ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ
BÀI GIẢNG LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG
Đền thờ Thánh Phêrô
Chúa nhật, ngày 20.05.2018
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Trong Bài Đọc I của phụng Vụ hôm nay, việc Chúa Thánh Thần hiện xuống vào ngày Lễ Ngũ Tuần đã được ví như một trận cuồng phong (xc. Cv 2,2). Hình ảnh đó nói gì với chúng ta? Trận cuồng phong cho phép chúng ta nghĩ tới một sức mạnh, mà sức mạnh ấy có đó không phải vì chính nó, nhưng sức mạnh ấy biến đổi thực tế. Trong thực tế, trận gió mạnh đưa tới một sự thay đổi: mang đến những dòng nước ấm cho sự băng giá, mang đến những dòng nước mát cho sự oi bức, mang đến cơn mưa cho vùng đất khô cằn… Cơn gió hoạt động như thế. Chính Chúa Thánh Thần cũng hoạt động như thế dẫu rằng ở một bình diện khác: Ngài chính là sức mạnh của Thiên Chúa, sức mạnh ấy biến đổi thế giới. Ca tiếp Liên nhắc chúng ta nhớ tới điều đó. Chúa Thánh Thần chính là sự an bình trong sự bồn chồn lo lắng; là niềm ủi an trong lúc đau khổ và chết chóc; và vì thế chúng ta cầu xin Ngài: “Điều gì nhiễm uế, xin tẩy cho sạch, tuôn đổ sự sống vào nơi khô cằn, xin Ngài chữa lành bất cứ ai đang bị bệnh tật hành hạ”. Ngài bước vào trong mọi trạng huống và biến đổi chúng; Ngài biến đổi những con tim cũng như thay đổi những sự kiện.
Chúa Thánh Thần sẽ biến đổi những con tim: Chúa Giê-su đã nói với các môn đệ rằng: “Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Chúa Thánh Thần […] Anh em sẽ là chứng nhân của Thầy” (Cv 1,8). Và đã xảy ra giống hệt như thế: các môn đệ, tức những người tỏ ra rất sợ hãi lúc ban đầu, và đã ẩn mình đàng sau những cánh cửa chốt kín ngay cả sau khi Thầy đã sống lại, nhưng giờ đây đã được Chúa Thánh Thần biến đổi, như Chúa Giê-su đã loan báo trong bài Tin Mừng hôm nay, “họ sẽ làm chứng cho Ngài” (xc. Ga 15,27). Từ những con người do dự ngập ngừng, các môn đệ đã trở nên can đảm, và từ Giêrusalem, các ông đã đi tới tận cùng trái đất. Khi Chúa Giê-su còn ở giữa các ông, thì các ông sợ hãi, nhưng giờ đây khi Ngài không còn hiện diện hữu hình giữa các ông nữa, thì các ông lại rất can đảm, vì Chúa Thánh Thần đã biến đổi con tim các ông.
Chúa Thánh Thần giải phóng những tâm hồn đang bị phong tỏa bởi nỗi sợ hãi. Ngài đối chất với những kẻ đang tự lấy làm đủ với những điều tầm thường, bằng những ân sủng dồi dào. Ngài khuếch trương những con tim chật hẹp. Ngài thôi thúc những kẻ đã quen sống trong sự dễ dãi và ươn lười, tiến tới chỗ phục vụ. Ngài làm cho những kẻ nghĩ rằng, mình đã tới đích, giờ đây lại tiếp tục lên đường. Ngài làm cho những kẻ đã bị tấn công bất ngờ bởi sự do dự và thiếu cương quyết, giờ đây lại tiếp tục những giấc mơ. Và vì thế, việc biến đổi tâm hồn hệ tại ở chỗ đó. Nhiều người hứa hẹn một thời kỳ thay đổi, một thời kỳ tái bắt đầu, và một thời kỳ với những canh tân vĩ đại, nhưng kinh nghiệm cho thấy rằng, không một cố gắng trần thế nào trong việc thay đổi những vấn đề, lại có thể làm cho con tim nhân loại được hoàn toàn thỏa mãn. Sự biến đổi do Chúa Thánh Thần thực hiện thì hoàn toàn khác: Ngài không làm thay đổi cuộc sống chung quanh chúng ta, nhưng Ngài biến đổi con tim chúng ta; Ngài không giải thoát chúng ta khỏi những vấn để của chúng ta bằng một cú đánh, nhưng Ngài giải phóng nội tâm chúng ta, để chúng ta bắt tay vào giải quyết những vấn đề đó; Ngài không trao tất cả cho chúng ta một lần, nhưng Ngài làm cho chúng ta tin tưởng tiến về phía trước mà không bao giờ trở nên mệt mỏi trong cuộc sống. Chúa Thánh Thần giữ cho con tim được trẻ trung – một sự trẻ trung mới. Sớm muộn gì thì thời gian tuổi trẻ cũng sẽ qua đi, bất chấp tất cả những cố gắng để kéo dài thời gian ấy; trái lại, Chúa Thánh Thần chính là Đấng duy nhất có khả năng ngăn chặn sự lão hóa thiếu lành mạnh, tức sự lão hóa nội tâm. Ngài thực hiện điều đó bằng cách nào? Thưa, Ngài canh tân con tim chúng ta, và cho phép con tim tội lỗi chúng ta nhận được ơn thứ tha. Đó là một sự thay đổi lớn: Ngài biến những tội nhân chúng ta thành những người công chính, và như thế, tất cả sẽ biến đổi, vì từ kiếp nô lệ tội lỗi, chúng ta sẽ trở thành những con người tự do; từ những viên đầy tớ, trở thành những người con; từ những kẻ bị vứt bỏ, trở thành những người bạn quý; từ những con người thất vọng, trở thành những con người tràn trề hy vọng. Bằng cách đó, Chúa Thánh Thần làm cho niềm vui được tái sinh, cũng như làm cho niềm an bình được trổ bông trong tâm hồn.
