HỌC CÁCH
CHIÊM NGƯỠNG VÀ THỜ PHƯỢNG CHÚA
Hồng Thủy
Vào lúc 10
giờ sáng ngày 06/01/2021, tại đền thờ thánh Phê-rô, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử
hành lễ Hiển Linh. Vì nước Ý phong tỏa trong ngày nghỉ lễ hôm nay để ngăn ngừa
lây lan đại dịch, nên Thánh lễ được cử hành đơn sơ với một số ít Hồng y giám mục
đồng tế, trước sự tham dự của khoảng 100 giáo dân. Sau đây là bài giảng của Đức
Thánh Cha:
Thánh sử Matthêu
cho chúng ta biết rằng các Đạo sĩ, khi đến Bêlem, “thấy Hài Nhi và Bà Maria Mẹ
Người, và họ đã quỳ gối xuống sụp lạy Người” (Mt 2:11). Thờ phượng Chúa không
phải là điều dễ dàng; nó không dễ dàng diễn ra. Nó đòi hỏi một sự trưởng thành
thiêng liêng nhất định và đôi khi là kết quả của một cuộc hành trình nội tâm
lâu dài. Thờ phượng Chúa không phải là điều chúng ta làm một cách tự phát. Đành
rằng con người có nhu cầu thờ phượng, nhưng chúng ta có nguy cơ không đạt được
mục đích. Quả thực, nếu không thờ phượng Thiên Chúa thì chúng ta sẽ thờ thần tượng
– không có con đường trung gian, hoặc là Thiên Chúa hoặc là thần tượng; hay nói
như một nhà văn Pháp: “Ai không tôn thờ Chúa là thờ ma quỷ” (Léon Bloy) – và
thay vì trở thành những người có đức tin, chúng ta sẽ trở thành những kẻ thờ ngẫu
tượng. Nó là như thế đấy!
Trong thời
đại chúng ta, điều đặc biệt cần thiết đối với chúng ta, với tư cách cá nhân
cũng như cộng đồng, là dành nhiều thời gian hơn cho việc thờ phượng. Hơn bao giờ
hết, chúng ta cần học cách chiêm ngưỡng Chúa. Chúng ta đã phần nào đánh mất ý
nghĩa của lời cầu nguyện tôn thờ, vì vậy chúng ta phải thực hiện lại nó, cả
trong cộng đoàn lẫn trong đời sống thiêng liêng của chúng ta. Vậy hôm nay chúng
ta hãy học một vài bài học hữu ích từ các Đạo sĩ. Giống như họ, chúng ta muốn sấp
mình xuống thờ phượng Chúa. Thờ phượng Người một cách nghiêm túc chứ không phải
như vua Hêrôđê đã nói: “Xin cho tôi biết chỗ đó ở đâu để tôi đến thờ lạy”.
Không, sự thờ phượng đó không tốt. Chúng ta phải nghiêm túc!
Phụng Vụ Lời
Chúa cống hiến cho chúng ta ba cụm từ có thể giúp chúng ta hiểu đầy đủ hơn ý
nghĩa của việc thờ phượng Chúa. Đó là: “ngước mắt lên”, “lên đường” và “nhìn thấy”.
Ba cụm từ này có thể giúp chúng ta hiểu thế nào là người thờ phượng Chúa.
Ngước mắt
lên
Cụm từ đầu
tiên ngước mắt lên được ngôn sứ Isaia nói với chúng ta. Ngôn sứ
mạnh mẽ mời gọi cộng đoàn Giêrusalem vừa mới trở về từ nơi lưu đày và đang bị
nhụt chí bởi những thử thách và khó khăn: “Hãy ngước mắt lên và nhìn xung
quanh” (Is 60,4). Ông kêu gọi họ để sự mệt mỏi và những lời than phiền sang một
bên, thoát ra khỏi nút thắt của tầm nhìn hạn hẹp, giải phóng bản phân khỏi sự độc
tài của cái tôi, luôn có xu hướng co cụm trong chính mình và trong những lo lắng
của riêng mình.
Để thờ phượng
Chúa, trước hết cần “ngước mắt lên”: nghĩa là không để mình bị giam cầm bởi những
bóng ma nội tâm dập tắt hy vọng, và đừng biến những vấn đề và khó khăn thành trọng
tâm của cuộc sống của mình. Điều này không có nghĩa là phủ nhận thực tế, giả vờ
hoặc tự lừa dối mình rằng tất cả đều ổn cả. Ngược lại, quan sát các vấn đề và
những lo lắng theo cách mới, biết rằng Chúa biết những hoàn cảnh khó khăn của
chúng ta, Người lắng nghe những lời cầu xin của chúng ta và không thờ ơ với
những giọt nước mắt rơi xuống của chúng ta.
