Đức Thánh Cha trong cuộc gặp gỡ vì hoà bình ở
Hiroshima
Lúc 18 giờ 40 ngày 24/11, ĐTC tham dự cuộc gặp gỡ vì hoà bình tại đài tưởng niệm hòa bình tại Hiroshima, với sự hiện diện của khoảng 1.300 người. Sau khi ký vào sổ lưu niệm, ĐTC đến quảng trường nhỏ và chào 20 lãnh đạo tôn giáo và gặp các nạn nhân hiện diện. Sau khi nghe lời chứng của hai nạn nhân bom nguyên tử, ĐTC có một bài diễn văn trước những người hiện diện.
ĐTC mở đầu bài diễn văn với một lời cầu nguyện trích từ Thánh Vịnh 122:
“Nghĩ tới anh em cùng là bạn hữu, tôi nói rằng: ‘chúc thành đô an lạc’”
(Tv 122,8).
Thiên Chúa giàu lòng thương xót và Chúa của lịch sử, chúng con ngước
nhìn lên Chúa từ nơi đây, nơi giao nhau giữa sự chết và sự sống, giữa sụp đổ và
tái sinh, giữa đau khổ và từ bi.
ĐTC tiếp tục bài diễn văn:
Tại đây, trong vụ nổ sét và lửa, rất nhiều người nam và người nữ, rất nhiều giấc mơ và hy vọng, đã biến mất, chỉ còn lại bóng tối và sự im lặng. Ngay lập tức, mọi thứ bị nuốt chửng bởi một lỗ đen hủy diệt và chết chóc. Từ vực thẳm của im lặng, ngay cả hôm nay chúng ta tiếp tục nghe tiếng khóc của những người không còn nữa. Họ đến từ các nơi khác nhau, có tên khác nhau và một số người nói các ngôn ngữ khác nhau. Tuy nhiên, tất cả họ hợp nhất trong cùng một số phận, trong một giờ kinh hoàng để lại dấu ấn mãi mãi không chỉ trong lịch sử của đất nước này, mà còn trên bộ mặt của cả nhân loại.
Tại đây, tôi bày tỏ sự kính nhớ đến tất cả các nạn nhân, và tôi cúi đầu
trước sức mạnh và phẩm giá của những người sống sót sau những giây phút đầu
tiên, rồi trong nhiều năm sau đó họ phải mang nơi thân xác những nỗi đau tột
cùng, và nơi tinh thần những hạt giống chết chóc không ngừng bào mòn sức sống
của họ.
Tôi cảm thấy có bổn phận phải đến đây như một người hành hương của hòa
bình, để đứng đây trong cầu nguyện, tưởng nhớ những nạn nhân vô tội của bạo lực
này, và cũng mang trong tim những lời cầu nguyện và khao khát của những người
nam nữ thời đại chúng ta, đặc biệt là giới trẻ, những người khao khát hòa bình,
những người làm việc vì hòa bình và hy sinh bản thân vì hòa bình. Tôi đến nơi
đầy ký ức và hy vọng về tương lai này, mang theo tiếng khóc của những người
nghèo. Họ luôn là nạn nhân bất lực nhất của sự thù hận và xung đột.
Tôi khiêm tốn ao ước là tiếng nói của người không có tiếng nói, của
người đang nhìn bằng sự âu lo và thống khổ vì những căng thẳng đang gia tăng của
thời đại chúng ta: sự bất bình đẳng và bất công không thể chấp nhận được đang
đe dọa sự chung sống của con người, gây ra sự bất lực nghiêm trọng liên quan
đến ngôi nhà chung của chúng ta và sự bất ổn bùng nổ xung đột vũ trang, như thể
những điều này có thể đảm bảo một tương lai hòa bình.
Với niềm tin sâu sắc, tôi mong muốn một lần nữa tuyên bố rằng việc sử
dụng năng lượng nguyên tử cho mục đích chiến tranh, ngày nay hơn bao giờ hết,
là một tội ác không chỉ chống lại con người và phẩm giá của con người, mà còn
chống lại mọi khả thể tương lai trong ngôi nhà chung của chúng ta. Việc sử dụng
năng lượng nguyên tử cho mục đích chiến tranh là vô đạo đức, tương tự, việc sở
hữu hạt nhân cũng vô đạo đức, như tôi đã từng nói hai năm trước. Chúng ta sẽ bị
xét xử về điều này. Các thế hệ tương lai sẽ đứng lên xét xử sự thất bại của
chúng ta nếu chúng ta nói về hòa bình nhưng lại không hành động để thực hiện nó
giữa các dân tộc trên trái đất. Làm thế nào chúng ta có thể nói về hòa bình khi
chúng ta chế tạo vũ khí chiến tranh mới và đáng sợ? Làm thế nào chúng ta có thể
nói về hòa bình khi chúng ta biện minh cho các hành động bất hợp pháp bằng các
bài phát biểu chứa đầy sự phân biệt đối xử và thù hận?
