MÔNG CỔ VÀ
KHUÔN MẶT TRUYỀN GIÁO CỦA GIÁO HỘI HÀN QUỐC
Ngọc Yến - Vatican News
Vatican News (24.08.2023) – Giáo hội
Công giáo Mông Cổ được tái sinh sau khi Liên Xô sụp đổ, quốc gia đã mở quan hệ
ngoại giao với Tòa Thánh vào năm 1992 và theo đó, 3 nhà truyền giáo của Dòng
Trái tim Vô nhiễm Nguyên tội Đức Mẹ đã đến đất nước này. Góp phần cho công cuộc
tái truyền giảng Tin Mừng ở đất nước này có sự đóng góp to lớn của Giáo hội Hàn
Quốc, đặc biệt các nữ tu Dòng Thánh Phaolô thành Chartres và các linh mục diện
Hồng ân Đức tin.
Đức Thánh Cha sẽ viếng thăm Mông Cổ từ ngày 31/8
đến 04/9 tới đây, một quốc gia Đông Á với số tín hữu Công giáo chỉ khoảng 1.500
người trong tổng dân số khoảng 3 triệu người. Với đàn chiên nhỏ bé này, Giáo hội
Công giáo Mông Cổ hiện nay được coi là một trong những Giáo hội non trẻ, được hồi
sinh nhờ các nhà truyền giáo.
Thực tế, Kitô giáo hiện diện tại Mông Cổ từ thế
kỷ X bởi các Kitô hữu đến từ Syriac, nhưng sau đó bị ngưng lại. Trong nhiều thế
kỷ, Kitô giáo không còn hiện diện tại đây. Sau khi Liên Xô sụp đổ, Mông Cổ đã mở
quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh vào năm 1992 và theo đó, 3 nhà truyền giáo của
Dòng Trái tim Vô nhiễm Nguyên tội Đức Mẹ đã đến Mông Cổ, đó là các cha
Wenceslao Padilla, Gilbert Sales và Robert Goessens. Sau đó, các nhà truyền
giáo khác tiếp tục hoạt động loan báo Tin Mừng, đánh dấu những bước tiến nhỏ
nhưng rất ý nghĩa trong thập kỷ đầu tiên của hoạt động tái truyền giáo tại đây.
Trong thập kỷ tiếp theo, đời sống Giáo hội được
mô tả như là sự ra đời của các cộng đoàn Kitô giáo đầu tiên. Một số dân địa
phương bắt đầu xin gia nhập Công giáo.
Thập kỷ thứ ba được đánh dấu bằng lễ truyền chức
linh mục người Mông Cổ đầu tiên, vào năm 2016. Đối với các vị truyền giáo, hình
ảnh này như một hồng ân tuyệt vời của Thánh Thần dành cho Giáo hội đang được
khai sinh này. Cùng với linh mục này, vào tháng 10/2021 Giáo hội có thêm một
linh mục bản xứ thứ hai.
Hiện nay, tại Mông Cổ có khoảng 77 nhà truyền
giáo thuộc 27 quốc tịch và 10 dòng tu chăm sóc mục vụ cho 9 giáo xứ. Có tất cả
9 linh mục, trong đó có 2 linh mục bản xứ, 36 nữ tu, 6 nam tu sĩ và 3 giáo dân
truyền giáo. Các nhà truyền giáo thường xuyên gặp nhau để xem xét các vấn
đề, phối hợp các hoạt động và lên kế hoạch cho các sáng kiến mới.
Các nữ tu Dòng Thánh Phaolô thành Chartres
Hoạt động mục vụ tại Mông Cổ
Gần một phần ba các nhà truyền giáo hiện diện tại
cộng đoàn Công Giáo nhỏ bé sẽ chào đón Đức Thánh Cha Phanxicô trong vài ngày tới
đến từ Hàn Quốc. Từ hoạt động phục vụ giáo dục của các nữ tu Dòng Thánh Phaolô
thành Chartres đến các linh mục diện Hồng ân Đức tin (Fidei Donum) của Giáo phận
Daejeon.
