KINH LẠY NỮ VƯƠNG THIÊN ĐÀNG VỚI ĐỨC THÁNH CHA
Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống Năm A (11.05.2008)
THANH TẨY TRONG THÁNH THẦN
Trong tiếng Việt, lễ phụng vụ hôm qua quen
được gọi là lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống. Tuy nhiên trong nguyên ngữ hy lạp và
la-tinh, lễ này được gọi là lễ Năm Mươi (hay ngũ tuần: Pentecostes),
bắt nguồn từ dân Do thái. Năm mươi ngày sau lễ Vượt qua, người Do
thái kỷ niệm biến cố Thiên Chúa ban giao ước trên núi Sinai. Các Kitô hữu
tiên khởi cũng mừng lễ Vượt qua, không phải để tưởng niệm cuộc giải
phóng khỏi cảnh nô lệ Ai-cập nhưng là cuộc giải phóng nhân loại khỏi tội lỗi
và cái chết nhờ cuộc Tử nạn và cuộc Phục sinh của Đức Kitô. Năm mươi ngày
sau đó, họ cử hành lễ Ngũ tuần, không phải để kỷ niệm việc ban
hành giao ước trên núi Sinai, nhưng là kỷ niệm biến cố Chúa Thánh Thần ngự
xuống trên các môn đệ đang cầu nguyện tại nhà Tiệc Ly, được thuật lại ở chương
2 của sách Tông đồ công vụ. Các giáo phụ đã giải thích biến cố này
như là ngày khai sinh của Hội thánh, một cộng đoàn gồm bởi các dân tộc thuộc
nhiều ngôn ngữ khác nhau nhưng cùng tuyên xưng một đức tin duy nhất, lật
ngược tình trạng phân hóa của nhân loại tiếp theo tội kiêu ngạo ở tháp Babel.
Vào lễ Ngũ tuần năm nay, Đức Thánh Cha đã chủ sự thánh lễ đồng tế tại đền
thờ thánh Phêrô vào hồi 10 giờ sáng, và trong bài giảng, ngài đã nêu bật vài đặc
trưng của lễ Ngũ tuần khi chú giải các bài đọc Sách Thánh. Hội thánh được khai
sinh vào lễ Ngũ tuần, như là một cộng đoàn được tụ họp không do ý chí của
con người nhưng là do ý muốn của Thiên Chúa, nhờ sức mạnh của Thánh Thần.
Hội thánh được thành hình nhờ tình yêu mà Thánh Thần trao ban, nhờ đó vừa
duy nhất lại vừa đa dạng. Duy chỉ có Thánh Thần mới giúp cho nhân loại vượt qua
khuynh hướng tự nhiên hoặc muốn ly tán hoặc muốn áp đặt. Vì thế, ngay từ đầu,
Hội thánh mang trong mình đặc tính phổ thế, bởi vì nhận được sứ mạng mang
Tin mừng đến với toàn thể nhân loại. Một đặc tính nữa có thể nhận thấy từ đoạn
sách Tin mừng thuật lại việc Chúa Giêsu hiện đến với các thánh tông đồ: Chúa
ban cho các ngài sự bình an và Thánh Thần. Đó là hai hồng ân mà Chúa Phục sinh
ban cho Hội thánh và trở nên sứ mạng của Hội thánh. Hội thánh được uỷ thác phục
vụ hoà bình của nhân loại, qua những công tác đa dạng trong xã hội; cách riêng
Hội thánh phục vụ bình an qua việc trao ban ơn tha thứ nhờ bí tích giải tội.
Đây là một hồng ân quý giá của Thánh Thần, đó là thay đổi tâm hồn con người. Nhờ con
tim được hoà giải, các tín hữu có khả năng trở nên những tác nhân phụng sự
công lý và hoà bình trong thế giới. Thánh lễ kết thúc lúc 11 giờ 45.
Đúng 12 giờ ngày Chúa Nhật 11.05.2008, Đức Thánh
Cha Bênêđictô XVI đã tiến ra cửa sổ văn phòng để chủ sự buổi đọc kinh
kính Đức Mẹ. Bài huấn dụ nêu bật một tư tưởng khác của lễ ngũ tuần, đó
là “phép rửa” hoặc “thanh tẩy trong Thánh Thần”, được gắn liền với sứ mạng
cứu chuộc của Chúa Giêsu. Sau đây là nguyên văn bài huấn dụ.
