Đức Thánh Cha Phanxicô chủ sự Thánh lễ Mẹ Thiên Chúa (1/1/2023)
ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ CHỦ SỰ THÁNH LỄ MẸ THIÊN CHÚA (1/1/2023)
Văn Yên, SJ - Vatican News
Vatican News (01.01.2023) – Sáng
ngày 1/1/2023, Lễ Mẹ Thiên Chúa, tại đền thờ thánh Phêrô lúc 10 giờ sáng, Đức
Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự thánh lễ với khoảng 5 ngàn tín hữu. Trong bài giảng,
Đức Thánh Cha nhắc nhớ các tín hữu ý thức về việc đọc Kinh Kính Mừng hằng ngày
với việc ca tụng danh xưng Mẹ Thiên Chúa: Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời. Đồng thời,
ngài cũng mời gọi noi gương các mục đồng, mau mắn lên đường và để ý nhìn xem
con người và thế giới xung quanh mình.
Trong bài giảng, Đức
Thánh Cha nhắc nhớ các tín hữu ý thức về việc đọc Kinh Kính Mừng hằng ngày với
việc ca tụng danh xưng Mẹ Thiên Chúa: Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời. Đồng thời,
ngài cũng mời gọi noi gương các mục đồng, mau mắn lên đường và để ý nhìn xem
con người và thế giới xung quanh mình.
Đức Thánh Cha nhắc đến
sự kiện danh xưng “Mẹ Thánh của Thiên Chúa” được Dân Chúa ở Êphêsô hô vang trên
các đường phố vào năm 431, khi các Nghị phụ Công đồng tuyên bố Đức Maria là Mẹ
Thiên Chúa. Đây là một yếu tố thiết yếu của đức tin, nhưng trước hết là một tin
tuyệt vời: Thiên Chúa có một người Mẹ và do đó, Người mãi mãi liên kết với nhân
loại chúng ta, giống như đứa con với mẹ mình, đến mức nhân tính của chúng ta là
nhân tính của Người.
Hơn nữa, điều này
cũng được Công đồng Vatican II khẳng định: “Khi nhập thể, Con Thiên Chúa cách
nào đó đã liên kết với tất cả mọi người. Người đã làm việc với đôi tay con người,
đã suy nghĩ bằng trí óc con người, đã hành động với ý chí con người, đã yêu
thương bằng quả tim con người. Sinh bởi Trinh Nữ Maria, Người đã thực sự trở
nên một người giữa chúng ta, giống như chúng ta trong mọi sự, ngoại trừ tội lỗi.”
(Hiến Chế Mục Vụ Gaudium et spes, 22). Đây là điều Thiên Chúa đã
làm khi được sinh ra từ Đức Maria: Ngài đã bày tỏ tình yêu cụ thể của Người
dành cho nhân loại chúng ta, bằng cách đón nhận nhân loại một cách thực sự và
trọn vẹn.
Thiên Chúa không yêu
thương chúng ta bằng lời nói, nhưng bằng việc làm; không phải “từ trên cao”, từ
xa, nhưng “ở gần”, từ bên trong xác thịt của chúng ta, bởi vì nơi Mẹ Maria,
Ngôi Lời đã nhập thể, bởi vì trong lòng ngực của Chúa Kitô, một trái tim bằng
thịt tiếp tục đập, đập cho mỗi người chúng ta!
Danh xưng Mẹ Thiên Chúa trong
Kinh Kính Mừng
Đức Thánh Cha nhắc nhớ
rằng, dù danh hiệu “Mẹ Thánh của Thiên Chúa” được nhiều sách vở và
chuyên luận lớn viết đến, nhưng trên hết, những lời này đã đi vào trái tim của
Dân thánh Thiên Chúa, trong kinh nguyện gia đình và quen thuộc nhất, đi cùng với
nhịp sống hằng ngày, của những giây phút mệt mỏi nhất và của những hy vọng táo
bạo nhất: Kinh Kính Mừng. Sau một số câu trích từ Lời Chúa, phần thứ hai của lời
cầu nguyện bắt đầu thế này: “Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho
chúng con là kẻ có tội”. Lời cầu khẩn này thường đánh dấu ngày sống của chúng
ta và, qua Mẹ Maria, đã cho phép Thiên Chúa đến gần cuộc sống và lịch sử của
chúng ta. Lạy Mẹ Thiên Chúa, xin cầu cho chúng con là kẻ có tội: được đọc bằng
nhiều ngôn ngữ khác nhau, trên tràng chuỗi Mân Côi và trong những lúc cần thiết,
trước ảnh thánh hoặc trên đường phố, Mẹ Thiên Chúa luôn đáp lại lời cầu khẩn
này, lắng nghe những lời xin của chúng ta, Mẹ chúc lành cho chúng ta với Chúa
Con trong vòng tay của Mẹ, Mẹ mang đến cho chúng ta sự dịu dàng của Thiên Chúa
nhập thể. Mẹ cho chúng ta, trong một từ, “hy vọng”. Và chúng ta, đầu năm này, cần
hy vọng như đất cần mưa. Năm mới mở ra với dấu hiệu của Mẹ Thiên Chúa và của
chúng ta, nói với chúng ta rằng chìa khóa của niềm hy vọng là Đức Maria, và điệp
ca của niềm hy vọng là lời cầu khẩn Đức Mẹ Chúa Trời. Và hôm nay
chúng ta phó thác Đức nguyên Giáo hoàng Biển Đức XVI thân yêu cho Mẹ Rất Thánh,
xin Mẹ đồng hành với ngài trong bước đường từ thế giới này đến Thiên Chúa.
