CHÚNG TA
CÓ THỂ TÌM VÀ GẶP CHÚA Ở ĐÂU?
Ngọc Yến
Sáng thứ
Sáu 06/01/2023, tại đền thờ thánh Phêrô Đức Thánh Cha chủ sự Thánh lễ Chúa Hiển
Linh với khoảng 5000 tín hữu tham dự. Cùng đồng tế với Đức Thánh Cha có khoảng
50 Hồng y, 40 Giám mục và 250 linh mục. Sau đây là bài giảng của Đức Thánh Cha:
Như một vì
sao mọc (x. Ds 24:17), Chúa Giêsu đến để soi sáng mọi dân tộc và soi sáng màn
đêm của nhân loại. Hôm nay, cùng với các đạo sĩ, chúng ta hãy ngước mắt lên trời
và hỏi: “Đức Vua dân Do Thái mới sinh, hiện ở đâu?” (Mt 2:2). Chúng ta có thể
tìm và gặp Chúa ở đâu?
Từ kinh
nghiệm của các đạo sĩ, chúng ta biết rằng “nơi” đầu tiên mà Chúa yêu thích được
tìm đến là sự thao thức đưa ra các câu hỏi. Cuộc phiêu lưu thú vị của
ba nhà chiêm tinh dạy chúng ta rằng đức tin không được sinh ra từ công trạng,
suy luận lý thuyết của chúng ta. Đức tin là hồng ân Chúa. Ân sủng Chúa giúp
chúng ta rũ bỏ sự thờ ơ và mở tâm trí để đặt ra những câu hỏi quan trọng trong
cuộc sống. Những câu hỏi thách đố chúng ta bỏ lại phía sau những vọng tưởng cho
rằng mọi sự đều ổn, những câu hỏi mở ra cho chúng ta những gì vượt trên chúng
ta. Đối với ba nhà chiêm tinh, điều khởi đầu là: sự thao thức tự hỏi về người
mà họ phải tìm kiếm. Lấp đầy bởi niềm khao khát vô tận, họ quan sát bầu trời,
và để cho mình ngạc nhiên trước sự rực rỡ của một vì sao và nghiệm thấy sự khao
khát hướng đến siêu việt, vốn dẫn dắt con đường của các nền văn minh và sự tìm
kiếm không mệt mỏi của trái tim con người. Thật vậy, ngôi sao ấy để lại cho họ
một câu hỏi: Đấng ấy đã sinh ra ở đâu?
Hành trình
đức tin bắt đầu khi, với ơn Chúa, chúng ta biết dành chỗ cho sự thao thức, khắc
khoải khiến chúng ta thức tỉnh, khi chúng ta để cho mình được chất vấn, khi
chúng ta không hài lòng với thói quen nhưng dấn thân vào những thách đố hằng
ngày, khi chúng ta bước ra khỏi vùng an toàn và quyết định đối diện với sự bớt
thoải mái trong cuộc sống: tương quan với người khác, những điều bất ngờ, những
dự án cần tiếp tục, những ước mơ cần thực hiện, những nỗi sợ hãi phải đối diện,
đau khổ về thể chất và tinh thần. Những lúc như thế, trong sâu thẳm tâm hồn, nảy
sinh những câu hỏi dẫn chúng ta đi tìm Chúa: Hạnh phúc của tôi ở đâu? Cuộc sống
viên mãn mà tôi hằng khao khát ở đâu? Đâu là tình yêu không qua đi, không lụi
tàn, không tan vỡ ngay cả khi đứng trước sự mong manh, thất bại và phản bội?
Đâu là những cơ hội tiềm ẩn bên trong những khủng hoảng và đau khổ của tôi?