Vậy hôm nay chúng ta sẽ học để biết được điều gì là điều phải thực hiện nếu chúng ta thực sự cần tới những thay đổi. Ai trong chúng ta không cần tới chúng? Đặc biệt, khi chúng ta ở trên mặt đất, nếu chúng ta than vãn về những gánh nặng cuộc sống, nếu những nỗi yếu nhược của chúng ta đè nén chúng ta, nếu chúng ta cảm thấy quá khó trong việc tiến về phía trước, và nếu có vẻ như không thể sống yêu thương. Thì rồi chúng ta sẽ cần tới một “liều thuốc” đặc trị: và đó chính là Ngài, Đấng là sức mạnh của Thiên Chúa. Chúa Thánh Thần chính là Đấng “ban sự sống”, như chúng ta tuyên xưng trong “Kinh Tin Kính”. Sẽ thật tốt cho chúng ta biết bao khi chúng ta tiếp nhận “liều thuốc” sự sống ấy mỗi ngày, và nói chẳng hạn như vào lúc thức dậy: “Xin hãy đến, lạy Chúa Thánh Thần, xin ngự vào tâm hồn con, xin ngự đến trong ngày của con!”
Ngoài tâm hồn ra, Chúa Thánh Thần còn biến đổi cả những sự kiện nữa. Như cơn gió thổi khắp nơi thế nào thì Ngài cũng tự mở ra những con đường để bước vào những trạng huống thiếu chắc chắn như vậy. Trong sách Tông Đồ Công Vụ – cuốn sách này thực sự được coi là một sự khám phá mà trong đó Chúa Thánh Thần đóng vai trò chính – chúng ta sẽ chứng kiến một động cơ không ngừng hoạt động của những điều hoàn toàn gây ngỡ ngàng. Dù các môn đệ không mong chờ điều đó, nhưng Chúa Thánh Thần vẫn sai các Ngài đi tới với những người dân ngoại. Ngài mở ra những con đường mới, như trong trường hợp của Phó tế Phi-líp-phê. Chúa Thánh Thần đã dẫn ông đi băng qua một quãng đường nối từ Giê-ru-sa-lem tới Gaza – tức nơi mà ngày nay đang vang lên rất nhiều những tin buồn! Cầu xin Chúa Thánh Thần canh tân những con tim cũng như canh tân các mối tương quan, và xin Ngài mang bình an tới vùng Đất Thánh -. Trên đoạn đường ấy, Phi-líp-phê đã giảng giải cho một viên quan người Ê-thi-ô-pi và đã Rửa Tội cho ông; sau đó Chúa Thánh Thần lại dẫn ông tới Át-đốt và Xê-sa-rê-a: luôn luôn trong những hoàn cảnh mới để ông quảng bá sứ điệp của Thiên Chúa. Và rồi Thánh Phao-lô cũng thế, Thánh Nhân “bị Thần Khí trói buộc” (CV 20,22), đã đi tới tận cùng bờ cõi trái đất và loan báo Tin Mừng cho muôn dân mà trước đó Ngài chưa bao giờ nhìn thấy hay nghe nói về họ. Khi Chúa Thánh Thần ở đâu thì ở đó luôn luôn xảy ra một điều gì đó; khi Ngài thổi thì sẽ không còn có cảnh trời yên bể lặng nữa!
