ĐỨC THÁNH CHA BÊNÊĐICTÔ XVI
Thứ Tư, 10/01/2007
Anh chị em thân mến!
Chúng ta đã cùng nhau suy niệm về chân dung mười hai tông đồ, rồi kế đó suy niệm chân dung thánh Phaolô, vị “tông đồ dân ngoại”. Chúng ta cũng bắt đầu suy niệm về một vài nhân vật khác nữa thời Giáo hội sơ khai. Hôm nay, tôi muốn mời anh chị em đến với thánh Stêphanô, vị chứng nhân mà Giáo hội vẫn kính nhớ vào ngày liền sau lễ Giáng Sinh.
Stêphanô là nhân vật tiêu biểu nhất trong nhóm bảy anh em cộng tác với các tông đồ. Truyền thống vẫn thấy nơi nhóm cộng tác viên này hạt mầm của tác vụ “phó tế” (diaconus) trong tương lai, mặc dầu phải nói rằng tác vụ này không xuất hiện trong sách Công Vụ Tông Đồ. Tầm quan trọng của thánh Stêphanô trong Giáo hội sơ khai được chứng tỏ qua việc thánh Luca đã dành trọn cả hai chương trong sách Công Vụ Tông Đồ để nói về ngài.
Trình thuật của Luca bắt đầu với nhận định về một sự chia rẽ lan tràn trong Cộng đoàn Giêrusalem. Các tín hữu thuộc cộng đoàn này hoàn toàn là gốc Do Thái, nhưng một vài người trong số họ đến từ đất Israel và được gọi là “những người theo văn hóa Hípri”, còn một số khác theo niềm tin Do Thái Cựu Ước, đến từ vùng đất nói tiếng Hy Lạp và thường được gọi là “những người theo văn hóa Hy Lạp” (Hellenists). Đây là một vấn đề mới: tình cảnh rất đỗi túng thiếu của nhóm tín hữu theo văn hóa Hy Lạp, đặc biệt là những bà góa, họ bị lấy mất phần trợ cấp xã hội, không may do người ta quên phân phát khẩu phần cho họ. Để tránh tình trạng này, các tông đồ (vẫn phải tiếp tục chuyên chăm cầu nguyện và thi hành tác vụ của mình) đã quyết định chọn ra “bảy người đàn ông được tiếng tốt, đầy nhiệt thành và khôn ngoan” để đảm trách nhiệm vụ này, chuyên lo về vấn đề bác ái, xã hội.[1]
Cuối cùng, thánh Luca cho biết, theo lời đề nghị của các tông đồ, người ta đã chọn ra được bảy người đàn ông. Danh tánh của họ được kể lại rất rõ: “Ông Stêphanô, một người đầy lòng tin và đầy Thánh Thần, cùng với các ông Philípphê, Prôcôrô, Nicanô, Timôn, Pacmêna và Nicôla. Họ đưa các ông ra trước mặt các tông đồ. Sau khi cầu nguyện, các tông đồ đặt tay trên các ông”.[2]
Cử chỉ đặt tay có thể mang nhiều ý nghĩa khác nhau. Trong Cựu Ước, hành động này có nghĩa là truyền lại một chức vụ quan trọng, như trường hợp ông Môsê đặt tay trên ông Giôsuê,[3] để trao quyền kế nhiệm. Tương tự như thế, cộng đoàn Hội thánh Antiôkhia cũng sử dụng hình thức đặt tay để trao cho Phaolô và Barnaba sứ mạng đến với các dân tộc trên thế giới.[4] Hai lá thư của thánh Phaolô gởi cho Timôthê cũng nhắc đến việc đặt tay trên người môn đệ này để trao một trách vụ chính thức.[5] Từ mấy lời trong thư thứ nhất gởi Timôthê, có thể rút ra rằng đây là một hành động quan trọng được thực hiện sau khi đã suy nghĩ, biện phân cẩn trọng: “Anh đừng vội đặt tay trên ai, đừng cộng tác vào tội lỗi của người khác”.[6]
Như thế, chúng ta thấy rằng việc đặt tay trên ai đó đã phát triển theo dòng thời gian và trở thành dấu chỉ Bí tích. Trong trường hợp của Stêphanô và những anh em cộng tác viên, chắc chắn có sự ủy nhiệm chính thức của các tông đồ để các vị đảm trách công việc, nhưng đồng thời cũng có một sự khấn xin Thiên Chúa tuôn đổ ân sủng, giúp các vị thi hành phận vụ của mình.
