ĐỨC THÁNH CHA BÊNÊĐICTÔ XVI

TIẾP KIẾN CHUNG

Thứ Tư, 13/12/2006

[Đa phương tiện]

Anh chị em thân mến!

Sau khi đã dành nhiều bài chia sẻ để nói về thánh Phaolô tông đồ, hôm nay chúng ta cùng nhau chú ý đến hai cộng sự viên thân cận nhất của ngài, đó là ông Timôthê và ông Titô. Theo truyền thống, có tất cả ba lá thư của thánh Phaolô gửi cho những vị này: hai thư gửi cho Timôthê và một thư gởi cho Titô.

Tên gọi “Timôthê” là một danh xưng Hy Lạp, có nghĩa là “người tôn vinh Thiên Chúa”. Trong sách Công Vụ Tông Đồ, thánh Luca chỉ nhắc đến nhân vật này sáu lần; còn thánh Phaolô đề cập đến ông ít là mười bảy lần (ngoài ra tên ông còn xuất hiện một lần trong Thư gửi tín hữu Hípri). Từ đó, chúng ta có thể nói rằng thánh Phaolô rất quý trọng ông mặc dù thánh Luca không thấy cần thuật lại tất cả những gì ông đã làm. Thực vậy, thánh tông đồ đã ủy thác cho Timôthê nhiều sứ mạng quan trọng và còn xem ông là “cánh tay phải” của mình. Bằng chứng cho điều này là lời thánh Phaolô khen ngợi Timôthê trong lá thư gửi các tín hữu ở Philípphê: “Chẳng có ai khác như Timôthê cùng chia sẻ một tâm tình với tôi và tận tâm lo lắng cho anh em”.[1]

Timôthê chào đời ở Lystra (cách thành Tácxô khoảng 200 km về phía Tây bắc), có thân mẫu là một phụ nữ Do Thái, còn thân phụ là một người dân ngoại.[2] Việc bà mẹ lấy chồng ngoại đạo và không bận tâm lo liệu cho con được cắt bì cho phép suy đoán rằng Timôthê đã lớn lên trong một gia đình không tuân thủ Lề Luật nghiêm ngặt, mặc dầu ông nói là đã biết Sách Thánh từ thời thơ ấu.[3] Ngoài ra chúng ta còn biết tên của thân mẫu là bà Êunikê và cả tên của bà ngoại là Lois.[4]

Khi thánh Phaolô băng qua miền Lystra ở đầu hành trình truyền giáo thứ hai, ngài đã chọn Timôthê là bạn đồng hành vì “ông được các anh em ở Lystra và Icôniô chứng nhận là tốt lành”,[5] nhưng sau đó ngài đã đem ông đi chịu phép cắt bì “vì nể các người Do Thái ở những nơi ấy”.[6]

Cùng với thánh Phaolô và Xila, Timôthê băng qua vùng Tiểu Á, đến tận thành Troy, rồi từ đó đi Makêđônia. Chúng ta còn biết, ở Philípphê, thánh Phaolô và Xila bị tố cáo là gây rối trật tự công cộng, rồi bị tống vào ngục vì đã ngăn chặn vài người lợi dụng một cô gái nói thuật bói toán,[7] nhưng Timôthê thì thoát được.

Khi thánh Phaolô bị buộc phải dời đi Athen, thì Timôthê cũng đi với ngài tới thành phố đó, và từ nơi đây, ông được sai đi Thêxalônica, một giáo đoàn trẻ, để nắm bắt tình hình cộng đoàn này và củng cố đức tin cho các tín hữu.[8] Về sau, ông gặp lại thánh Phaolô ở Côrintô, đem cho ngài nhiều thông tin tốt lành về các tín hữu ở Thêxalônica và cộng tác với ngài loan báo Tin Mừng cho thành phố đó.[9]