Nếu cuộc sống của các cộng đoàn chúng ta phải trải qua những thời điểm “yếu nhược”, mà vào những thời điểm đó, người ta ưa thích cảnh điền viên trong nhà hơn là sự mới mẻ của Thiên Chúa, thì đó là một dấu hiệu tồi tệ. Thực ra, nó có nghĩa là người ta đang tìm kiếm sự bảo vệ trước luồng gió của Chúa Thánh Thần. Nếu người ta sống cho sự duy trì cuộc sống bản thân và không vượt qua được điều đó, thì đó không phải là một chỉ dấu tốt đẹp. Chúa Thánh Thần thổi, nhưng chúng ta lại hạ cánh buồm xuống. Tuy nhiên, nhiều lần chúng ta đã thấy Ngài thực hiện những điều vĩ đại như thế nào. Thường thì ngay trong những thời điểm đen tối nhất, Chúa Thánh Thần lại mang sự thánh thiện có tính tỏa sáng nhất tiến về phía trước! Vì Ngài chính là linh hồn của Giáo hội, Ngài luôn luôn tái hồi sinh Giáo hội với niềm hy vọng, chất đầy niềm vui trên Giáo hội, và làm cho Giáo hội trở nên phong nhiêu với những điều mới mẻ, tặng ban cho Giáo hội những mầm chồi sự sống mới. Giống hệt như khi một em bé được sinh ra trong một gia đình: thời khóa biểu trở nên lộn xộn, người này thì mất ngủ, và người kia thì mất ăn, nhưng trong gia đình vẫn vui, và niềm vui đó sẽ làm thay đổi cuộc sống, niềm vui đó sẽ thôi thúc gia đình và làm cho cuộc sống của gia đình được mở rộng thêm trong Tình Yêu. Vâng, Chúa Thánh Thần sẽ mang một “hương vị” trẻ thơ vào trong Giáo hội. Ngài không ngừng đưa đến sự tái hồi sinh. Ngài tái tu bổ Tình Yêu ban đầu. Chúa Thánh Thần sẽ nhắc cho Giáo hội nhớ rằng, bất chấp lịch sử hàng ngàn năm của mình, Giáo hội vẫn luôn là một cô gái đôi mươi, là vị hôn thê trẻ trung được Thiên Chúa rất mực đắm say. Vì thế, chúng ta đừng bao giờ trở nên mệt mỏi trong việc mời Chúa Thánh Thần ngự vào môi trường sống của chúng ta, và về phía mình, luôn kêu cầu Ngài trước khi thực thi bất cứ điều gì: “Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến!”
Ngài sẽ mang theo sức mạnh biến đổi của Ngài, đó là một sức mạnh duy nhất, mà có thể nói rằng, sức mạnh ấy vừa có tính hướng tâm nhưng đồng thời cũng có tính ly tâm. Sức mạnh ấy có tính hướng tâm, hay quy tâm, vì nó hoạt động bên trong tâm hồn. Nó dẫn tới sự hiệp nhất trong tình trạng manh mún, dẫn tới bình an trong lúc khốn cùng, dẫn tới sự kiên định trong cơn cám dỗ. Trong Bài Đọc II hôm nay, Thánh Phao-lô nhắc nhớ rằng, hoa trái của Thánh Thần chính là hoan lạc, bình an, trung tín và tự chủ (xc. Gal 5,22). Chúa Thánh Thần sẽ ban tặng sự thân mật với Thiên Chúa, và sẽ ban sức mạnh nội tại để tiếp tục tiến về phía trước. Nhưng đồng thời Ngài cũng là một sức mạnh ly tâm, sức mạnh đó hoạt động hướng ra bên ngoài. Đấng dẫn vào trung tâm cũng chính là Đấng gửi người ta đến những vùng biên thùy, tới những vùng ngoại vi của con người. Đấng mạc khải cho chúng ta biết về Thiên Chúa cũng sẽ thúc đẩy chúng ta đi tới với những người anh chị em. Ngài sai chúng ta đi, Ngài biến chúng ta thành những chứng nhân, và để làm điều đó – như Thánh Phaolô viết – Ngài tưới đổ trên chúng ta Tình Yêu, lòng nhân hậu, sự tốt lành và sự hiền dịu. Chỉ trong Chúa Thánh Thần, Đấng là người Bảo Trợ của chúng ta, chúng ta mới có thể nói những lời sự sống, và chúng ta mới thực sự làm cho những người khác được khích lệ. Ai sống theo Thần Khí, người ấy sẽ đứng trong trạng thái giằng xé về tinh thần như sau: Người ấy sẽ vừa đứng trong mối tương quan với Thiên Chúa, nhưng đồng thời cũng trong mối tương quan với thế giới.
Chúng ta hãy cầu xin Ngài ban cho chúng ta được trở nên như thế. Xin Chúa Thánh Thần – cơn cuồng phong của Thiên Chúa – hãy tràn ngập trên chúng con. Xin Người hãy thổi vào trong lòng chúng con và cho phép chúng con hít được sự trìu mến của Thiên Chúa Cha. Xin xuống tràn đầy trên Giáo hội và hãy đẩy Giáo hội đi tới tận cùng bờ cõi trái đất, để Giáo hội – được Chúa đỡ nâng – sẽ không mang theo bất cứ điều gì khác ngoài Chúa. Xin hãy hà hơi trên thế giới sức ấm mùa Xuân hiền dịu của sự bình an, và sự tươi mới của niềm hy vọng. Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến, xin hãy biến đổi lòng trí chúng con và xin canh tân bộ mặt thế giới. Amen.
Nguồn: daminhtamhiep.net