Từ Chúa nhật thứ ba trở đi, các đề tài huấn giáo thay đổi tuỳ theo chu kỳ mỗi năm A, B, C. Chu kỳ A nhắm đến các dự tòng, trình bày Đức Kitô như là Nước hằng sống, là Ánh sáng, là sự sống vĩnh cửu. Các năm thuộc chu kỳ B nêu bật đề tài các giao ước. Năm nay thuộc chu kỳ C, dựa theo Tin mừng theo thánh Luca, đề cao việc con người đáp trả lòng thương xót của Thiên Chúa.
Trong bài huấn dự trước khi đọc kinh Truyền tin vào Chúa nhật 3 Mùa Chay năm C hôm nay, Đức Thánh Cha đã suy niệm về ý nghĩa của lời kêu gọi hoán cải trong bài Tin mừng đọc trong Thánh lễ. Việc thẩm vấn lương tâm nghiêm túc và sự thay đổi cuộc sống không chỉ giúp ích cho bản thân mỗi người, nhưng còn là câu trả lời hữu hiệu nhất đối với những điều ngang trái xảy ra trong xã hội và kể cả trên trường quốc tế. Đứng trước sự ác lan tràn, chúng ta có thể ngăn chặn nó bằng cách làm một điều tốt, tựa như bật lên một cây diêm, thay vì nguyền rủa bóng tối. Sau đây là toàn văn bài huấn dụ của Đức Thánh Cha:
ĐỨC THÁNH CHA BÊNÊĐICTÔ XVI
Quảng trường Thánh Phêrô
Chúa nhật, ngày 11/3/2007
Anh chị em thân mến,
Đoạn sách Tin mừng theo thánh Luca được đọc vào Chúa nhật thứ ba Mùa Chay hôm nay thuật lại lời bình phẩm của Đức Giêsu chung quanh hai câu chuyện thời sự. Chuyện thứ nhất là cuộc khởi nghĩa của vài người Galilê bị quan Pilatô đàn áp đẫm máu; chuyện thứ hai là sự sụp đổ một cây tháp ở Giêrusalem làm cho 18 người thiệt mạng. Hai câu chuyện tang thương với nguyên nhân khác nhau: một bên là do con người gây ra, một bên là do tai nạn. Theo như não trạng thời đó, người ta cho rằng chuyện xui xẻo đã xảy đến cho các nạn nhân do bởi một tội lỗi nặng nề nào đó mà họ đã phạm. Nhưng Chúa Giêsu lại nói rằng: “Các ông nghĩ rằng mấy người Galilê đó là những kẻ tội lỗi nhất trong số các đồng bào Galilê ư? hay số 18 nạn nhân là những kẻ tội nặng nhất trong tất cả cư dân ở Giêrusalem hay sao?” (Lc 13,2.4). Rồi Người kết luận cho cả hai hoàn cảnh như thế này: “Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không hoán cải, thì hết tất cả sẽ bị tiêu vong như vậy (Lc 13,3.5).
Đây là điểm mà Chúa Giêsu muốn dẫn các người nghe đến, tức là cần phải hoán cải. Người không trình bày vấn đề kiểu như dạy đời, nhưng với ngôn ngữ thực tế, như là câu giải đáp duy nhất thích đáng cho những sự việc gây ra mối băn khoăn cho con người. Chúa Giêsu cảnh giác rằng: đứng trước những chuyện không may xảy ra, nếu ta đổ lỗi cho người khác thì chẳng ích lợi gì. Người khôn ngoan thực sự là kẻ biết nhận thức cuộc sống mong manh và đảm nhận một thái độ trách nhiệm, nghĩa là: hối cải và canh tân cuộc đời. Đó là sự khôn ngoan đích thực, đó là lời giải đáp hữu hiệu nhất cho sự ác thuộc mọi cấp bậc, giữa cá nhân với nhau, trong xã hội hoặc trên bình diện quốc tế. Chúa Kitô mời gọi chúng ta hãy đáp lại sự ác trước tiên bằng việc thẩm vấn lương tâm cách nghiêm chỉnh, và với quyết âm thanh luyện nếp sống. Nếu không thì chúng ta sẽ bị tiêu vong, hết tất cả chúng ta đều sẽ bị tiêu vong. Thực thế, những cá nhân và tập thể nào không hề dám kiểm vấn thì sẽ đi tới chỗ diệt vong. Ngược lại, sự hoán cải, tuy không tránh khỏi những vấn đề và những hiểm họa, nhưng cho phép đương đầu chúng với một “cách thức” khác. Trước hết, nó giúp ta phòng ngừa sự ác, tháo gỡ các đe doạ của nó. Dù sao đi nữa, nó giúp ta thắng sự ác bằng sự thiện, nếu không luôn luôn ở trên bình diện hành động – điều mà lắm lần không tùy thuộc vào ý muốn của ta – nhưng chắc chắn là trên bình diện tinh thần. Nói tóm lại: sự cải hoán thắng sự ác tận gốc rễ là tội lỗi, tuy dầu không luôn luôn tránh được những hậu quả của nó.
Chúng ta hãy cầu xin Đức Maria rất thánh đồng hành và nâng đỡ chúng ta trong hành trình mùa chay, ngõ hầu giúp cho mỗi người Kitô hữu khám phá nét cao cả, và thậm chí nói được là vẻ đẹp của việc hoán cải. Xin Mẹ giúp chúng ta hiểu rằng việc đền tội và thay đổi nếp sống không phải là dạy đời, nhưng là con đường hữu hiệu hơn cả để thay đổi bản thân và xã hội. Một tục ngữ đã diễn tả chính xác điều đó như thế này: “bật lên một que diêm thì quý hơn là nguyền rủa bóng tối”.
Nguồn: archivioradiovaticana.va