Mỗi ngày,
chính bầu khí chúng ta hít thở chứa đầy những “liều thuốc an thần” thay thế những
thao thức nơi tâm hồn chúng ta và dập tắt những chất vấn này: từ sản phẩm của
chủ nghĩa tiêu thụ đến sự quyến rũ của thú vui, từ những tranh luận bất tận đến
việc tôn thờ sự sung túc; Mọi thứ dường như nói với chúng ta: Đừng suy nghĩ quá
nhiều; hãy bỏ qua và tận hưởng cuộc sống! Chúng ta thường cố gắng xoa dịu tâm hồn
bằng những tiện nghi thoải mái, nhưng nếu các nhà chiêm tinh đã làm như vậy, họ
sẽ không bao giờ gặp Chúa. Tuy nhiên, Chúa luôn ở đó, trong sự chất vấn thao thức
của chúng ta. Trong câu hỏi đó, chúng ta “tìm kiếm Người như bóng đêm tìm bình
minh… Người vẫn thinh lặng khiến chúng ta bối rối trước cái chết và trước sự chấm
dứt của mọi sự con người cho là vĩ đại. Ngược lại, Người hiện diện trong niềm
khao khát công lý và tình yêu sâu thẳm trong tâm hồn chúng ta. Người là mầu nhiệm
thánh thiện đáp lại lòng khao khát của chúng ta về Đấng Hoàn toàn Khác; khao
khát sự hoàn hảo của công lý, hòa giải và hòa bình. Vì vậy, đó là nơi đầu tiên
chúng ta có thể gặp Chúa: trong sự chất vấn không ngừng nghỉ.
Nơi thứ
hai chúng ta có thể gặp Chúa là trong sự mạo hiểm của hành trình. Thực tế, những
chất vấn, ngay cả những chất vấn thiêng liêng, có thể dẫn đến sự thất vọng và sầu
khổ nếu chúng ta không bắt đầu lên đường, không hướng nội tâm về dung nhan Chúa
và vẻ đẹp của Lời Người. Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã nói về các nhà chiêm
tinh rằng: “Cuộc lữ hành bên ngoài của họ là biểu hiện của hành trình bên
trong, cuộc hành hương nội tâm của tâm hồn”. Thực tế, các nhà chiêm tinh không
chỉ nghiên cứu bầu trời và chiêm ngưỡng ánh sáng của các vì sao, nhưng họ bắt đầu
cuộc hành trình đầy mạo hiểm, không thấy trước những con đường an toàn và bản đồ
xác định. Họ muốn khám phá vị Vua dân Do Thái, muốn biết nơi Người sinh ra, nơi
họ có thể tìm thấy. Và vì vậy, họ hỏi vua Hêrôđê, và vua đã lần lượt triệu tập
các thượng tế và kinh sư trong dân, những người nghiền ngẫm Kinh thánh. Các nhà
chiêm tinh đang trong một cuộc hành trình; hầu hết các động từ được sử dụng để
mô tả hành động của họ là các động từ chuyển động.
Đức tin của
chúng ta cũng vậy: nếu không có một cuộc hành trình liên tục trong cuộc đối thoại
thường xuyên với Chúa, không chăm chú lắng nghe lời Người, không kiên trì, thì
đức tin không thể phát triển. Một vài ý tưởng về Thiên Chúa, một số lời cầu
nguyện nhằm xoa dịu lương tâm thì chưa đủ. Chúng ta cần trở thành những môn đệ
theo Chúa Giêsu và Tin Mừng của Người, mang mọi sự đến với Người trong cầu nguyện,
tìm kiếm Người trong các biến cố của cuộc sống hàng ngày và nơi khuôn mặt của
anh chị em chúng ta. Từ Ápraham, người đã lên đường đến một vùng đất xa lạ, đến
các nhà chiêm tinh lên đường theo vì sao, đức tin luôn là một hành trình, một
cuộc hành hương, một lịch sử của những khởi đầu và lại bắt đầu. Phải nhớ rằng đức
tin sẽ không lớn lên nếu không chuyển động. Chúng ta không thể gói gọn đức tin
vào một số việc đạo đức cá nhân hoặc giới hạn trong bốn bức tường của nhà thờ;
chúng ta cần mang đức tin ra bên ngoài và sống đức tin trong một hành trình
không ngừng hướng về Thiên Chúa và anh chị em. Chúng ta hãy tự hỏi: Tôi có đang
tiến về Chúa của sự sống, để Người trở thành Chúa của đời tôi không? Lạy Chúa
Giêsu, Chúa là ai đối với con? Chúa gọi con đi đâu, Chúa yêu cầu điều gì trong
cuộc đời con? Những lựa chọn nào Chúa đang mời gọi con thực hiện cho người
khác?
