GIÁO LÝ VỀ THÓI XẤU VÀ NHÂN ĐỨC
Bài 13: NHÂN ĐỨC KIÊN NHẪN
Vatican
News
Vatican
News (27.03.2024) – Trong bài giáo lý tại buổi tiếp kiến chung vào sáng
thứ Tư Tuần Thánh, ngày 27/3/2024, Đức Thánh Cha đã chia sẻ về đức nhẫn nại.
Ngài nói rằng Chúa Giêsu là gương mẫu tuyệt vời nhất của việc sống đức tính
này. Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu trong Tuần Thánh này hãy cầu xin ơn Chúa
Thánh Thần để noi gương Chúa Kitô trong sự kiên nhẫn và tình yêu thương xót của
Người, Đấng tha thứ mọi lỗi lầm và tỏ lòng thương xót ngay cả với kẻ thù của
Người.
Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng sự nhẫn nại của Chúa Giêsu
không hệ tại ở việc kiên trì chịu đựng đau khổ, nhưng là hoa trái của tình yêu
của Người. Thánh Phaolô cũng liên kết sự nhẫn nại với tình yêu của Thiên Chúa,
Đấng “chậm giận” và mau lấy điều thiện đáp lại sự ác. Do đó, sự kiên nhẫn và chịu
đựng của người Kitô hữu là chứng tá thuyết phục nhất về tình yêu của Chúa Kitô.
Buổi tiếp kiến bắt đầu với việc Đức Thánh Cha làm Dấu Thánh
Giá và lời chào phụng vụ, sau đó cộng đoàn cùng nghe đoạn thư thứ nhất của
Thánh Phaolô gửi tín hữu Côrintô (13,4a-5b.7):
Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu; ... không nóng giận,
không nuôi hận thù ... Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất
cả, chịu đựng tất cả.
Và Đức Thánh Cha bắt đầu bài giáo lý như sau:
Kiên nhẫn
là hoa trái của một tình yêu lớn lao
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Chúa Nhật vừa qua chúng ta đã nghe trình thuật về Cuộc
Thương Khó của Chúa. Chúa Giêsu đáp lại những đau khổ Người phải chịu bằng một
nhân đức rất quan trọng, mặc dù không nằm trong số những nhân đức truyền thống,
đó là sự kiên nhẫn. Tính kiên nhẫn nói đến sự nhẫn nhục trước những
điều mình phải chịu đựng: không phải ngẫu nhiên mà từ kiên nhẫn có
cùng gốc với từ say mê / cuộc thương khó. Và chính trong Cuộc
Thương Khó chúng ta nhận thấy rõ sự kiên nhẫn của Chúa Kitô, khi Người chấp nhận
bị bắt, bị vả vào mặt và bị kết án bất công cách hiền lành và dịu hiền; Người
không phản kháng trước Philatô; Người chịu đựng những lời lăng mạ, sự khạc nhổ
và đánh đập của quân lính; Người vác lấy gánh nặng của thập giá; Người tha thứ
cho những ai đóng đinh Người vào thanh gỗ và trên Thánh giá, Người không đáp lại
những lời khiêu khích, nhưng tỏ lòng thương xót. Tất cả những điều này cho
chúng ta biết rằng sự kiên nhẫn của Chúa Giêsu không bao gồm sự kiên cường chịu
đựng đau khổ, nhưng là hoa trái của một tình yêu lớn lao hơn.
