Con tem bưu chính của Liên hợp quốc tôn vinh Mẹ Teresa of Calcutta (ảnh: Cơ quan Bưu chính Liên hợp quốc)
LIÊN HỢP QUỐC TÔN VINH MẸ TÊRÊSA NƠI MỘT CON TEM BƯU
CHÍNH
Tác giả: Ines Murzaku
Chuyển ngữ: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên
Từ: ncregister.com
(26.8.2021)
WGPVL (29.8.2021) - Một con tem của Liên Hợp Quốc dùng để tôn vinh một vị thánh Công giáo?
Đúng vậy. Vào ngày 12 tháng 8, Liên Hợp Quốc
đã phát hành một con tem tưởng niệm tôn vinh Mẹ Têrêsa, một trong những người
phụ nữ và nhà truyền giáo Công giáo nổi tiếng nhất trong thế kỷ 20. Ở bên phải
con tem xuất hiện một trong những lời trích dẫn nổi tiếng nhất của Mẹ
Têrêsa: “Không phải ai trong chúng ta cũng có thể làm được những điều lớn
lao. Nhưng chúng ta có thể làm những điều nhỏ bé với tình yêu lớn lao.”
Như đã được viết trong lời mô tả của
Liên Hợp Quốc:
“Trong
hơn 45 năm, Mẹ đã phục vụ người nghèo, bệnh tật, mồ côi và hấp hối,
đồng thời hướng dẫn việc mở rộng Hội Thừa Sai Bác Ái, đầu tiên
là ở Ấn Độ và sau đó là ở các quốc gia khác, bao gồm cả việc xây dựng các nhà tế
bần và nhà ở cho người nghèo và người vô gia cư.”
Liên Hợp
Quốc là tổ chức phi nhà nước duy nhất trên thế giới
có đặc quyền phát hành tem của riêng mình. Kể từ năm 1951, Cơ quan Bưu chính
Liên Hợp Quốc đã phát hành tem, theo đề xuất năm 1947 của Argentina. Một thỏa
thuận đã đạt được với các cơ quan bưu chính Hoa Kỳ yêu cầu tem phải có mệnh giá
bằng tiền của Hoa Kỳ và chỉ được sử dụng tại Trụ sở Liên Hợp Quốc.
Các thỏa thuận sau đó giữa Liên Hợp Quốc,
Thụy Sĩ và Áo đã cho phép tem của Liên Hợp Quốc được phát hành bằng đồng franc
Thụy Sĩ và schillings của Áo (sau này là đồng Euro). Do đó, Liên Hợp Quốc là
cơ quan bưu chính duy nhất phát hành tem bằng ba loại tiền tệ khác nhau - đôla
Mỹ, franc Thụy Sĩ và Euro.
Dựa trên các mục tiêu của mình,
những con tem của Liên Hợp Quốc chính là sứ giả về các chủ
đề phổ biến hoặc về các ngày lễ tưởng niệm dành
những người nam và người nữ, những người đã có ảnh hưởng trong lịch sử.
Đây không phải là lần đầu tiên Liên Hợp
Quốc tôn vinh Mẹ Têrêsa vì đã phục vụ những người nghèo nhất trong số những
người nghèo. Năm 2012, Liên Hợp Quốc đã thiết lập ngày 5 tháng 9
là Ngày Quốc tế về Bác ái, với trọng tâm là giúp đỡ những người gặp khó
khăn thông qua hoạt động từ thiện và tình nguyện. Việc lựa chọn ngày đó không
phải là ngẫu nhiên, Liên Hợp Quốc giải thích:
“Ngày 5
tháng 9 được chọn để kỷ niệm là ngày mất của Mẹ Têrêsa thành Calcutta … Trong
hơn 45 năm, Mẹ đã phục vụ những người nghèo, bệnh tật, mồ côi và hấp hối, đồng
thời hướng dẫn việc mở rộng Hội Thừa Sai Bác ái, đầu tiên trong Ấn Độ
và sau đó là ở các quốc gia khác, bao gồm các nhà tế bần và nhà ở cho
những người nghèo nhất và vô gia cư. Công việc của Mẹ Têrêsa đã được
nhìn nhận và ca ngợi trên khắp thế giới và Mẹ đã nhận được một số
giải thưởng và danh hiệu, bao gồm cả giải Nobel Hòa bình. Mẹ Têrêsa qua đời vào
ngày 5 tháng 9 năm 1997, hưởng thọ 87 tuổi."
Hai sự
công nhận của Liên Hợp Quốc về Mẹ Têrêsa -
con tem “Làm những việc nhỏ bé với tình yêu lớn lao” và sự công
nhận Ngày Quốc tế về Bác ái - bổ sung cho nhau. Hãy để tôi giải
thích.
Đối với Mẹ Têrêsa, yếu tố quan trọng nhất
chính là tình yêu và sự cống hiến mà một người dành để bước theo lời
mời gọi của một người khác, và đây là điểm mấu chốt trong thông
điệp và công việc đời sống của Mẹ. Trong khi có một lời
mời gọi với nhiều cách diễn đạt khác nhau, nhưng phương châm của Mẹ luôn
giống nhau - làm những việc nhỏ bé với một tình yêu lớn lao và
sống lời mời gọi của mình ở bất kỳ nơi nào với sự cống hiến
to lớn. Mẹ đã trải qua cái khao khát mãnh liệt đó bằng một
tình yêu giống như vậy - tình yêu vô bờ của Mẹ dành
cho những người nghèo nhất trong số những người nghèo, dành cho anh chị
em và những thành viên trong gia đình của Mẹ thật mãnh liệt. Mẹ
đã yêu cho đến đau đớn, và trong cuộc đời của Mẹ, Mẹ
đã làm thỏa lòng tất cả những tình yêu này bằng
cách phản chiếu nguyên mẫu - là Chúa Giêsu.
