LỜI CHỦ CHĂN GIÁO PHẬN VĨNH LONG
HIỆP THÔNG PHÁT XUẤT TỪ SỰ HIỆP NHẤT CỦA HÀNG GIÁM MỤC

 Kính gửi: Quý Cha, quý Tu sĩ nam nữ và tất cả anh chị em Gp. Vĩnh Long.

Thưa anh chị em, trong năm nay chúng ta sẽ chọn mười hai đề tài dựa theo chủ đề mục vụ năm 2022 của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam: Đồng hành với người trẻ trong đời sống Giáo hội và xã hội. Giáo phận Vĩnh Long, trong Gợi ý Mục vụ lần IX, sẽ nói về sự Hiệp nhất của Giáo Hội Phát xuất sự Hiệp nhất của hàng Giám mục được trích trong Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội (Lumen Gentium), Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo (GLHTCG) và Thư gửi các Giám mục của Giáo Hội Công giáo về một số khía cạnh của Giáo Hội của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, ngày 28 tháng 5 năm 1992.

1. Duy nhất tính của Giáo hội

a. Chỉ có một Đấng sáng lập và Cứu độ là Đức Giêsu Kitô, được Chúa Cha sai đến, chỉ có một sự hiệp thông duy nhất trong Chúa Thánh Thần, chỉ có một đức tin duy nhất, chỉ có một quyền tài phán duy nhất, chỉ có một bí tích Thánh Tẩy duy nhất, chỉ có một bí tích Thánh Thể duy nhất. Nghĩa là Giáo Hội là duy nhất: không có những Giáo Hội khác. Duy nhất tính này thuộc về Giáo Hội ngay từ khởi thủy, và cho dầu số thành viên của Giáo Hội như thế nào đi nữa. Duy nhất tính này đã được Đức Bônifaciô VIII năm 1302 định nghĩa trong sắc chỉ Unam Sanctam. Nó là một trong những đặc tính của Giáo Hội.

b. Cũng có nghĩa là không có sự phân chia giữa các Kitô hữu. Nhưng, mặc dầu những người hiệp thông cùng Thân Thể Đức Kitô là “một” một cách huyền nhiệm nhờ sự hiệp thông cùng Thân Thể Đức Kitô, hiện tại họ vẫn bị phân chia một cách hữu hình (Công giáo và Chính thống giáo); cũng vậy, mặc dầu những người đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy là “một” một cách huyền nhiệm nhờ bí tích Thánh Tẩy của họ, hiện tại họ đã bị tách rời thành nhiều “Giáo Hội” (Công giáo, Chính thống giáo, các Giáo Hội ly khai, các Giáo Hội xuất phát từ sự Cải Cách của thế kỷ XVI); lúc đó, người ta gọi tính duy nhất của Giáo Hội là sự hiệp nhất trong niềm hy vọng của tất cả những “hiệp thông” hiện thời bị phân rẽ.

2. Trở ngại cho Duy nhất tính. Ngày nay, vấn đề về tối thượng quyền của Giáo Hoàng vẫn là một trong những trở ngại chính cho sự hiệp nhất của các Giáo Hội. Giáo Hội Chính thống vẫn trung thành với ý tưởng về quyền ưu tiên đơn giản là tôn vinh người kế vị Phêrô với tư cách là trưởng Hội đồng Giám mục và bác bỏ mọi triển vọng về một quyền lực tài phán cụ thể. Đối với các Giáo Hội Tin Lành (không bao gồm Giáo hội Anh giáo), các Giáo Hội nầy vẫn được đánh dấu bằng tư tưởng của những nhà cải cách đầu tiên, những người đã loại bỏ bất kỳ khái niệm nào về sự kế vị tông đồ và ưu tiên tối cao của Giáo Hoàng.

Tuy nhiên, phong trào Đại kết, được thúc đẩy bởi Công đồng Vatican II, thúc đẩy mỗi cộng đồng Kitô giáo tầm cở khám phá ra những con đường hiệp nhất; một sự hiệp nhất mà các cộng đồng nầy sẽ không đạt được nếu không đi đến một sự hiểu biết chung, trong số những điều khác, về tầm nhìn của mục vụ hiệp nhất trong Giáo Hội.

3. Giám mục. Trong các Giáo Hội Kitô giáo có hàng Giám Mục, dĩ nhiên, trong Giáo Hội Công giáo, các Giám Mục luôn được coi là người kế vị mười hai Tông đồ do Chúa Kitô thiết lập làm nền tảng cho Giáo Hội của Người (mười hai liên quan đến mười hai chi tộc Israel: Giáo Hội là Dân mới của Thiên Chúa, là kết quả của Giao Ước Mới được Đức Giêsu Kitô ký kết với Thiên Chúa). Các Tông đồ này (apostolos có nghĩa là được sai đi trong tiếng Hy Lạp), Chúa Kitô đã sai các ngài đi loan báo Nước Thiên Chúa cho đến tận cùng trái đất và lập các ngài thành “những người chăn chiên của Người”. Sau Lễ Ngũ Tuần, các ngài đảm nhận việc truyền giáo cho thế giới trong khi vẫn hợp nhất, dưới quyền của Phêrô, trong điều được gọi là Tông đồ đoàn. Theo thần học Công giáo, trong sự hiệp nhất với Giáo Hoàng, các Giám Mục ngày nay, hình thành Giám Mục đoàn, kế vị tông đồ đoàn.

