BÀI GIẢNG ĐỨC THÁNH CHA

Lễ Chúa Hiển Linh

BẮT CHƯỚC BA HÀNH ĐỘNG CỦA CÁC ĐẠO SĨ

Tri Khoan

Giảng trong thánh lễ Chúa Hiển Linh ngày 06.01.2018, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi người Ki-tô hữu hãy bắt chước các Đạo sĩ, họ đã “nhìn lên” để xem “vì sao,” dấn bước vào hiểm nguy để “lên đường” và mang đến cho Hài đồng Giê-su “những món quà” mà không mong chờ được đền đáp điều gì. Sau đây là bài giảng của Đức Thánh Cha:

Ba hành động của các vị Đạo sĩ hướng dẫn hành trình của chúng ta đến với Thiên Chúa, Đấng hôm nay tỏ lộ là ánh sáng và ơn cứu độ cho muôn dân. Các Đạo sĩ nhìn thấy vì sao, họ lên đường và mang theo những món quà của họ.

Nhìn thấy vì sao. Đây là điểm khởi đầu. Nhưng chúng ta có thể đặt câu hỏi, tại sao chỉ có các Đạo sĩ nhìn thấy vì sao? Có lẽ vì ít người hướng mắt nhìn lên trời. Chúng ta thường cảm thấy bằng lòng với việc nhìn xuống đất: thế là đã đủ để có sức khỏe, một chút tiền bạc và một chút giải trí. Tôi thắc mắc không biết chúng ta có còn biết cách nhìn lên trời không. Liệu chúng ta có còn biết cách ước mơ, biết khao khát Thiên Chúa, biết đón chờ những sự mới lạ Người mang đến, hay chúng ta để cho cuộc sống kéo chúng ta bị cuốn đi, như những cành cây trước gió? Các vị Đạo sĩ không chịu hài lòng với sự tầm thường như vậy, với cuộc sống bồng bềnh như vậy. Họ hiểu rằng để sống thật sự, chúng ta cần có một mục tiêu cao thượng và chúng ta cần phải luôn hướng mắt trông lên.

Nhưng chúng ta cũng đặt câu hỏi tại sao, trong tất cả những người đã ngước mắt nhìn lên trời, quá nhiều người đã không đi theo ngôi sao đó, “ngôi sao của Người” (Mt 2:2). Có lẽ ngôi sao đó không hấp dẫn con mắt, không chiếu sáng hơn những ngôi sao khác. Đó là một ngôi sao – Tin mừng kể cho chúng ta – mà các Đạo sĩ nhìn thấy “ngôi sao mọc lên” (cc. 2, 9). Ngôi sao của Chúa Giê-su không làm lóa mắt hay áp đảo, nhưng dịu dàng mời gọi. Chúng ta hãy tự hỏi mình chúng ta đã chọn ngôi sao nào trong cuộc đời chúng ta để đi theo. Một số ngôi sao có thể sáng chói, nhưng chúng không dẫn đường. Đó là sự thành công, tiền bạc, sự nghiệp, danh vọng và thú vui khi chúng trở thành cuộc sống của chúng ta. Chúng là những sao băng: chúng lóe sáng chói một chút, rồi nhanh chóng tắt ngấm và ánh sáng của chúng tàn lụi dần. Chúng là những ngôi sao băng làm cho lầm đường lạc lối hơn là dẫn đường. Nhưng, ngôi sao của Thiên Chúa có thể không luôn tỏa sáng, nhưng nó luôn ở đó: nó cầm tay dẫn dắt chúng ta đi và đồng hành với chúng ta. Nó không hứa hẹn những phần thưởng vật chất, nhưng bảo đảm sự bình an và ơn phúc, giống như trường hợp các vị Đạo sĩ, “họ mừng rỡ vô cùng” (Mt 2:10). Nhưng nó cũng bảo chúng ta phải lên đường.

Lên đường, hành động thứ hai các nhà Đạo sĩ làm, là vô cùng quan trọng nếu chúng ta muốn tìm được Chúa Giê-su. Ngôi sao của Ngài đòi một quyết định dấn bước lên đường và tiến tới một cách mạnh mẽ. Nó đòi buộc chúng ta phải giải thoát khỏi mình những gánh nặng vô ích và những thứ cồng kềnh không cần thiết chỉ làm cản trở chúng ta, và chấp nhận những trở ngại không dự kiến trước trên bản đồ của cuộc đời. Chúa Giê-su để cho những ai đi tìm kiếm Ngài sẽ tìm được Ngài, nhưng để tìm được Ngài chúng ta phải đứng dậy và đi, không đứng im tại chỗ, nhưng là lên đường. Chúa Giê-su đưa ra những yêu cầu: Ngài nói với những kẻ đi tìm kiếm Người phải bỏ lại đàng sau chiếc ghế bành của những tiện nghi trần gian và hơi ấm của lò sưởi và ngôi nhà. Đi theo Chúa Giê-su không phải là một nghi thức lịch sự xã giao phải tuân theo, nhưng là một hành trình phải thực hiện. Thiên Chúa, Đấng đã giải thoát dân tộc của Người khỏi cuộc lưu đày và kêu gọi những dân tộc mới đi theo ngôi sao của Ngài, luôn ban sự tự do và niềm vui trên suốt hành trình. Nói một cách khác, nếu chúng ta muốn tìm kiếm Chúa Giê-su, chúng ta phải vượt qua sự sợ hãi và dám dấn thân mạo hiểm, vượt qua sự tự mãn và sự biếng nhác không muốn nhận thêm trách nhiệm cuộc đời. Chúng ta cần phải mạo hiểm chỉ để gặp gỡ một Hài nhi. Nhưng sự mạo hiểm đó vô cùng xứng đáng với nỗ lực, vì khi tìm được Hài nhi đó, khi khám phá ra sự nhân từ và sự yêu thương, chúng ta tái khám phá ra chính chúng ta.