Tôi tin rằng “hòa bình” không hơn kém là một lời sáo rỗng nếu nó không
được thiết lập dựa trên sự thật, được xây dựng theo công lý, nếu nó không được
linh hoạt và hoàn thiện bởi đức ái, và nếu không được thực hiện trong tự do (x.
Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII, Pacem in Terris, 37).
Xây dựng hòa bình trong sự thật và công lý có nghĩa là phải thừa nhận
rằng “con người thường khác nhau về tri thức, đức hạnh, tư duy và sở hữu vật
chất” (sdd., 87), và điều này không bao giờ có thể biện minh cho mưu toan áp
đặt ý muốn của mình lên người khác. Thật vậy, những khác biệt đó đòi hỏi trách nhiệm
và sự tôn trọng lớn hơn. Các cộng đồng chính trị có thể khác biệt về sự phát
triển văn hóa hoặc kinh tế, nhưng tất cả đều được kêu gọi dấn thân làm việc “vì
mục đích chung”, vì lợi ích của tất cả mọi người (sđd., 88).
Thật vậy, nếu chúng ta thực sự muốn xây dựng một xã hội công bằng và an
toàn hơn, thì chúng ta phải để vũ khí rời khỏi tay chúng ta. “Không ai có thể
yêu với vũ khí tấn công đang cầm trong tay” (Th. Phaolô VI, Diễn văn tại Liên
Hợp Quốc, 4/10/1965, 5). Khi chúng ta dựa vào logic của vũ khí và tránh đối
thoại, thì chúng ta quên mất rằng, ngay cả trước khi gây ra các nạn nhân và hủy
hoại, vũ khí có khả năng tạo ra ác mộng: “Chúng tiêu tốn các khoản chi phí
khổng lồ, làm gián đoạn các dự án liên đới và công việc hữu ích, và gây tâm lý
sợ hãi nơi các quốc gia (sđd., 5). Làm thế nào chúng ta có thể đề xuất hòa bình
nếu chúng ta liên tục sử dụng mối đe dọa chiến tranh hạt nhân như một cách đòi
hỏi hợp pháp để giải quyết các cuộc xung đột? Có thể vực thẳm nỗi đau chịu đựng
ở đây nhắc nhở chúng ta về những ranh giới không bao giờ được vượt qua. Một nền
hòa bình thực sự chỉ có thể là một nền hòa bình không vũ trang. Đối với hòa
bình, không chỉ đơn thuần là sự vắng mặt của chiến tranh ... nhưng nó là một
toà nhà không ngừng được xây dựng (Gaudium et Spes, 78). Đó là thành quả của
công lý, phát triển, liên đới, chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta và thúc đẩy
lợi ích chung, như chúng ta đã học được từ những bài học lịch sử.
Nhắc nhớ, đi cùng nhau và bảo vệ. Đây là ba mệnh lệnh đạo đức mà, ngay
tại đây, ở Hiroshima này, có ý nghĩa mạnh mẽ và phổ quát hơn, và có thể mở ra
một con đường thực sự cho hòa bình. Vì lý do này, chúng ta không thể cho phép
các thế hệ hiện tại và tương lai mất đi ký ức về những gì đã xảy ra tại đây. Đó
là một ký ức đảm bảo và khuyến khích việc xây dựng một tương lai công bằng và
huynh đệ hơn; một ký ức mở rộng, có khả năng đánh thức lương tâm của tất cả mọi
người nam nữ, đặc biệt là những người ngày nay đóng một vai trò quan trọng
trong vận mệnh của các quốc gia; một ký ức sống giúp chúng ta nói từ thế hệ này
sang thế hệ khác: không bao giờ nữa!
Đó là lý do tại sao chúng ta được kêu gọi bước đi cùng nhau, với một ánh mắt thấu hiểu và tha thứ, mở ra chân trời để hy vọng và mang đến một tia sáng giữa nhiều đám mây làm tối bầu trời hôm nay. Chúng ta hãy mở ra với hy vọng, và trở thành công cụ của hòa giải và hòa bình. Điều này sẽ luôn luôn có thể nếu chúng ta có thể bảo vệ lẫn nhau và nhận ra rằng chúng ta là anh em trong cùng một số phận chung. Thế giới của chúng ta, liên kết với nhau không chỉ bởi toàn cầu hóa mà còn bởi chính trái đất mà chúng ta luôn chia sẻ, đòi hỏi, ngày nay hơn bao giờ hết, loại bỏ những lợi ích dành riêng cho một số nhóm hoặc lĩnh vực nhất định, để đạt được sự cao cả của những người chiến đấu một cách có trách nhiệm để đảm bảo một tương lai chung.
Cuối cùng, ĐTC dâng một lời cầu nguyện, xin cho thế giới không còn chiến
tranh nữa, không còn những xung đột và những đau khổ nữa.
Kết thúc buổi gặp gỡ, ĐTC ra sân bay Hiroshima cách đó 53km để bay về
Tokyo trong gần 1 giờ rưỡi bay.
Từ sân bay, ĐTC về nghỉ đêm tại Toà Sứ Thần, cách sân bay 20km, kết thúc
một ngày làm việc hết sức đầy.
Văn Yên, SJ - Vatican News