BÊLEM CÓ
NGHĨA LÀ NGÔI NHÀ BÁNH
Anh chị em
thân mến!
Cùng với
Maria, người đã thành hôn với mình, Thánh Giu-se đã đi tới “thành Bêlem, là
thành của vua Đavít” (xc. Lc 2,4). Đêm nay, chúng ta cũng trẩy về Bêlem để
chiêm ngưỡng mầu nhiệm Chúa Giáng Sinh.
1. Bêlem:
Danh xưng này có nghĩa là ngôi nhà bánh. Hôm nay, Thiên Chúa muốn gặp gỡ nhân
loại trong "ngôi nhà" ấy. Ngài biết rằng, chúng ta cần tới lương thực để sống.
Nhưng Ngài cũng biết rằng, lương thự thế gian không làm cho con tim được no thỏa.
Trong Kinh Thánh, tội Nguyên Tổ của nhân loại được liên kết với việc tiếp nhận
lương thực: “Họ vặt lấy những trái cây và ăn” – Sách Sáng Thế thuật lại
(3,6). Họ vặt và ăn. Con người đã trở nên tham lam và háu ăn. Việc chiếm hữu và
gom góp mọi thứ xem ra có vẻ như là ý nghĩa đối với nhiều người. Một sự tham
lam vô độ xuyên suốt lịch sử nhân loại đã dẫn tới những nghịch lý của thời đại
hôm nay, mà theo đó, một số ít người thì chè chén say sưa thỏa thích đến độ nứt
mỡ, trong khi rất nhiều người khác lại không có đủ lương thực để sống.
Bêlem được coi là khúc ngoặt trong quá trình lịch
sử. Ở đó, Thiên Chúa được sinh ra tại ngôi nhà bánh trong một chiếc máng thức
ăn. Như thể Ngài muốn nói rằng: Ta ở đây với tư cách là lương thực của các
ngươi. Ngài không lấy gì, nhưng Ngài giới thiệu một điều gì đó để ăn; Ngài
không cho cái gì khác ngoài bản thân Ngài. Tại Bêlem, chúng ta khám phá ra rằng,
Thiên Chúa không phải là người lấy mất sự sống, nhưng là Đấng trao ban sự sống.
Chúa Giêsu nói với kẻ mà ngay từ đầu đã quen với việc cầm lấy và ăn rằng: “Hãy
cầm lấy mà ăn; đây là Mình Thầy” (Mt 26,26). Thân xác bé nhỏ của hài nhi Bêlem
mở ra một mẫu sống mới: không ngấu nghiến và tích trữ, nhưng chia sẻ và cho đi.
Thiên Chúa khiến mình trở nên bé nhỏ để trở thành lương thực cho chúng ta.
Trong khi chúng ta nuôi sống bản thân mình bằng Bánh Hằng Sống, chúng ta sẽ có
thể được tái sinh trong Tình Yêu cũng như có thể nghiền nát vòng xoáy của sự
tham lam và sự vô độ. Từ “ngôi nhà bánh”, Chúa Giêsu tái dẫn con người
đi về nhà, để con người trở thành người nhà của Thiên Chúa, và trở thành người
anh em của những người chung quanh mình. Nếu chúng ta ngắm nhìn Hang Đá, chúng
ta sẽ hiểu được rằng, điều nuôi dưỡng sự sống, không phải là sự sở hữu, nhưng
là Tình Yêu; không phải là sự tham lam, nhưng là Đức Ái; không phải là sự thừa
bứa mà người ta thích khoe ra, nhưng là sự giản dị mà người ta phải bảo vệ.
Thiên Chúa
biết rằng, chúng ta cần tới lương thực mỗi ngày. Vì thế, Ngài đã trao hiến
chính sự sống của Ngài cho chúng ta mỗi ngày, từ hang đá Bêlem cho tới Bữa Tiệc
Ly tại Giêrusalem. Và ngay cả ngày hôm nay, trên bàn Thờ, Ngài cũng vẫn đang
còn biến mình thành tấm bánh được bẻ ra cho chúng ta: Ngài gõ cửa nhà chúng ta
để bước vào, để cùng dùng bữa với chúng ta (xc. Kh 3,20). Nhân dịp Đại Lễ Giáng
Sinh, chúng ta hãy lãnh nhận Chúa Giêsu, bánh bởi trời, trên trái đất: một
lương thực mà nó không biết đến ngày hết hạn, nhưng làm cho chúng ta được thưởng
nếm sự sống đời đời ngay từ bây giờ.
