ĐỨC GIÁO HOÀNG BÊNÊĐICTÔ XVI

BÀI GIẢNG LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG NĂM B

Đền thờ Thánh Phêrô

Chúa nhật, ngày 27.05.2012

Anh chị em thân mến,

Tôi vui mừng được cử hành Thánh lễ này với anh chị em, thánh lễ hôm nay cũng được làm sống động bởi Ca đoàn của Học viện Santa Cecilia và bởi Dàn nhạc Trẻ – những người mà tôi rất cảm ơn – nhân Lễ Trọng Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Mầu nhiệm này cấu thành phép rửa của Giáo Hội. Có thể nói, đó là một sự kiện đã mang lại cho Giáo hội hình thức ban đầu và động lực thực hiện sứ mệnh của Giáo hội. Và “hình thức” và “động lực” này luôn hữu hiệu, luôn hiện diện và được đổi mới một cách đặc biệt qua các hành động phụng vụ.

Sáng nay tôi muốn suy tư về một khía cạnh thiết yếu của Mầu Nhiệm Hiện Xuống, một khía cạnh vẫn giữ được tầm quan trọng trọn vẹn của nó trong thời đại chúng ta. Lễ Ngũ Tuần (Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống) là lễ của sự hiệp nhất, hiểu biết và hiệp thông nhân loại. Tất cả chúng ta đều có thể nhận thấy trong thế giới sự hiểu biết và hiệp thông giữa con người với nhau thường hời hợt và khó khăn thế nào, cả khi chúng ta luôn luôn ở gần nhau với sự phát triển của các phương tiện truyền thông và các khoảng cách địa lý xem ra biến mất. Nhưng các mất quân bình vẫn còn đó và thường khi dẫn đưa tới các xung đột. Việc đối thoại giữa các thế hệ trở thành vất vả và nhiều khi thái độ chống đối thắng thế. Hàng ngày chúng ta chứng kiến các sự kiện cho thấy xem ra con người đang trở thành hiếu chiến và hay gây sự hơn. Hiểu nhau xem ra qúa đòi hỏi dấn, thân và người ta thích ở trong cái ”tôi” và các lợi lộc của mình. Trong tình trạng này chúng ta có thể tìm ra và sống sư hiệp nhất mà chúng ta cần đến biết bao hay không?

Trình thuật lễ Ngũ Tuần trong sách Công Vụ chứa đựng trong hậu cảnh câu chuyệm cổ xây tháp Babel (St 11,1-9). Tháp Babel miêu tả một vương quốc trong đó con người đã tập trung biết nhiêu quyền bính, đến độ nó nghĩ rằng không cần phải quy chiếu về một vì Thiên Chúa xa xôi nữa, và nó tin mình mạnh mẽ tới độ có thể tự mình xậy dựng một con đường lên tới trời để mở cửa trời ra, và nó tự đặt mình vào chỗ của Thiên Chúa.

Nhưng chính trong lúc con người cùng nhau làm việc để xây tháp, thì bất chợt họ nhận ra rằng họ đang xây dựng chống lại nhau. Trong khi tìm trở thành giống như Thiên Chúa họ gặp nguy hiểm cũng không còn là người nữa, bởi vì họ đã đánh mất đi một yếu tố nền tảng của các bản vị con người: đó là khả năng đồng ý với nhau, hiểu nhau và cùng hoạt động với nhau.

Trình thuật kinh thánh này chứa đựng một sự thật trường tồn mà chúng ta có thể trông thấy trong lịch sử và trên thế giới. Với tiến bộ của khoa học và kỹ thuật chúng ta đã đi tới quyền lực thống trị các sức mạnh của thiên nhiên, lèo lái các yếu tố, chế tạo ra sinh vật và hầu như cả con người. Trong tình trạng này khẩn cầu Thiên Chúa xem ra là điều lỗi thời, vô ích, bởi vì chính chúng ta có thể xây dựng và thực hiện tất cả những gì chúng ta muốn.

Nhưng chúng ta nhận ra rằng chúng ta đang sống cùng kinh nghiệm cái tháp Babel. Thật thế, chúng ta đã gia tăng các khả năng truyền thông, thu thập và truyền bá tin tức, nhưng chúng ta có thể nói rằng khả năng hiểu biết nhau có gia tăng, hay có lẽ, một cách mâu thuẫn, chúng ta lại ngày càng ít hiểu nhau hơn? Giữa con người với nhau lại không luồn lách một ý thức bất tín nhiệm, nghi ngờ và sợ hãi nhau cho tới trở thành nguy nhiểm đối với nhau hay sao? Vậy thì có thể có sự hiệp nhất và đồng tâm thực sự hay không?

Chúng ta tìm thấy câu trả lời trong Thánh Kinh: sự hiệp nhất chỉ có với ơn Thần Khí của Thiên Chúa, là Đấng sẽ ban cho chúng ta một con tim mới và một tiếng nói mới, một khả năng truyền thông mới. Đó là điều đã xảy ra buổi sáng ngày lễ Ngũ Tuần, năm mươi ngày sau lễ Vượt Qua, khi ngọn lửa của Chúa Thánh Thần xuống trên các môn đệ, đậu trên từng người và đốt lên nơi họ ngọn lửa thiên linh, một ngọn lửa tình yêu có khả năng biến đổi. Sự sợ hãi biến mất, con tim cảm thấy một sức mạnh mới, các miệng lưỡi mở ra và bắt đầu nói với sự thẳng thằn, đến độ mọi người đều có thể hiểu việc loan báo Chúa Giêsu Kitô chết và sống lại. Vào lễ Ngũ Tuần nơi có sự chia rẽ và xa lạ lại nảy sinh ra sự hiệp nhất và hiểu biết.