Anh chị em thân mến
Hôm nay chúng ta mừng
lễ Ngũ tuần, một lễ từ thời xưa mà người Do thái kỷ niệm Giao ước Thiên Chúa
thiết lập với dân tộc trên núi Sinai (xc Xh 19). Lễ Ngũ tuần trở thành một lễ của
Kitô giáo bởi vì nhớ đến một biến cố diễn ra 50 ngày sau lễ Vượt qua của Chúa
Giêsu. Trong sách Tông đồ công vụ chúng ta đọc thấy rằng đang khi các môn đệ tụ
họp với nhau để cầu nguyện trong nhà Tiệc Ly, thì Chúa Thánh Thấn ngự xuống
trên họ với sức mạnh tựa như gió và lửa. Thế rồi họ bắt đầu loan báo bằng nhiều
ngôn ngữ tin mừng Chúa Kitô sống lại (xc 2,1-4). Đây là cuộc “thanh tẩy trong
Thánh Thần” mà ông Gioan Tẩy giả đã tiên báo: “Tôi rửa anh em trong nước, nhưng
kẻ đến sau tôi, có uy thế hơn tôi, Người sẽ rửa anh em trong Thánh Thần và
trong lửa” (Mt 3,11), Thật thế, tất cả sứ mạng của Chúa Giêsu nhắm tới việc
trao ban cho nhân loại Thần khí của Thiên Chúa, và rửa họ nhờ sự tái sinh. Điều
này được thực hiện nhờ cuộc tôn vinh của Chúa Giêsu (xv Ga 7,39), nghĩa là nhờ
cái chết và phục sinh của Người. Thần khí Chúa được trút xuống thế giới cách dồi
dào, như một thác nước có khả năng thanh lọc các con tìm, dập tắt ngọn lửa của
sự dữ, và thắp lên trong thế giới ngọn lửa của lòng mến Chúa.
Sách Tông đồ công vụ
trình bày lễ Ngũ Tuần như là sự hoàn tất lời hứa ấy và như là tột đỉnh của sứ mạng
của Chúa Giêsu. Sau khi sống lại, Chúa đã truyền cho các môn đệ hãy ở lại
Giêrusalem, bởi vì, theo như lời Chúa nói: “các con sẽ được rửa trong Thánh Thần
trong vài hôm nữa” (Cv 1,5), và Người còn thêm rằng “Các con sẽ lãnh nhận sức mạnh
của Thánh Thần ngự xuống trên các con, và các con sẽ làm chứng cho Thầy tại
Giêrusalem, trong khắp miền Giuđê và Samaria, và cho đến cùng cõi điạ cầu” (Cv
1,8). Vi thế, lễ Ngũ Tuần là một cuộc thanh tẩy đặc biệt của Hội thánh, khởi đầu
sứ mạng phổ thế, bắt đầu từ Giêrusalem, với lời giảng lạ lùng bằng các ngôn ngữ
khác nhau của nhân loại. Trong phép rửa của Thánh Thần, có hai khía cạnh không
thể tách rời nhau được: khía cạnh cá nhân và khía cạnh cộng đoàn, cái “tôi” của
mỗi môn đệ và cái “chúng tôi” của Hội thánh. Chúa Thánh thần thánh hiến mỗi cá
nhân, và đồng thời biến đổi nó trở nên chi thể sống động của Thân thể mầu nhiệm
của Chúa Kitô, thông dự vào sứ mạng làm chứng cho tình yêu của Người. Điều này
được thể hiện nhờ các bí tích khai tâm, Rửa tôi và Thêm sức. Trong sứ điệp cho
ngày quốc tế bạn trẻ năm 2008, tôi đã đề nghị các bạn trẻ hãy khám phá sự hiện
diện của Chúa Thánh Thần trong cuộc đời của mình, và tầm quan trọng của các bí
tích ấy. Hôm nay tôi muốn nới rộng lời kêu mời đến tất cả mọi người.
Anh chị em thân mến,
chúng ta hãy khám phá vẻ đẹp của việc được thanh tẩy trong Thánh Thần, chúng ta
hãy ý thức về bí tích rửa tội và thêm sức, nguồn mạch của ân hiện sủng. Chúng
ta hãy xin Mẹ Maria khẩn nài cho Hội thánh được hưởng một lễ Ngũ Tuần mới, mang
lại cho hết mọi người, cách riêng là các bạn trẻ, niềm vui vì được sống và làm
chứng cho Tin mừng.
Bình Hòa
Nguồn: archivioradiovaticana.va (11.05.2008)