Ở đây, điều quan trọng nhất mà chúng ta cần chú ý là ngoài công việc bác ái, thánh Stêphanô cũng đảm trách nhiệm vụ loan báo Tin Mừng cho những người đồng hương của mình, những người theo “văn hóa Hy Lạp”. Thực vậy, thánh Luca ghi nhận một thực tế rằng Stêphanô, “đầy ân sủng và sức mạnh”,[7] nhân danh Đức Giêsu trình bày một lối giải thích mới về Môsê và Luật Thiên Chúa. Ngài đọc lại Cựu Ước trong ánh sáng cuộc khổ nạn và phục sinh của Đức Kitô. Ngài đưa một lối giải thích mới mang tính Kitô luận vào Cựu Ước, khiến cho những người Do Thái phản ứng, nhạo báng những lời ngài nói.[8]
Vì lý do này, Stêphanô bị kết án và bị ném đá. Thánh Luca thuật lại cho chúng ta những lời cuối cùng của Stêphanô, tựa như một bản tổng hợp mọi lời ngài rao giảng. Như Đức Giêsu đã dạy cho hai môn đệ trên đường Emmau rằng toàn bộ Cựu Ước đều có ý nói về Người, về cái chết trên thập giá và sự phục sinh của Người, cũng thế, thánh Stêphanô, theo những lời giáo huấn của Chúa Giêsu, đã giải thích toàn bộ Cựu Ước theo hướng Kitô luận. Thánh nhân cho thấy rằng mầu nhiệm thập giá nằm ở trung tâm lịch sử cứu độ như đã được nhắc đến trong Cựu Ước. Mầu nhiệm ấy tỏ bày Đức Giêsu, Đấng chịu đóng đinh và đã phục sinh, đích thực là mục đích của toàn bộ lịch sử.
Thánh Stêphanô cũng cho thấy phụng tự ở Đền thờ đã kết thúc và Đức Giêsu Phục Sinh là “Đền thờ” mới, “Đền thờ” đích thực. Chính sự nói “không” với Đền thờ cùng các việc phụng tự ở Đền thờ mà Stêphanô đã bị kết án. Thánh Luca kể lại, trong giây phút chịu hành hình, ông đăm đăm nhìn lên bầu trời, thấy vinh quang Thiên Chúa, thấy Đức Giêsu ngự bên hữu Thiên Chúa, và ông cất tiếng nói: “Kìa! Tôi thấy tầng trời mở ra, và Con Người đứng bên hữu Thiên Chúa”.[9]
Tiếp đó là cuộc tử đạo của thánh Stêphanô, họa theo cuộc khổ nạn của chính Đức Giêsu, vì lúc đó, vị chứng nhân đã trút hơi thở, phó linh hồn cho “Chúa Giêsu” và cầu nguyện, xin Chúa tha thứ tội lỗi cho những kẻ ra tay giết hại mình.[10]
Theo tương truyền, tại Giêrusalem, nơi diễn ra cuộc tử đạo của thánh Stêphanô nằm ở ngoài Cổng Đamát, đi về hướng bắc. Tại nơi đó, ngày nay có một Ngôi Thánh Đường kính thánh Stêphanô tọa lạc bên cạnh trường École Biblique của các tu sĩ Dòng Đa Minh. Và sách Công Vụ thuật lại, cuộc giết hại thánh Stêphanô, vị tử đạo tiên khởi, đã dấy lên cuộc bách hại các môn đệ của Đức Kitô.[11] Đây là cuộc bách hại đầu tiên trong lịch sử Giáo hội. Chính trong hoàn cảnh này mà nhóm các tín hữu Do Thái theo văn hóa Hy Lạp rời khỏi Giêrusalem, phân tán khắp nơi. Chính khi bị buộc phải rời xa quê hương, họ đã trở thành những nhà lữ hành truyền giáo: “Vậy những người phải tản mác này đi khắp nơi loan báo Lời Chúa”.[12]
Cuộc bách hại cùng hệ quả phân tán đã trở thành cơ hội truyền giáo. Nhờ thế, Tin Mừng lan truyền tới Samari, Phênixi và Syria, thậm chí đến thành phố Antiôkhia rộng lớn, nơi đây, theo thánh Luca kể lại, lần đầu tiên Tin Mừng được rao giảng cho các dân ngoại[13] và lần đầu tiên xuất hiện danh hiệu Kitô hữu.[14]
Một chi tiết khá đặc biệt ở đây, thánh Luca cho biết, khi ném đá ông Stêphanô “các nhân chứng để áo mình dưới chân một thanh niên tên là Saul”.[15] Chàng thanh niên ấy từ một kẻ bách hại sau này trở thành vị tông đồ vĩ đại.