Lên đường không phải dễ dàng. Tin mừng cho chúng ta thấy điều này qua vai diễn của các nhân vật. Vua Hê-rô-đê, hóa điên cuồng vì sợ rằng sự ra đời của một vị vua sẽ đe dọa quyền lực của ông ta. Vì thế ông ta tổ chức các buổi họp và gửi người đi thu thập tin tức, nhưng chính ông ta lại không nhúc nhích; ông ta khóa mình trong cung điện. Thậm chí “cả thành Giê-ru-sa-lem” (c. 3) cũng e sợ: sợ những điều mới mẻ mà Thiên Chúa mang đến. Họ muốn tất cả mọi thứ cứ ở nguyên như vậy; chẳng ai có một chút can đảm rời đi. Sự cám dỗ của các tư tế và kinh sư còn tinh vi hơn: họ biết chính xác vị trí và nói cho Hê-rô-đê biết, trích dẫn cả ngôn sứ xưa. Họ biết, nhưng chính họ chẳng ai nhúc nhích tiến về Bê-lem. Cám dỗ của họ có thể là cám dỗ của những người quen với tình trạng mình là người tín hữu: họ có thể nói hàng giờ về đức tin mà họ biết rất rõ, nhưng họ sẽ chẳng dám mạo hiểm bản thân vì Chúa. Họ nói, nhưng họ không cầu nguyện; họ phàn nàn, nhưng họ chẳng làm gì tốt lành. Ngược lại, những Đạo sĩ nói rất ít nhưng đi nhiều. Không biết những chân lý của đức tin, nhưng họ lại tràn đầy khao khát và lên đường. Vì thế Tin mừng nói với chúng ta: Họ “đến bái lạy Người” (c. 2); “họ ra đi; họ vào nhà, sấp mình thờ lạy Người; họ trở về” (cc. 9, 11, 12). Họ luôn di chuyển.

Mang theo những món quà. Đến với Chúa Giê-su sau một hành trình dài, các nhà Thông thái cũng làm như Người làm: họ mang theo những món quà. Chúa Giê-su xuống thế để trao ban sự sống của Người; họ dâng lên cho Người những món quà quý báu của họ: vàng, nhũ hương và mộc dược. Tin mừng trở nên thật khi hành trình sự sống kết thúc bằng sự cho đi. Cho đi một cách nhưng không, vì Chúa, nhưng không mong chờ được đáp trả bất cứ điều gì: đây là dấu chỉ chắc chắn rằng chúng ta đã tìm được Giê-su. Vì Ngài nói: “Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy” (Mt 10:8). Làm những việc lành mà không tính toán, thậm chí khi không được yêu cầu, thậm chí khi chúng ta chẳng đạt được chút lợi lộc gì từ nó, thậm chí nó gây khó chịu. Đó là điều Thiên Chúa muốn. Người, Đấng đã trở nên nhỏ bé vì chúng ta, yêu cầu chúng ta hãy tặng một cái gì đó cho những người anh em chị em bé nhỏ nhất của Người. Họ là ai? Họ là những người chẳng có gì để đáp lại, những người thiếu thốn, người đói, người khách lạ, người bị tù đày, người nghèo (x. Mt 25:31-46). Chúng ta tặng một món quà làm hài lòng Chúa Giê-su khi chúng ta chăm sóc cho người đau bệnh, dành thời gian với những người khó khăn, giúp đỡ một ai đó, hoặc tha thứ cho người đã làm tổn thương mình. Đây là những món quà được cho đi nhưng không, và không thể thiếu chúng trong đời sống của người Ki-tô hữu. Chúa Giê-su nhắc chúng ta rằng nếu chúng ta chỉ yêu những ai yêu thương chúng ta, thì chúng ta cũng chẳng khác những người ngoại (x. Mt 5:46-47). Hôm nay chúng ta hãy nhìn vào đôi bàn tay của mình, thường là thiếu vắng sự yêu thương, và chúng ta hãy cố suy nghĩ đến một món quà nhưng không nào đó mà chúng ta có thể cho đi mà không mong chờ bất kỳ điều gì đáp trả. Điều đó sẽ làm hài lòng Thiên Chúa. Và chúng ta hãy xin Ngài: “Lạy Chúa, xin cho con biết tái khám phá niềm vui của sự cho đi”.

Nguồn: daminhtamhiep.net