Đức Thánh Cha Tiếp Kiến Chung
Ngày
05.4.2023
GIÁO LÝ VỀ TUẦN THÁNH
CHÚA CHỊU ĐÓNG ĐINH, NGUỒN MẠCH HY VỌNG
Hồng Thủy - Vatican News
Vatican News (05.4.2023) – Đức Thánh Cha nói với các tín hữu trong buổi
tiếp kiến chung sáng ngày 5/4/2023: Những vết thương của chúng ta có thể trở
thành nguồn hy vọng khi, thay vì khóc thương cho bản thân hay che dấu chúng,
chúng ta lau nước mắt cho người khác; khi thay vì nuôi lòng oán giận vì những
gì bị cướp đi khỏi chúng ta, chúng ta quan tâm đến những gì người khác thiếu;
khi thay vì gặm nhấm trong chính mình, chúng ta cúi xuống trước những người đau
khổ...
Trong bài giáo lý tại buổi tiếp kiến chung vào sáng thứ Tư Tuần Thánh,
ngày 5/4/2023, khi Giáo hội chuẩn bị bước vào Tam Nhật Thánh, cử hành cuộc
Thương Khó và Phục Sinh của Chúa Giêsu Kitô, Đức Thánh Cha chia sẻ với các tín
hữu về đề tài “Chúa chịu đóng đinh, nguồn mạch hy vọng”.
Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu chiêm ngắm cây Thánh Giá và nói rằng
Chúa Giêsu trần trụi trên Thập giá mời gọi chúng ta cởi bỏ những ảo tưởng sai lầm
để nhìn nhận sự thật về chính mình, và tìm kiếm sự chữa lành và khả năng bắt đầu
một khởi đầu mới.
Đức Thánh Cha giải thích rằng những đau khổ mà Chúa Giêsu gánh chịu vì
chúng ta không chỉ đơn thuần về thể lý, mà còn bao gồm cả những kinh nghiệm của
con người về sự phản bội, từ chối và thậm chí, trên thập giá, bị Chúa Cha bỏ
rơi. Tuy nhiên, khi yêu thương và tha thứ cho những người làm tổn thương mình,
Người biến sự ác thành điều thiện và biến đau thương thành tình yêu; biến những
vết thương của Người thành nguồn hy vọng cho tất cả mọi người. Do đó, Đức Thánh
Cha nói, chúng ta cũng có thể biến đổi những vết thương của mình bằng cách kết
hợp chúng với những vết thương của Chúa Giêsu, khi quên mình và phó thác cuộc đời
mình trong bàn tay nhân từ của Thiên Chúa Cha.
Bài giáo lý của Đức Thánh Cha
Hy vọng của bạn hôm nay ở đâu?
Chúa Nhật vừa rồi Phụng vụ cho chúng ta nghe bài
Thương khó của Chúa. Bài Thương Khó đó kết thúc với câu: “Họ đã niêm phong tảng
đá” (Mt 27,66). Mọi thứ dường như đã kết thúc. Đối với các môn đệ của Chúa
Giêsu, tảng đá đó đánh dấu điểm kết
thúc của niềm hy vọng. Thầy bị đóng đinh, bị giết một cách dã man và nhục
nhã nhất, bị treo trên thập giá bên ngoài thành phố: một sự thất bại công khai,
một kết cục tồi tệ nhất có thể. Giờ đây, sự nản lòng đã đè nặng các môn đệ cũng
hoàn toàn không xa lạ với chúng ta ngày nay. Những suy nghĩ u ám và cảm giác thất
vọng cũng tràn ngập trong lòng chúng ta: tại sao lại có quá nhiều sự thờ ơ đối
với Thiên Chúa? Tại sao có quá nhiều sự ác trên thế giới? Tại sao bất bình đẳng
tiếp tục gia tăng và mong ước hòa bình không đến? Tại sao chúng ta quá thích
chiến tranh, thích làm điều xấu cho nhau? Và trong lòng mỗi người, bao nhiêu kỳ
vọng tan biến, bao nhiêu thất vọng! Và một lần nữa, cảm giác rằng quá khứ có lẽ
tốt hơn và rằng trên thế giới, có lẽ ngay cả trong Giáo hội, mọi thứ không diễn
ra như trước đây… Tóm lại, ngay cả ngày nay, đôi khi niềm hy vọng dường như bị
niêm phong dưới tảng đá của sự ngờ vực. Và điều này tôi mời anh chị em, mỗi người
trong anh chị em, suy nghĩ xem: hy vọng của bạn ở đâu? Bạn có một niềm hy vọng
sống động hay bạn đã niêm phong nó ở đó, hay bạn cất nó trong ngăn kéo, như một
kỷ niệm? Nhưng hy vọng của bạn có thúc đẩy bạn bước đi hay nó là một ký ức lãng
mạn như thể nó không tồn tại? Hy vọng của bạn hôm nay ở đâu?