Phương châm “Làm những việc nhỏ bé với
tình yêu lớn lao” nói lên lòng tôn kính suốt đời của Mẹ dành cho Thánh
Têrêsa thành Lisieux (1873-1897), người cùng tên với Mẹ Têrêsa.
Phương cách của thánh Têrêsa Nhỏ - điều nhắc nhớ chúng ta rằng những điều
bình thường của cuộc sống, khi được thực hiện với tình yêu thương phi thường, sẽ
được biến đổi thành một điều gì đó phi thường - đã trở thành nguyên tắc sống của
Mẹ Têrêsa. Mẹ luôn sẵn sàng đóng góp phần nhỏ bé của mình để làm vơi đi nỗi
đau và vác lấy thập giá, như mẹ đã nói trong chuyến thăm năm 1984 đến
đất nước Ethiopia đang bị nạn đói hoành hành. Mẹ đã không
ngần ngại thực hiện phần việc nhỏ bé của mình để giúp đỡ quốc gia đói khát nhất
thế giới:
“Ethiopia
là một đồi Canvê mở rộng, chứ không phải là một địa ngục rộng mở.
Bạn và tôi có thể làm phần việc nhỏ của mình và rồi sự sống sẽ được cứu nguy."
Trong khi làm “những việc nhỏ bé với
tình yêu lớn lao,” Mẹ Têrêsa đã trở thành một trong những người ủng hộ nồng
nhiệt nhất về quyền con người mà đối với Mẹ, bắt đầu bằng
quyền sống, quyền cơ bản nhất trong số các quyền con người. Đối với Mẹ, Chúa
Giêsu đã tự đồng hóa mình với những người nghèo, người bên
lề, người phong cùi, người chưa được sinh ra, người nhỏ bé
và không có tiếng nói - những quyền mà Mẹ đang ở tuyến đầu bảo vệ. Vì vậy, sự bảo
vệ mạnh mẽ của Mẹ đối với sự sống từ khi thụ thai cho đến khi chết tự nhiên là
một vấn đề nhân phẩm và nhân quyền mang tính Kitô học và quy Kitô sâu sắc. Mẹ
biết rằng những người nam, người nữ và trẻ em (được sinh ra và chưa
được sinh ra) đều được tạo dựng vì những điều tuyệt diệu -
để yêu và được yêu - và Chúa Giêsu Kitô vừa là nền tảng vừa là nguồn
gốc của mọi quyền đó.
Sự bảo vệ nhân quyền và phẩm giá con người
của Mẹ Têrêsa đã đem về cho Mẹ một vị trí danh dự tại Hành
lang Nhân quyền của Nhà thờ Chánh toà Quốc gia ở Washington
D.C. Hành lang Nhân quyền của Nhà thờ Chánh toà đã được
dành riêng cho những cá nhân “đã có những hành động đầy ý nghĩa, sâu sắc
và có tính thay đổi đời sống trong cuộc đấu tranh vì nhân
quyền, công bằng xã hội, dân quyền và hạnh phúc của những người
khác”.
Ngoài ra, đức mến đối thần là một bước tiến tới
sự hoàn thiện Kitô giáo. Tình yêu và lòng bác ái song hành cùng nhau. Bác ái là
tình yêu của Thiên Chúa, mà trong đó con người tham dự vào công việc của Thiên
Chúa, hay có được sở thích để yêu thương như Thiên Chúa.
Nếu phương châm của Mẹ Têrêsa được áp dụng cho
đức mến, thì Mẹ đã làm những việc nhỏ bé với lòng mến cao cả, đã yêu thương những
người mình phục vụ và noi gương tình yêu quên mình hy sinh của Chúa Kitô. Mẹ đã
trân trọng Thiên Chúa trên tất cả mọi sự vì chính Người và trân trọng nhân loại
vì chính Chúa. Mọi người đều có thể trở thành một nhà thừa sai bác ái chỉ cần
qua tình yêu và sự phục vụ khiêm nhường, đều có thể khám phá ra khuôn mặt của
Chúa Giêsu dưới lớp cải trang sầu khổ của người nghèo. Do đó, tình yêu và lòng
bác ái gắn kết với nhau và trở thành dấu chỉ xác định sứ mệnh của Thánh Têrêsa
thành Calcutta là làm những việc nhỏ bé với tình yêu và lòng bác ái lớn lao. Cả
cuộc đời, Mẹ đã kiên vững cho cả hai điều trên.
Con tem tưởng niệm của Liên Hợp Quốc mang
đến một cơ hội cho thế giới - nơi vốn đang rất cần những điều nhỏ
bé được thực hiện với tình yêu thương và lòng bác ái lớn lao - để
ngẫm nghĩ về phương châm và Sứ mệnh của Mẹ Têrêsa. Có lẽ con tem sẽ
giúp chúng ta thức tỉnh khỏi mọi điều tự mãn để làm những
việc nhỏ bé - nhỏ như viết một thư, dán một tem và gửi bức thư đó - với
tình yêu lớn lao.
Nguồn: giaophanvinhlong.net