LỜI CHỦ CHĂN GIÁO PHẬN VĨNH LONG:
GIÁO HỘI, SỰ HIỆP THÔNG GIỮA CÁC THÁNH
Kính gửi: Quý Cha, quý Tu sĩ nam nữ và tất cả anh chị em Gp.
Vĩnh Long.
Thưa anh chị em, trong năm nay chúng ta sẽ chọn mười hai đề
tài dựa theo chủ đề mục vụ năm 2022 của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam : Đồng hành
với người trẻ trong đời sống Giáo Hội và xã hội. Giáo phận Vĩnh Long, trong Gợi
ý Mục vụ lần VII, sẽ nói về Giáo Hội, sự Hiệp thông giữa các Thánh được trích
trong Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội (Lumen Gentium), Sách Giáo Lý Hội
Thánh Công Giáo (GLHTCG) và Thư gửi các Giám mục của Giáo hội Công giáo
về một số khía cạnh của Giáo Hội của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, ngày 28 tháng 5
năm 1992.
Hiệp thông giữa các Thánh là một tín điều trong Kinh Tin
Kính và được giảng dạy trong nhiều tác phẩm khác nhau. Sách Giáo Lý Hội Thánh
Công Giáo (GLHTCG) số 954 trích trong Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội (Lumen
Gentium) dạy “Ba tình trạng của Hội Thánh. “Cho tới khi Chúa ngự đến
trong sự uy nghi của Người, có tất cả các Thiên thần với Người, và khi sự chết
đã bị hủy diệt, mọi sự đều quy phục Người, thì trong số các môn đệ của Chúa, có
những người đang tiếp tục cuộc lữ hành trên trần thế, có những người đã hoàn tất
cuộc sống đời này và đang được thanh luyện, lại có những người đã được hiển
vinh, đang chiêm ngưỡng “cách tỏ tường chính Thiên Chúa Tam Vị Nhất Thể, như
Ngài là’”” (Lumen Gentium 49).
“Sự hiệp nhất và hợp tác giữa các thành phần của Hội
Thánh dưới đất với các thành phần của Hội Thánh trên trời và trong luyện ngục.
Tất cả liên kết với nhau thành Nhiệm Thể Đức Kitô. Các tín hữu dưới đất hiệp
thông với nhau bằng cách tuyên xưng cùng một đức tin, tuân phục cùng một quyền
bính và hỗ trợ nhau bằng các việc lành, các lời cầu nguyện. Họ hiệp thông với
các Thánh trên trời bằng cách tôn kính các ngài như những thành phần của Hội
Thánh đã được vinh quang, kêu xin các ngài cầu nguyện và nâng đỡ. Họ hiệp thông
với các linh hồn trong luyện ngục bằng cách dùng việc làm và lời cầu nguyện
giúp đỡ các linh hồn ấy” (TỪ ĐIỂN CÔNG GIÁO PHỔ THÔNG John A. Hardon S.J.
p. 82).
Các Thánh Thông Công là một trong những tín điều phổ biến nhất
trong Kinh Tin Kính. Tín điều này, là tín điều cuối cùng được đưa vào Kinh Tin
Kính vào cuối thế kỷ IV, đã được hiểu theo nhiều cách khác nhau. Trên thực tế,
công thức Latinh “sanctorum communio” có thể có hai ý nghĩa: “Hiệp
thông trong các thực tại thánh (sancta) và hiệp thông giữa những
người thánh (sancti)” (GLHTCG 948). Hiệp thông trong các thực tại
thánh (sancta) có nghĩa là Bí tích Thánh Thể quy tụ và hợp nhất ở mọi
nơi các cộng đoàn Kitô hữu. Hiệp thông giữa những người thánh (sancti)
có nghĩa là: Giáo Hội cũng là sự hiệp thông của “các ngôi vị thánh” (sancti).
Vào thời các tông đồ, các “thánh” được chỉ định là Kitô hữu theo nghĩa rộng:
không phải vì họ hoàn hảo, nhưng vì họ đã được thánh hóa nhờ phép rửa và được
kêu gọi nên thánh. Nhưng vào thời điểm tín điều này được đưa vào Kinh Tin Kính,
các “thánh” về cơ bản chỉ những cư dân trên trời, và đặc biệt là những vị tử đạo
đầu tiên mà sự thờ kính phát triển vào thời điểm xảy ra các cuộc đàn áp.
Sau Công đồng Vatican II (Lumen Gentium 50),
Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo đã giữ lại hai ý nghĩa này (x. GLHTCG 948).
Tin vào sự các Thánh thông công nghĩa là gì?
Tin các Thánh thông công là tin rằng có “sự hiệp thông các của
cải thiêng liêng” (GLHTCG, số 949). Dưới ánh sáng của hai ý nghĩa nói trên, những
của cải này một đàng là Thánh Thể, các bí tích, các đặc sủng được phân phát cho
mỗi người để xây dựng Giáo Hội “vì lợi ích chung” (1 Cr 12, 7), và bác
ái – “Thật vậy, không ai trong chúng ta sống cho chính mình, cũng như không
ai chết cho chính mình” (Rm 14, 7)
Mặt khác, chúng biểu lộ tình liên đới tồn tại giữa các tín hữu:
mọi điều mà mỗi người làm tốt, hoặc đau khổ trong và vì Chúa Kitô, đều góp phần
mang lại lợi ích cho tất cả mọi người. Nói cách khác, hành động bác ái nhỏ nhất
mà mọi người thực hiện trên trái đất, ngay cả trong bí mật, đều lan sang mọi
người.
