Thứ Ba, ngày 17 tháng 12, ngày kỷ niệm sinh nhật lần thứ 88 của Đức Giáo hoàng, một số tờ báo Ý đã đăng trước gần một tháng một số trích đoạn từ cuốn tự truyện của Đức Giáo hoàng, được đồng viết từ năm 2019 với Carlo Musso, cựu giám đốc biên tập của tờ Piemme và Sperling & Kupfer, sau đó là người sáng lập nhà xuất bản độc lập Libreria Pienogiorno. Họ tập trung vào “sự tập trung của nhân loại” trong villas miserias, các khu ổ chuột ở Buenos Aires, và vào “vết thương trong lòng” được thể hiện trong chuyến thăm Irak của ngài vào năm 2021. Cuốn sách do Mondadori xuất bản sẽ được xuất bản vào ngày 14/1/2025 tại hơn 100 quốc gia trên thế giới.
Tuổi thơ ở khu phố Barrio Flores
“Khi người ta nói với tôi rằng tôi là một Giáo hoàng nông dân, tôi chỉ cầu nguyện để được xứng đáng với điều đó”, Đức Phanxicô nói và đồng thời nhớ lại “thế giới thu nhỏ phức tạp, đa sắc tộc, đa tôn giáo và đa văn hóa” này là Barrio Flores, khu phố ở Buenos Aires nơi ngài sống thời thơ ấu của ùinhf. Ở đây, “sự khác biệt là bình thường và chúng tôi tôn trọng lẫn nhau”, Đức Thánh Cha nhớ lại, khi nói về các nhóm bạn Công giáo, Do Thái và Hồi giáo mà không có sự phân biệt.
“Những mađalêna đương đại”
Đức Thánh Cha nhớ lại những cuộc gặp gỡ với gái mại dâm, một hình ảnh về “mặt tối tăm và mệt mỏi hơn của cuộc sống” mà ngài đã biết từ thời thơ ấu ở vùng ngoại ô Argentina. Khi trở thành Giám mục, Đức cha Bergoglio đã cử hành thánh lễ cho một số phụ nữ, những người đã thay đổi cuộc đời họ trong thời gian đó. Một trong số họ, Porota, tâm sự với ngài : “Tôi đã từng làm gái mại dâm ở khắp nơi, ngay cả ở Hoa Kỳ. Tôi đang kiếm tiền thì tôi yêu một người đàn ông lớn tuổi hơn, anh ấy là người yêu của tôi và khi anh ấy chết tôi đã thay đổi cuộc đời mình. Hôm nay tôi có lương hưu. Và tôi sẽ tắm rửa cho những ông già, bà già trong viện dưỡng lão không có ai chăm sóc. Tôi không đi lễ nhiều. Tôi đã làm mọi thứ với cơ thể của mình, nhưng giờ đây tôi muốn chăm sóc những cơ thể mà không ai quan tâm”. Đức Phanxicô nói: “Một mađalêna đương đại”.
Porota đã gọi điện cho ngài lần cuối từ bệnh viện để xin xức dầu cho bệnh nhân và rước lễ, ngay trước khi bà qua đời. Đức Thánh Cha viết: “Bà ấy đã được khỏe mạnh, giống như những người thu thuế và gái mại dâm”, những người “vào Nước Thiên Chúa trước các ông” (Mt 21, 31). Đức Phanxicô nói: “Ngay cả hôm nay, vào ngày bà qua đời, tôi cũng không quên cầu nguyện cho bà”.
Tình bạn với “Cha Pepe”
Những mađalêna khác, ký ức về những người bạn tù làm bàn chải quần áo, hay câu chuyện về sự ra đời tình bạn của ngài với Don José de Paola, được gọi là “Cha Pepe”, linh mục giáo xứ Virgen de Caacupé, tại Villa 21, và được hỗ trợ với sự lắng nghe và gần gũi của vị Giáo hoàng tương lai vào thời điểm khủng hoảng ơn gọi. Tại những khu dân cư ở ngoại ô thành phố, nơi “Nhà nước đã vắng mặt từ bốn mươi năm qua” và nơi chứng nghiện ma túy là “một tai họa nhân tăng sự tuyệt vọng”, ở đó – Đức Phanxicô nhắc lại – “ở những vùng ngoại vi này mà, đối với Giáo hội, phải luôn là trung tâm mới, một nhóm giáo dân và linh mục như Cha Pepe sống và làm chứng cho Tin Mừng mỗi ngày, giữa những người bị bỏ lại phía sau bởi một nền kinh tế giết chết.”
