Lời Chào mừng Đức Tổng Giám mục Ngoại trưởng Tòa Thánh
của Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng
(Nhà thờ Chính Tòa Sài Gòn, ngày 13.4.2024)
Trọng kính Đức Tổng Giám mục Paul Richard Gallagher, Ngoại trưởng của Toà Thánh, Đức Tổng Giám mục Marek Zalewski, Đại diện thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam, Đức Ông John David Putzer, Thư ký của Văn phòng Quốc Vụ khanh.
Sau khi thăm viếng các giáo tỉnh Hà Nội và Huế, hôm nay Đức Tổng đã đến Giáo tỉnh Sài Gòn. Đức Tổng đã đi dọc theo chiều dài đất nước, qua miền bắc và miền trung, để hôm nay đến miền nam Việt Nam thăm giáo tỉnh Sài Gòn. Đây là lần đầu tiên một Bộ trưởng Ngoại giao của Toà Thánh đến Việt Nam. Chuyến viếng thăm của Đức Tổng biểu lộ tình thương yêu và sự gần gũi của Đức Thánh Cha Phanxicô đối với Hội Thánh Việt Nam. Cộng đoàn Dân Chúa hân hoan chào đón Đức Tổng.
Giáo tỉnh Sài Gòn có 10 giáo phận, có các Giám mục của các giáo phận đang hiện diện nơi đây, với dân số hơn 40 triệu người (gần ½ dân số Việt Nam), 2/3 sống tại nông thôn với mức sống trung bình hoặc nghèo.
Số tín hữu Công giáo trong 10 giáo phận miền nam là 3.675.000 (½ tín hữu Công giáo tại Việt Nam), chưa kể rất đông các tín hữu lưu động chưa thể thống kê. Tỷ lệ người Công giáo trong các giáo phận không đồng đều: Xuân Lộc 27%; Sài Gòn 8,5%; các giáo phận khác: 2-5%.
Riêng tại thành phố Hồ Chí Minh, thống kê chính thức có 9 triệu người, nhưng trên thực tế còn có khoảng 3 triệu di dân đến từ các tỉnh khác. Tổng cộng khoảng 12 triệu dân, trong đó có gần 1 triệu tín hữu Công giáo (tỷ lệ 8,5%). Hằng năm có nhiều tân tòng trưởng thành: năm 2022, có 5.745 người lớn gia nhập Hội Thánh, rất nhiều người trong số đó theo đạo không phải vì lý do kết hôn.
Dân Chúa trong tổng giáo phận mang đặc tính Giáo hội phổ quát. Ngoài 388 linh mục giáo phận, còn có 580 linh mục và gần 8.000 tu sĩ nam và nữ thuộc 180 dòng tu, dòng Giáo hoàng và dòng giáo phận. Xét theo nhiều phương diện, Sài Gòn là trung tâm lớn nhất Việt Nam, là đầu tàu của cả nước trong các lãnh vực kinh tế, văn hoá, giáo dục, nên cũng là nơi qui tụ mọi thành phần trong xã hội, có cả nhiều người nước ngoài đến đây làm việc và tham gia vào các sinh hoạt Hội Thánh.
Người Sài Gòn năng động, cởi mở, siêng năng làm việc, có óc sáng tạo, sống vui tươi hài hoà với mọi thành phần trong xã hội. Có nhiều người giàu, nhưng cũng có nhiều gia đình nghèo, đặc biệt là các anh chị em di dân. Vì thế chúng con đã thực hành hướng dẫn của Hội đồng Giám mục Việt Nam, là “thực thi đức ái, ngay cả với những anh chị em không cùng niềm tin, bằng cách quan tâm chăm sóc những người yếu kém và những người cùng khổ nhất”, như Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc lại trong Thư ngài gửi cho Dân Chúa tại Việt Nam.
Đặc biệt trong năm 2021, thời gian cao điểm của đại dịch COVID-19, tất cả các giáo xứ và dòng tu đã hăng say và quảng đại giúp đỡ lương thực cho người dân tại các khu xóm trong cả thành phố; nhất là đã có khoảng 1.000 linh mục, tu sĩ nam nữ đã tình nguyện vào các bệnh viện để phục vụ các bệnh nhân covid, bất chấp nguy hiểm tới mạng sống, phục vụ hăng say, tận tình, vui tươi, vô vị lợi. Điều này đã tạo nên sự mến phục không phải chỉ nơi các bệnh nhân và các y bác sĩ, mà còn nơi các vị lãnh đạo chính quyền cũng như các thành phần khác trong xã hội.
Tương quan giữa người Công giáo và xã hội ngày càng tốt đẹp hơn, công cuộc đối thoại ngày càng thuận lợi hơn, vì chúng con đã chứng tỏ mình “là những tín hữu có trách nhiệm và đáng tin”, “đã đem tinh thần Phúc Âm vào các thực tại trần thế, để thể hiện căn tính của mình là người Kitô hữu tốt và là công dân tốt” (Thư của Đức Thánh Cha Phanxicô gửi Dân Chúa tại Việt Nam).
Chúng con tin rằng chuyến viếng thăm Việt Nam của Đức Tổng sẽ đem lại sự khích lệ lớn lao để chúng con tiếp tục nhiệt thành làm chứng cho đức ái, nhờ đó chúng con giới thiệu Chúa cho mọi người và góp phần Phúc Âm hoá xã hội.
Qua Đức Tổng, chúng con kính dâng lên Đức Thánh Cha Phanxicô lòng vâng phục và yêu mến chân thành. Kính chúc Đức Tổng được muôn phúc lành của Chúa để hoàn hành tốt đẹp sứ vụ trong Hội Thánh hoàn vũ.
Nguồn: tgpsaigon.net