Hướng về Mẹ, Đức
Thánh Cha mời gọi các tín hữu cầu xin Mẹ cách đặc biệt cho những người con đang
đau khổ và không còn sức để cầu nguyện, cho nhiều anh chị em bị ảnh hưởng bởi
chiến tranh ở rất nhiều nơi trên thế giới. Họ đang sống những ngày lễ này trong
bóng tối và giá lạnh, trong đau khổ và sợ hãi, đắm chìm trong bạo lực và thờ ơ!
Dành cho những người không có hòa bình, chúng ta tung hô Mẹ Maria, người nữ đã
mang Hoàng Tử Bình An đến thế gian (x. Is 9:5; Gal 4:4). Nơi Mẹ là Nữ Vương hòa
bình, lời chúc lành mà chúng ta đã nghe trong bài đọc I đã ứng nghiệm: “Nguyện
Đức Chúa ghé mắt nhìn và ban bình an cho anh em” (Ds 6:26). Qua bàn tay của một
người Mẹ, bình an của Thiên Chúa muốn vào nhà của chúng ta, trái tim của chúng
ta, thế giới của chúng ta.
Học với các mục đồng: Đi và
nhìn
Trong phần thứ hai của
bài giảng, Đức Thánh Cha chú ý đến những cử chỉ của các mục đồng ở Bêlem. Họ là
những người nghèo và thậm chí có thể khá thô kệch, và họ đã làm việc vào đêm
hôm đó. Chính họ, không phải những người khôn ngoan và thậm chí không phải là
những người quyền thế, đã là những người đầu tiên nhận ra Thiên Chúa gần gũi,
Thiên Chúa đến với người nghèo và yêu thương ở với người nghèo. Về các mục đồng,
Tin Mừng trước hết nhấn mạnh đến hai cử chỉ rất đơn sơ, tuy nhiên không phải
lúc nào cũng dễ dàng. Những người chăn cừu đã ra đi và nhìn thấy. Hai cử chỉ: Đi và nhìn.
Trước hết là đi.
Bản văn nói rằng các mục đồng “hối hả ra đi” (Lc 2:16). Họ không ở yên. Lúc đó
là ban đêm, họ phải chăm sóc đàn gia súc và chắc chắn họ rất mệt mỏi: họ có thể
đợi bình minh, đợi mặt trời mọc để đi xem Hài Nhi nằm trong máng cỏ. Thay vào
đó, họ lên đường không chậm trễ, bởi vì đối diện với những điều quan trọng, người
ta phải phản ứng kịp thời, không trì hoãn; bởi vì “ân sủng của Thần Khí không
cho phép sự chậm chạp” (S. AMBROGIO, Commento su san Luca, 2). Và
do đó, họ đã tìm thấy Đấng Mê-si-a, Đấng đã được chờ đợi từ rất lâu và là Đấng
mà nhiều người đang tìm kiếm.
Đức Thánh Cha khẳng định:
để chào đón Thiên Chúa và sự bình an của Người, người ta không thể ngồi yên tại
chỗ và thoải mái chờ đợi mọi sự tốt lên. Chúng ta phải đứng dậy, nắm lấy cơ hội
của ân sủng, ra đi, mạo hiểm. Cần phải mạo hiểm. Hôm nay, ngày đầu năm, thay vì
suy nghĩ và hy vọng mọi việc sẽ thay đổi, chúng ta nên tự hỏi: “Năm nay tôi muốn
đi đâu? Tôi sẽ làm điều tốt cho ai?”. Nhiều người, trong Giáo hội và trong xã hội,
mong đợi điều tốt lành mà bạn và chỉ bạn mới có thể mang lại, sự phục vụ của bạn.
Và, đối diện với sự lười biếng gây mê và sự thờ ơ đến tê liệt, đối diện với
nguy cơ tự giới hạn mình trong việc ngồi trước màn hình và đặt tay trên bàn
phím, các mục đồng hôm nay khuyến khích chúng ta ra đi, để được đánh động trước
những gì đang xảy ra trên thế giới, để xắn tay lên làm điều tốt, từ bỏ bao
nhiêu thói quen và tiện nghi để mở lòng đón nhận những điều mới mẻ của Thiên
Chúa, những điều được tìm thấy trong sự khiêm nhường phục vụ, trong sự can đảm
quan tâm chăm sóc. Chúng ta hãy bắt chước các mục đồng: lên đường!
