Lễ Tro (22.02.2023)
CẦU NGUYỆN, BỐ THÍ VÀ ĂN CHAY
Văn Yên, SJ - Vatican News
Vatican News (22.02.2023)
- Chiều thứ Tư Lễ Tro 22/02/2023,
Đức Thánh Cha đã chủ sự Thánh lễ khai mạc Mùa Chay thánh, với nghi thức xức tro
tại Đền thờ Thánh nữ Sabina ở Roma. Đức Thánh Cha mời gọi thực hiện ba cử chỉ
truyền thống của Mùa Chay: cầu nguyện, bố thí và ăn chay.
Từ Vatican, Đức Thánh Cha đã đến Nhà thờ Thánh Anselmo
của dòng Biển Đức, và từ đây lúc 4 giờ 30 chiều, ngài chủ sự cuộc rước thống hối
tới đền thờ Thánh nữ Sabina của dòng Đa Minh trên đồi Aventino ở Roma.
Trong đoàn rước với Đức Thánh Cha, có nhiều Hồng y,
Giám mục, đông đảo tu sĩ dòng Biển Đức và Đa Minh, trong đó có 2 vị Bề trên Tổng
quyền của 2 dòng liên hệ. Trên quãng đường dài 500 mét, các vị vừa đi vừa hát
kinh cầu các thánh, và thánh ca thống hối.
Tại Vương cung Thánh Đường thánh nữ Sabina, có từ thế kỷ thứ 5, Đức Thánh Cha đã chủ sự thánh lễ đồng tế với nghi thức xức tro, cùng với các Hồng y và Giám Mục, trước sự tham dự của linh mục tu sĩ nam nữ và giáo dân, đặc biệt là các vị lãnh đạo Hội Hiệp sĩ Malta.
Sau đây là bài giảng của Đức Thánh Cha:
Anh chị em thân mến,
“Đây
là thời Thiên Chúa thi ân, đây là ngày Thiên Chúa cứu độ” (2Cr 6, 2). Với những
lời này, Tông đồ Phaolô giúp chúng ta đi vào tinh thần của Mùa Chay. Mùa Chay
thực sự là “thời gian thuận lợi” để trở về với những gì thiết yếu, để trút bỏ tất
cả những gì đè nặng lên chúng ta, để được giao hòa với Thiên Chúa, và để thắp lại
ngọn lửa Thánh Thần ẩn dưới lớp tro tàn bản tính nhân loại yếu đuối của chúng
ta. Đây là mùa ân sủng để thực hành điều Chúa yêu cầu chúng ta ở đầu bài đọc một
hôm nay: “Hãy hết lòng trở về với Ta” (Ge 2,12). Hãy trở lại với điều thiết yếu:
đó là Chúa.
Nghi thức xức tro bắt đầu cuộc hành trình trở về và mời gọi chúng ta thực hiện hai điều: trở về với sự thật về chính mình và trở về với Chúa và anh chị em chúng ta.
Đầu
tiên, trở về với sự thật về chính chúng ta. Tro nhắc nhở chúng ta về
thân phận chúng ta là ai và chúng ta từ đâu đến. Điều này đưa chúng ta trở lại
với sự thật thiết yếu của cuộc sống chúng ta: Chúa là Thiên Chúa duy nhất và
chúng ta là công trình của bàn tay Người. Chúng ta có sự sống, trong khi
Chúa là sự sống. Người là Đấng Tạo Hóa, trong khi chúng ta là
đất sét mong manh do tay Người làm ra. Chúng ta đến từ đất và chúng ta cần Trời;
chúng ta cần Chúa. Với Chúa, chúng ta sẽ trỗi dậy từ tro bụi, nhưng không có
Người, chúng ta chỉ là bụi đất. Khi khiêm tốn cúi đầu để nhận tro, chúng ta được
nhắc nhở về sự thật này: chúng ta thuộc về Chúa; chúng ta thuộc về Người.
Vì Thiên Chúa “lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi” (St
2,7); chúng ta hiện hữu bởi vì Thiên Chúa đã thổi vào chúng ta hơi thở sự sống.