Hãy chiêm ngắm cây Thánh giá để niềm hy vọng nảy sinh trong chúng ta
Một hình ảnh
khắc sâu trong tâm trí các môn đệ: đó là thập giá. Ở đó mọi thứ đã kết thúc. Nhưng ngay sau đó họ sẽ khám
phá ra một khởi đầu mới ngay trên thập giá. Anh chị em thân mến, niềm hy vọng của
Thiên Chúa nảy mầm như thế, được sinh ra và tái sinh trong những hố đen của những
kỳ vọng bị thất vọng của chúng ta; nhưng niềm hy vọng đó không bao giờ khiến
chúng ta thất vọng. Chúng ta hãy nghĩ chính xác về thập giá: từ dụng cụ tra tấn
khủng khiếp nhất, Thiên Chúa đã tạo nên dấu chỉ vĩ đại nhất của tình yêu. Cây gỗ
chết chóc đó, đã trở thành cây sự sống, nhắc nhở chúng ta rằng sự khởi đầu của
Thiên Chúa thường bắt đầu từ những kết thúc của chúng ta: do đó Người thích làm
những điều kỳ diệu. Vì thế, hôm nay chúng
ta hãy nhìn lên cây Thánh giá để hy vọng có thể nảy mầm trong chúng ta: đó
là nhân đức thường ngày, nhân đức thầm lặng và khiêm nhường, nhưng là nhân đức
giúp chúng ta đứng vững, giúp chúng ta tiến bước. Không có hy vọng chúng ta
không thể sống. Chúng ta hãy suy nghĩ: hy vọng của tôi ở đâu? Hôm nay, chúng ta
hãy chiêm ngắm cây Thánh giá để niềm hy vọng nảy sinh trong chúng ta: để được
chữa lành khỏi nỗi buồn khiến chúng ta bị bệnh.
Đức Thánh Cha chia sẻ rằng trước đây khi có dịp
đi ra đường, ngài thích nhìn vào ánh mắt của mọi người. Có bao nhiêu người buồn
phiền! Những con người buồn phiền, tự nói một mình, bước đi với điện thoại di động,
nhưng không có bình an, không có hy vọng. Và đâu là niềm hy vọng của bạn hôm
nay? Cần phải có một chút hy vọng để chữa lành nỗi buồn khiến chúng ta khổ sở,
để được chữa lành khỏi sự cay đắng mà chúng ta đã làm ô nhiễm Giáo hội và thế
giới. Anh chị em hãy nhìn vào Thánh giá. Và chúng ta thấy gì? Chúng ta thấy
Chúa Giêsu trần trụi, Chúa Giêsu bị lột trần, Chúa Giêsu bị thương tích, Chúa
Giêsu bị hành hạ. Có phải nó là kết thúc của tất cả mọi thứ? Hy vọng của chúng
ta ở đó.