Các Thánh Thông Công dựa trên điều gì?
Lễ nầy bắt nguồn từ thần học của Thánh Phaolô về Giáo Hội
như là “thân thể mầu nhiệm” của Chúa Kitô: đối với Phaolô, chúng ta hợp
thành một thân thể, mà Chúa Kitô là đầu. Mỗi chi thể, được linh hoạt bởi cùng một
Thần Khí duy nhất, hiệp thông với những người khác, “các bộ phận đều lo lắng
cho nhau” (1 Cr 12, 12-27). Vì vậy, “Nếu một bộ phận nào đau, thì mọi
bộ phận cùng đau” (1 Cr 12, 26). Chính Chúa Kitô làm cho thân xác này lớn
lên trong tình yêu (Ep 4, 16). Từ rất sớm, những Kitô hữu đầu tiên đã tin vào sức
mạnh của lời cầu nguyện có thể gắn kết các tín đồ lại với nhau và vào sự cầu
thay của các thánh.
Chúng ta có thể cầu nguyện với các Thánh không?
Nói một cách chính xác, chúng ta không “cầu xin” các thánh,
nhưng chúng ta cầu xin các ngài chuyển cầu cho chúng ta. “Các thánh trên trời,
cầu cho chúng con!” chúng ta hát trong kinh cầu các thánh. Hiến Chế Tín Lý
về Giáo Hội - Lumen Gentium chỉ rõ: “Quả thực, nhờ kết hiệp
mật thiết với Chúa Kitô hơn, các người ở trên trời… không ngừng cầu bầu cho
chúng ta bên Chúa Cha, bằng cách trình bày các công nghiệp đã lập được khi còn ở
dưới thế, nhờ Ðấng Trung Gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người là Chúa
Giêsu Kitô (x. 1Tm 2, 5)” (Lumen Gentium 49).
Tin vào sự các Thánh thông công cũng là tin rằng những người
đã rời bỏ chúng ta vẫn tiếp tục để mắt đến chúng ta. Nếu chúng ta có dịp đi đến
Rôma thì chúng ta sẽ thấy điều mà Bernini, kiến trúc sư vĩ đại của các vị Giáo
hoàng, muốn thể hiện trên hàng cột rộng lớn của Quảng trường Thánh Phêrô, nơi
được xây dựng như hai cánh tay, trên hai cánh tay đó 140 bức tượng các thánh được
đặt lên. Ý nghĩa của hai cánh tay và 140 bức tượng các thánh là toàn thể Giáo Hội
Khải Hoàn đang hào phóng chào đón Giáo Hội Lữ Hành, chúng ta là những người
hành hương, dấu hiệu của sự hiệp thông của các Thánh, dấu hiệu của sự hiệp nhất
trong thời gian và không gian.
Mượn đoạn số 6 trong Thư gửi các Giám mục của Giáo hội Công
giáo về một số khía cạnh của Giáo Hội của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, ngày 28
tháng 5 năm 1992 để kết thúc vấn đề ở đây. Giáo Hội là niềm Hiệp Thông giữa các
thánh: “…giữa Giáo Hội lữ hành tại thế và Giáo Hội trên trời, có một liên hệ
hỗ tương gắn liền với sứ mạng của lịch sử cứu độ. Do đó, có thể xác quyết về
tầm quan trọng theo phương diện Giáo hội học không những của việc Đức Kitô chuyển
cầu cho các chi thể của mình (x. Dt 7, 25), mà còn của cả việc các Thánh, và nổi
bật đặc biệt là Đức Trinh Nữ Maria, chuyển cầu cho các tín hữu nữa (x. Hiến Chế
Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội - Lumen Gentium, số 50 và 66).
Vậy, nếu vẫn còn tồn tại mạnh mẽ như thế ở trong lòng đạo đức
của Kitô hữu, tất phần nòng cốt của việc tôn kính các thánh phải
là điều thật sự phù hợp với thực thể sâu thẳm của Giáo Hội được hiểu như là mầu
nhiệm hiệp thông”.
Ước gì tất cả mọi thành phần dân Chúa hiệp thông với nhau. Mỗi
người là một chi thể trong thân thể mầu nhiệm mà Chúa Giêsu Kitô là đầu. Chúng
ta là những người con trong Giáo Hội Lữ Hành, chúng ta biết sống tình liên đới
với mấy anh em trong Giáo Hội Đau Khổ và đặc biệt là với các Thánh trên trời
trong Giáo Hội Khải Hoàn, dĩ nhiên là với Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ chúng ta.
Vĩnh Long ngày 20
tháng 6 năm 2023
+ Phêrô Huỳnh Văn Hai
Giám Mục Giáo Phận Vĩnh Long