KINH LẠY NỮ VƯƠNG THIÊN ĐÀNG VỚI ĐỨC THÁNH CHA
Lễ Chúa Thăng Thiên Năm A (04.05.2008)
TRỞ VỀ VỚI CHÚA CHA
Bình Hòa
Trưa Chúa Nhật (04.05.2011), Đức Bênêđictô
XVI gặp gỡ với hơn 100 ngàn tín hữu tập trung tại quảng trường thánh Phêrô để
tham dự Thánh lễ nhân dịp kỷ niệm 140 năm thành lập phong trào Công Giáo Tiến
hành Italia. Vì thế, trưa Chúa Nhật, Đức Thánh Cha đã đọc hai bài huấn từ:
một bài dành cho các tín hữu, trình bày ý nghĩa của lễ Chúa Lên Trời, và một
bài dành cho các thành viên của Công Giáo Tiến hành Italia. Trước hết, xin quý
vị theo dõi bài suy niệm dẫn vào kinh Lạy Nữ Vương Thiên đàng.
Anh chị em thân mến!
Hôm nay, tại nhiều quốc
gia, trong đó có nước Italia, là lễ trọng Chúa Giêsu lên trời. một mầu nhiệm đức
tin mà sách Tông đồ công vụ đặt vào 40 ngày sau cuộc Phục sinh (xc Cv 1,3-11),
trong khi mà tại Vatican và một số quốc gia khác, lễ này đã được mừng vào thứ
năm vừa qua. Sau khi Chúa lên trời, các môn đệ tiên khởi đã tụ họp trong nhà Tiệc
Ly chung quanh Mẹ Maria, trong niềm trông đợi hồng ân Thánh Linh mà Chúa Giêsu
đã hứa (xc Cv 1,14). Vào Chúa Nhật đầu tháng 5, tháng kính Đức Mẹ, chúng ta sống
lại cảm nghiệm ấy về sự hiện diện tinh thần của Mẹ. Quảng trường thánh Phêrô
hôm nay xuất hiện như một nhà Tiệc ly lộ thiên, đông nghẹt các tín hữu, đa số
là các hội viên của Công giáo Tiến hành Italia. Tôi sẽ nói chuyện với họ sau
khi đọc kinh Lạy Nữ Vương thiên đàng.
Trong những lời từ
giã các môn đệ, Chúa Giêsu đã nhiều lần nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc
Người “trở về với Chúa Cha”, như là cuộc hoàn tất sứ mạng của mình. Thực vậy,
Người đã đến thế gian để đưa con người về với Thiên Chúa, không phải bằng lý
thuyết theo kiểu như một triết nhân hay một thầy đời, nhưng một cách hiện thực,
giống như mục tử đưa đoàn chiên về chuồng. Chúa Giêsu “ra đi” trở về quê hương
trên trời sau khi đã sống trọn vẹn cuộc “ra đi” vì chúng ta. Vì chúng ta mà Người
đã từ trời xuống thế, vì chúng ta mà Người trở về trời sau khi đã sống trọn kiếp
người như chúng ta, đã chịu khổ nhục cho đến mỗi chết trên thập giá, và đã nếm
cảnh vực thẳm của sự xa cách Thiên Chúa. Chính vì vậy mà Chúa Cha đã hài lòng với
Người và đã siêu tôn Người, (xc Pl 2,9), đã trao lại cho Người vinh quang sung
mãn, nhưng lần này cùng với nhân tính nữa. Thiên Chúa ở trong con người – con
người ở trong Thiên Chúa. Đây là một chân lý không phải là trừu tượng xa vời,
nhưng rất thực tiễn. Vì thế niềm hy vọng Kitô giáo, dựa trên Chúa Kitô, không
phải là điều hão huyền, nhưng, theo như tác giả thư gửi người Do thái, “trong
đó, chúng ta ra như tìm được cái neo cho cuộc sống” (Dt 6,19).
Thử hỏi: con người
thuộc mọi thời đại cần tới cái gì, nếu không phải là điểm tựa vững bền cho cuộc
sống? Đến đây ta thấy ý nghĩa sâu đậm của việc Đức Maria hiện diện ở giữa chúng
ta. Cũng tựa như các môn đệ tiên khởi, khi nhìn lên Mẹ, chúng ta được mời hãy
hướng về Chúa Giêsu, Đấng tuy không có mặt giữa chúng ta về thể lý, nhưng đang
chờ chúng ta trên nhà của Cha. Chúa Giêsu mời chúng ta đừng đứng mà nhìn lên trời
cao, nhưng hãy họp nhau cầu nguyện xin hồng ân Thánh Linh. Cửa Nước trời chỉ mở
ra cho kẻ nào được tái sinh từ trên cao, nghĩa là từ Thần khí của Thiên Chúa
(xc Ga 3,3-5), và người đầu tiên được “tái sinh từ trên cao” chính là đức
Maria. Chúng ta hãy hướng về Mẹ trong niềm hân hoan Phục sinh với lời cầu nguyện
Lạy Nữ vương Thiên đàng.
Nguồn: archivioradiovaticana.va (04.05.2008)