WHĐ (02.07.2024) – Trong buổi Tiếp kiến chung sáng thứ Tư ngày 30.05.2012, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI tiếp tục trình bày loạt bài giáo lý về cầu nguyện với bài thứ 36: Lời thưa “Amen”. Sau đây là toàn văn bài giáo lý của Đức Thánh Cha.
ĐỨC BÊNÊĐICTÔ XVI
Quảng trường Thánh Phêrô
Thứ Tư, 30 tháng 05 năm 2012
Tôi muốn tiếp tục khai triển đề tài lời cầu nguyện trong các thư của thánh Phaolô, đặc biệt là trong Thư thứ hai gửi tín hữu Côrintô, là tín hữu đã nhiều lần nghi ngờ sứ vụ Tông đồ của ngài và đã khiến cho thánh nhân đau khổ rất nhiều. Bức Thư mở đầu với một trong những lời cầu nguyện chúc tụng tuyệt vời nhất của Tân Ước như sau: “Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta. Người là Cha giàu lòng từ bi lân ái, và là Thiên Chúa hằng sẵn sàng nâng đỡ ủi an. Người luôn nâng đỡ ủi an chúng ta trong mọi cơn gian nan thử thách, để sau khi đã được Thiên Chúa nâng đỡ, chính chúng ta cũng biết ủi an những ai lâm cảnh gian nan khốn khó” (2Cr 1,3-4).
Như thế thánh Phaolô sống trong nỗi khốn khó lớn lao. Người đã phải trải qua nhiều khó khăn và buồn sầu, nhưng đã không bao giờ nhượng bộ sự chán nản, vì được nâng đỡ bởi ơn thánh và sự gần gũi của Đức Giêsu Kitô, mà người đã trở thành Tông đồ và chứng nhân, bằng cách phó thác toàn cuộc sống trong tay Chúa. Chính vì thế thánh nhân mở đầu thư gửi tín hữu Corintô với lời chúc tụng, vì đã không có lúc nào trong cuộc đời Tông đồ mà người lại không cảm nhận được sự trợ giúp của Cha thương xót, Thiên Chúa của mọi ủi an. Trong tất cả mọi hoàn cảnh khốn khó, ở nơi đâu xem ra không có lối thoát, người đã nhận được sự ủi an khích lệ của Chúa Cha. Để loan báo Chúa Kitô người đã chịu cả các bách hại cho tới chỗ bị nhốt tù, nhưng người vẫn cảm thấy hoàn toàn tự do trong nội tâm, được linh hoạt bởi sự hiện diện của Chúa Kitô và ước mong loan báo lời hy vọng của Tin Mừng.
Bị xiềng xích trong ngục tù, thánh Phaolô đã viết thư cho Timôthê, cộng sự viên thân tín của ngài như sau: “Vì Tin Mừng ấy, tôi chịu khổ, tôi còn phải mang cả xiềng xích như một tên gian phi. Nhưng lời Thiên Chúa đâu bị xiềng xích! Bởi vậy, tôi cam chịu mọi sự, để mưu ích cho những người Thiên Chúa đã chọn, để họ cũng đạt tới ơn cứu độ trong Đức Kitô Giêsu, và được hưởng vinh quang muôn đời” (2Tm 2,9-10). Trong khi bị khổ đau vì Chúa Kitô người sống kinh nghiệm được ủi an: “Vì cũng như chúng ta chia sẻ muôn vàn nỗi khổ đau của Đức Kitô, thì nhờ Người, chúng ta cũng được chứa chan niềm an ủi” (2Cr 1,5).
Trong lời cầu chúc tụng dẫn nhập Thư thứ hai gửi tín hữu Côrintô, bên cạnh đề tài khổ đau còn có đề tài an ủi, được hiểu như là sự khích lệ, đừng để cho những khổ đau khốn khó chiến thắng. Đó là lời mời gọi sống kết hiệp với Đức Kitô trong mọi hoàn cảnh, Đấng đã gánh lấy tất cả mọi khổ đau và tội lỗi của thế giới để đem lại ánh sáng, niềm hy vọng và ơn cứu chuộc. Và như thế, Đức Giêsu ban cho chúng ta có khả năng an ủi những người sống trong mọi nỗi khổ đau khốn khó. Việc kết hiệp sâu xa với Đức Kitô trong lời cầu nguyện, việc tin tưởng nơi sự hiện diện của Người dẫn đưa tới chỗ sẵn sàng chia sẻ những khổ đau khốn khó của các anh chị em khác. Nó không phát xuất từ lòng tốt đơn thuần hay từ sự quảng đại theo kiểu người đời, nhưng từ sự ủi an, từ sự nâng đỡ không thể sụp đổ của “quyền năng phi thường phát xuất từ Thiên Chúa” (2Cr 4,7).
Anh chị em thân mến, cuộc sống chúng ta thường được ghi dấu bởi nhiều khó khăn, hiểu lầm, và khổ đau. Tất cả chúng ta đều nhận thấy điều đó. Nhưng trong tương quan trung tín với Chúa, trong lời cầu nguyện liên lỉ hàng ngày, chúng ta cũng có thể cảm thấy sự ủi an đến từ Thiên Chúa một cách cụ thể. Điều này củng cố đức tin của chúng ta, bởi vì nó làm cho chúng ta kinh nghiệm được một cách cụ thể tiếng “có” của Thiên Chúa đối với nhân loại, đối với chúng ta, đối với tôi, trong Đức Kitô. Nó làm cho chúng ta nhận ra tình yêu tín trung của Người tới mức trao ban Con mình trên Thập giá. Thánh Phaolô khẳng định trong Thư thứ hai gửi tín hữu Côrintô rằng: “Vì Đức Giêsu Kitô Con Thiên Chúa, Đấng mà chúng tôi, là Silvanô, Timôthê và tôi, rao giảng cho anh em, đã không vừa là “có” vừa là “không”, nhưng nơi Người chỉ toàn là “có”. Quả thật nơi lời hứa của Thiên Chúa đều là “có” nơi Người. Vì thế, cũng nhờ Người mà chúng ta hô lên “Amen” để tôn vinh Thiên Chúa” (2Cr 1,19-20).