Tuy nhiên, chúng ta hãy nhìn vào bài Tin Mừng hôm nay trong đó Chúa Giêsu nói: “Khi Người tới, Thần chân lý sẽ hướng dẫn các con tới sự thật toàn vẹn” (Ga 16,13). Ở đây khi nói về Thánh Thần, Chúa Giêsu giải thích cho chúng ta biết Giáo Hội là gì, và Giáo Hội phải sống thế nào để là chính mình, để là nơi của sự hiệp nhất và hiệp thông trong Chân Lý. Người nói với chúng ta rằng hành động như kitô hữu có nghĩa là không đóng kín trong cái ”tôi” của mình, mà hướng về cái tất cả; có nghĩa là tiếp nhận trong chính mình toàn thể Giáo Hội, hay đúng hơn để cho Giáo Hội tiếp nhận chúng ta trong nội tâm... Chúa Thánh Thần, Thần Khí của sự hiệp nhất và chân lý có thể tiếp tục vang lên trong tâm trí con người và thúc đẩy họ gặp gỡ nhau và tiếp nhận nhau... Chúng ta không lớn lên khi khép kín trong cái ”tôi” của chúng ta, nhưng lớn lên mà khi có khả năng lắng nghe và chia sẻ, chỉ trong cái ”chúng ta” của Giáo Hội, với một thái độ khiêm tốn sâu xa trong nội tâm... Nơi đâu con người muốn làm Thiên Chúa, thì họ chỉ có thể chống đối nhau. Trái lại nơi đâu họ đặt để mình trong chân lý của Chúa, thì họ rộng mở cho hành động của Thần Khí nâng đỡ và hiệp nhất họ với nhau.

Sự so sánh Babel với Lễ Ngũ Tuần được lặp lại một lần nữa trong Bài đọc thứ hai, nơi Thánh Tông đồ nói: “Anh em hãy bước đi theo Thần Khí và sẽ không bị dẫn tới sự thỏa mãn của xác thịt” (Gl 5,16). Thánh Phaolô giải thích rằng đời sống cá nhân của chúng ta bị ghi dấu bởi một cuộc xung khăc nội tâm, bởi một sự chia rẽ giữa các thúc đẩy đến từ xác thịt và các thúc đẩy đến từ Thần Khí, và chúng ta không thể theo cả hai. Thật vậy, chúng ta không thể vừa ích kỷ vừa qủang đại, vừa theo khuynh hướng thống trị người khác vừa cảm thấy niềm vui phục vụ vô vị lợi. Chúng ta chỉ có thể lựa chọn với sự trợ giúp của Thần Khí Chúa Kitô.

Vì các công việc của xác thịt là các tội ích kỷ , bạo lực, thù nghịch, bất hòa, ghen tương, chia rẽ. Đó là càc tư tưởng và hành động không giúp sống là người và là kitô hữu thực sự trong tình yêu. Đó là hướng đi dẫn chúng ta tới sụ hư mất cuộc sống. Trái lại, Thánh Thần hướng dẫn chúng ta tới các đỉnh cao của Thiên Chúa, để ngay trên trái đất này chúng ta sống mầm giống cuộc sống thiên linh của tình yêu, niềm vui và hòa bình (Gl 5,22).

Và chúng ta hãy lưu ý rằng Thánh Tông Đồ Phaolô dùng số nhiều để mô tả các công việc của xác thịt làm cho chúng ta mất đi nhân tính, trong khi ngài dùng số ít để định nghĩa hoạt động của Thánh Thần, ngài nói về “hoa trái”, giống như sự phân tán ở Babel, trái ngược với sự thống nhất của Lễ Ngũ Tuần.

Như thế sự hiệp nhất của lễ Ngũ Tuần đối chọi lại sự phân tán của tháp Babel.
Chúng ta phải cầu nguyện để Chúa Thánh Thần soi sáng và hướng dẫn chúng ta lựa chọn chân lý của Chúa Kitô được thông truyền trong Giáo Hội.

Anh chị em thân mến, chúng ta phải sống theo Thần Khí hiệp nhất và chân lý và đây là lý do tại sao chúng ta nên cầu xin Chúa Thánh Thần soi sáng và hướng dẫn chúng ta để chúng ta có thể vượt qua được sự mê hoặc của việc đi theo các chân lý của chính mình và đón nhận chân lý của Chúa Kitô, đã được truyền lại trong Giáo hội. Trình thuật về Lễ Ngũ Tuần của Luca cho chúng ta biết rằng trước khi về trời, Chúa Giêsu đã yêu cầu các Tông đồ ở lại với nhau để chuẩn bị đón nhận ân sủng Chúa Thánh Thần. Và họ tụ tập cầu nguyện với Đức Maria tại Phòng Tiệc Ly để chờ đợi biến cố đã hứa (x. Cv 1:14). Được tụ tập với Đức Maria, như lúc Mẹ sinh ra, ngày nay Giáo hội cũng cầu nguyện: “Veni Sancte Spiritus! – Xin Chúa Thánh Thần ngự đến, đổ đầy tâm hồn các tín hữu và thắp lên trong họ ngọn lửa tình yêu của Chúa!”. Amen.

Nguồn: archivioradiovaticana.va