Tôn giáo không phải là thuốc phiện của nhân dân
Một thực tế khó khăn mà từ đó người ta thấy rõ rằng tôn giáo hoàn toàn không phải là “thuốc phiện của con người, một câu chuyện trấn an để tha hóa con người”, Đức Giáo hoàng lặp lại. Ngược lại, chính “nhờ đức tin và sự dấn thân mục vụ và dân sự này” mà các khu ổ chuột “tiến triển theo những cách không thể tưởng tượng được, bất chấp những khó khăn to lớn”. Và “giống như đức tin, mỗi việc phục vụ luôn là một cuộc gặp gỡ, và trên hết chính chúng ta có thể học được nhiều điều từ người nghèo”.
Chuyến đi Irak và “vết thương trong lòng” ở Mosul
Từ thảm kịch về những khu ổ chuột cho đến thảm kịch Irak bị tàn phá bởi cuộc xung đột, cái nhìn của Đức Phanxicô không thay đổi, nó luôn thấm nhuần sự quan tâm và chăm sóc dành cho một nhân loại bị thương tích. Trong chuyến viếng thăm lịch sử này được thực hiện từ ngày 5 đến ngày 8 tháng 3 năm 2021 – chuyến thăm đầu tiên của một vị Giáo hoàng đến đất nước này – Đức Phanxicô gợi lên “vết thương trong trái tim” mà Mosul đại diện. “Một trong những thành phố lâu đời nhất trên thế giới tràn ngập lịch sử và truyền thống, nơi chứng kiến sự xen kẽ của các nền văn minh khác nhau theo thời gian và từng là biểu tượng cho sự chung sống hòa bình của các nền văn hóa khác nhau trong cùng một đất nước – người Ả Rập, người Kurd, người Armenia, người Turcomans, người Kitô hữu , người Syriac – đã xuất hiện trước mắt tôi như một đống đổ nát trải dài, sau ba năm bị Nhà nước Hồi giáo chiếm đóng, vốn đã biến nó thành thành trì của mình”. Bay qua bằng trực thăng, lãnh thổ hiện ra như “tia X của sự thù hận, một trong những cảm xúc mạnh mẽ nhất của thời đại chúng ta”.
Quả độc của chiến tranh
Từ chuyến đi này, Đức Thánh Cha nhớ lại bối cảnh tổ chức khó khăn, do đại dịch Covid-19 dai dẳng và vấn đề an ninh. “Hầu hết mọi người đều khuyên tôi không nên làm điều đó… nhưng, tôi cảm thấy rằng mình phải đến vùng đất của Abraham, tổ tiên chung của người Do Thái, Kitô giáo và Hồi giáo.”
Đức Phanxicô không che giấu việc đã nhận được thông tin từ các cơ quan mật vụ Anh liên quan đến hai cuộc đánh bom tự sát đang chuẩn bị trong chuyến thăm Mosul của ngài. “Một trong những kẻ đánh bom tự sát là một phụ nữ, mang theo chất nổ, người còn lại ngồi trong một chiếc xe tải. Cả hai đều bị cảnh sát Irak chặn lại và tiêu diệt trước khi thành công. Điều này cũng làm tôi đau khổ”, “đó cũng là trái độc của chiến tranh”.
Lời khuyến khích ưu tiên lý trí và không xung đột
Tuy nhiên, trong tất cả sự hận thù này, Đức Thánh Cha đã nhìn thấy ánh sáng hy vọng trong cuộc gặp gỡ với Đại Giáo sĩ Ali al-Sistani, vào ngày 6 tháng 3 năm 2021, tại Najaf. Cuộc gặp gỡ mà “Tòa Thánh đã chuẩn bị từ hàng chục năm” này đã diễn ra trong bầu không khí huynh đệ tại nhà của al-Sistani, “một cử chỉ mà ở phương Đông thậm chí còn hùng hồn hơn cả những lời tuyên bố, hơn cả những tài liệu, bởi vì nó có nghĩa là tình bạn, là sự thuộc cùng một gia đình. Nó giúp ích cho tâm hồn tôi và khiến tôi cảm thấy vinh dự”. Từ đây, Đức Phanxicô đặc biệt nhắc lại “lời khuyến khích chung cho các cường quốc hãy từ bỏ ngôn ngữ chiến tranh, ưu tiên cho lý trí và sự khôn ngoan”, và câu nói này, mà ngài mang trong mình “như một món quà quý giá”: “ Con người hoặc là anh em bởi tôn giáo hoặc là bình đẳng bởi công trình tạo dựng”.
Ngoài cuốn sách “Hy vọng”, cuộc đời của Đức Thánh Cha Phanxicô cũng sẽ được kể trong một bộ phim dựa trên cuốn sách thứ hai “Cuộc đời. Câu chuyện của tôi trong Lịch sử”, một cuốn tự truyện được đồng viết với Fabio Marchese Ragona và được nhà xuất bản HaperCollins xuất bản vào tháng Ba vừa qua.
Chuyển ngữ: Tý Linh
Chuyển ngữ từ: vaticannews.va
Nguồn: xuanbichvietnam.net