ĐỨC GIÁO HOÀNG BÊNÊĐICTÔ XVI

BÀI GIẢNG

Lễ trọng kính Mình  Máu Thánh Chúa Kitô

Vương Cung Thánh Đường Thánh Gioan Lateran

Thứ Năm, ngày 7 tháng 6 năm 2012

Anh chị em thân mến ,

Tối nay tôi muốn cùng suy niệm với anh chị em về hai khía cạnh liên kết với nhau của Mầu Nhiệm Thánh Thể: việc cử hành thờ phượng Thánh Thể và bản chất thánh thiêng của Thánh Thể. Điều quan trọng là phải suy ngẫm về việc cử hành thờ phượng Thánh Thể và bản chất thánh thiêng của Thánh Thể một lần nữa để bảo vệ chúng khỏi những cách nhìn không đầy đủ về chính Mầu nhiệm, chẳng hạn như những cách nhìn mà chúng ta đã gặp trong quá khứ gần đây.

Trước hết, là một suy tư về tầm quan trọng của việc cử hành thờ phượng Thánh Thể, và cách riêng, của việc tôn thờ Bí Tích Thánh Thể. Chúng ta sẽ trải nghiệm điều đó tối nay, sau Thánh lễ, trước cuộc rước kiệu, trong khi và lúc kết thúc cuộc rước kiệu. Cách giải thích đơn nhất của Công đồng Vatican II đã khiển trách góc nhìn này, trong thực hành, khi giới hạn Bí tích Thánh Thể duy chỉ vào thời điểm cử hành Bí tích Thánh Thể. Quả thực, điều rất quan trọng là phải nhận ra trọng tâm của việc cử hành trong đó Chúa triệu tập dân của Ngài, quy tụ họ quanh bàn tiệc Lời Chúa và bàn tiệc Bánh sự sống, nuôi dưỡng và kết hợp họ với chính Ngài trong hy lễ.

Tất nhiên, sự lượng định như thế về cộng đoàn phụng vụ, nơi mà Chúa thực hiện mầu nhiệm hiệp thông của Ngài và làm cho mầu nhiệm đó diễn ra, vẫn có thể là phù hợp; nhưng nó phải được đưa trở lại trạng thái cân bằng thích hợp. Thực vậy - như thường xảy ra - để nhấn mạnh một khía cạnh, người ta kết thúc bằng cách hy sinh một khía cạnh khác. Trong trường hợp này, việc nhấn mạnh, dù đúng đắn, vào việc cử hành Bí tích Thánh Thể đã gây phương hại cho việc tôn thờ Thánh Thể, vốn là một hành vi đức tin và cầu nguyện hướng lên Chúa Giêsu, Đấng thực sự hiện diện trong Bí tích Bàn thờ.

Sự mất cân bằng này cũng đã ảnh hưởng đến đời sống thiêng liêng của các tín hữu. Thực ra, khi tập trung toàn bộ mối tương quan với Chúa Giêsu Thánh Thể vào giây phút duy nhất của Thánh Lễ, người ta có nguy cơ làm trống rỗng phần còn lại của thời gian và không gian hiện sinh của sự hiện diện của Ngài. Điều này làm cho ý nghĩa của sự hiện diện liên lỉ của Chúa Giêsu ở giữa chúng ta và với chúng ta trở nên khó nhận biết hơn bao giờ hết, dẫu đó là một sự hiện diện hữu hình, gần gũi, trong nhà của chúng ta, như “Trái tim đang đập” của thành phố, đất nước và khu vực, với những biểu hiện và hoạt động đa dạng của sự hiện diện đó. Bí tích Tình yêu của Chúa Kitô phải thấm nhuần vào toàn bộ đời sống hằng ngày.