Điều này có nghĩa là chàng thanh niên Saul hẳn đã nghe lời giảng của thánh Stephanô, từ đó nắm được nội dung căn bản của sứ điệp. Và có lẽ, thánh Phaolô cũng là một trong số những kẻ có thái độ đúng như lời nhận định sau: “Khi nghe những lời ấy, lòng họ giận điên lên. Họ nghiến răng căm thù ông Stêphanô”.[16]
Anh chị em thân mến! Ở đây, chúng ta nhận ra những điều kỳ diệu trong sự quan phòng của Thiên Chúa. Sau cuộc gặp gỡ với Đấng Phục Sinh trên con đường đi Đamát, Saul (một kẻ thù kinh tởm dưới cái nhìn của Stêphanô) đã chấp thuận lối giải thích Cựu Ước theo hướng quy Kitô do thánh Stêphanô thực hiện, đồng thời Saul ngày càng biết đào sâu và hoàn trọn lối giải thích ấy, kết quả là Saul đã trở thành vị “tông đồ các dân ngoại”.
Lề Luật được hoàn trọn nơi Thập giá Đức Kitô. Lòng tin và hiệp thông với tình thương của Người là sự viên mãn đích thực của toàn bộ Lề Luật. Đây là nội dung lời rao giảng của thánh Phaolô. Thánh nhân cho thấy rằng chính theo cách thức này mà Thiên Chúa của tổ phụ Abraham đã trở thành Thiên Chúa của tất cả mọi người. Những ai tin vào Đức Giêsu Kitô, thì được cùng chia sẻ lời Thiên Chúa hứa, như con cái của tổ phụ Abraham. Như vậy, nhãn quan của Stêphanô được tỏ hiện trong sứ vụ của thánh Phaolô.
Câu chuyện thánh Stêphanô để lại cho chúng ta khá nhiều bài học. Hoạt động bác ái xã hội không bao giờ được tách rời khỏi công cuộc loan báo đức tin. Thánh nhân là một trong bảy cộng sự viên phụ trách công tác bác ái, nhưng không thể nào tách rời việc bác ái và việc loan truyền đức tin. Vì vậy, với lòng yêu mến, ngài loan báo về Đức Kitô chịu đóng đinh đến độ sẵn sàng hy sinh cả mạng sống. Đây là bài học đầu tiên chúng ta học được từ thánh Stêphanô: hoạt động bác ái và loan truyền đức tin luôn song hành với nhau.
Quan trọng hơn hết, thánh Stêphanô còn dạy chúng ta biết rằng Chúa Kitô, Đấng chịu đóng đinh và đã phục sinh, là trung tâm của lịch sử và là tâm điểm cuộc sống chúng ta. Chúng ta có thể hiểu rằng Thập giá mãi là điều căn cốt trong đời sống Giáo hội, sẽ luôn có những có những cuộc bách hại và khổ đau. Nhưng việc bách hại tự nó, như câu nói thời danh của Tertulianô, trở thành “hạt giống nảy sinh các Kitô hữu”, là nguồn mạch sứ vụ của các Kitô hữu. Tôi xin trích dẫn ở đây nguyên văn những lời của văn sĩ Tertulianô: “Chúng tôi ngày càng gia tăng bất cứ nơi nào chúng tôi bị người ta bách hại. Máu của các vị chứng nhân là hạt giống nảy sinh các Kitô hữu”.[17]
Trong cuộc đời chúng ta, Thập giá, vốn không bao giờ vắng bóng, lại trở thành phúc lành. Khi đón nhận thập giá và nhận ra nó có thể trở thành phúc lành (đích thực như thế), chúng ta sẽ hiểu được niềm vui Kitô giáo là gì, ngay cả trong những hoàn cảnh khó khăn. Giá trị của lời chứng là không thể thay thế, bởi chưng Tin Mừng dẫn tới đời sống chứng tá và Giáo hội được nuôi dưỡng bởi muôn vàn chứng tá đức tin. Thánh Stêphanô dạy chúng ta trân quý những bài học này. Ngài dạy chúng ta yêu mến Thập giá, bởi vì đấy là con đường mà Đức Kitô lại đến với mỗi người chúng ta.
____________
[1] Cf. Cv 6,2-4
[2] Cv 6,5-6
[3] Cf. Ds 27,18-23
[4] Cf. Cv 13,3
[5] Cf. 1Tm 4,14; 2Tm 1,6
[6] 1Tm 5,22
[7] Cv 6,8
[8] Cf. Cv 6,11-14
[9] Cf. Cv 7,56
[10] Cf. Cv 7,59-60
[11] Cf.Cv 8,1
[12] Cv 8,4
[13] Cf. Cv 11,19-20
[14] Cf. Cv 11,26
[15] Cv 7,58
[16] Cv 7,54
[17] Tertulianô, Apologetico, 50, 13.