ĐỨC THÁNH CHA GẶP CÁC NHÂN VIÊN CỦA CÁC TỔ CHỨC BÁC ÁI VÀ KHÁNH THÀNH NGÔI NHÀ THƯƠNG XÓT

Hồng Thuỷ - Vatican News

Vatican News (04.09.2023) – Sáng thứ Hai 4/9/2023, gặp gỡ các nhân viên của các tổ chức bác ái ở Mông Cổ và làm phép và khánh thành Ngôi nhà Thương xót, một cơ sở bác ái của Phủ doãn Tông tòa Ulaanbaatar, Đức Thánh Cha nói với các nhân viên bác ái rằng để thực sự làm điều tốt cần có một trái tim nhân hậu. Ngài đề cao sự quảng đại dấn thân vô vị lợi của các tình nguyện viên và mời gọi người dân Mông Cổ hãy tham gia phục vụ tha nhân, cũng như nhấn mạnh rằng việc bác ái không bao giờ được trở thành công việc kinh doanh.

Mở đầu bài diễn văn, Đức Thánh Cha nhắc lại những lời của Chúa Giêsu: “Ta đói và các con đã cho ăn, Ta khát và các con đã cho uống” (Mt 25,35) và nói rằng đây là tiêu chuẩn Chúa đưa ra cho chúng ta để nhận ra sự hiện diện của Người trên thế giới và điều kiện để vào hưởng niềm vui tột đỉnh của Nước Chúa vào ngày phán xét cuối cùng.

Giáo hội Mông Cổ sống căn tính bác ái

Chân lý này đã được cộng đoàn Kitô hữu sơ khai chứng minh bằng hành động rằng bác ái là một yếu tố nền tảng cho căn tính của mình, để xây dựng một Giáo hội được thiết lập vững chắc trên bốn trụ cột: hiệp thông, phụng vụ, phục vụ và chứng tá. Và Đức Thánh Cha nhận xét: “Thật tuyệt vời khi thấy rằng, sau bao nhiêu thế kỷ, cũng tinh thần đó đã thấm nhập vào Giáo hội Mông Cổ: trong sự nhỏ bé của mình, Giáo hội sống hiệp thông huynh đệ, cầu nguyện, phục vụ quên mình cho nhân loại đang đau khổ và làm chứng cho đức tin của chính mình.”


Đức Thánh Cha gặp các nhân viên của các tổ chức bác ái ở Mông Cổ

Ngôi nhà Thương xót 

Ngôi nhà Thương xót, theo Đức Thánh Cha, là một biểu hiện cụ thể về việc chăm sóc người khác, dấu chỉ mà qua đó người ta nhận ra các Kitô hữu; bởi vì nơi nào có sự chào đón, lòng hiếu khách và sự cởi mở với người khác, nơi đó chúng ta hít thở hương thơm tốt lành của Chúa Kitô (x. 2Cr 2,15). Ngài giải thích: “Sự quảng đại phục vụ tha nhân - quan tâm đến sức khỏe của họ, những nhu cầu thiết yếu, giáo dục và văn hóa - ngay từ đầu đã là nét nổi bật của thành phần sống động này của Dân Chúa”. Những sáng kiến bác ái của các nhà truyền giáo tại Mông Cổ đã phát triển thành những dự án dài hạn và rất được người dân và các cơ quan dân sự đánh giá cao.

Đức Thánh Cha nói thêm rằng Ngôi nhà Thương xót được xem là một điểm quy chiếu cho nhiều hoạt động bác ái, là một bến đỗ, nơi người dân có thể tìm thấy sự lắng nghe và thấu hiểu. Và ngài nhấn mạnh nét đặc biệt của sáng kiến này: Giáo hội địa phương thực hiện công việc, với sự cộng tác của các nhóm truyền giáo, vẫn giữ căn tính địa phương rõ ràng, như một cách thể hiện chân thực về tính toàn thể của Phủ doãn Tông Tòa.

Thương xót - đặc tính của Giáo hội

Tên của ngôi nhà - Thương xót -, theo Đức Thánh Cha, là đặc tính của Giáo hội, “được kêu gọi trở thành một ngôi nhà nơi tất cả được chào đón và có thể cảm nghiệm một tình yêu lớn hơn, tình yêu đánh động và lay động trái tim: tình yêu dịu dàng và quan phòng của Chúa Cha, Đấng muốn chúng ta trở thành anh chị em trong nhà của Người.” Và ngài hy vọng rằng tất cả mọi người có thể đóng góp vào dự án này và các cộng đoàn truyền giáo khác nhau sẽ tích cực tham gia bằng sự dấn thân về nhân sự và nguồn lực.