Thực ra, thật sai lầm khi đặt việc cử hành Thánh Thể và tôn thờ Thánh Thể đối kháng nhau như thể chúng đang cạnh tranh nhau. Điều ngược lại mới đúng: việc cử hành Bí tích Thánh Thể, có thể nói, là “bối cảnh” thiêng liêng trong đó cộng đoàn có thể cử hành Bí tích Thánh Thể một cách tốt đẹp và trong sự thật. Chỉ khi nào hành động phụng vụ được thái độ nội tâm này của đức tin và sự tôn thờ Thánh Thể đi trước, đồng hành và theo sau thì hành động phụng vụ mới có thể diễn tả được ý nghĩa và giá trị trọn vẹn của nó. Cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu trong Thánh Lễ được diễn ra thực sự và trọn vẹn khi cộng đoàn có thể nhận ra rằng trong Bí Tích, Ngài ngự tại nhà của Ngài, chờ đợi chúng ta, mời chúng ta đến bàn tiệc của Ngài, rồi sau khi cộng đoàn giải tán, Ngài ở lại với chúng ta, với sự hiện diện kín đáo và thầm lặng của Ngài, và đồng hành với chúng ta bằng lời chuyển cầu của Ngài, tiếp tục gom góp những hy lễ thiêng liêng của chúng ta và dâng lên Chúa Cha.

Về vấn đề này, tôi vui mừng nêu bật kinh nghiệm mà chúng ta sẽ cùng nhau trải qua tối nay. Vào lúc Chầu Thánh Thể, tất cả chúng ta đều bình đẳng, quỳ gối trước Bí tích Tình Yêu. Chức tư tế phổ quát và chức linh mục thừa tác được kết hợp với nhau trong việc tôn thờ Thánh Thể. Đó là một cảm nghiệm rất đẹp và đầy ý nghĩa mà chúng ta đã có được nhiều lần tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô, cũng như trong các buổi Canh thức không thể nào quên với giới trẻ – chẳng hạn, tôi nhớ lại những buổi canh thức ở Cologne, London, Zagreb và Madrid. Mọi người đều thấy rõ rằng những giây phút Canh thức Thánh Thể này chuẩn bị cho việc cử hành Thánh lễ, những giây phút Canh thức Thánh Thể này chuẩn bị tâm hồn cho cuộc gặp gỡ để cuộc gặp gỡ sẽ có nhiều hoa trái hơn.

Tất cả cùng nhau thinh lặng kéo dài trước Chúa hiện diện trong Bí tích của Ngài là một trong những cảm nghiệm chân thật nhất về việc chúng ta là Giáo hội, đi kèm với việc cử hành Thánh Thể, lắng nghe Lời Chúa, ca hát và cùng nhau đến với bàn tiệc Bánh Sự Sống. Rước lễ và chiêm niệm không thể tách rời, chúng đi đôi với nhau. Nếu tôi thực sự muốn giao tiếp với người khác, tôi phải biết họ, tôi phải có khả năng ở gần họ trong im lặng, lắng nghe họ và nhìn họ một cách trìu mến. Tình yêu đích thực và tình bạn đích thực luôn được nuôi dưỡng bằng những ánh nhìn qua lại, những lúc im lặng mãnh liệt, hùng hồn đầy tôn trọng và kính mến, để cuộc gặp gỡ có thể được sống một cách sâu sắc và cá vị, hơn là hời hợt. Và thật không may, nếu thiếu chiều kích này, việc rước Mình Máu Chúa có thể trở thành một cử chỉ hời hợt từ phía chúng ta.

Thay vào đó, trong sự thông hiệp thực sự, được chuẩn bị bằng cuộc đối thoại bằng cầu nguyện và cuộc sống, chúng ta có thể thưa với Chúa những lời tin tưởng, chẳng hạn như những lời vừa vang lên trong Thánh Vịnh Đáp Ca: “Vâng lạy Chúa, thân này là tôi tớ, tôi tớ Ngài, con của nữ tỳ Ngài, xiềng xích trói buộc con, Ngài đã tháo cởi.

Con sẽ dâng lễ tế tạ ơn, và kêu cầu thánh danh Chúa” (Tv 116:16-17).

Bây giờ tôi muốn chuyển sang khía cạnh thứ hai một cách ngắn gọn: bản chất thánh thiêng của Bí tích Thánh Thể. Ở đây cũng vậy, trong thời gian gần đây chúng ta đã nghe thấy có một sự hiểu lầm nào đó về sứ điệp đích thực của Sách Thánh. Tính mới mẻ của Kitô giáo liên quan đến việc thờ phượng đã bị ảnh hưởng bởi một não trạng tục hóa nào đó của những năm 1960 và 1970. Đúng là, và điều này vẫn đúng, rằng trọng tâm thờ phượng bây giờ không còn là những nghi lễ và hy lễ cổ xưa nữa, nhưng trong chính Chúa Kitô, trong con người của Ngài, trong cuộc đời của Ngài, trong Mầu Nhiệm Vượt Qua của Ngài. Tuy nhiên, từ sự đổi mới cơ bản này, không thể kết luận rằng việc tế tự không còn tồn tại nữa, mà đúng hơn là việc tế tự này đã tìm thấy sự viên mãn nơi Chúa Giêsu Kitô, Tình Yêu Thiên Chúa nhập thể.