Bayanhushuu là một quận nghèo ở ngoại ô của thủ
đô Ulaanbaatar, nơi có nhiều ngôi nhà ọp ẹp dọc theo hàng ngàn ger,
nơi cư trú truyền thống của người Mông Cổ. Vì ở thủ đô khó có cơ hội cho cuộc sống,
nhiều người di cư đến đây để tìm kiếm một cuộc sống ít tốn kém hơn.
Trên đỉnh của một ngọn đồi cằn cỗi, điều khác biệt
rõ ràng so với sự xuống cấp xung quanh, một tòa nhà gạch đỏ rộng lớn, hiện đại
nổi bật. Đó là ngôi trường được điều hành bởi các nữ tu Dòng Thánh Phaolô thành
Chartres đến từ Hàn Quốc. Các nữ tu này đã hiện diện tại Mông Cổ từ năm 1996.
Sơ Clara Lee Nan Young, giám đốc của cơ sở giáo
dục cho biết các nữ tu đã mở trung tâm này cách đây hai năm, và đến nay đã có
200 học sinh của khu vực này đang theo học cho đến trung học. Các em học sinh ở
đây rất ý thức trong việc giữ gìn sạch sẽ các lớp học, cũng như trong việc sử dụng
máy tính, các phòng học tiếng Anh và thư viện.
Bên cạnh đó, còn có một trường mẫu giáo dành cho
các em nhỏ hơn. Các em mặc đồng phục, được học và vui chơi với các đồ chơi giúp
phát triển trí tuệ. Từ mọi chi tiết, triết lý của các nhà truyền giáo này tỏa
sáng qua việc: ngay cả con cái của các gia đình thiệt thòi nhất cũng có quyền
được hưởng một nền giáo dục tốt nhất.
Ngoài giáo dục, các Nữ tu Dòng Thánh Phaolô
thành Chartres thuộc Tỉnh Dòng Taegu còn tham gia vào hoạt động mục vụ y tế.
Các chị đại diện cho một trong những gương mặt của Giáo hội Hàn Quốc ở Mông Cổ.
Sơ Veronica Kim Hye Kyung là một trong số các nữ tu đang phục vụ tại đây. Hiện
sơ đang quản lý phòng khám Đức Mẹ Maria, được thành lập bởi Hạt Phủ Doãn Tông
tòa tại Nhà thờ Chính tòa Ulaanbaatar. Sơ giải thích: “Đây là một cơ sở y tế
dành cho những người không có khả năng điều trị. Mỗi năm, cùng với sự giúp đỡ của
các bác sĩ tình nguyện, chúng tôi đảm bảo khoảng 10.000 ca phẫu thuật. Và trong
một số trường hợp, chúng tôi có thể giúp các bệnh nhân có nhu cầu đặc biệt được
điều trị ở nước ngoài, thông qua các liên hệ với Giáo hội Hàn Quốc”.
Từ đất nước châu Á này, hiện có 23 trong số 77
nhà truyền giáo ở Mông Cổ, gồm các linh mục, tu sĩ, giáo dân. Các vị hiện diện ở
thủ đô Ulaanbaatar, Arvaikheer, Erdenet và Darkhan.
Các linh mục diện Hồng ân Đức
tin
Thánh lễ
Tại Mông Cổ còn có các nhà truyền giáo đến từ các
hội dòng khác, như Dòng Tên, Dòng Salêdiêng, các Nữ tu của Mẹ Têrêsa. Nhưng có
lẽ dấu chỉ quan trọng nhất về mối liên hệ đặc quyền giữa Giáo hội của hai quốc
gia láng giềng này là các linh mục diện Hồng ân Đức tin (Fidei Donum). Hiện có
bốn linh mục đến từ Giáo phận Daejeon của Hàn Quốc.