Chúng ta thấy Timôthê đã ở Êphêxô trong suốt hành trình truyền giáo thứ ba của thánh Phaolô. Có lẽ chính từ nơi này mà thánh Phaolô viết thư gửi cho ông Philêmon và gửi các tín hữu ở Philípphê; ngài gởi cả hai lá thư và đề rõ “cùng với anh Timôthê”.[10]

Từ Êphêsô, thánh Phaolô cử ông Timôthê đi Makêđônia cùng một người tên là Erastus;[11] sau đó, lại sai ông đi Côrintô để đem cho cộng đoàn ấy một lá thư, trong đó ngài đề nghị rằng anh chị em tín hữu hãy nồng hậu đón tiếp Timôthê.[12]

Một lần nữa, chúng ta gặp thấy Timôthê là đồng tác giả với thánh Phaolô trong lá thư thứ hai gửi cho các tín hữu ở Côtrintô, và từ thành phố Côrintô, thánh Phaolô viết thư gửi các tín hữu ở Rôma, ngài cũng đã thêm những lời chào thăm của anh Timôthê và của một vài nhân vật khác nữa.[13]

Từ Côrintô, người môn đệ này đi đến thành Troy trên vùng duyên hải biển Êgêa, rồi ở đó chờ thánh Phaolô, người sẽ đi Giêrusalem ở cuối hành trình truyền giáo thứ ba.[14]

Từ đó trở đi, những nguồn tài liệu cổ xưa không còn cho biết thêm gì về Timôthê, ngoại trừ một tham chiếu trong thư gửi các tín hữu Hipri: “Anh em nên biết rằng Timôthê, người anh em của chúng ta, đã được thả rồi. Nếu anh ấy đến đây sớm, thì tôi sẽ cùng với anh ấy đến gặp anh em”.[15]

Tóm lại, chúng ta có thể nói rằng hình ảnh môn đệ Timôthê xuất hiện như vị mục tử rất quan trọng.

Trong quyển Historia Ecclesiastica, sử gia Êusêbiô còn cho rằng Timôthê là vị giám quản đầu tiên của thành Êphêsô.[16] Một vài thánh tích của ngài, mang về từ Constantinôp, được phát hiện ở Italia năm 1239 trong nhà thờ chánh tòa Termoli ở Molise.

Về phần ông Titô, tên gọi có nguồn gốc La Tinh, chúng ta biết rằng vị cộng sự này của thánh Phaolô là một người Hy Lạp, nghĩa là thuộc dân ngoại.[17] Thánh nhân đưa ông đi cùng với mình tới Giêrusalem để tham dự Công nghị các tông đồ. Công nghị đó đã long trọng chấp nhận việc loan báo Tin Mừng cho dân ngoại mà không bị ràng buộc bởi các điều luật Môsê.

Trong thư gửi cho ông Titô, thánh Phaolô có lời khen ngợi và miêu tả ông là “đứa con tôi sinh ra trong đức tin”.[18] Sau khi ông Timôthê rời Côrintô, thánh Phaolô truyền cho ông Titô đến đó với trách vụ dẫn dắt cộng đoàn ngỗ nghịch đi vào kỷ luật.

Ông Titô đã tái lập hòa bình giữa cộng đoàn Côrintô và thánh Phaolô, như ngài đã viết: “Thiên Chúa, Đấng an ủi những kẻ yếu hèn, đã an ủi chúng tôi bằng cách sai anh Titô đến. Chúng tôi được an ủi không những nhờ anh Titô đến, mà còn vì anh ấy đã được anh em an ủi. Anh ấy đã cho chúng tôi biết là anh em nóng lòng mong đợi, buồn phiền, nhưng vẫn đầy nhiệt tình đối với tôi, khiến tôi càng vui mừng hơn… Ngoài niềm an ủi đó, chúng tôi còn được đầy tràn một niềm vui lớn hơn nữa, khi thấy anh Titô vui mừng vì tất cả anh em đã làm cho tâm trí anh ấy thư thái”.[19]