Tại Bêlem,
chúng ta khám phá ra rằng, sự sống của Thiên Chúa chảy trong mạch máu của nhân
loại. Nếu chúng ta đón nhận sự sống ấy, thì lịch sử sẽ thay đổi, khởi đi từ mỗi
người chúng ta. Vì nếu Chúa Giêsu biến đổi con tim, thì trung tâm điểm của đời
sống sẽ không còn phải là cái bản ngã ích kỷ và đói khát của tôi nữa, nhưng là
Đấng đã đến thế gian này vì Tình Yêu. Chúng ta – những người mà đêm nay được mời
gọi tuốn về Bêlem, tuốn về ngôi nhà bánh – hãy tự hỏi: Điều gì là lương thực
nuôi sống tôi mà tôi không thể khước từ? Phải chăng đó là Thiên Chua hay là một
điều gì khác? Nếu chúng ta bước vào hang đá và nhận ra hương thơm mới của sự sống,
hương thơm của sự giản dị trong sự nghèo khó mong manh của hài nhi, chúng ta sẽ
tự hỏi: Chúng ta có thực sự cần tới quá nhiều những đồ vật và những thực đơn
quá phức tạp để sống hay không? Tôi có cố gắng khước từ những điều phụ tùy
nhưng quá dư thừa để chọn một cuộc sống đơn giản hay không? Tại Bêlem, bên cạnh
Chúa Giêsu, chúng ta sẽ thấy những con người đã lên đường, chẳng hạn như Đức
Maria, Thánh Giu-se và các Mục Đồng. Chúa Giêsu chính là lương thực cho sự lên
đường. Ngài không muốn việc ngừng tiêu hóa kéo dài quá lâu và trì trệ mà trong
đó không có bất cứ điều gì chuyển động, nhưng Ngài thôi thúc chúng ta hãy mau
chóng đứng dậy khỏi bàn để trở nên một tấm bánh được bẻ ra cho người khác.
Chúng ta hãy tự hỏi mình xem: Nhân dịp Đại Lễ Giáng Sinh, tôi có bẻ tấm bánh của
tôi ra cho những người không có bánh hay không?
2. Tới Bêlem
với tư cách là ngôi nhà bánh, giờ đây chúng ta hãy suy tư về Bêlem với tư cách
là thành của vua Đavít. Ở đó, khi còn trẻ, vua Đavít là một mục đồng, và với tư
cách là một mục đồng, ông đã được Thiên Chúa tuyển chọn để trở thành một mục tử
và trở thành người dẫn dắt Dân Ngài. Nhân dịp Đại Lễ Giáng Sinh, tại thành Đavít,
các mục đồng cũng đã nồng nhiệt chào mừng Chúa Giêsu. Trong đêm hôm ấy, Tin Mừng
nói về họ rằng: “Họ rất đỗi sợ hãi” (xc. Lc 2,9), nhưng Thiên Thần nói với
họ: “Đừng sợ!” (Lc 2,10). Mệnh lệnh Đừng Sợ này được lập đi lập lại nhiều
lần trong Tin Mừng như là một điệp khúc của Thiên Chúa trên con đường kiếm tìm
con người. Vì ngay từ đầu, con người đã luôn sợ hãi trước Thiên Chúa mỗi khi
tái phạm tội: “Vì tôi sợ hãi […] nên tôi đã ẩn trốn” (St 3,10) – Ađam đã
nói như thế sau khi đã phạm tội. Bêlem chính là phương dược khắc trị sự hãi sợ,
vì bất chấp “tiếng thưa không” của con người, Thiên Chúa vẫn luôn luôn
nói “có” ở đó: Ngài sẽ là Thiên Chúa ở cùng chúng ta mãi mãi. Và để sự
hiện diện của Ngài không khơi lên nỗi sợ hãi, Ngài đã đến với tư cách là một
hài nhi mỏng manh. Đừng sợ: Mệnh lệnh ấy đã không được nói với các vị Thánh,
nhưng là nói với các mục đồng, những con người giản dị, tức những con người mà
chắc chắn hồi đó đã không lôi kéo sự chú ý nhờ vào phong thái tốt đẹp hay nhờ
vào sự đạo đức của mình. Con vua Đavít đã được sinh ra giữa các mục đồng để nói
với chúng ta rằng, không ai còn phải cô đơn nữa; chúng ta có một mục tử, Đấng
thắng vượt những nỗi sợ hãi của chúng ta, và yêu thương tất cả chúng ta, không
trừ một ai.