Là một Người Cha dịu dàng và thương xót, Thiên Chúa cũng trải qua Mùa Chay, vì
Người quan tâm đến chúng ta; Người đợi chúng ta; Chúa đang chờ đợi sự trở về của
chúng ta. Và Người không ngừng thúc giục chúng ta đừng tuyệt vọng, ngay cả khi
chúng ta sa ngã trong bụi đất yếu đuối và tội lỗi, vì “Người quá biết chúng ta
được nhồi nắn bằng gì, hẳng Người nhớ: Chúng ta chỉ là cát bụi” (Tv 103,14). Người
nhắc chúng ta rằng chúng ta là cát bụi. Thiên Chúa biết, trong khi chúng ta lại
thường quên về điều đó khi nghĩ rằng chúng ta tự đủ, mạnh mẽ và bất khả chiến bại
dù không có Người. Chúng ta khoác lên mình mặt nạ và nghĩ rằng chúng ta tốt hơn
thực tế của chúng ta. Không, chúng ta chỉ là cát bụi.
Mùa Chay là thời gian nhắc nhớ chúng ta: ai là Đấng Tạo Hóa và ai là thụ tạo, để tuyên xưng rằng chỉ có Thiên Chúa là Chúa, để chúng ta cởi bỏ sự giả vờ cho mình là tự đủ và muốn đặt mình làm trung tâm, mình đứng top đầu, nghĩ rằng bằng khả năng của chính mình, chúng ta có thể thành công trong cuộc sống và thay đổi thế giới xung quanh. Mùa Chay cũng là thời điểm thuận lợi để hoán cải, trước hết là thay đổi cái nhìn của chúng ta về chính chúng ta, để nhìn vào bên trong chính chúng ta: bao nhiêu điều chi phối và hời hợt làm chúng ta sao nhãng khỏi những điều quan trọng, bao nhiêu lần chúng ta tập trung vào những ước muốn của mình hoặc vào những gì chúng ta thiếu, mà lại quên ôm lấy ý nghĩa hiện hữu của chúng ta trong thế giới này. Mùa Chay là thời gian của sự thật để cởi bỏ những chiếc mặt nạ mà chúng ta đeo hàng ngày để xuất hiện cách hoàn hảo trước con mắt của thế giới; và cũng để chiến đấu, như Chúa Giêsu đã nói với chúng ta trong Tin Mừng, chống lại sự dối trá và đạo đức giả, không phải của người khác mà là của chính chúng ta. Chúng ta hãy nhìn thẳng vào mặt nạ của chúng ta và hãy chống lại chúng.
Tuy nhiên, còn có một bước thứ hai: việc xức tro cũng mời gọi chúng ta trở về với Chúa và với anh chị em. Thật vậy, nếu chúng ta trở về với sự thật chúng ta là ai và nhận ra rằng mình không thể tự đủ nơi chính mình, thì chúng ta khám phá ra rằng chúng ta tồn tại chỉ nhờ các mối tương quan: mối tương quan nguyên thủy với Chúa và mối tương quan sống còn với người khác. Do đó, lớp tro mà chúng ta xức trên đầu hôm nay cho chúng ta biết rằng bất kỳ giả định nào về sự tự mãn đều sai lầm và việc thần tượng hóa bản thân là huỷ hoại và nhốt chúng ta trong chiếc lồng của sự cô độc. Ngược lại, cuộc sống của chúng ta trước hết là một mối tương quan: chúng ta đã nhận được nó từ Thiên Chúa, từ cha mẹ, và chúng ta luôn có thể đổi mới và tái sinh nó nhờ Chúa và nhờ những người bên cạnh chúng ta. Mùa Chay là thời gian thuận lợi để làm sống lại các mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa và với tha nhân: mở lòng ra để cầu nguyện trong thinh lặng và thoát ra khỏi pháo đài của cái tôi khép kín của chúng ta, phá vỡ xiềng xích của chủ nghĩa cá nhân và khám phá lại, qua gặp gỡ và lắng nghe những người cùng bước đi bên cạnh chúng ta mỗi ngày, và học lại cách yêu thương họ như anh chị em.
Làm
thế nào chúng ta có thể làm được điều này? Để thực hiện cuộc hành trình này, để
trở về với sự thật về chính mình và trở về với Thiên Chúa và với tha nhân,
chúng ta được thúc giục đi theo ba con đường: bố thí, cầu nguyện và ăn chay.
Đây là những cách truyền thống, và không cần sự mới lạ. Chúa Giêsu đã nói rõ
ràng: bố thí, cầu nguyện và ăn chay. Nhưng, như chúng ta đã nghe trong Tin Mừng,
Chúa Giêsu cảnh báo chúng ta đừng theo những nghi thức bên ngoài, nhưng là diễn
tả một sự đổi mới của con tim. Bố thí không phải là một cử chỉ vội vàng để
thanh tẩy lương tâm, mà là chạm đến nỗi đau khổ của người nghèo bằng chính đôi
tay và nước mắt của mình; cầu nguyện không phải là nghi thức, mà là một cuộc đối
thoại chân lý và tình yêu với Chúa Cha; ăn chay không phải là một kiểu cách đơn
thuần, mà là một cử chỉ mạnh mẽ để nhắc nhở trái tim chúng ta về những gì quan
trọng và những gì sẽ qua đi. Chúa Giê-su đưa ra “lời khuyên vẫn còn giá trị bổ
ích cho chúng ta: những cử chỉ bên ngoài phải luôn đi đôi với tấm lòng chân
thành và nhất quán với cách cư xử. Thật vậy, việc xé áo của chúng ta có ích gì
nếu lòng chúng ta vẫn xa cách Chúa, nghĩa là xa rời lòng nhân từ và công bằng?”
