Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI giới thiệu Thông điệp “Caritas in Veritate” (Bác ái trong Chân lý)

WHĐ (11.07.2009) – Thứ tư 08-07-2009 vừa qua, trong buổi tiếp kiến chung hàng tuần, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã giới thiệu thông điệp “Caritas in Veritate” vừa được công bố hôm trước. Ngài khẳng định, “Bác ái trong chân lý là nguyên tắc cốt tủy của học thuyết xã hội của Giáo Hội”. Sau đây là toàn văn bài huấn dụ của ĐTC:

Anh chị em thân mến,

Thông điệp mới Caritas in Veritate (Bác ái trong Chân Lý) của tôi, đã được giới thiệu chính thức ngày hôm qua, có tầm nhìn cơ bản được gợi hứng bởi đoạn thư của thánh Phaolô gửi tín hữu Êphêsô, trong đó vị tông đồ nói về hành động theo sự thật trong tình bác ái: “Khi sống theo sự thật và trong tình bác ái, chúng ta sẽ lớn lên về mọi mặt, vươn tới Đức Kitô vì Người là Đầu” (4,15). Bác ái trong chân lý là sức thúc đẩy chính yếu cho sự phát triển thật sự của cá nhân cũng như của toàn thể nhân loại. Bởi thế, nguyên tắc “bác ái trong chân lý” là trục chính của toàn thể học thuyết xã hội của Giáo Hội. Chỉ với bác ái, được lý trí và đức tin soi sáng, người ta mới có thể theo đuổi những mục tiêu của phát triển mang giá trị nhân văn và nhân văn hóa. Bác ái trong chân lý là “nguyên tắc cốt tủy của học thuyết xã hội của Giáo Hội, một nguyên tắc hoạt động trong các tiêu chuẩn có tính định hướng” (số 6). Trong phần dẫn nhập thông điệp nhắc ngay đến hai tiêu chuẩn nền tảng là công bằng và công ích. Công bằng là thành phần thiết yếu của một tình yêu thương “chân thật và bằng việc làm” (1Ga 3,18) như thánh tông đồ Gioan đã khuyên nhủ (x. số 6). “Yêu thương một ai đó là ước muốn điều tốt cho người ấy và dấn thân thực hiện điều đó. Ngoài những thiện ích cá nhân còn có những thiện ích gắn liền với cuộc sống xã hội của con người ... Ta càng yêu mến người thân cận mình cách thực sự khi ta càng dấn thân phục vụ” cho công ích. Bởi thế có hai tiêu chuẩn hành động, đó là công bằng và công ích; do công ích mà bác ái mặc lấy chiều kích xã hội. Thông điệp kêu gọi mọi Kitô hữu sống tình bác ái này, và nói “Đó chính là cách thức có quy củ của đức bác ái” (x.số 7).

Cũng như các văn kiện khác của Huấn quyền, thông điệp này cũng lấy lại, tiếp tục, và đào sâu việc phân tích và suy tư của Giáo Hội về các đề tài xã hội quan trọng và ích lợi cho nhân loại thế kỉ này. Cách đặc biệt, thông điệp này nối kết lại những gì mà Đức Phaolô VI đã viết, cách nay khoảng hơn 40 năm, trong thông điệp Populorum Progressio (Phát triển các dân tộc). Đó là viên đá cột mốc chỉ đường cho giáo huấn xã hội của Giáo Hội, trong đó Đức giáo hoàng vĩ đại đã vạch ra một số nét quyết định, và luôn có tính thời sự, cho sự phát triển toàn diện của con người và của thế giới hiện nay. Như tin tức thời sự thế giới những tháng gần đây cho thấy rộng khắp, hoàn cảnh thế giới vẫn tiếp tục phô diễn những vấn đề không nhỏ và những điều tai tiếng bất công vang lừng, chúng vẫn cứ xảy ra mặc dầu người ta đã cam kết bao nhiêu trong quá khứ. Một đàng, người ta nhận thấy những dấu chỉ của sự mất quân bình nghiêm trọng về xã hội và kinh tế. Đàng khác, có nhiều tiếng kêu cầu từ nhiều phía phải có những cuộc cải tổ không thể trì hoãn nữa để có thể làm vơi sự cách biệt về phát triển nơi các dân tộc. Hiện tượng toàn cầu hóa có thể là một cơ hội thực sự để thực hiện mục đích này, thế nhưng điều quan trọng là phải bắt tay vào việc đổi mới sâu xa vê luân lý và văn hóa, và phải có những nhận định có trách nhiệm về những chọn lựa phải làm cho công ích. Có thể có một tương lai tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người nếu người ta biết đặt nền tảng trên sự tái khám phá những giá trị đạo đức căn bản. Cần có kế hoạch kinh tế mới tái thiết lại sự phát triển mang tính toàn cầu hơn, đặt nền tảng đạo đức trên trách nhiệm trước mặt Chúa và trước mặt con người như là thụ tạo của Chúa.