Cuối cùng,
sau những chất vấn thao thức và sự mạo hiểm của cuộc hành trình, nơi thứ ba để
gặp Chúa là sự ngạc nhiên của sự tôn thờ. Kết thúc cuộc hành trình
dài và tìm kiếm mệt mỏi, các nhà chiêm tinh bước vào nhà, “thấy Hài Nhi với
thân mẫu là bà Maria, liền sấp mình thờ lạy Người” (câu 11). Đây mới là điều thực
sự quan trọng: thao thức, chất vấn, hành trình thiêng liêng và thực hành đức
tin của chúng ta, tất cả phải hội tụ trong sự tôn thờ Chúa. Ở đó, họ tìm thấy
trung tâm và nguồn gốc của mình, vì ở đó mọi sự bắt đầu, vì chính Chúa giúp
chúng ta cảm nhận và hành động. Mọi sự bắt đầu và kết thúc ở đó, vì mục đích của
mọi sự không phải là để đạt được một mục tiêu cá nhân hay nhận lấy vinh quang
cho chính mình, nhưng là để gặp gỡ Thiên Chúa và để chúng ta được bao bọc bởi
tình yêu Chúa, đặt nền tảng cho niềm hy vọng của chúng ta, một tình yêu giải
thoát chúng ta khỏi sự dữ, mở lòng chúng ta để yêu thương người khác, và làm
cho chúng ta trở thành một dân tộc có khả năng xây dựng một thế giới công bằng
và huynh đệ hơn. Các hoạt động mục vụ của chúng ta sẽ vô ích nếu chúng ta không
đặt Chúa Giêsu làm trung tâm và sấp mình thờ lạy Người. Ở đó, chúng ta học cách
đứng trước Thiên Chúa, không phải để xin hoặc làm một điều gì đó, nhưng đơn giản
là dừng lại trong thinh lặng và phó mình cho tình yêu Người, để lòng thương xót
Chúa đón nhận và tái sinh chúng ta. Như các nhà chiêm tinh, chúng ta hãy sấp
mình và phó dâng cho Thiên Chúa sự ngạc nhiên tôn thờ. Chúng ta hãy thờ phượng
Chúa, chứ không phải tôn thờ chính mình; chúng ta hãy tôn thờ Thiên Chúa chứ
không phải tôn thờ những thần tượng giả dối quyến rũ chúng ta bởi danh vọng và
quyền lực; chúng ta hãy tôn thờ Thiên Chúa và không cúi mình trước những điều
phù du và những tư tưởng xấu xa, quyến rũ nhưng giả dối và trống rỗng.
Ước gì
chúng ta không bao giờ ngừng thao thức đặt ra những câu hỏi; ước gì chúng ta
không bao giờ làm gián đoạn hành trình của chúng ta bằng cách chiều theo sự thờ
ơ hoặc thoải mái; và trong cuộc gặp gỡ Chúa, ước gì chúng ta phó mình cho sự ngạc
nhiên tôn thờ. Rồi chúng ta sẽ khám phá ra rằng có một ánh sáng chiếu rọi ngay
cả trong những bóng đêm đen tối nhất: ánh sáng của Chúa Giêsu, sao mai chói lọi,
mặt trời công lý, vẻ huy hoàng đầy lòng thương xót của Thiên Chúa, Đấng yêu
thương mọi người nam nữ và mọi dân tộc trên trái đất.
Nguồn: vaticannews.va/vi