LỜI CHỦ CHĂN GIÁO PHẬN XUÂN LỘC
THÁNG 5 – NĂM 2023
“ANH EM LÀ
BỨC THƯ CỦA ĐỨC KITÔ…” (2 Cor 3: 3)
Quý
Cha và Quý Tu sĩ thân mến,
Nơi
một nhánh của sông Jordan, khúc cạn Yabboq, ông Yacob đã vật lộn với Thiên
Chúa. Cuộc đấu kéo dài mãi đến hừng đông… Yacob đã nói: ‘Tôi sẽ không buông
Người ra, trừ phi là Người chúc lành cho tôi’ (Kn 32: 27).
Tiên tri Êlisa thưa cùng sư phụ, Tiên tri Êlia: ‘Con thề là sẽ không từ biệt
Ngài’… Dù sư phụ đi Bêthel, Yêrikhô, sông Yorđan… cả khi đối diện con sông,
Êlisa cũng không từ biệt sư phụ. ‘Êlia mới lấy tấm bào của ông, rồi cuộn lại mà
đập xuống nước, và nước đã rẽ làm hai, bên này bên kia. Cả hai, họ đã đi qua
chân khô ráo… ở đây, Êlisa đã xin sư phụ: ‘Xin cho con được gấp đôi về
Thần khí của Ngài’ (x. 2 V 1-18).
Chúng
ta vừa trải nghiệm Lễ Vượt Qua của Chúa Giêsu Kitô, chăm chú
lắng nghe Kérygma của các Thánh Tông đồ và Giáo hội tiên khởi,
chúng ta muốn cứ ‘không buông Người ra’, muốn nài nỉ ân huệ Chúa Phục Sinh và
Thần khí của Người.
Một
Lời
Thánh Tông đồ Phaolô: ‘Thư của chúng tôi, chính là anh em! viết nơi lòng anh
em, thư mà mọi người hết thảy đều nhận ra và đọc được. Thì đã rõ: Anh
em là bức thư của Đức Kitô, do tay chúng tôi soạn ra, viết không phải bằng
mực, nhưng là bằng Thần khí của Thiên Chúa hằng sống, không phải trên những bia
đá, mà là trên những bia lòng bia thịt!’ (2 Co 3: 2.3).
Từ ban đầu và trải qua các thế hệ, các Thánh Tông đồ và Giáo hội là những chứng
nhân viết bức thư trên những bia lòng, bằng Thần khí, qua
chứng từ, hành động và Phụng vụ Thánh.
Tự
thân, Giáo hội lưu giữ hành trình đến cùng đức Tin, là bức thư gốc được
chính Chúa Phục Sinh viết nên. Các Thánh Tông đồ và Giáo hội, trước biến cố
Chúa phục sinh, đối diện nhiều trở ngại. Thập giá tang
tóc chôn vùi Đức Giêsu, ‘vị Tiên tri quyền năng trong việc làm và lời nói,
trước mặt Thiên Chúa và toàn dân…’ (Lc 24: 19). Ngôi mộ trống gây
nên nỗi vắng xa biền biệt với nước mắt nhớ thương, ‘Người ta đã cất Chúa khỏi
mồ, mà chúng tôi không biết họ đặt Ngài ở đâu’ (Ga 20: 2). Quân lính nhận
hối lộ phao tin thất thiệt, ‘Các anh hãy nói: Môn đồ hắn đã đến ban
đêm trộm hắn, đang lúc chúng tôi ngủ…’ (Mt 28: 13). Những lôgic nhãn
quan giới hạn của con người, ‘Trong anh em lại có kẻ dám nói: Không có
chuyện kẻ chết sống lại’ (1 Co 15: 12). ‘Ở Athêna, có những triết gia thuộc
phái Êpicurô và Khắc kỷ cũng đến tranh luận với Phaolô. Kẻ thì bảo: Con vẹt đó
muốn nói gì vậy? Còn kẻ khác: Hình như y giảng quỷ thần gì đâu xa đến! vì ông
giảng Tin Mừng về Đức Giêsu và sự sống lại’ (Tđcv 17: 18).
