LỜI CHỦ CHĂN GIÁO PHẬN VĨNH LONG THÁNG 07/2024

TU SĨ THAM GIA VÀO ĐỜI SỐNG GIÁO HỘI

Kính gửi: Quý Cha, quý Tu sĩ nam nữ và tất cả anh chị em Gp. Vĩnh Long.

Thưa anh chị em, trong năm nay chúng ta sẽ chọn mười hai đề tài dựa trên các tài liệu chuẩn bị cho Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế giới lần thứ XVI với chủ đề: “Hướng đến một Giáo Hội hiệp hành: hiệp thông, tham gia và sứ vụ”, và theo chương trình mục vụ năm 2024: Thúc đẩy sự tham gia đời sống Giáo Hội. Giáo phận Vĩnh Long, trong Gợi ý Mục vụ lần VIII, sẽ nói đến Tu sĩ Tham gia, được trích trong Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, Bộ Giáo Luật 1983 và Tông Huấn Đời Sống Thánh Hiến Vita Consecrata của ĐGH Gioan Phaolô II (Ngày 25-03-1996).

Tu sĩ là ai? Tu Sĩ là những người nam, người nữ Kitô hữu quảng đại đáp lại tiếng gọi đi theo Chúa, như các Thánh Tông đồ ngày xưa. Tu sĩ có ơn gọi đặc biệt để tự nguyện khấn và sống ba lời khuyên Phúc Âm - Khiết tịnh, Khó nghèo và Vâng phục - trong một Dòng Tu hay Tu Hội được thành lập hợp pháp theo đúng luật của Giáo Hội.

Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo số 934 cũng đề cập về nói về ba bậc sống trong đó có tu sĩ: “'Do sự thiết lập của Thiên Chúa, trong Hội Thánh, giữa các Kitô hữu có những thừa tác viên có chức thánh, theo luật được gọi là giáo sĩ, và những người khác, được gọi là giáo dân.' Cuối cùng, trong cả hai thành phần đó, có những Kitô hữu, qua việc tuyên giữ các lời khuyên Phúc Âm, được thánh hiến cho Thiên Chúa và như vậy phục vụ sứ vụ của Hội Thánh.

Sống các lời khuyên Phúc Âm “là một ân huệ của Thiên Chúa Ba Ngôi chí thánh. Đời thánh hiến loan báo những gì Chúa Cha, nhờ Chúa Con, trong Thánh Thần đã thực hiện do tình yêu, do lòng nhân lành, do vẻ đẹp của Người”; “- Sự khiết tịnh của những người độc thân trinh khiết, biểu lộ một con tim không chia sẻ dâng hiến cho Thiên Chúa; - Sự nghèo khó tuyên xưng rằng Thiên Chúa là kho tàng đích thực duy nhất của con người; - Sự vâng phục, thực hành theo gương Đức Kitô, lấy thánh ý Chúa Cha làm lương thực (x. Ga 4,34).” (Tông Huấn Đời Sống Thánh Hiến Vita Consecrata, số 20, 21)

Tu sĩ tham gia như thế nào? Mọi thành phần Giáo Hội đều Tham gia trong việc truyền bá Nước Thiên Chúa, nếu xét về phương diện Chúa Kitô và Giáo Hội là một được Thánh Phaolô diễn tả: “Thật vậy, ví như thân thể người ta chỉ là một, nhưng lại có nhiều bộ phận, mà các bộ phận của thân thể tuy nhiều, nhưng vẫn là một thân thể, thì Đức Ki-tô cũng vậy.” (1 Cr 12,12)

Nhưng đáng ngạc nhiên khi Thánh Phaolô gọi đầu và thân thể là “Chúa Kitô”! Như thế Chúa Kitô và Giáo Hội của Người là một. Thật là một bí ẩn. Ở đây chúng ta muốn nhắc lại kinh nghiệm của Sao-lô quê ở Tác-xô trong cuộc hoán cải của ông (x. Cv 9). Lúc đó, Saolô cho rằng mình đã làm đúng. Ông không tin vào Chúa Giêsu Kitô. Ông đã bách hại các Kitô hữu. Đột nhiên Chúa ngăn ông lại và hỏi ông: “Saun, Saun, tại sao ngươi bắt bớ Ta? Ông nói: Thưa Ngài, Ngài là ai? Người đáp: Ta là Giêsu mà ngươi đang bắt bớ!”. Ngạc nhiên! Saun không bắt bớ Chúa Giêsu, chỉ bắt bớ những người theo đạo của Chúa Kitô ở thế gian. Saun biết được trong vài phút hai sự thật sẽ đảo lộn cuộc đời của ngài: - Chúa Giêsu mà ông tưởng đã chết, hôm nay lại thực sự sống lại. - Có một sự hiệp nhất không thể tưởng tượng được giữa Ngài và Giáo Hội của Ngài ở thế gian.