Cách nhìn
này, cách nhìn vẫn tin tưởng vào Chúa bất chấp những biến cố của cuộc sống, tạo
nên lòng biết ơn thảo kính. Khi điều này xảy đến, trái tim mở ra với việc thờ
kính. Ngược lại, khi chúng ta chỉ chú tâm đến các vấn đề, từ chối ngước mắt
nhìn lên Chúa, thì sự sợ hãi xâm chiếm trái tim và làm cho nó mất phương hướng,
làm nảy sinh sự tức giận, hoang mang, đau khổ, trầm cảm. Trong những điều kiện
này, thật khó để thờ phượng Chúa. Nếu điều này xảy ra, chúng ta cần có can đảm
phá bỏ vòng vây của những kết luận được suy diễn và nhận ra rằng thực tế thì vĩ
đại hơn điều chúng ta tưởng tượng rất nhiều.
Hãy ngước
mắt và nhìn xung quanh: Chúa mời
gọi chúng ta trước hết hãy tin tưởng vào Người, bởi vì Người thực sự quan tâm đến
tất cả chúng ta. Cho nên nếu Thiên Chúa thêu dệt cho hoa cỏ ngoài đồng là thứ
hôm nay mọc lên và mai lại bị ném vào lửa, thì Người sẽ chăm sóc cho chúng ta
nhiều hơn biết bao? (x. Lc 12,28). Nếu chúng ta ngước mắt nhìn lên Chúa và nhìn
mọi sự dưới ánh sáng của Người, chúng ta sẽ thấy rằng Người không bao giờ bỏ
rơi chúng ta: Ngôi Lời đã làm người (x. Ga 1,14) và luôn ở với chúng ta, mọi
ngày mọi lúc (x. Mt 28,20).
Khi chúng
ta ngước mắt nhìn lên Thiên Chúa, các vấn đề của cuộc sống không biến đi, nhưng
chúng ta cảm thấy rằng Chúa ban cho chúng ta sức mạnh để đương đầu với chúng.
Do đó, bước đầu tiên của thái độ thờ phượng là “ngước mắt lên”. Việc thờ lạy của
chúng ta là việc thờ phượng của người môn đệ đã tìm thấy nơi Chúa một niềm vui
mới và bất ngờ. Niềm vui của thế gian dựa trên của cải, thành công hay những thứ
tương tự. Nhưng niềm vui của người môn đệ Chúa Ki-tô dựa trên sự trung thành của
Thiên Chúa, Đấng không bao giờ thất hứa dù cho chúng ta gặp phải bất cứ thử
thách nào. Lòng biết ơn thảo hiếu và niềm vui đánh thức trong chúng ta ước muốn
thờ lạy Chúa, Đấng vẫn luôn trung thành và không bao giờ bỏ rơi chúng ta.
Lên đường
Cụm từ thứ
hai Đức Thánh Cha suy tư trong bài giảng là lên đường. Trước khi có
thể thờ lạy Hài Nhi ở Bê-lem, các Đạo sĩ đã thực hiện một cuộc hành trình dài.
Thánh Mát-thêu viết: “Có mấy nhà chiêm tinh từ Phương Đông đến Giêrusalem, và
hỏi: ‘Đức Vua dân Do Thái mới sinh, hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy vì sao của
Người xuất hiện bên Phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người.’” (Mt
2,1-2). Một cuộc hành trình luôn ám chỉ sự biến đổi, sự thay đổi. Sau một cuộc
hành trình chúng ta không còn như trước nữa. Nơi những người đã thực hiện một
cuộc hành trình luôn luôn có điều gì đó mới mẻ: họ đã học được những điều mới,
gặp gỡ những người mới và hoàn cảnh mới, và tìm thấy sức mạnh nội tâm mới khi đối
diện với những khó khăn và nguy hiểm dọc đường đi. Không ai thờ lạy Chúa mà trước
đó lại không có sự trưởng thành nội tâm sau khi đã thực hiện một cuộc hành
trình.