(Đức Bênêđictô XVI, Bài giảng Thứ Tư Lễ Tro, ngày 1 tháng 3 năm 2006). Rất nhiều
khi những cử chỉ và nghi thức của chúng ta không ảnh hưởng gì đến cuộc sống của
chúng ta; chúng vẫn còn hời hợt. Có lẽ chúng ta thực hiện chúng chỉ để đạt được
sự ngưỡng mộ hoặc quý trọng của người khác. Chúng ta hãy nhớ điều này: trong cuộc
sống riêng của mỗi người, cũng như trong đời sống của Giáo hội, những biểu hiện
bên ngoài, những sự xét đoán của con người và sự công nhận của thế giới chẳng
là gì cả; điều duy nhất thực sự quan trọng là sự thật và tình yêu mà chính Chúa
nhìn thấy.
Nếu chúng ta khiêm tốn đặt mình dưới cái nhìn của Thiên Chúa, thì việc bố thí, cầu nguyện và ăn chay không còn là những cử chỉ bên ngoài, nhưng bày tỏ con người thật của chúng ta: là con cái Thiên Chúa và anh chị em của nhau. Bố thí, cử chỉ bác ái, sẽ thể hiện lòng trắc ẩn của chúng ta đối với những người gặp khó khăn, nó sẽ giúp chúng ta quay nhìn người khác; cầu nguyện sẽ nói lên ước muốn sâu xa của chúng ta là được gặp Chúa Cha, khiến chúng ta trở về với Người; ăn chay sẽ là nơi tập luyện thiêng liêng để, một cách vui vẻ, từ bỏ những gì dư thừa và làm chúng ta ra nặng nề, để nội tâm trở nên tự do hơn và trở về với sự thật về chính mình hơn. Hãy gặp gỡ với Chúa Cha, sống tự do nội tâm, lòng trắc ẩn.
Anh
chị em thân mến, chúng ta hãy cúi đầu và nhận tro, chúng ta hãy làm cho tâm hồn
chúng ta nhẹ nhàng. Hãy đặt mình trong hành trình làm việc bác ái: chúng ta có
bốn mươi ngày thuận tiện để nhắc nhở rằng chúng ta không nên bị giới hạn trong
giới hạn chật hẹp của nhu cầu cá nhân của chúng ta và để khám phá lại niềm vui
không phải trong việc tích lũy của cải, mà là quan tâm đến những người gặp khó
khăn và đau khổ. Hãy đặt mình trong hành trình cầu nguyện: chúng ta được ban
cho bốn mươi ngày thuận tiện để trả lại quyền tối thượng của cuộc sống chúng ta
cho Chúa, để trở lại đối thoại với Người một cách hết lòng, chứ không chỉ trong
những giây phút rảnh rỗi của chúng ta. Hãy đặt mình trong hành trình ăn chay:
chúng ta có bốn mươi ngày thuận tiện để gặp gỡ nhau, để từ bỏ sự độc tài của những
chương trình luôn đầy ắp, của những việc phải làm, của những đòi hỏi của cái
tôi ngày càng hời hợt và cồng kềnh, và để lựa chọn những gì quan trọng .
Chúng
ta đừng lãng phí ân sủng của thời gian thánh này: chúng ta hãy nhìn lên Thánh
Giá và bước đi, hãy quảng đại đáp lại những tiếng mời gọi mạnh mẽ của Mùa Chay.
Ở cuối cuộc hành trình, với nhiều niềm vui, chúng ta sẽ gặp Chúa của sự sống, Đấng
duy nhất sẽ làm cho chúng ta sống lại từ tro bụi.
Nghi thức xức
tro
Sau
bài giảng, trong nghi thức xức tro, Đức Thánh Cha đã được xức tro trước, sau đó
ngài đã xức tro cho các Hồng y và một số tín hữu, trong khi 12 linh mục Đa Minh
và Biển Đức xức tro cho các tín hữu hiện diện.
Nguồn: vaticannews.va/vi