Giáng sinh tàn khốc đang chờ các Kitô hữu trong cuộc nội
chiến ở Syria
Đã gần chín năm kể từ khi cuộc chiến ở Syria bắt đầu, và một linh mục địa phương nói rằng: tình hình ở thành phố Aleppo bị chiến tranh tàn phá tiếp tục xấu đi, trở nên bi kịch hơn bao giờ hết.
Trong một bức thư gửi cho một nhóm cộng tác viên ở Ý (một trong số họ
đã chuyển nó tới báo cruxnow.com), Cha Franciscan Ibrahim Alsabagh nói
rằng ngài bắt đầu cảm thấy dường như không có tương lai cho Trung Đông, tất
nhiên vì lợi ích của những người cầm quyền, và Syria vẫn tiếp tục là chiến
trường của các quốc gia lớn.
Mở đầu bức thư, vị
Cha xứ Giáo xứ Latinh St. Francis ở Aleppo nói: “Động cơ tôi viết rất đơn giản:
Tôi không biết bắt đầu từ đâu. Ở phía tây của thành phố, vụ đánh bom vẫn
tiếp tục, và họ một lần nữa tiếp cận khu vực của chúng tôi. Vẫn còn nhiều
thường dân chết… người dân tiếp tục phải chịu đựng trong đau khổ dường như vô
tận, mặc dù vẫn có sự tố cáo việc bình thường hóa buôn bán vũ khí, nhưng việc
phá hoại các quốc gia vẫn xảy ra và cường quốc nước ngoài vẫn đang chiếm đoạt
tài nguyên thiên nhiên của Syria. Thế giới này không tốt.”
Cha Alsabagh không
đề cập đến bất kỳ cường quốc nước ngoài nào cụ thể, nhưng từ lâu, người ta đã
cáo buộc rằng cuộc chiến ở Syria không chỉ là cuộc chiến chống lại tổ chức
khủng bố được gọi là ISIS, mà còn là cuộc chiến ủy nhiệm do Nga và Iran, cả hai
đều ủng hộ Bashar al- Assad, chống lại Hoa Kỳ và Thổ Nhĩ Kỳ, phe đang hỗ trợ
các nhóm phiến quân khác nhau. Lầu năm góc có quân đội tại Syria tiến hành các
hoạt động chống ISIS và không có kế hoạch rút quân vào thời điểm này. Assad từ
lâu đã kêu gọi Hoa Kỳ rút quân, coi đây là một lực lượng chiếm đóng khi ông
tiến hành chiến dịch chống nổi dậy, được Nga và Iran hậu thuẫn. Trong khi
đó, chế độ của Assad, cùng với nhiều nhóm nổi dậy, bị cáo buộc về tội ác chiến
tranh. Thay vì rút, Mỹ đang chuẩn bị một sắc lệnh tiếp tục trừng phạt đã được
Thượng viện phê chuẩn vào thứ Ba (17/12/2019).
Theo cha Alsabagh,
cuộc chiến đang tiếp diễn ở Aleppo. Cha nói rằng: tài nguyên thiên nhiên
của đất nước, bao gồm cả khí đốt và dầu mỏ, hiện không có cho người dân sử dụng
giữa mùa đông lạnh lẽo. Ngoài ra, có rất nhiều người bị bệnh nặng không thể
điều trị, bao gồm cả bệnh nhân ung thư.
Cha viết: “Syria và
người dân đang cố sống sót trong tên lửa và bom đạn, nhưng không biết liệu họ
có sống sót sau cơn đói đang diễn ra hay không?
Trung Đông đang
phải trả giá cho quá nhiều tội ác hiện nay trên thế giới, người dân ở đây gánh
tội cho tội ác của nhiều nước trên thế giới. Có một bức tường ngăn cách ở
Berlin, nhưng ở Syria thì có quá nhiều bức tường ngăn cách như vậy. Chiến tranh
dường như vô tận.”
Vị linh mục dòng
Phanxicô viết thêm: “trong nhiều khoảnh khắc của lịch sử, dường như không có sự
cứu rỗi, hòa bình hay ổn định nào của con người, nhưng trong những khoảnh khắc
khó khăn đó, Chúa lại gửi tới một tiên tri, và tiên tri đó đã mời các dân tộc
ngước mắt lên, để hy vọng sự cứu rỗi đến từ trên cao. Người ta không thể tự cứu
mình, chính Thiên Chúa đã can thiệp vào lịch sử nhân loại để mang lại sự cứu
rỗi. Trong sự cứu rỗi này, chúng tôi tin tưởng và hy vọng, sự cứu rỗi đến
từ trên cao. Tuy nhiên, sự cứu rỗi của Thiên Chúa đi qua bàn tay và trái tim
con người, giống như trái tim và thể xác của Đức Maria và Thánh Giuse.”
Ngoài sự bất ổn của
đất nước, cuộc khủng hoảng ở Lebanon cũng đang bóp chết nền kinh tế Syria, vì
các ngân hàng ngăn chặn các giáo xứ tiếp cận với các viện trợ nước ngoài cho
họ.
Cha Alsabagh viết
tiếp: “Trong năm này, chúng tôi luôn cố gắng không dừng các dự án giúp đỡ
dân chúng, nhưng bây giờ chúng tôi đã đạt đến một điểm cực kỳ khó khăn. Trong
vài ngày qua, chúng tôi đã sắp xếp việc phân phát quần áo cho 800 trẻ em và
chuẩn bị một số lễ kỷ niệm nhỏ cho Giáng sinh, và chỉ có thế trong mùa Giáng
sinh này.
Cha Alsabagh đã so
sánh tình hình hiện tại mà giáo xứ của ngài đang đối diện với thời thơ ấu của chính
mình. Khi bố mẹ hết tiền vào cuối tháng, họ sẽ đi tìm kiếm những đồng tiền
bị lãng quên trong một ngăn kéo. Ngài viết: “Bây giờ chúng tôi đã đi đến điểm
cùng cực này, giờ đây không còn đồng nào còn sót lại trong các ngăn kéo. Chúng
tôi không còn có thể tiếp tục với các dự án giúp đỡ người dân.” (Theo Inés San Martín, cruxnow.com)
Đức Dũng