Đức tin không phải là hoạt động của con người, nhưng là ơn lớn lao Thiên Chúa ban, được đâm rễ sâu trong sự trung thành, trong tiếng “có” của Chúa. Nó làm cho chúng ta hiểu phải sống cuộc sống của chúng ta bằng cách yêu thương Thiên Chúa và các anh chị em khác như thế nào.
Toàn bộ lịch sử cứu rỗi là một sự mặc khải tiệm tiến lòng trung thành đó của Thiên Chúa, mặc dù có những bất trung và chối bỏ của chúng ta, trong xác tín rằng Thiên Chúa không thu hồi việc “ban ơn kêu gọi” (Rm 11,29). Phương thức hành động của Thiên Chúa thì khác với lối hành động của chúng ta. Người không rút lại tiếng “có” của Người. Người không bao giờ mệt mỏi đối với chúng ta, không bao giờ mệt mỏi trong sự kiên nhẫn với chúng ta, và lòng thương xót vô biên của Người luôn đi trước chúng ta. Vì thế, tiếng “có” của Người tuyệt đối đáng tin cậy.
Thánh Thần liên tục làm cho tiếng “có” của Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô hiện diện, và tạo ra trong con tâm hồn chúng ta một khát vọng bước theo Người, để bước vào tình yêu của Người.
Tất cả mọi người đều được tình yêu trung tín ấy mời gọi, tình yêu ấy của Thiên Chúa có khả năng chờ đợi cả những người tiếp tục trả lời với tiếng “không” của sự khước từ và cứng lòng. Thiên Chúa luôn luôn đợi chờ, tìm kiếm và tiếp nhận chúng ta vào trong sự hiệp thông với Người, để ban cho chúng ta tràn đầy sự sống, hy vọng và bình an.
Tháp nhập vào tiếng “có” của Thiên Chúa, đó là lời thưa Amen của Giáo hội, vang lên trong mỗi hành động phụng vụ. Lời thưa Amen chính là lời đáp trả của đức tin, luôn luôn kết thúc lời cầu nguyện riêng tư hay cộng đoàn, và luôn diễn tả tiếng “có” của chúng ta đối với sáng kiến của Thiên Chúa. Chúng ta thường đáp lời Amen chỉ vì thói quen, mà không tiếp nhận ý nghĩa sâu xa của nó. Từ Amen bắt nguồn từ chữ: ’aman trong tiếng Hípri và tiếng Aramaic có nghĩa là “làm cho ổn định” “củng cố”, và từ đó là “chắc chắn”, “nói sự thật”. Trong Kinh Thánh, từ Amen kết thúc các Thánh vịnh chúc tụng và ngợi khen, chẳng hạn như trong Thánh vịnh 41: “Chúa nâng đỡ con vì con vô tội, và đặt con ở mãi trước nhan Ngài. Chúc tụng Đức Chúa là Thiên Chúa Israel, từ muôn thuở cho đến muôn đời. Amen. Amen” (Tv 41,13-14). Hay tiếng Amen diễn tả sự gắn bó với Thiên Chúa và lề luật của Người, sau khi Israel từ nơi lưu đày được trở về quê cha đất tổ với niềm vui tràn đầy, như kể trong sách Nơkhêmia (Nk 8,5-6).
Như thế, ngay từ đầu tiếng Amen của phụng vụ Do Thái đã trở thành tiếng Amen của các cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi. Và sách Khải Huyền là sách phụng vụ Kitô giáo tuyệt vời, bắt đầu và kết thúc với từ Amen của Giáo hội: “Kính dâng Đấng đã yêu mến chúng ta và lấy máu mình rửa sạch tội lỗi chúng ta, làm cho chúng ta trở thành vương quốc và hàng tư tế để phụng sự Thiên Chúa là Cha của Người: kính dâng Người vinh quang và uy quyền đến muôn thuở muôn đời. Amen” (Kh 1,5b-6); “Amen, lạy Đức Giêsu, xin hãy đến” (Kh 22,20).
Chúng ta được mời gọi nói lên tiếng “có” với Thiên Chúa trong lời cầu nguyện và trả lời với tiếng “Amen” của sự gắn bó, của lòng trung thành với Người. Sự trung thành ấy chúng ta không bao giờ có thể chiếm hữu được với sức lực riêng của mình, nhưng nó là hoa trái dấn thân thường xuyên và đến từ Thiên Chúa, dựa trên tiếng “có” của Đức Kitô, là Đấng khẳng định rằng, lương thực của Người là làm theo ý muốn của Chúa Cha. Chính trong tiếng “có” ấy mà chúng ta phải bước vào trong tiếng “có” của Đức Kitô, gắn bó với thánh ý Thiên Chúa, để như thánh Phaolô đạt tới chỗ khẳng định không phải chúng ta sống mà là Đức Kitô sống trong chúng ta. Khi đó tiếng “Amen” của lời cầu nguyện cá nhân và cộng đoàn sẽ bao trùm và biến đổi toàn cuộc sống chúng ta, trở thành một cuộc sống ủi an của Thiên Chúa, một cuộc sống chìm ngập trong Tình Yêu vĩnh cửu và không thể sụp đổ.
Trích từ: Tác phẩm "Cầu nguyện" của Đức Bênêđictô XVI