Kiên nhẫn là đặc điểm đầu tiên của tình yêu
Trong thánh thi được gọi là “Bài ca đức ái” (xem 1 Cr
13,4-7), Thánh Tông đồ Phaolô đã liên kết chặt chẽ tình yêu và sự kiên
nhẫn. Thực ra, khi mô tả phẩm chất đầu tiên của đức ái, ngài dùng một từ được
dịch là “rộng lượng”, “kiên nhẫn”. Từ này diễn tả một khái niệm gây ngạc nhiên,
thường được nhắc lại trong Kinh Thánh: Trước sự bất trung của chúng ta, Thiên
Chúa tỏ ra “chậm giận” (xem Xh 34,6; Ds 14,18): thay vì tỏ ra ghê tởm sự ác và
tội lỗi của con người, Người cho thấy Người cao cả hơn, luôn sẵn sàng bắt đầu lại
mọi lúc với lòng kiên nhẫn vô hạn. Đối với Thánh Phaolô, đây là đặc điểm đầu
tiên của tình yêu Thiên Chúa, Đấng đối diện với tội lỗi thì ban sự tha thứ.
Nhưng không chỉ có vậy: nó là đặc điểm đầu tiên của mọi tình yêu cao cả, biết
đáp trả sự dữ bằng điều thiện, không khép mình trong giận dữ và chán nản, nhưng
kiên trì và cố gắng lại. Vì vậy, gốc rễ của sự kiên nhẫn là tình yêu, như Thánh
Augustinô đã nói: “Người nào càng có sức chịu đựng mọi sự dữ thì tình yêu Thiên
Chúa nơi người ấy càng lớn lao” (De Patientia, XVII).
Một Kitô hữu kiên nhẫn là chứng tá tốt nhất về tình
yêu của Chúa
Khi đó chúng ta có thể nói rằng không có chứng tá nào
tốt hơn về tình yêu của Chúa Giêsu hơn là gặp gỡ một Kitô hữu kiên nhẫn.
Nhưng chúng ta cũng hãy nghĩ đến bao nhiêu người cha, người mẹ, công nhân, bác
sĩ và y tá, người bệnh, những người mỗi ngày trong âm thầm, tô đẹp thế giới bằng
sự kiên nhẫn thánh thiện! Như Kinh Thánh đã nói, “người chậm giận thì hơn trang
hào kiệt” (Châm ngôn 16,32). Tuy nhiên, phải thành thật mà nói: chúng ta thường
thiếu kiên nhẫn. Chúng ta cần nó như một “vitamin thiết yếu” để tiến bước,
nhưng theo bản năng, chúng ta lại trở nên thiếu kiên nhẫn và lấy sự ác đáp trả
cái ác: khó có thể giữ bình tĩnh, kiềm chế bản năng, kiềm chế những phản ứng xấu,
xoa dịu những tranh cãi và mâu thuẫn trong gia đình, trong công việc, trong cộng
đoàn Kitô giáo. Chúng ta đáp trả ngay lập tức, không có khả năng kiên nhẫn.
Nếu Chúa Kitô kiên nhẫn thì người Kitô hữu được mời gọi
kiên nhẫn
Tuy nhiên, chúng ta hãy nhớ rằng kiên nhẫn không chỉ là một
điều cần thiết mà còn là một lời kêu gọi: nếu Chúa Kitô kiên nhẫn
thì người Kitô hữu được mời gọi kiên nhẫn. Và điều này đòi hỏi chúng ta phải đi
ngược lại với não trạng phổ biến ngày nay, bị thống trị bởi sự vội vàng và ước
muốn về “mọi thứ ngay lập tức”; trong đó, thay vì chờ đợi cho tình huống chín
muồi, mọi người lại bị thúc đẩy, với mong đợi rằng chúng sẽ thay đổi ngay lập tức.
Chúng ta đừng quên rằng sự vội vàng và thiếu kiên nhẫn là kẻ thù của đời sống
thiêng liêng: Thiên Chúa là tình yêu, và ai yêu thương thì không mệt mỏi, không
cáu kỉnh, không đưa ra tối hậu thư, nhưng biết chờ đợi. Chúng ta hãy nghĩ đến
câu chuyện về Người Cha nhân hậu, người chờ đợi đứa con đã bỏ nhà ra đi: ông
kiên nhẫn chịu đựng, chỉ nôn nóng ôm lấy con ngay khi thấy con trở về (x. Lc
15,21); hoặc dụ ngôn lúa mì và cỏ lùng, với người chủ không vội tiêu diệt sự ác
trước thời điểm của nó, để không sự gì bị hư mất (x. Mt 13,29-30). Sự kiên nhẫn
cứu tất cả chúng ta.