Tình bạn này bắt đầu cách đây 25 năm trước, và
được ủng hộ mạnh mẽ bởi Đức Giám Mục nay là Đức Hồng Y Lazzaro You Heung-sik, Tổng
trưởng Bộ Giáo sĩ. Ngài đã khuyến khích sự chọn lựa thường xuyên gửi các chủng
sinh năm thứ năm của Giáo phận Daejeon cho sứ vụ truyền giáo vào mùa hè ở Mông
Cổ.
Cha Thomas Ro Sang-min là một trong số các linh
mục đó. Hiện nay, cha đang coi sóc giáo xứ Thánh Sofia, nằm ở cuối con đường đất
ở quận Bayanhushuu. Linh mục 38 tuổi cho biết, giáo xứ được thành lập vào năm
2012 bởi một linh mục cũng thuộc diện Hồng ân Đức tin trong Giáo phận của ngài.
Vào mỗi thứ Năm, cùng với một nhóm thanh thiếu niên, cha đi phân phát lương thực
cho các gia đình nghèo sống ở các bãi rác.
Với giới trẻ, cha Thomas tổ chức các chuyến đi
chơi và các sáng kiến nhóm, như đi đến thành phố, đến rạp chiếu phim hoặc trượt
băng, hoặc đi bộ đường dài trên những ngọn núi quanh khu vực. Tất nhiên, điều
được quan tâm hơn cả là những giây phút cầu nguyện, lớp học giáo lý và đào tạo.
Cha nói: “Tôi cố gắng gần gũi với các em, những người trẻ đôi khi không được
hít thở bầu khí thanh bình ở nhà. Và qua các em, tôi cũng mang các gia đình đến
gần nhau hơn. Thực tế, ngày nay người lớn phải đối diện với một tình huống khó
khăn, thiếu việc làm, tiền tệ mất giá và các chính sách xã hội không đầy đủ”.
Cha Stêphanô Kim SeongHyeon
Một trong những gương mặt tiêu biểu của mối liên
kết truyền giáo vững chắc này là cha Stêphanô Kim SeongHyeon, từng là Tổng Đại
diện của Phủ doãn Tông toà Ulaanbaatar, và đồng thời là linh mục coi sóc của
Nhà thờ Chính tòa Thánh Phêrô và Phaolô, đã qua đời đột ngột vào tháng 5 vừa
qua, hưởng thọ 55 tuổi.
Sinh năm 1968, cha Stêphanô Kim đã gặp được Chúa
trong cộng đoàn giáo xứ và lắng nghe tiếng gọi của Người để trở thành linh mục
vào năm 1998. Chẳng bao lâu, lòng khao khát mạnh mẽ truyền giáo ad
gentes đã thể hiện trong vị linh mục trẻ và cha đã từ bỏ điều kiện sống
được xã hội kính trọng và quan tâm như các linh mục khác, bắt đầu ra đi truyền
giáo diện Hồng ân Đức tin (Fidei Donum) của giáo phận Daejeon ở Mông Cổ vào năm
2000.
Một trong những người trẻ gặp khó khăn được cha
Kim chăm sóc khi bắt đầu sứ vụ là cha Peter Sanjajav đã trở thành linh mục bản
địa thứ hai trong lịch sử Mông Cổ. Trước đó, vào năm 2016, linh mục Mông Cổ đầu
tiên là cha Joseph Enkh-Baatar.
Cha Peter cho biết, khi tham dự một hội thảo ở
Daejeon, rằng: “Chứng tá phục vụ của cha Stêphanô Kim có ý nghĩa quyết định đối
với ơn gọi của tôi. Một ngày nọ, tôi hỏi cha tại sao cha và những người truyền
giáo khác đã chọn hy sinh cuộc sống của mình để chọn một hoàn cảnh khó khăn và
với một khí hậu rất khắc nghiệt như Mông Cổ. Đáp lại, cha cho tôi xem cây Thánh
giá. Và như thế một cuộc sống mới đã mở ra cho tôi”.