Chúa Giêsu bị lột trần: trình bày con người thật của mình
Và từ hình ảnh Chúa Giêsu trần trụi và
mang thương tích trên Thánh Giá, Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu tìm hiểu làm
thế nào niềm hy vọng, dường như đã chết, được tái sinh. Ngài nói: Trước hết,
chúng ta thấy Chúa Giêsu bị lột trần:
thật vậy, “đóng đinh Người vào thập giá xong, chúng đem áo Người ra bắt thăm mà
chia nhau” (c. 35). Thiên Chúa bị lột trần: Người là Đấng có tất cả lại để mình
bị tước đoạt tất cả. Nhưng sự sỉ nhục đó là con đường cứu độ. Đây là cách Thiên
Chúa chiến thắng vẻ bề ngoài của chúng ta. Trên thực tế, chúng ta cảm thấy khó
bày tỏ tâm hồn mình, khó nói ra sự thật, chúng ta luôn tìm cách che dấu sự thật
mà chúng ta không thích; chúng ta khoác lên mình vẻ bề ngoài mà chúng ta tìm kiếm
và quan tâm với những chiếc mặt nạ để ngụy trang và để chúng ta có vẻ tốt hơn
con người thật của mình. Chúng ta nghĩ rằng điều quan trọng là phô trương, thể
hiện, cũng như điều người khác nói tốt về chúng ta. Và chúng ta tô điểm cho
mình bằng vẻ bề ngoài, bằng những thứ hào nhoáng; nhưng theo cách này chúng ta
không tìm thấy bình an. Khi vẻ trang điểm mất đi và bạn nhìn vào gương và thấy
gương mặt không xinh đẹp của bạn, nhưng nó là thật, là điều Chúa yêu thích, chứ
không phải là khuôn mặt được trang điểm.
Loại bỏ những thứ vô dụng, thừa thãi trong tâm hồn
Bị tước bỏ mọi thứ, Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta
rằng niềm hy vọng được tái sinh bằng cách trình bày thật về chính mình, bằng
cách từ bỏ tính hai mặt, bằng cách không chung sống hòa bình với những điều giả
dối của chúng ta. Đôi khi, chúng ta quen nói dối với chính mình đến nỗi chúng
ta sống với sự giả dối như thể chúng là sự thật và cuối cùng chúng ta bị đầu độc
bởi sự giả dối của mình.
Điều cần thiết là quay trở lại với tâm hồn, với
những điều thiết yếu, với một cuộc sống đơn giản, loại bỏ nhiều thứ vô dụng, là
những thứ thay thế của niềm hy vọng. Ngày nay, khi mọi thứ đều phức tạp và
chúng ta có nguy cơ đánh mất điều cốt yếu, chúng ta cần sự đơn giản, để khám
phá lại giá trị của sự điều độ, của sự từ bỏ, của việc dọn sạch những gì làm ô
nhiễm tâm hồn và khiến chúng ta buồn phiền. Mỗi người chúng ta có thể nghĩ ra một
thứ vô dụng mà mình có thể rũ bỏ để tìm lại chính mình...
Chúng ta cũng có quá nhiều thứ vô dụng bên trong
trái tim - và cả bên ngoài nữa. Hãy nhìn vào tủ quần áo của bạn. Cái này hữu
ích, cái này không cần… và dọn dẹp ở đó. Hãy nhìn vào tủ quần áo của tâm hồn: bạn
có bao nhiêu thứ vô dụng, bao nhiêu ảo tưởng điên rồ. Hãy quay trở lại với sự
đơn giản, với những điều chân thật, không cần trang điểm. Đây là một bài tập tốt!
Chúa Giêsu bị thương tích: mở ra một lối đi mới
Tiếp tục bài giáo lý, Đức Thánh Cha nói: Chúng
ta hãy nhìn lên Thánh giá một lần nữa và chúng ta thấy Chúa Giêsu bị thương tích. Thánh giá cho
thấy những chiếc đinh xuyên qua tay và chân của Người, cạnh sườn của Người bị
đâm thủng. Nhưng những vết thương của linh hồn thêm vào những vết thương của thể
xác: Người chịu đau khổ biết bao. Chúa Giêsu đơn độc: bị phản bội, bị giao nộp
và chối bỏ bởi chính người thân của mình, bởi các bạn hữu, và bởi cả các môn đệ
của Người; bị chính quyền tôn giáo và dân sự lên án; thậm chí Người còn cảm thấy
bị Thiên Chúa bỏ rơi (x. c. 46). Trên thập giá còn xuất hiện lý do cho cái kết,
“Đây là Giêsu: Vua dân Do Thái” (c. 37). Đó là một sự nhạo báng: Chính Người đã
tránh đi khi người ta tìm cách phong Người làm vua (x. Ga 6,15), bị kết án vì
đã tự phong mình làm vua; mặc dù không phạm tội, nhưng Người bị đặt giữa hai
tên tội phạm và kẻ hung bạo Baraba được ưu ái hơn (x. Mt 27,15-21). Tóm lại,
Chúa Giêsu bị thương tích cả xác lẫn hồn. Điều này giúp gì cho niềm hy vọng của
chúng ta?