Chúng ta
trở thành những người thờ lạy Chúa qua một tiến trình từ từ. Ví dụ, kinh nghiệm
dạy chúng ta rằng một người ở tuổi 50 thờ phượng khác với người ở tuổi 30. Những
ai để cho mình được ân sủng uốn nắn thường được tiến bộ theo thời gian: vì vậy
thánh Phao-lô nói với chúng ta rằng dáng vẻ bên ngoài của chúng ta già đi trong
khi nội tâm của chúng ta được đổi mới mỗi ngày (x. 2Cr 4,16), khi chúng ta hiểu
hơn về cách thế tốt nhất để thờ lạy Chúa. Từ cái nhìn này, những thất bại, khủng
hoảng và sai lỗi của chúng ta có thể trở thành những kinh nghiệm học hỏi: chúng
thường có thể giúp chúng ta ý thức hơn rằng chỉ có Chúa xứng đáng cho chúng ta
thờ phượng, vì chỉ có Người có thể thỏa mãn những khát khao thâm sâu của chúng
ta về sự sống và sự vĩnh hằng. Với sự qua đi của thời gian, những thử thách và
khó khăn của cuộc sống - được sống với đức tin – giúp thanh tẩy trái tim, làm
cho chúng ta trở nên khiêm nhường hơn và càng ngày càng mở rộng lòng ra với
Chúa.
Giống như
các Đạo sĩ, chúng ta phải để cho mình học hỏi từ hành trình cuộc sống, được ghi
dấu bởi những bất tiện không thể tránh khỏi của cuộc hành trình. Chúng ta không
thể để cho những mệt mỏi, những vấp ngã và thất bại làm chúng ta nản chí. Ngược
lại, bằng cách khiêm nhường nhìn nhận chúng, chúng ta sẽ biến chúng thành cơ hội
để tiến đến với Chúa Giê-su. Cuộc sống không phải là để phô trương khả năng của
chúng ta, mà là một cuộc hành trình hướng tới Đấng yêu thương chúng ta. Bằng
cách ngắm Chúa, chúng ta sẽ tìm thấy sức mạnh cần thiết để kiên trì với niềm
vui mới.
Nhìn thấy
Và chúng
ta đi đến cụm từ thứ ba: nhìn thấy. Thánh sử cho chúng ta biết rằng
“bước vào nhà, họ thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Ma-ri-a, liền sấp mình
thờ lạy Người” (Mt 2,10-11). Thờ lạy là một hành động bày tỏ lòng tôn kính dành
cho các vị vua và các chức sắc cấp cao. Các Đạo sĩ thờ lạy Đấng mà họ biết là
vua của dân Do Thái (X. Mt 2,2). Nhưng họ thật sự thấy gì? Họ thấy một đứa trẻ
nghèo nàn và người mẹ. Tuy nhiên những nhà thông thái đến từ những miền xa xôi
này đã có thể nhìn vượt trên những khung cảnh thấp hèn đó và nhận ra trong Hài
Nhi đó sự hiện diện của một vị thủ lãnh. Họ có thể “thấy” vượt qua vẻ bề ngoài
đó. Họ quỳ gối xuống trước Hài Nhi ở Bê-lem, bày tỏ sự tôn thờ mà trên hết là sự
tôn thờ của nội tâm: họ mở kho báu đã mang theo làm quà tặng, những thứ tượng
trưng cho tấm lòng của họ.
Để thờ lạy
Chúa chúng ta cần “nhìn” vượt qua bức màn của những vật hữu hình, những thứ thường
lừa dối. Vua Herode và những công dân hàng đầu của Giêrusalem đại diện cho một
thế giới nô lệ của những dáng vẻ bên ngoài và những thứ thu hút trước mắt; họ
nhìn mà không biết thấy. Một thế giới chỉ coi trọng những thứ giật gân,
thu hút sự chú ý của công chúng. Tuy nhiên, nơi các Đạo sĩ, chúng ta thấy một
cách tiếp cận rất khác, cách mà chúng ta có thể định nghĩa là chủ nghĩa hiện thực
thần học: một cách nhận thức thực tại của sự vật cách khách quan và đi đến nhận
thức rằng Thiên Chúa tránh xa mọi thứ khoe khoang phô trương. Cách “nhìn” này
vượt trên những thứ hữu hình và giúp chúng ta có thể thờ lạy Chúa, Đấng thường ẩn
náu trong những hoàn cảnh đơn sơ, trong những người nghèo và những người bị gạt
ra bên lề. Do đó đây là cách nhìn sự vật theo cách không để mình bị lóa mắt bởi
pháo hoa trình diễn, nhưng tìm kiếm trong mỗi tình cảnh những điều thực sự quan
trọng. Vậy cùng với thánh Phaolô chúng ta hãy “đừng chú tâm đến những sự vật hữu
hình, nhưng đến những thực tại vô hình. Quả vậy, những sự vật hữu hình thì
chỉ tạm thời, còn những thực tại vô hình mới tồn tại vĩnh viễn” (2 Cr 4,18).
Xin Chúa
Giê-su giúp cho chúng ta trở thành những người thờ phượng thật sự, có khả năng
bày tỏ bằng cuộc sống của chúng ta kế hoạch yêu thương của Chúa cho toàn nhân
loại.
Nguồn: vaticannews.va/vi