Cha Augustinô Han, hiện đang phục vụ tại Bộ Loan
báo Tin Mừng, một người bạn linh mục lâu năm của nhà truyền giáo làm chứng:
“Tôi gặp cha Stêphanô Kim lần đầu tiên trong một chuyến truyền giáo ở Mông Cổ
vào năm 2007, khi tôi còn là một chủng sinh. Tôi thực sự ấn tượng khi thấy cha
Stêphanô Kim sống với lòng say mê truyền giáo rất nhiều, khiêm nhường và khó
nghèo. Tôi nhìn thấy nơi cha mẫu gương của một linh mục truyền giáo đích thực,
người đã cống hiến hết mình để đem Tin Mừng Chúa đến cho những người đã phải chịu
sự vô thần do nhà nước áp đặt trong nhiều thập kỷ”.
Quan tâm đến công cuộc truyền giáo, vào thời điểm
đó, cha Stêphanô Kim đã thiết lập một khu vực trong giáo xứ có thể được gọi là
chủng viện nhỏ, một nơi cung cấp chỗ ăn ở cho một số người trẻ Mông Cổ, nơi
phát triển ơn gọi linh mục bản xứ đầu tiên. Cha Augustinô Han nói: “Lúc đầu cha
Stêphanô Kim khó tiếp cận với các thiếu niên Mông Cổ. Tuy nhiên, cha đã đối xử
với các em bằng tình thương của một người cha và từng bước các em rất cảm kích
trước lòng tốt của cha. Sau khi cảm nhận được tình yêu và sự kiên nhẫn của cha,
các bạn trẻ đã đi theo và coi cha như một người cha thực sự. Tôi rất xúc động
khi chứng kiến tất cả những điều này”.
Cha Augustinô Han cho biết thêm, cha Stêphanô
Kim rất thích kể về kinh nghiệm truyền giáo của mình. Khi đến Mông Cổ truyền
giáo, cha không bao giờ quên thi hành hoạt động bác ái dành cho người nghèo.
Cha ngạc nhiên khi thấy người nghèo có thể nhận ra những gì cha cho họ là thứ
quý giá hay chỉ là những gì dư thừa. Cha Kim nói: “Chia sẻ đích thực không phải
là cho đi những gì dư thừa, nhưng là trao ban cho người nghèo những gì quý giá
đối với bạn, như Thiên Chúa đã sai Con Một của Người đến thế gian”.
Cha Kim luôn để cuốn sách về Thánh Têrêsa thành
Lisieux trên bàn làm việc, một nguồn cảm hứng liên tục cho sứ vụ của cha. Cha
Augustinô Han ghi nhận: “Mặc dù cuộc sống truyền giáo khó khăn, với vô số trách
nhiệm mục vụ và xã hội cấp bách, nhưng cha không sao lãng đời sống thiêng
liêng”.
Nhận thấy cần phải gần gũi với người dân nhiều
hơn nữa, sau khi được sự chấp thuận của Giám mục, cha Stêphanô Kim đã rời giáo
xứ và chọn cuộc sống du mục trên những đồng cỏ rộng lớn của Mông Cổ. Cha đã sống
ở đó vài năm trong một “gher”, lều truyền thống của người Mông Cổ, và dạy học
cho các em nhỏ trong một trường học. Sau đó, được tân giám mục kêu gọi trở lại
Ulaanbaatar để phục vụ với tư cách là phụ tá Phủ doãn Tông tòa. Tuy nhiên, cha
thích nói: “Khi nhiệm vụ này kết thúc, tôi sẽ trở lại thảo nguyên”.
Cha chưa thực hiện mong muốn của mình thì Chúa
đã gọi cha về, nhưng những gì cha đã thực hiện trong cánh đồng truyền giáo Mông
Cổ vẫn tiếp tục phát triển từ những người theo mẫu gương của cha sống dấn thân
cho sứ vụ loan truyền Tin Mừng Chúa.
Nguồn: vaticannews.va/vi