Đức Thánh Cha gặp các nhân viên của các tổ chức bác ái ở Mông Cổ

Vai trò của các tình nguyện viên

Tuy nhiên, Đức Thánh Cha lưu ý về yếu tố không thể thiếu để thực hiện dự án, đó là sự đóng góp của các tình nguyện viên. Trước hết Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng đây là một sự phục vụ hoàn toàn quảng đại và vô vị lợi mà mọi người tự do chọn để phục vụ những người khốn khổ. Đức Thánh Cha nhắc lại đây là phong cách phục vụ mà Chúa Giêsu đã dạy chúng ta khi nói: “Các con đã nhận nhưng không, thì hãy cho đi một cách nhưng không” (Mt 10,8). Ngài nhận định rằng việc phục vụ tha nhân theo cách này có vẻ như là một sự thua thiệt, nhưng những gì mình cho đi cách miễn phí đều không hề lãng phí; trái lại, nó trở thành một kho tàng to lớn cho những ai cống hiến thời gian và sức lực của mình.

Đức Thánh Cha lưu ý một thực tế khác là chỉ riêng hệ thống an sinh xã hội thôi thì không đủ để cung cấp mọi dịch vụ cho người dân, nếu không có đông đảo tình nguyện viên cống hiến thời gian, kỹ năng và nguồn lực cho tình yêu dành cho tha nhân. Ngài khuyến khích tất cả công dân Mông Cổ hãy tham gia vào công việc tình nguyện, sẵn sàng phục vụ người khác.


Đức Thánh Cha gặp các nhân viên của các tổ chức bác ái ở Mông Cổ

Bác bỏ các huyền thoại sai lầm

“Không nhất thiết phải giàu có mới làm được việc tốt”

Cuối cùng, Đức Thánh Cha muốn bác bỏ một số “huyền thoại”. Đầu tiên là huyền thoại cho rằng chỉ những người giàu có mới có thể tham gia hoạt động tình nguyện. Ngài nhận định: “Không nhất thiết phải giàu có mới làm được việc tốt; đúng hơn, hầu như luôn luôn chính những người có thu nhập khiêm tốn lại chọn cống hiến thời gian, kỹ năng và sự quảng đại của mình để chăm sóc người khác”.

Giáo hội làm việc bác ái vì nhận ra Chúa Giêsu nơi người đau khổ

Huyền thoại thứ hai cho rằng Giáo hội Công giáo dấn thân vào các hoạt động thăng tiến xã hội để chiêu dụ tín đồ; chăm sóc tha nhân là một hình thức dụ dỗ người khác. Đức Thánh Cha khẳng định rằng các Kitô hữu nhận ra những ai đang cần được giúp đỡ và làm mọi điều có thể để xoa dịu nỗi đau khổ của họ bởi vì ở đó họ nhìn thấy Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa. Ngài mong muốn Ngôi nhà Thương xót là nơi mà những người thuộc các “tín ngưỡng” khác nhau, và ngay cả những người không có tín ngưỡng, cùng nỗ lực với người Công giáo địa phương để giúp đỡ nhiều anh chị em trong nhân loại một cách đầy nhân ái. Và để giấc mơ này trở thành hiện thực, những người có trách nhiệm công phải hỗ trợ những sáng kiến ​​nhân đạo này, khuyến khích sự hiệp lực chân thực vì lợi ích chung.

Các việc bác ái không được trở thành việc kinh doanh

Huyền thoại thứ ba cho rằng chỉ có tiền bạc mới quan trọng, và cách duy nhất để chăm sóc người khác là thuê nhân viên làm công ăn lương và đầu tư vào các cơ sở vật chất to lớn. Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng “việc bác ái đòi hỏi tính chuyên nghiệp, nhưng các sáng kiến​​ bác ái không được trở thành công việc kinh doanh, mà phải duy trì sự tươi mới của các công việc bác ái, nơi những người cần giúp đỡ tìm thấy những người có khả năng lắng nghe và cảm thông mà không nghĩ đến bất cứ sự đền trả nào”.


Đức Thánh Cha gặp các nhân viên của các tổ chức bác ái ở Mông Cổ

Làm việc bác ái vì tình yêu Chúa

Đức Thánh Cha tóm lại rằng để thực sự làm điều tốt cần có một trái tim nhân hậu, quyết tâm tìm kiếm điều tốt nhất cho người khác. “Chỉ dấn thân vì thù lao thì không phải là tình yêu đích thực; chỉ có tình yêu mới chiến thắng được sự ích kỷ và giúp thế giới phát triển.” Ngài kết thúc với câu chuyện về Mẹ Thánh Têrêsa Calcutta. Khi một nhà báo nhìn thấy Mẹ cúi xuống vết thương nặng mùi của một bệnh nhân, đã nói với Mẹ: “Việc Mẹ đang làm thật đẹp, nhưng cá nhân tôi sẽ không làm điều đó dù có một triệu đô la”. Mẹ Têrêsa mỉm cười và trả lời: “Tôi cũng không làm điều này vì một triệu đô la. Tôi làm điều này vì tình yêu Chúa!”

Kết thúc cuộc gặp gỡ, Đức Thánh Cha đã cùng với những người hiện diện đọc kinh Kính Mừng và sau đó ngài ban phép lành cho mọi người.

Trước khi rời cơ sở, Đức Thánh Cha đã làm phép tấm bảng tên của cơ sở bác ái.


Đức Thánh Cha làm phép “Ngôi nhà Thương xót” của Giáo hội Mông Cổ

Nguồn: vaticannews.va/vi