Như thế theo tinh thần câu nói này, thì tu sĩ cũng là một bộ phận của thân thể Chúa Kitô: “Anh em là thân thể Đức Kitô, và mỗi người là một bộ phận. Trong Hội Thánh, Thiên Chúa đã đặt một số người, thứ nhất là các Tông Đồ, thứ hai là các ngôn sứ, thứ ba là các thầy dạy, rồi đến những người được ơn làm phép lạ, được những đặc sủng để chữa bệnh, để giúp đỡ người khác…” (x. 1 Cor 12, 27-28) Theo thứ tự Lịch sử chúng ta không quên lời nhận định của Thánh Phaolô khi ngài nói về một thân thể mầu nhiệm Đức Kitô.

Để tu sĩ tham gia truyền bá Tin mừng cách tích cực, thì đời sống đạo đức cá nhân, chiêm niệm, cầu nguyện, tham dự các Bí tích là rất cần thiết. Ở đây, mỗi hình thức Tôn chỉ và Mục đích của Hội Dòng có hơi khác, nhưng cùng tham gia truyền giáo. Tông Huấn Đời Sống Thánh Hiến Vita Consecrata số 32 nhắc đến ba thể loại đời Tu sĩ tham gia bổ túc cho nhau:

- Các tu sĩ nam nữ hoàn toàn hiến mình cho đời sống chiêm niệm là những hình ảnh đặc biệt của Đức Kitô cầu nguyện trên núi.

- Những người tận hiến sống đời hoạt động diễn lại nếp sống của Người “loan báo Nước Thiên Chúa cho dân chúng, hoặc chữa lành những kẻ đau yếu tàn tật, hay hoán cải các tội nhân trở lại đời sống lương thiện, hoặc đang chúc phúc cho trẻ em và ban ơn lành cho mọi người”.

- Những người tận hiến trong các tu hội đời đóng góp theo cách thức riêng vào công cuộc làm cho Nước Thiên Chúa đến.

Dĩ nhiên, bằng mọi cách, ở mọi nơi, các thể loại tu sĩ được liệt kê trên đều tham gia sứ mạng loan báo Tin Mừng bằng đời sống chứng ta cá nhân theo những cách thức riêng biệt ở trong thế giới mà những tu sĩ được gửi đến, trong thế giới mà tu sĩ dấn thân.

Tu sĩ tham gia trong chiều hướng truyền giáo. Ngày nay vẫn còn nhiều nơi trên thế giới chưa nghe đến tên Chúa Giêsu Kitô, nhiều nơi vẫn còn Kitô giáo bị bách hại. Những nơi như thế cũng rất cần sự tham gia của các tu sĩ. Các tu sĩ trở thành những chứng nhân của Đức Kitô trong thế giới: “Mầu nhiệm vượt qua cũng là nguồn mạch của chiều hướng truyền giáo, gắn liền với bản chất đời sống Giáo Hội. Chiều hướng truyền giáo này được thực hiện đặc biệt trong đời thánh hiến. Quả thế, đừng kể những đoàn sủng riêng của các tu hội dấn thân cho sứ mạng truyền giáo cho dân ngoại - ad gentes - hoặc hoạt động tông đồ, người ta có thể nói rằng chiều hướng truyền giáo nằm ngay trong lòng mọi hình thức tận hiến. Trong mức độ người tận hiến sống một cuộc đời hoàn toàn hướng về Chúa Cha (x. Lc 2, 49 ; Ga 4, 34), chịu Đức Kitô chiếm hữu (x. Lc 24,49 ; Cv 1,8 ; 2,4), họ cộng tác hữu hiệu vào sứ mạng của Chúa Giê-su (x. Ga 20,21), góp phần sâu sắc đặc biệt vào việc canh tân thế giới.” (x. Tông Huấn Đời Sống Thánh Hiến Vita Consecrata, số 25)

Trong việc Tham gia, chúng ta cầu nguyện cùng Chúa xin có sự hiện diện của Tu sĩ trên khắp thế gian để phục vụ Chúa và Giáo Hội của Chúa dưới nhiều hình thức khác nhau hầu xây dựng Vương quyền của Chúa, tùy theo khả năng và đặc sủng được ban cho các Tu sĩ theo các Dòng Tu và Tu Hộikhác nhau.

Vĩnh Long, ngày 20 tháng 7 năm 2024.

+ Phêrô Huỳnh Văn Hai

Giám Mục Giáo Phận Vĩnh Long

Nguồn: giaophanvinhlong.net(21.07.2024)