Cầu xin Chúa Thánh Thần ban ơn kiên nhẫn
Nhưng làm thế nào để chúng ta làm tăng thêm tính
kiên nhẫn? Đức Thánh Cha trả lời: Như Thánh Phaolô dạy, vì là hoa trái của
Chúa Thánh Thần (xem Gl 5,22), đức tính đó phải được cầu xin với chính Thánh Thần
của Chúa Kitô. Người ban cho chúng ta sức mạnh dịu hiền của sự kiên nhẫn, bởi
vì “đặc tính của nhân đức Kitô giáo là không chỉ làm điều tốt mà còn có khả
năng chịu đựng sự dữ” (S. AUGUSTINE, Các bài giảng, 46,13).
Có cái nhìn của Thiên Chúa
Đặc biệt trong những ngày này, thật tốt cho chúng ta khi
chiêm ngắm Thánh Giá để thấm nhuần sự kiên nhẫn của Người. Cũng có một cách thực
hành tốt khác là dâng những người làm phiền chúng ta nhất cho Người, xin ơn thực
hành cử chỉ của lòng thương xót đối với họ, là điều rất nổi tiếng nhưng lại bị
lơ là: kiên nhẫn chịu đựng những người gây phiền nhiễu. Thật không
dễ. Chúng ta bắt đầu bằng việc xin biết nhìn họ với lòng trắc ẩn, với cái nhìn
của Thiên Chúa, biết cách phân biệt những khuôn mặt của họ với các lỗi lầm của
họ.
Nhớ đến đau khổ của người khác
Cuối cùng, để trau dồi tính kiên nhẫn, một nhân đức mang lại
hơi thở cho cuộc sống, thật tốt khi mở rộng tầm nhìn của mình. Ví dụ,
bằng cách không thu hẹp phạm vi thế giới vào những rắc rối, những vấn đề của
chúng ta, như Gương Chúa Kitô mời gọi chúng ta thực hiện: “Chớ
gì bạn nhớ đến những thống khổ lớn lao của người khác, để bạn có thể dễ dàng chịu
đựng những đau khổ nhỏ bé của chính mình”, và nhớ rằng “đối với Thiên Chúa,
không có điều gì, dù nhỏ đến đâu, được chịu đựng vì tình yêu Thiên Chúa, lại
không được Thiên Chúa khen thưởng” (III, 19). Và một lần nữa, khi chúng ta cảm
thấy bị thử thách, như ông Gióp dạy, thật tốt khi mở lòng mình với niềm hy vọng
vào sự mới mẻ của Thiên Chúa, với niềm tin tưởng chắc chắn rằng Người sẽ không
để những mong đợi của chúng ta bị thất vọng. Kiên nhẫn là biết chịu đựng điều xấu.
Tình bạn của một người Israel và một người Ả Rập
Và ở đây hôm nay, trong buổi Tiếp kiến chung này, có hai người,
hai người cha: một người Israel và một người Ả Rập. Cả hai đều mất con gái của
họ trong cuộc chiến này và họ là bạn bè. Họ không nhìn vào sự thù địch của chiến
tranh, mà họ nhìn vào tình bạn của hai người quý mến nhau và chịu cùng cảnh
đóng đinh. Chúng ta hãy nghĩ đến chứng tá rất đẹp này của hai người đã phải chịu
đau khổ mất con trong cuộc chiến ở Thánh Địa. Anh em thân mến, cảm ơn vì chứng
tá của anh em!
Buổi tiếp kiến kết thúc với kinh Lạy Cha và phép lành Đức
Thánh Cha ban cho mọi người.
Nguồn: vaticannews.va/vi