4. Sự Hiệp nhất của hàng Giám mục. Tập thể tính hay có thể nói tính “Hiệp nhất” bắt nguồn từ việc các Giám Mục thành lập một Hội đồng (Hội đồng Giám Mục). Tập thể tính gắn liền với chính bản chất của hàng Giám Mục (do đó, qua việc tấn phong Giám Mục mà một người trở thành thành viên của Hội đồng), và trên thực tế, tập thể tính của hàng Giám Mục không chỉ giới hạn ở các việc làm của Hội đồng Giám Mục này hay kia mà còn lan rộng đến toàn thể Giám Mục đoàn trong Giáo Hội Công giáo. Tập thể tính là đặc điểm của thừa tác vụ Giám Mục chỉ tồn tại nhờ sự hiệp thông của các Giám mục. “Chính trên nền tảng của sự hiệp thông, theo một nghĩa nào đó, giữ toàn thể Giáo hội lại với nhau, mà cơ cấu phẩm trật của Giáo hội được diễn tả và thực hiện như vậy, được Chúa ban cho tính chất hội đồng đồng thời với tính chất nguyên thủy khi chính Người lập Nhóm Mười Hai làm tông đồ, tạo cho họ hình thức của một đoàn thể, nghĩa là một nhóm ổn định, và đứng đầu là Phêrô được chọn trong số họ” (x. Vatican II, Lumen Gentium n. 19, 23). 

Cho nên từ tập thể tính chúng ta đến sự “Hiệp nhất”. Hiệp nhất ở đây không chỉ là một sự hiểu biết theo nghĩa xã hội, mà là một đặc sủng (một hồng ân đặc biệt của Thiên Chúa) của sự hiệp nhất trước hết do Chúa Thánh Thần mang lại.

Dĩ nhiên, sự “Hiệp nhất” luôn gắn liền với sự củng cố nâng đỡ lẫn nhau, theo ý muốn của Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã gọi Nhóm Mười Hai bằng cách đặt Phêrô làm tảng đá, trung tâm hiệp nhất của tông đồ đoàn. Quan niệm hiệp thông Công giáo này được cho là có phẩm trật.

Về mặt thần học Giám mục đoàn xuất phát từ Tông đồ đoàn do Chúa Giêsu Kitô thành lập và một cách loại suy, Giám mục đoàn này đảm bảo sự kế vị, và nối kết với quyền tối cao của Giáo Hoàng.

Mượn đoạn số 12 trong Thư gửi các Giám Mục của Giáo Hội Công giáo về một số khía cạnh của Giáo Hội của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, ngày 28 tháng 5 năm 1992 để kết thúc vấn đề ở đây.

“Thật vậy, sự hiệp nhất của Giáo Hội cũng đâm rễ vào trong mối hiệp nhất của Giám Mục Đoàn (Cf. Const. Lumen Gentium, nn. 18/b, 21/b, 22/a.). Cũng như khái niệm Thân Thể của Giáo Hội đòi hỏi phải có một Giáo Hội là Đầu các Giáo Hội khác, và đó chính là Giáo Hội Roma “Chủ trì niềm hiệp thông phổ quát của đức ái” (Cf. Const. Lumen Gentium, n. 13/c.), thì hệt như vậy, mối hiệp nhất của Giám Mục đoàn cũng cần phải có một Giám Mục làm Đầu cho Thân Thể hay Đoàn Thể các Giám Mục, và đó chính là Giáo Chủ Rôma (Cf. Const. Lumen Gentium, n. 22/b)”. Trong tư cách là người kế vị Thánh Phêrô, Giáo Hoàng là nguyên lý và là nền tảng vĩnh viễn và hữu hình” (Ibidem, n. 23/a.) của mối hiệp nhất trong Giám Mục đoàn, cũng như của niềm hiệp nhất trong toàn thể Giáo Hội. Mối hiệp nhất này của Giám Mục đoàn được tồn tại mãi qua các thế hệ nhờ thể thức kế nhiệm tông truyền; rồi cũng chính nó làm nền tảng cho bản sắc của Giáo Hội để qua đó, Giáo Hội trong mọi thời giữ được bản chất đồng nhất với Giáo Hội mà Đức Kitô đã thiết lập trên nền tảng Phêrô và các Tông đồ khác (Cf. Const. Lumen Gentium, n. 20). 

Có những trở ngại cho tính sự “Hiệp nhất ” của Giáo Hội. Cầu nguyện cho Giáo Hội luôn luôn được hiệp nhất, mặc dù ngày hôm nay trên thế giới có nhiều giáo phái mới tự xưng là Công giáo phát sinh. Cầu nguyện cho phong trào Đại kết gặt hái nhiều thành công. Tất cả mọi người đều là anh em, tất cả mọi người đều là con cái của Thiên Chúa. “Xin gìn giữ Đức Giáo Hoàng và các Giám Mục trong tinh thần hiệp thông, để các ngài phục vụ dân Chúa trên khắp hoàn cầu” (Kinh chiều Chúa Nhật Thánh Vịnh Tuần IV).

Vĩnh Long, ngày 20 tháng 8 năm 2023

+ Phêrô Huỳnh Văn Hai
Giám mục Giáo phận Vĩnh Long

Nguồn:  giaophanvinhlong.net(20.08.2023)