Thưa anh chị em, chúng ta cũng bị thương tích:
có ai không bị thương tích trong cuộc sống? Nhiều lần, vì xấu hổ, chúng ta giấu
kín những vết thương. Ai mà không mang những vết sẹo của những lựa chọn trong
quá khứ, của những hiểu lầm, của những nỗi đau còn mãi trong lòng và khó vượt
qua? Nhưng cả những sai lầm phải gánh chịu, những lời lẽ gay gắt, những bản án
khắc nghiệt? Thiên Chúa không che giấu chúng ta những vết thương đã đâm thâu
thân xác và linh hồn Người. Người tỏ chúng ra để cho chúng ta thấy rằng một lối
đi mới có thể được mở ra vào Lễ Phục sinh: tạo nên những tia sáng từ vết thương của chính
mình. Chúa Giêsu trên thập giá, Người không buộc tội, nhưng yêu thương. Người
yêu thương và tha thứ cho những ai làm tổn thương Người (x. Lc 23,34). Người biến
điều ác thành điều tốt, Người cũng biến nỗi đau thành tình yêu.
Tôi phải làm gì với vết thương của mình?
Và Đức Thánh Cha nhận định: Anh chị em thân mến,
vấn đề không phải là bị cuộc sống làm tổn thương nhiều hay ít, nhưng là phải
làm gì với những vết thương này. Những vết thương lớn hay nhỏ, đều sẽ luôn để lại
dấu vết trên cơ thể tôi, trong tâm hồn tôi. Tôi phải làm gì với vết thương của
mình? Bạn làm gì với vết thương của mình, những vết thương mà chỉ bạn biết?
Kết hợp chúng với những vết thương của Chúa Giêsu
Tôi có thể để cho chúng bị tiêm nhiễm sự oán giận
và buồn bã hay tôi có thể kết hợp chúng với những vết thương của Chúa Giêsu, để
ngay cả những vết thương của tôi cũng trở nên sáng ngời. Anh chị em hãy nghĩ đến
bao nhiêu người trẻ, không thể chịu đựng được vết thương lòng của mình và tìm
cách giải thoát bằng cách tự sát: ngày nay, trong các thành phố của chúng ta, rất
nhiều người trẻ không tìm thấy lối thoát, những người không có hy vọng và họ
thích đi xa hơn với ma túy, với sự lãng quên... Còn bạn, ma tuý của bạn là gì,
để băng bó vết thương?
Những vết thương của chúng ta có thể trở thành nguồn hy vọng
Những vết thương của chúng ta có thể trở thành
nguồn hy vọng khi, thay vì khóc thương cho bản thân hay che dấu chúng, chúng ta
lau nước mắt cho người khác; khi, thay vì nuôi lòng oán giận vì những gì bị cướp
đi khỏi chúng ta, chúng ta quan tâm đến những gì người khác thiếu; khi, thay vì
gặm nhấm trong chính mình, chúng ta cúi xuống trước những người đau khổ; khi,
thay vì khao khát tình yêu cho chúng ta, chúng ta lại làm dịu đi những người cần
chúng ta. Bởi vì chỉ khi chúng ta ngừng nghĩ về bản thân, chúng ta mới tìm thấy
chính mình. Nhưng nếu chúng ta tiếp tục nghĩ về chính chúng ta, chúng ta sẽ
không tìm lại được mình nữa. Và chính nhờ làm điều này mà - Kinh Thánh nói - vết
thương của chúng ta nhanh chóng lành lại (x. Is 58,8), và niềm hy vọng lại nảy
sinh.
Dùng kinh nghiệm bị thương tích để chữa lành, để giúp đỡ người khác
Anh chị em hãy suy nghĩ: Tôi có thể làm gì cho
người khác? Tôi bị thương tích vì tội lỗi, vì lịch sử, mỗi người đều có vết
thương của mình. Tôi phải làm gì: tôi có giữ vết thương của mình như thế này suốt
đời không? Hay tôi nhìn vào vết thương của người khác và dùng kinh nghiệm bị
thương của đời mình để chữa lành, để giúp đỡ người khác? Đây là thử thách của
ngày hôm nay, cho tất cả anh chị em, cho mỗi người trong anh chị em, cho mỗi
chúng ta. Xin Chúa giúp chúng ta tiến bước.
Nguồn: vaticannews.va/vi