Các mục đồng
Bêlem cũng nói cho chúng ta biết, chúng ta có thể gặp gỡ Thiên Chúa như thế
nào. Họ thức suốt đêm: họ không ngủ, nhưng thực hiện điều mà Chúa Giêsu sẽ
không ngừng yêu cầu: họ tỉnh thức (xc. Mt 25,13; Mc 13,35; Lc 21,36). Họ luôn tỉnh
thức, họ chờ đợi trong đêm tối, và “vinh quang của Thiên Chúa bao phủ họ”
(Lc 2,9). Điều đó cũng được áp dụng cho chúng ta. Cuộc sống chúng ta có thể trở
thành một sự mong chờ, nó tín thác vào Thiên Chúa và khát khao Ngài ngay cả
trong những đêm thức trắng; và rồi chúng ta sẽ được nhận lãnh ánh sáng của
Ngài. Nhưng cuộc sống chúng ta cũng có thể trở thành một yêu sách mà ở đó chỉ
có sức riêng và những phương tiện riêng của mình là đáng kể; tuy nhiên, trong
trường hợp ấy, con tim vẫn cứ đóng kín trước ánh sáng của Thiên Chúa. Thiên
Chúa yêu thích được chờ đợi, nhưng không phải là chờ đợi Ngài bằng cách nằm ngủ
trên những chiếc ghế tràng kỷ. Trong thực tế, các mục đồng đã chuyển động: “Họ
vội vã lên đường” – Tin Mừng nói như thế (Lc 2,16). Họ không đứng lỳ ra đó
như những người nghĩ rằng, mình đã tới nơi rồi, và không cần bất cứ điều gì nữa,
nhưng họ ra đi, để đàn chiên lại một mình, họ đánh liều vì Thiên Chúa. Và sau
khi thấy Chúa Giêsu, họ đã lên đường để loan báo Ngài, mặc dù họ không biết nói
năng cách khôn khéo, đến độ “khi nghe những người chăn chiên thuật chuyện,
ai cũng ngạc nhiên” (Lc 2,18).
Tỉnh thức
chờ đợi, lên đường, chấp nhận rủi ro, thuật lại những điều tốt đẹp: Đó là những
cử chỉ Tình Yêu. Vị mục tử tốt lành đến vào ngày Lễ Giáng Sinh để trao tặng sự
sống cho đoàn chiên, sẽ đặt ra cho Phêrô, và qua ông, cho tất cả chúng ta nữa,
một câu hỏi có tính quyết định vào Ngày Lễ Phục Sinh: “Con có yêu mến Thầy
không?” (Ga 21,15). Tương lai của đoàn chiên sẽ phụ thuộc vào câu trả lời.
Đêm nay chúng ta được kêu gọi hãy trả lời và nói với chính Ngài rằng: “Con
yêu mến Thầy”. Câu trả lời của mỗi cá nhân sẽ có ý nghĩa quyết định đối với
tất cả đoàn chiên.
“Nào
chúng ta hãy tới Bêlem” (Lc 2,15): Các mục đồng nói với nhau như thế, và họ
cũng đã làm điều đó. Lạy Chúa, chúng con cũng muốn tới Bêlem. Con đường ngày
hôm nay cũng vẫn đang còn gập ghềnh: Vì thế, ngọn đồi ích kỷ phải được thắng vượt,
và ở đây, người ta không được phép trượt chân vào trong những vực thẳm của thế
gian và của chủ nghĩa hưởng thụ. Con muốn tới Bêlem, lạy Chúa, vì Chúa đang đợi
con ở đó. Và con muốn làm cho mình ý thức được rằng, Chúa – Đấng đang nằm trong
một chiếc máng thức ăn – chính là bánh hằng sống của con. Con cần tới hương
thơm thoang thoảng của Tình Yêu Chúa để cũng trở thành chính lương thực cho thế
giới. Xin vác con trên đôi vai của Chúa, lạy Mục Tử tốt lành: Được Chúa yêu
thương, con cũng sẽ có thể yêu thương cũng như có thể cầm lấy cánh tay của những
người anh chị em con. Rồi sẽ là Đại Lễ Giáng Sinh khi con có thể thưa với Chúa:
“Thưa Thầy, Thầy biết mọi sự; Thầy biết con yêu mến Thầy” (xc. Ga 21,17)
Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ
Nguồn: daminhtamhiep.net