KINH LẠY NỮ VƯƠNG THIÊN ĐÀNG VỚI ĐỨC THÁNH CHA
Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống Năm A (08.06.2014)
CỘNG ĐOÀN GIÁO HỘI LÀM CHO NGƯỜI TA KINH NGẠC
Trong bài huấn dụ trước khi đọc kinh Lạy Nữ
Vương Thiên Đàng với các tín hữu trưa Chúa nhật 08.06.2014, Đức Thánh Cha Phanxicô
diễn giải về ý nghĩa biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống và cho thấy Giáo hội
sinh ra trong ngày Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống là một cộng đoàn làm cho người
ta kinh ngạc. Sau đây là bài huấn dụ của Đức Thánh Cha.
Anh chị em thân mến,
Lễ Chúa Thánh Thần hiện
xuống tưởng niệm việc Chúa Thánh Thần đổ tràn ơn thiêng trên các Tông Đồ tụ họp
tại Nhà Tiệc Ly. Cũng như Lễ Phục Sinh là một biến cố xảy ra trong lễ của Do
thái giáo và được viên mãn lạ lùng, sách Tông đồ Công vụ mô tả các dấu hiệu và
thành quả ngoại thường của việc đổ tràn ơn Thánh Thần: gió thổi mạnh và những
hình lưỡi lửa; sợ hãi biến mất và nhường chỗ cho can đảm: ngôn ngữ không còn bị
ràng buộc và tất cả mọi người đều hiểu lời loan báo. Nơi nào Thánh Thần của
Thiên Chúa đến, thì tất cả được tái sinh và biến đổi. Biến cố Chúa Thánh Thần
hiện xuống đánh dấu sự khai sinh Giáo Hội và Giáo Hội xuất hiện công khai; có
hai nét làm cho chúng ta chú ý: đó là một Giáo Hội gây ngạc nhiên và làm lúng
túng.
Một yếu tố cơ bản của
lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống là sự ngạc nhiên. Chẳng ai mong đợi nơi các môn đệ
điều gì nữa: sau khi Chúa Giêsu chịu chết, họ là một nhóm nhỏ chẳng có gì đáng
kể, họ là những người mồ côi thất bại với Thầy họ. Trái lại xảy ra một biến cố
bất ngờ làm cho mọi người ngỡ ngàng: dân chúng bối rối ngạc nhiên vì mỗi người
nghe các môn đệ nói trong ngôn ngữ của họ, kể lại những kỳ công của Thiên Chúa
(Xc Cv 2,6-7.11). Giáo hội sinh ra trong ngày Lễ Hiện Xuống là một cộng đoàn
làm cho người ta kinh ngạc, vì với sức mạnh đến từ Thiên Chúa, Giáo Hội loan
báo một sứ điệp mới - là sự phục sinh của Chúa Kitô - với một ngôn ngữ mới -
ngôn ngữ đại đồng của tình thương. Các môn đệ được quyền năng từ trên cao, can
đảm và thẳng thắn nói với tự do của Chúa Thánh Thần.
Vì thế Giáo Hội được
kêu gọi luôn luôn là Giáo Hội: có khả năng gây ngạc nhiên khi loan báo cho mọi
người rằng Chúa Giêsu Kitô đã chiến thắng sự chết, vòng tay của Thiên Chúa luôn
mở rộng, Ngài luôn kiên nhẫn chờ đợi để chữa lành và tha thứ cho chúng ta.
Chính vì sứ mạng này, Chúa Giêsu phục sinh đã ban Thần Trí của Ngài cho Giáo Hội.
Ở Jerusalem có những
người muốn các môn đệ của Chúa Giêsu bị sợ hãi ngăn chặn và khép kín trong nhà
để khỏi gây phiền toái. Trái lại, Chúa phục sinh thúc đẩy họ vào thế giới: “Như
Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con” (Ga 20,21). Giáo Hội của lễ Hiện Xuống
là một Giáo Hội không cam chịu là một cái gì vô thưởng vô phạt, hoặc là một thứ
đồ trang trí. Trái lại đó là một Giáo Hội không do dự đi ra ngoài, gặp gỡ dân
chúng, để loan báo sứ điệp đã được Chúa ủy thác cho họ, cho dù sứ điệp ấy làm
phiền phức và làm cho các lương tâm bất an. Giáo Hội nảy sinh là duy nhất và phố
quát, với căn tính rõ ràng, nhưng cởi mở, một Giáo Hội bao gồm cả thế giới,
nhưng không nắm bắt thế giới, như vòng cung của Quảng trường này: hai vòng tay
mở rộng để đón nhận, chứ không khép kín để giữ lại.
Chúng ta hãy hướng về
Đức Trinh Nữ Maria, trong buổi sáng ngày lễ Ngũ Tuần trong Nhà Tiệc Ly, cùng với
các môn đệ. Nơi Mẹ, sức mạnh của Chúa Thánh Thần đã thực hiện những việc cao cả
(Lc 1,49). Xin Mẹ là Mẹ Đấng Cứu Chuộc và là Mẹ Giáo Hội, chuyển cầu để hồng ân
của Chúa Thánh Thần tái đổ tràn trên Giáo Hội và thế giới.
Sau phép lành, Đức Thánh Cha đã chào thăm các
tín hữu hành hương, từ Roma và các nơi, các gia đình, các nhóm giáo xứ và hội
đoàn và từng tín hữu từ Italia và các nước khác.
G. Trần Đức Anh OP
Nguồn: archivioradiovaticana.va (08.06.2014)