Thánh Phaolô lại cử Titô, gọi ông là “bạn đường, là người cộng tác với tôi trong việc phục vụ anh em”[20], đến Côrintô, một lần nữa để hoàn thành những cuộc lạc quyên cuối cùng cho các tín hữu ở Giêrusalem.[21]

Một vài thông tin khác từ các thư Mục vụ cho chúng ta biết Titô là Giám quản thành Crêtê,[22] từ đó, như lời mời của thánh Phaolô, ông đi với ngài đến Nicopolis miền Epirus.[23] Sau đó, ông cũng đi Đalmatia.[24] Chúng ta không có thêm thông tin nào khác về các chuyến đi sau này và về cái chết của ông.

Tóm lại, qua hai môn đệ Timôthê và Titô, chúng ta rút ra nhiều bài học ý nghĩa. Điều quan trọng nhất ở đây là: trong khi thực thi sứ mạng tông đồ, thánh Phaolô đã biết nhờ đến các cộng sự viên. Hẳn nhiên ngài là tông đồ ưu việt, là người thành lập và là mục tử của nhiều Giáo đoàn. Nhưng rõ ràng, ngài đã không một mình làm tất cả mọi việc, nhưng dựa vào những người có uy tín, để họ cùng chia sẻ trách nhiệm và thao thức với mình.

Một điểm khác liên quan đến thái độ sẵn lòng của các cộng sự viên này. Nguồn tư liệu có liên quan đến Timôthê và Titô cho thấy tinh thần dấn thân, sẵn sàng đảm trách nhiều phận vụ khác nhau của các ông, kể cả nhiều lần phải đại diện thánh Phaolô trong những hoàn cảnh không dễ chút nào. Tắt một lời, các ngài dạy chúng ta biết phục vụ Thiên Chúa với lòng cao thượng và quảng đại, và nhận ra rằng điều này kéo theo một tinh thần phục vụ Giáo hội.

Cuối cùng, chúng ta hãy thi hành lời thánh Phaolô tông đồ nhắn nhủ môn đệ Titô xưa kia rằng: “Một khi nên công chính nhờ ân sủng Đức Kitô, chúng ta được thừa hưởng sự sống đời đời như chúng ta vẫn hy vọng. Đó là lời đáng tin cậy và tôi muốn anh đặc biệt nhấn mạnh các điểm ấy, để những kẻ đã đặt niềm tin vào Thiên Chúa ra sức trổi vượt về những việc tốt đẹp. Đó là điều tốt đẹp và hữu ích cho người ta”.[25]

Khi thực thi những lời mình đã cam kết, chúng ta có thể và phải khám phá ra chân lý của những lời nhắc nhở này của thánh Phaolô, và chính trong mùa Vọng thánh thiện này, chúng ta hãy chuyên chăm thực hành những việc thiện hảo, mở rộng cánh cửa thế giới cho Đức Kitô, Đấng Cứu Độ chúng ta.

__________

[1] Pl 2,20

[2] Cf. Cv 16,1

[3] Cf. 2Tm 3,15

[4] Cf. 2Tm 1,5

[5] Cv 16,2

[6] Cv 16,3

[7] Cf. Cv 16,16-40

[8] Cf. I Tx 3,1-2

[9] Cf. Cr 1,19

[10] Cf. Plm 1; Pl 1,1

[11] Cf. Cv 19,22

[12] Cf. 1Cr 4,17.16,10-11

[13] Cf. Rm 16,21

[14] Cf. Cv 20,4

[15] Hr 13,23

[16] Cf. 3,4

[17] Cf. Gl 2,3

[18] Tt 1,4

[19] 2Cr 7,6-7.13

[20] 2Cr 8,23

[21] Cf. 2Cr 8,6

[22] Cf. Tt 1,5

[23] Cf. Tt 3,12

[24] Cf. 2Tm 4,10

[25] Tt 3,7-8