Chính
Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh, với
quyền năng và lòng xót thương, đưa các Tông đồ và Giáo hội tiên khởi vào mầu
nhiệm siêu phàm này. Gioan thấy mồ trống nhưng ‘ông đã tin’
(Ga 20: 8). Maria Magđala thấy mồ trống, lệ nhòa, nhưng bà gặp
Chúa Phục Sinh ‘Rabbuni!’ (Ga 20: 16). Xế chiều ngày thứ nhất trong tuần, nơi ở
của các môn đồ các cửa đều đóng kín, vì sợ người Dothái, Chúa
Giêsu đã đến đứng giữa họ… vắng Tôma… Tám ngày sau, có Tôma, các
cửa đều đóng kín, Chúa Giêsu đến đứng giữa họ… (x. Ga 20: 19-29) Hai
môn đồ về Emmaus cố nài ép người khách: ‘Hãy lưu lại với chúng tôi, vì
trời đã về chiều và ngày đã xế !’ (Lc 24: 29) và qua cử chỉ khách bẻ tấm bánh,
‘mắt họ mở ra và họ nhận biết Ngài’… và họ nói cùng nhau: ‘Lòng chúng ta lại đã
không cháy bừng bừng, lúc dọc đàng Ngài ngỏ lời với ta, và giải nghĩa Kinh
Thánh cho ta đó sao?’ (Lc 24: 31.32). Một kinh nghiệm sâu xa Chúa Phục Sinh
dành cho các Tông đồ, nhất là cho Phêrô, tại ven
biển Tibêria, sáng sớm tinh sương… Chan chứa tình yêu: ‘Lạy
Chúa, Chúa thông hay mọi sự, Chúa biết con yêu mến Chúa’ (Ga 21: 17)… Hiển
hiện mầu nhiệm Giáo hội: ‘Simon Phêrô nói: Tôi đi đánh cá đây’. Họ
nói với ông: ‘Chúng tôi cùng đi với ông’ (Ga 21: 3)… ‘Hãy chăn giữ chiên của
Ta’, ‘Hãy chăn nuôi đàn cừu của Ta’ (Ga 21: 15.17). Tất cả kết nối lại trong
lời reo: ‘Chúa đã sống lại và đã hiện ra cho Simon!’ (Lc 24: 34),
và như chứng từ của Thánh Phaolô, Chúa Phục Sinh ‘Đã hiện ra cho Kêpha… Nhóm Mười
hai… Cho hơn năm trăm anh em một lần, trong số đó phần
đông đến nay vẫn còn sống… Cho Yacôbê… Cho cả tôi nữa…’
(x. 1 Co 15: 5-8).
Hai
Cùng
một nội dung, được viết thành bức thư trong các tâm hồn trải
qua muôn thế hệ và muôn nơi, nhận thức tình huống mới, Thánh Tông đồ Phêrô
trong tâm tình mục tử ân cần nhắn nhủ: ‘Phêrô, Tông đồ của Đức
Giêsu Kitô, kính gởi những người được chọn, hiện là khách tha phương…
thể theo sự dự tri của Thiên Chúa Cha, trong ơn thánh hoá của Thần khí, để vâng
phục và được rảy nhuần Bửu Huyết của Đức Giêsu Kitô… Chúc tụng Thiên Chúa, và
là Cha của Chúa chúng ta, Đức Giêsu Kitô, Đấng đã thể theo lòng thương hải hà
mà tái sinh chúng ta cho hy vọng hằng sống nhờ sự phục sinh từ cõi chết của Đức
Giêsu Kitô… Đấng mà anh em không thấy mà yêu, và hiện không
giáp mặt mà tin, mà hớn hở vui mừng, cái vui khôn tả và rạng rỡ vinh
quang, bởi được lĩnh lấy thành quả đức tin, là sự cứu thoát linh hồn…’ (1 Pr 1:
1-3.8.9).
Thánh
Tông đồ Cả đã nhìn thấy tình huống mới đang đến và sẽ tiếp tục
mãi trong thời gian và không gian, tình huống các tín hữu ‘là khách tha
phương’, các tín hữu sau thế hệ các Tông đồ. Họ là những người
‘không thấy mà yêu và hiện không giáp mặt mà tin’.
Giáo
hội sẽ theo sự lớn
mạnh của Tin Mừng mà lan rộng trên toàn thế giới (x. Col 1: 6) và sẽ hợp thành
với những tín hữu ‘là khách tha phương’, họ ‘không thấy mà yêu’,
‘không giáp mặt mà tin’… nhưng các Tông đồ thì ‘đã thấy và đã
tin’ (Ga 20: 8), theo cách của Gioan trước mồ trống,
theo cách của các Tông đồ ở ven biển Tibêria ‘Không ai còn dám
hỏi Ngài: Ông là ai, bởi đã biết là chính Chúa’ (Ga 21: 12), và cả theo cách
của Tôma, cơ hội Chúa tuyên bố mối phúc: ‘Bởi thấy Ta, con đã
tin. Phúc cho những ai không thấy mà tin’ (Ga 20: 29).
