đề cử.

- Các Thư ký của các tiểu ban: (1) tiểu ban nghiên cứu lịch sử, (2) tiểu ban soạn thảo tài liệu học hỏi và cử hành Năm Thánh, (3) tiểu ban chuẩn bị và thực hiện Đại hội Dân Chúa VN.

(2) Nhiệm vụ của Thư ký thường trực

- Làm cầu nối giữa vị Chủ tịch Ban Tổ chức Năm Thánh và các tiểu ban chuyên môn,

- Phối hợp các tiểu ban chuyên môn theo định hướng chung.

- lo liên lạc thông tin, đề phòng những giải thích thiếu chính xác, thiếu trung thực

(3) Nhiệm vụ của Các thư ký tiểu ban: [4]

- Tiểu ban nghiên cứu lịch sử (gồm Tổng thư ký các UBGM về Văn hóa, Truyền thông, Thánh nhạc): nghiên cứu lịch sử Giáo Hội VIỆT NAM qua ba thời kỳ bảo hộ, tông toà, nhất là chánh toà (1960-2010). Phát hành Kỷ yếu 50 năm thiết lập phẩm trật Giáo Hội Công giáo tại Việt Nam.

- Tiểu ban soạn thảo các tài liệu học hỏi và cử hành Năm Thánh: chia ra ba nhóm để biên soạn các tài liệu theo 3 chiều kích: mầu nhiệm (gồm tổng thư ký các UBGM về Giáo lý đức tin, Thánh Kinh, Phụng tự) – hiệp thông (UBGM về Linh mục, Tu sĩ, Giáo dân, Giới trẻ, Gia đình) – sứ vụ (UBGM về Truyền giáo, Bác ái xã hội, Di dân).

- Tiểu ban chuẩn bị và thực hiện Đại hội Dân Chúa Việt Nam: soạn thảo Đề cương và Tài liệu làm việc cho Đại hội – soạn thảo Nội Quy cho Đại hội – làm Ban thư ký của Đại hội – soạn thảo văn kiện sau Đại hội.

13. Ban Tài Chánh

(1) Dự chi cho việc chuẩn bị và cử hành Năm Thánh, nhất là Đại hội,

(2) Dự thu cho công việc nói trên,

(3) Chuẩn bị cơ sở và kinh phí cho Đại hội.

Phê chuẩn ngày 27.03.2008

Tại Bãi Dâu

+ Giuse Ngô Quang Kiệt             + Phêrô Nguyễn Văn Nhơn  

 Tổng thư ký HĐGMVN               Chủ tịch HĐGMVN

Chú thích:

[1] Ví dụ,   Lễ Khai mạc Năm thánh: Lễ Các Thánh Tử đạo Việt Nam 24.11.2009,

Lễ Thánh Giuse 19.3,

Lễ kính Thánh Phêrô và Phaolô: 29.6

Lễ tạ ơn kỷ niệm 350 năm thành lập hai Giáo phận Tông Toà Đàng Ngoài và Đàng Trong: 9.9.2010,

Lễ thánh Têrêxa 1.10,

Lễ Các Thánh Tử đạo Việt Nam 24.11.2010,

Lễ Thánh Phanxicô Xaviê 3.12,

Lễ Đức Mẹ Vô nhiễm nguyên tội 8.12,

Lễ Bế mạc Năm Thánh: Lễ Hiển Linh 2011.

[2] Dựa vào tiêu chuẩn nào để chọn lựa các linh mục và giáo dân tham dự Đại hội Dân Chúa? Thiết nghĩ nên quan tâm đến một vài khía cạnh: (1) những linh mục và giáo dân đang làm việc mục vụ, (2) những giáo dân và linh mục có uy tín và đạo đức, (3) về số giáo dân, nên lưu ý việc quân bình nam nữ trong số tham dự viên.

[3] Ví dụ, đại diện Bộ Truyền Giáo, đại diện Hội Thừa Sai hải ngoại Paris, đại diện Dòng Tên, Dòng Phanxicô, Dòng Đaminh…

[4] Mỗi tiểu ban gồm có các Tổng thư ký của một số UBGM. Các tổng thư ký này sẽ bầu ra một vị làm thư ký thường trực của tiểu ban chuyên môn.