INDONESIA TRÌNH BÀY DỰ ÁN LẤY CẢM HỨNG TỪ LAUDATO SI’ TẠI HỘI NGHỊ ASEAN

Ngọc Yến - Vatican News

Vatican News (06.09.2023) – Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, gọi tắt là ASEAN, Indonesia sẽ trình bày dự án về phát triển bền vững lấy cảm hứng từ Thông điệp Laudato si’.

ASEAN đại diện cho khoảng 700 triệu dân Nam Á, chủ yếu là giới trẻ. Chương trình nghị sự của Hội nghị gồm: hoà bình ở Myanmar, tình hình Biển Đông, cũng như các vấn đề về kinh tế, tự do thương mại trong khu vực và hoạt động tội phạm xuyên quốc gia. Cũng tại các buổi làm việc này, Indonesia trình bày dự án phát triển bền vững, bắt đầu từ sự chăm sóc mục vụ của Đức Thánh Cha Phanxicô, nhằm nâng cao “con người, hành tinh, thịnh vượng, hoà bình và hợp tác”. Một dự án đã được bắt đầu vào tháng 11/2022 khi Indonesia đăng cai tổ chức G20 ở Bali và tiếp tục năm nay với cuộc gặp gỡ “Diễn đàn trẻ Á châu” dành cho giới trẻ và các nguyên tắc có thể thúc đẩy các chiến lược và ý tưởng cho hoà bình.

Các linh mục, tu sĩ nam nữ, giáo dân, bác sĩ, nhà truyền thông và nhà kinh tế, đại diện cho nhiều tôn giáo, cũng thành lập một nhóm làm việc cho Indonesia, lấy cảm hứng từ “Sự phát triển bền vững toàn cầu và làng xã”, một dự án giáo dục tại trường học của một ngôi làng trên đảo Lombok, thuộc quần đảo Indonesia, nơi hai năm trước một nhóm thanh niên bắt đầu thực hiện các chủ đề về hội nhập và tình huynh đệ, trải nghiệm du lịch sinh thái và nâng cao nhận thức về các giá trị môi trường. Một “ngôi làng kiểu mẫu” đã được thành lập trên đảo, đại diện cho một thử nghiệm hàng đầu kèm theo một tài liệu nhằm tạo ra một mạng lưới các ngôi làng sinh thái bền vững, “Mạng lưới Làng châu Á” khắp châu Á.

Những sáng kiến này đã được trình lên Đức Thánh Cha vào cuối tháng 8 bởi một phái đoàn được hướng dẫn bởi Arsjad Rasjid, Chủ tịch “Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp ASEAN” và Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Indonesia, một trong những nhà sáng lập kinh nghiệm của phát triển bền vững. Trong cuộc gặp với Đức Thánh Cha, con đường chuyển đổi sinh thái nhằm thúc đẩy khả năng di chuyển bằng điện, lấy cảm hứng từ Laudato si’, đã được trình bày.

Rasjid giải thích: “Với tư cách là một quốc gia, chúng tôi đã đặt mục tiêu giảm 41% lượng phát thải khí nhà kính với sự hỗ trợ quốc tế vào năm 2030, hoặc 29% nếu tự thực hiện và đạt mức phát thải carbon bằng 0 vào năm 2060”.

Chủ tịch Phòng Thương mại Indonesia nhấn mạnh: “Lợi ích của việc không phát thải là hiển nhiên và việc cam kết đi theo con đường này, có thể trở thành ngọn hải đăng hy vọng cho thế giới, chứng tỏ rằng không có mâu thuẫn giữa phát triển và sự chuyển đổi năng lượng tái tạo”.

Nhân dịp này, hai chiếc xe điện do một công ty Indonesia sản xuất tuân thủ dự án chuyển đổi năng lượng ở nước này đã được tặng cho Đức Thánh Cha.

Nguồn: vaticannews.va/vi