Phúc
cho các tín hữu, trải qua các thế hệ, không thấy mà tin. Chúng ta không
thấy nhưng thực ra chúng ta thấy qua những người đã thấy, đó là các Tông đồ. Diễn
từ ‘Kérygma’ của Thánh Phêrô trong ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống, đã nhấn
mạnh vai trò chứng nhân: ‘Đức Giêsu đó, Thiên Chúa đã cho sống lại,
chúng tôi hết thảy xin làm chứng về điều ấy’ (Tđcv: 2: 32). Ở
giữa tòa và bị tra hỏi, Thánh Phêrô, ‘đầy Thánh Thần’ (Tđcv 4: 8), dạn dĩ đáp:
‘Điều chúng tôi đã thấy và đã nghe, chúng tôi không thể không nói’ (Tđcv
4: 21). Vào thời điểm Tin Mừng đến cùng dân ngoại, khi ban Thánh Tẩy tiếp nhận
gia đình sĩ quan Rôma Cornêliô làm con cái Thiên Chúa, Thánh Phêrô đã rao
giảng: ‘Đức Giêsu, người Nazareth, mà họ đã treo trên súc gỗ mà giết đi. Chính
Ngài, Thiên Chúa đã làm cho sống lại ngày thứ ba, và đã hiện tỏ, không phải cho
toàn dân, nhưng là cho những nhân chứng Thiên Chúa đã chọn trước, tức
là chúng tôi’ (Tđcv 10: 39-41)… Như người cha người mẹ trong nhà,
đã thấy ông bà nội ngoại, nay các Ngài đã qua đi, làm chứng lại cho con cháu…
Đó là những chứng nhân uy tín chân thực về những thực tại hiển nhiên…
Giáo
hội là mẹ hiền, thực
hiện năng quyền Thiên Chúa ủy thác, không ngừng viết những
bức thư trong cuộc đời con cái tín hữu mọi thời đại bằng ân huệ Thánh
Thần, đặc biệt thể hiện hiệu quả qua đêm canh thức Phục Sinh. Bốn
phần của đại lễ diễn tả thực tại cứu độ: Chúa Kitô Phục sinh là Ánh
Sáng tiêu diệt bóng đêm tội lỗi chết chóc, là Lời làm
người từ nơi cung lòng Chúa Cha mà đến tràn đầy ân nghĩa và sự thật, là bí
tích Thánh Tẩy cho ta được mai táng làm một với Đức Kitô và
nhờ bởi vinh quang Chúa Cha mà sống lại trong đời sống mới (x. Rm 6: 3.4),
là Thánh Thể thông hiệp cùng Chúa Cha trong tình yêu mở ra sự
sống lại trong ngày sau hết và sự sống đời đời (x. Ga 6: 54).
Anh
chị em thân mến,
Trong
diễn từ Thánh Gioan tường thuật mạc khải Bánh Bởi Trời, một nhận xét của Chúa
cần ghi nhớ: ‘Quả thật, quả thật, Ta bảo các ngươi: các ngươi tìm ta không
phải vì đã thấy dấu lạ, nhưng vì các người đã ăn bánh no’ (Ga
6: 26). ‘Tìm’ có khả thể đi vào hai hướng: Hướng về Chúa ‘vì
đã thấy dấu lạ’, hướng về bản thân ‘vì các ngươi đã ăn bánh
no’. Chúa Giêsu cho thấy hai hướng đi về hai viễn tượng: Bữa ăn no là lương
thực sẽ hư nát nhưng nhận thức dấu lạ là gặp Chúa sẽ lưu
lại mãi đến sự sống đời đời.
Mỗi
tín hữu, nhất là những người sống đời thánh hiến mang sứ vụ giúp anh
chị em mình định hướng… tìm về những thực tại không bao giờ hư nát
nhưng tồn tại đời đời…
Nguyện
xin Chúa Giêsu Kitô mục tử, qua sự chuyển cầu của Đức Mẹ và Thánh Cả, viết
nên ‘những bức thư…’ như lòng Người mong ước… và giúp chúng ta cộng
tác với Thiên Chúa, với Giáo hội mà viết tiếp những bức thư cứu
độ cho nhân thế.
+ Gioan Đỗ Văn Ngân
Giám mục Giáo phận Xuân Lộc