TOÀ GIÁM MỤC KON TUM
146 Trần Hưng Đạo,
Tp. Kon Tum
Đt: (+84) 0865.165.557
Email: ttgpkontum@gmail.com
THƯ MỤC VỤ
MÙA CHAY 2024
Kính gởi: Quý Cha, Quý Tu Sĩ nam nữ, Chủng
Sinh
và toàn thể anh chị em
trong gia đình Giáo Phận.
Kính
thưa quý Cha, quý Tu Sĩ nam nữ cùng anh chị em,
Năm
nay, sau những ngày ăn Tết cổ truyền, chúng ta cùng với Giáo Hội bước vào Mùa
Chay. Mùa Chay khởi đầu với nghi thức xức tro lên đầu, để chúng ta bước vào
hành trình thiêng liêng. Khi được xức tro để thêm ý thức về thân phận tro bụi
của mình, chúng ta càng thêm tỉnh thức, cảnh giác ngay cả với tính tự nhiên của
phận người, vốn hay chiều theo xác thịt, thế gian và nhất là yếu đuối trước các
chước cám dỗ của ma quỷ. Từ đó, chúng ta được mời gọi năng đến với Chúa hơn và
cậy dựa vào ơn Ngài trợ giúp.
Mùa Chay còn được gọi là Mùa Bốn Mươi, vì chẳng những thời gian này kéo dài 40 ngày, mà còn là một lời mời gọi sống hành trình 40 năm trong sa mạc của dân Do Thái, hành trình ra khỏi kiếp sống nô lệ ở Ai Cập, hành trình thanh luyện trước khi về đất hứa. Đây là thờ gian quý báu để dân Do Thái sống kinh nghiệm hoán cải, trở về, kinh nghiệm gặp gỡ với Thiên Chúa, được yêu thương và được giải thoát.
Trong
Sứ Điệp Mùa Chay năm nay, dựa vào Sách Xuất Hành, Đức Thánh Cha Phanxicô mời
gọi toàn thể Hội Thánh suy niệm và sống hành trình: “Xuyên qua sa mạc Thiên
Chúa dẫn ta tới tự do”. Ngày xưa dân của Chúa sống dưới sự cai trị của Pharaô,
vua Ai Cập, bị áp bức cách nghiệt ngã. Thiên Chúa đã ra tay hùng mạnh giải
thoát họ, cho họ được tự do. Ấy thế mà trong cuộc hành trình tiến về Đất Hứa,
mỗi khi gặp khó khăn thiếu thốn, họ lại phàn nàn, nhớ đến củ hành củ tỏi của Ai
Cập và sẵn sàng trở về với cuộc sống nô lệ trước kia. Thói quen sống hưởng thụ
và dễ dãi là một cám dỗ lớn lao.
Đối
với chúng ta, Mùa Chay là hành trình ân sủng, trong đó Thiên Chúa giúp chúng ta
tiến về phía trước, bỏ lại đàng sau tình cảnh nô lệ của mình. Theo Đức Thánh
Cha, ngay cả ngày nay, chúng ta vẫn ở dưới sự cai trị của Pharaô, một sự cai
trị làm cho chúng ta mệt mỏi và khiến chúng ta trở nên lãnh đạm, thờ ơ. Chiến
tranh, bạo lực, áp bức, bất công,... vẫn còn đây đó. Trái đất, không khí và
nguồn nước không ngừng bị ô
nhiễm. Ngay cả tâm hồn chúng ta cũng không là ngoại lệ, dù đã được thanh luyện
trong dòng nước Thanh Tẩy. Đức Thánh Cha nhấn mạnh : “Vẫn còn trong chúng ta
một nỗi khao khát thân phận nô lệ không thể giải thích được. Đó là thứ sức hút
tìm sự an toàn của những cái quen thuộc, dù gây tổn hại đến sự tự do của chúng
ta”. Phải chăng đó là những “củ hành củ tỏi” thời hiện đại, cụ thể là : tiền
bạc, những dự án, một quan niệm, một định kiến, một thói quen, một địa vị, hay
một con người nào đó. Những thứ đó có thể làm chúng ta tê liệt. Trên hành trình
hoán cải của Mùa Chay, Đức Thánh Cha mời gọi chúng ta phải hành động. Hành động
trước tiên là dừng lại. Dừng lại để có thời gian cầu nguyện, để đón nhận Lời
Chúa và để quan tâm đến người bên cạnh có thể đang bị tổn thương. Mến Chúa phải
đi với yêu người. Do đó, ba việc làm truyền thống trong Mùa Chay là Cầu nguyện,
Ăn chay và Bố thí không tách rời nhau. Hành động tiếp theo là sống tính cộng
đoàn, cùng hiệp thông, tham gia trong đời sống Giáo Hội, đây là hành trình lắm
khi đòi hỏi phải lội ngược dòng.
Anh
chị em thân mến,
Năm
nay, Giáo Hội Việt Nam mời gọi chúng ta sống chiều kích Tham Gia. Xin anh chị
em tích cực tham gia vào các giờ cầu nguyện chung, nhất là các buổi cử hành
phụng vụ trong giáo xứ hay giáo phận. Tiếp đến là sống tinh thần chay tịnh bằng
cách hy sinh giảm bớt trong tiêu xài, không phải để tích lũy làm giàu cho chính
mình, nhưng để có chút gì đó hầu chia sẻ cho người nghèo, nhất là qua chiến
dịch Mùa Chay hằng năm.
Trong
bầu khí vui tươi của những ngày đầu Xuân Mới, nguyện xin Thiên Chúa, nhờ lời
chuyển cầu của Mẹ Maria và thánh Kuê-nô, ban cho anh chị em hồn an, xác mạnh và
những ơn cần thiết, để có thể chu toàn bổn phận hằng ngày, trên hành trình Năm
Mới Giáp Thìn này.
Hiệp
thông trong Đức Kitô.
Kon Tum,
ngày 05 tháng 02 năm 2024
+ Aloisiô
NGUYỄN HÙNG VỊ
Giám
mục Giáo phận Kon Tum.