Tin Mừng cho biết, đến
nơi, các mục đồng “gặp thấy Đức Maria, thánh Giuse và Hài nhi nằm trong máng cỏ”
(c. 16). Sau đó, Tin Mừng lưu ý rằng, chỉ “sau khi nhìn thấy Người” (c. 17), họ
mới bắt đầu, với đầy kinh ngạc, kể cho những người khác về Chúa Giê-su và tôn
vinh ca tụng Thiên Chúa vì tất cả những gì họ đã nghe và đã thấy (xem
cc. 17-18.20 ). Bước ngoặt ở đây là nhìn thấy Người. Điều quan trọng
là nhìn thấy, ôm lấy Người bằng ánh nhìn, và ở lại, như những mục đồng, trước
Chúa Hài Đồng trong vòng tay của Mẹ. Họ không nói gì, không hỏi gì, không làm
gì, nhưng chỉ thinh lặng ngắm nhìn, tôn thờ và đón nhận sự dịu dàng của Thiên
Chúa làm người và của Mẹ Người và Mẹ của chúng ta. Vào đầu năm, trong số rất
nhiều điều mới cần trải nghiệm và nhiều điều muốn làm, chúng ta hãy dành thời
gian để nhìn, nghĩa là để mở đôi mắt và giữ cho chúng luôn mở với
những gì quan trọng: cho Chúa và cho người khác. Chúng ta có can đảm để cảm nhận
sự ngạc nhiên của gặp gỡ, vốn là cách thức của Thiên Chúa. Đây là điều khác xa
với cám dỗ của thế giới, vốn dỗ ngọt chúng ta. Sự ngạc nhiên của Thiên Chúa, sự
gặp gỡ, mang lại cho chúng ta bình an; ngược lại thì chỉ làm cho chúng ta bị ru
ngủ và tê liệt.
Bài học hôm nay
Biết bao lần, vì vội
vã, chúng ta thậm chí không có thời gian để dừng lại dù chỉ một phút trong sự đồng
hành của Chúa để lắng nghe Lời Người, để cầu nguyện, để tôn thờ, để ngợi
khen... Điều tương tự cũng xảy ra với những người khác: bị mắc kẹt trong sự vội
vàng hoặc cho mình là trung tâm, không còn thời gian để lắng nghe giữa vợ chồng,
nói chuyện với con cái, hỏi thăm chúng xem tâm hồn chúng thế nào,
chứ không chỉ chuyện học hành, sức khỏe ra sao. Và thật tốt biết bao khi lắng
nghe người già, ông bà, để nhìn vào chiều sâu của cuộc sống và khám phá lại cội
nguồn. Vì vậy, chúng ta hãy tự hỏi liệu chúng ta có thể nhìn thấy những người sống
bên cạnh chúng ta không, những người sống trong cùng tòa nhà với chúng ta, những
người mà chúng ta gặp hàng ngày trên đường phố. Chúng ta hãy bắt chước các mục
đồng: học cách nhìn!
Đi và nhìn. Hôm nay
Chúa đã đến giữa chúng ta và Mẹ Thiên Chúa đặt Người trước mắt chúng ta. Hãy
cùng tái khám phá trong sự hăm hở lên đường và trong sự
ngỡ ngàng nhìn xem những bí mật để làm cho năm nay thật sự mới mẻ, và
chiến thắng sự mệt mỏi của sự ù lì hoặc cám dỗ bình an giả tạo.
Cuối cùng Đức Thánh
Cha mời gọi các tín hữu nhìn lên Mẹ và tung hô Mẹ ba lần: Mẹ Thánh của Thiên
Chúa! Mẹ Thánh của Thiên Chúa! Mẹ Thánh của Thiên Chúa!
Nguồn: vaticannews.va/vi
- Các nhà truyền thông trẻ gặp nhau tại Rôma trước thềm Đại hội Thượng Hội đồng ( 03/10/2023)
- Diễn từ Đức Thánh Cha Phanxicô dành cho các thành viên Hiệp hội "Familia da esperança" ( 01/10/2023)
- Đức Thánh Cha chủ sự Công nghị phong 21 tân Hồng y ( 01/10/2023)
- Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha tháng 10/2023: Cầu cho Thượng Hội Đồng ( 30/09/2023)
- Truyền hình trực tiếp Công nghị phong hồng y lúc 15g00 thứ Bảy 30.09.2023 ( 30/09/2023)
- Đức Thánh Cha từ giã Marseille và về đến Roma ( 24/09/2023)
- Đức Thánh Cha Phanxicô cử hành Thánh lễ kính Đức Mẹ Canh giữ tại Marseille ( 24/09/2023)
- Chuyến Tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Marseille từ 22 – 23/09/2023 ( 23/09/2023)
- Đức Thánh Cha tham dự buổi tưởng niệm các thủy thủ và người di cư mất tích trên biển ( 23/09/2023)
- Đức Thánh Cha cử hành giờ cầu nguyện cùng Đức Mẹ với hàng giáo sĩ giáo phận Marseille ( 23/09/2023)