KINH LẠY NỮ VƯƠNG THIÊN ĐÀNG VỚI ĐỨC THÁNH CHA

Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống Năm A (12.06.2011)
LỄ “RỬA TỘI” CỦA GIÁO HỘI

Trong bài huấn dụ trước khi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng với các tín hữu trưa Chúa nhật 12.06.2011, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI quảng diễn ý nghĩa lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống như là lễ “rửa tội” của Giáo Hội trong Thánh Thần. Sau đây là bài huấn dụ của Đức Thánh Cha.

Anh chị em thân mến,

Lễ Trọng Chúa Thánh Thần Hiện Xuống mà chúng ta cử hành hôm nay kết thúc mùa phụng vụ Phục Sinh. Thật vậy, mầu nhiệm vượt qua – cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô và việc Người lên trời – tìm thấy sự thành toàn của mình trong việc tuôn đổ mạnh mẽ Chúa Thánh Thần trên các Tông đồ đang quy tụ cùng với Đức Maria, Mẹ Chúa và các môn đệ khác. Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống như là lễ “rửa tội” của Giáo Hội trong Thánh Thần (Xc Cv 1,5). Như sách Tông đồ công vụ thuật lại, sáng ngày lẽ Ngũ Tuần, một gầm lớn như gió thổi mạnh tràn Nhà Tiệc Ly và những lưỡi như lửa xuống trên mỗi môn đệ (Xc Cv 2,2-3). Thánh Gregorio Cả đã bình luận rằng: “Hôm nay Chúa Thánh Thần ngự xuống trên các môn đệ với âm thanh bất ngờ, và biến đổi tâm trí phàm nhân trong tình thương của Ngài, và trong khi những lưỡi lửa xuất hiện bên ngoài, thì bên trong, các tâm hồn nồng cháy, bởi vì khi đón nhận Thiên Chúa trong thị kiến lửa, họ được đốt cháy dịu dàng để yêu thương” (Hom. in Evang. XXX, 1: CCL 141, 256). Tiếng Chúa thần hóa ngôn ngữ phàm nhân của các Tông Đồ, các vị trở nên có khả năng công bố “đa âm” Lời duy nhất của Thiên Chúa. Hơi thở của Thánh Thần làm đầy vũ trụ, sinh ra đức tin, lôi kéo đến sự thật, tạo điều kiện cho sự hiệp nhất các dân tộc. “Nghe tiếng động ấy, dân chúng tụ tập lại và ngỡ ngàng vì mỗi người nghe các tông đồ nói trong ngôn ngữ của họ về những kỳ công của Thiên Chúa” (Cv 2,6.11).

Chân phước Antonio Rosmini giải thích rằng “trong ngày Ngũ Tuần của các tín hữu Kitô, Thiên Chúa công bố... luật bác ái của Ngài, viết nhờ Thánh Thần không phải trên những bia đá, nhưng trong tâm hồn của các Tông Đồ, và rồi qua các Tông Đồ thông truyền luật ấy cho toàn thể Giáo Hội” (Sách Giáo Lý được sắp xếp theo thứ tự ý tưởng... n.737, Torino 1863). Thánh Thần, “là Chúa và là Đấng ban sự sống” - như chúng ta đọc trong kinh Tin Kính,- liên kết với Chúa Cha nhờ Chúa Con và hoàn tất mạc khải Ba Ngôi Chí Thánh. Ngài đến từ Thiên Chúa như hơi thở từ miệng Chúa và có quyền năng thánh hóa, xóa bỏ chia rẽ, phá tan sự xáo trộn do tội lỗi. Ngài là Đấng thiêng liêng và không có thể xác, rộng ban các hồng ân thiêng liêng, nâng đỡ sinh vật, để chúng hoạt động phù hợp với điều thiện. Như Ánh sáng trí tuệ, Chúa Thánh Thần ban ý nghĩa cho kinh nguyện, ban sinh lực cho sứ mạng truyền giáo, làm cho con tim của những người nghe Tin Mừng được nồng cháy, gợi hứng cho nghệ thuật Kitô giáo và cung điệu phụng vụ.

Anh chị em thân mến,

Chúa Thánh Thần, Đấng tạo nên nơi chúng ta niềm tin trong lúc chúng ta chịu phép rửa, cũng giúp chúng ta sống như con cái Thiên Chúa, một cách ý thức và đồng thuận, theo hình ảnh Chúa Con duy nhất.

Quyền tha tội cũng là một ân huệ của Chúa Thánh Thần; thực vậy, khi hiện ra với các Tông Đồ vào chiều ngày Lễ Phục Sinh, Chúa Giêsu đã thổi hơi vào các ông và nói: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha” (Ga 20,23). Chúng ta hãy phó thác Giáo Hội cho Đức Trinh Nữ Maria là Đền thờ Chúa Thánh Thần để, Giáo hội luôn sống bằng Chúa Giêsu Kitô, bằng Lời Chúa, các giới răn của Ngài, và dưới tác động trường kỳ của Thánh Thần, Giáo Hội loan báo cho mọi người rằng “Đức Giêsu là Chúa!” (1 Cr 12,30).

Sau đó, Đức Thánh Cha đã cùng mọi người đọc kinh Lạy Nữ Vương thiên đàng và ban phép lành cho các tín hữu.

G. Trần Đức Anh OP

Nguồn: archivioradiovaticana.va (12.06.2011)