Thư gửi tín hữu Do Thái, mà chúng ta đã nghe tối nay trong Bài đọc thứ hai, nói với chúng ta một cách chính xác về tính mới mẻ của chức tư tế của Chúa Kitô, “Đức Kitô đã đến làm Thượng Tế đem phúc lộc của thế giới tương lai” (Dt 9:11), chứ không phải là nói rằng chức linh mục đã kết thúc. Chúa Kitô “là trung gian của một Giao Ước Mới” (Dt 9:15), được thiết lập trong máu Ngài để thanh tẩy “lương tâm chúng ta khỏi những việc đưa tới sự chết” (Dt 9:14). Ngài không bãi bỏ việc tế tự mà làm cho nó viên mãn, khai mở một hình thức thờ phượng mới, thực sự hoàn toàn mang tính thiêng liêng, nhưng chừng nào chúng ta còn lữ hành trong thời gian, còn sử dụng những dấu hiệu và nghi lễ, vốn sẽ không còn nữa, vào ngày cuối cùng, trong Giêrusalem trên trời, nơi sẽ không còn đền thờ nào nữa (Kh 21:22). Nhờ Chúa Kitô, việc tế tự trở nên chân thực hơn, mãnh liệt hơn và, như xảy ra với các Giới luật, cũng trở nên đòi hỏi khắt khe hơn! Việc tuân thủ nghi lễ thôi chưa đủ nhưng cần phải thanh lọc tâm hồn và dấn thân vào cuộc sống.

Tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng việc tế tự có chức năng giáo dục và sự biến mất của việc tế tự chắc chắn sẽ làm nghèo đi nền văn hóa và đặc biệt là việc đào tạo các thế hệ mới. Ví dụ, nếu nhân danh một đức tin vốn đã bị thế tục hóa và không còn cần đến các dấu chỉ thánh thiêng nữa, thì những cuộc rước Mình Thánh Chúa Kitô này qua thành phố sẽ bị bãi bỏ, thì hình ảnh tâm linh của Rôma sẽ bị “cào bằng”, và nhận thức của cá nhân cũng như của cộng đoàn sẽ bị suy yếu.

Hoặc chúng ta hãy nghĩ đến một người mẹ hoặc người cha nhân danh một đức tin đã bị tục hóa, tước đoạt mọi nghi lễ tôn giáo của con cái họ: trong thực tế, cuối cùng họ sẽ để mặc cho nhiều thứ thay thế vốn có mặt trong xã hội tiêu dùng, cho những nghi lễ khác và cho những dấu hiệu khác muốn làm gì thì làm, những thứ này có thể trở thành ngẫu tượng dễ dàng hơn.

Thiên Chúa, Cha của chúng ta, đã không làm điều này với nhân loại: Ngài đã sai Con của Ngài đến thế gian không phải để hủy bỏ nhưng để hoàn thành cả việc tế tự. Ở đỉnh cao của sứ mạng này, trong Bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã thiết lập Bí tích Mình và Máu Ngài, Lễ Tưởng Niệm Hy Tế Vượt Qua của Ngài. Khi làm như vậy, Ngài đã thay thế những hy lễ cổ xưa bằng chính mình, nhưng Ngài đã làm như vậy theo một nghi thức mà Ngài truyền cho các Tông Đồ phải duy trì, như một dấu hiệu tột cùng của Một Đấng Thánh đích thực, là chính Ngài. Anh chị em thân mến, với đức tin này, chúng ta hãy cử hành Mầu nhiệm Thánh Thể hôm nay và mỗi ngày và tôn thờ Mầu nhiệm này như trung tâm của cuộc sống chúng ta và là trái tim của thế giới. Amen.