Hẳn là thông điệp không nhằm đưa ra những giải pháp kĩ thuật cho những vấn đề xã hội to tát của thế giới ngày nay – đó không phải là chuyên môn của Giáo huấn Hội thánh (x. số 9). Nhưng thông điệp nhắc nhớ các nguyên tắc lớn tỏ ra rất cần thiết cho sự phát triển con người những năm tới đây. Trong số đó, phải kể đến đầu tiên là phải lưu tâm đến sự sống con người, được xem như là trung tâm của mọi phát triển đích thực; kế đến, là tôn trọng quyền tự do tôn giáo, là điều luôn gắn kết chặt chẽ với sự phát triển con người . Rồi, phải loại bỏ một cái nhìn ngạo mạn nào đó về con người xem con người như là chủ tể tuyệt đối đối với chính định mệnh mình. Tin tưởng quá mức vào sức mạnh của kĩ thuật sau cùng cũng tỏ ra ảo tưởng. Cần có nhiều người ngay chính cả về lãnh vực chính trị lẫn kinh tế biết quan tâm thành thực đến ích chung. Đặc biệt, về những vấn đề cấp bách trên thế giới, cấp thiết kêu gọi công luận quan tâm đến nạn đói bi thảm và thiếu an toàn về lương thực đang tác động trên một phần lớn của nhân loại. Bi kịch đó chất vấn lương tâm chúng ta: cần phải dứt khoát đối diện với vấn đề và loại trừ những nguyên nhân mang tính cơ cấu đã gây ảnh hưởng, và thúc đẩy phát triển nông nghiệp ở những nước nghèo nhất. Tôi tin tưởng rằng cách thức liên đới và giúp phát triển những đất nước nghèo như thế chắc chắn sẽ giúp thảo ra kế hoạch cho giải pháp thoát khỏi khủng hoảng toàn cầu hiện nay. Chắc chắn cần phải đánh giá lại kĩ lưỡng vai trò và quyền lực chính trị của các Quốc gia, trong một giai đoạn mà thực tế có những giới hạn chủ quyền của họ do bối cảnh mới về kinh tế- thương mại và tài chánh mới. Đàng khác, không thể không có sự tham gia có trách nhiệm của những người dân vào lãnh vực chính trị quốc gia và quốc tế, nhờ sự dấn thân mới của các đoàn thể của người lao động được kêu gọi thiết lập những nghiệp đoàn mới ở phạm vi địa phương và quốc tế. Cũng về mặt này, vai trò của các phương tiện truyền thông xã hội rất quan trọng để tăng cường đối thoại giữa các văn hóa và truyền thống khác nhau.

Vì vậy, nếu muốn thảo chương trình cho một sự phát triển không bị tấn công bởi những hỗn loạn và sai lạc có mặt khắp nơi, mọi người cần phải suy nghĩ nghiêm túc về ý nghĩa của kinh tế và cùng đích của nó. Tình trạng sức khỏe sinh thái của trái đất đòi hỏi điều đó; sự khủng hoảng về văn hóa và luân lý của con người trên toàn thế giới yêu cầu phải như thế. Kinh tế cần đến đạo đức để có thể hoạt động cách đúng đắn; cần sự đóng góp quan trọng của nguyên tắc vô cầu và “lôgic trao ban” trong nền kinh tế thị trường, vốn không thể chỉ chạy theo qui luật lợi nhuận. Thế nhưng, điều đó chỉ thực hiện được nhờ sự dấn thân của mọi người, của các nhà kinh tế và chính trị, của các nhà sản xuất và người tiêu dùng, và giả thiết phải có sự đào luyện lương tâm để tăng sức mạnh cho những tiêu chuẩn luân lý trong khi thảo ra những kế hoạch kinh tế và chính trị. Rất nhiều người nêu lên sự kiện này, thật đúng thôi, là quyền lợi phải tương ứng với nghĩa vụ, vì nếu không có nghĩa vụ quyền lợi sẽ biến thành tùy tiện. Càng ngày càng phải nhắc lại điều quan trọng này rằng toàn thể nhân loại cần một phong cách sống khác, trong đó nghĩa vụ của mỗi người đối với môi trường phải gắn liền với nghĩa vụ đối với con người xét như là nhân vị và xét trong tương quan với người khác. Nhân loại là một gia đình duy nhất và sự đối thoại phong phú giữa đức tin và lý trí chỉ có thể làm phong phú thêm gia đình ấy, bằng cách sống bác ái trong xã hội cách hữu hiệu hơn, và tạo nên cái khung thích hợp để thúc đẩy sự hợp tác giữa kẻ tin với người không tin, trong cùng một viễn tượng chung làm việc vì công lý và hòa bình trong thế giới. Như những tiêu chuẩn hướng đạo cho sự tương tác ấy, trong Thông điệp tôi chỉ ra những nguyên tắc bổ trợ và liên đới liên kết mật thiết với nhau. Và sau cùng, đứng trước những vấn đề rất rộng lớn và sâu sắc của thế giới ngày nay, tôi lưu ý cần có một cơ quan Công Quyền chính trị cấp quốc tế, được điều hành bởi pháp luật, quan tâm tới những nguyên tắc bổ trợ và liên đới đã nói trên đây, và hướng đến thực hiện công ích cách kiên định, trong sự tôn trọng các truyền thống luân lý và tôn giáo lớn của nhân loại.

Phúc Âm nhắc chúng ta nhớ rằng con người không chỉ sống nhờ cơm bánh: những khát khao sâu thẳm của con tim chúng ta không thể được lấp đầy chỉ bằng những phúc lợi vật chất. Thế giới của con người chắc chắn cao, rộng, và sâu hơn nhiều. Bởi thế, mọi chương trình phát triển phải quan tâm tới không những gia tăng đời sống vật chất mà con phải làm tăng trưởng đời sống tâm linh của con người, vốn là kẻ được trao ban cả thân xác và linh hồn, nữa. Đó là sự phát triển toàn diện mà học thuyết xã hội của Giáo Hội thường tham chiếu đến. Là sự phát triển có tiêu chuẩn định hướng của mình nằm ở nơi sức mạnh của “bác ái trong chân lý”.

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy cầu nguyện để Thông điệp này cũng giúp cho nhân loại cảm thấy mình là một gia đình duy nhất luôn bận tâm xây dựng một thế giới công bằng và hòa bình. Chúng ta hãy cầu nguyện cho các tín hữu đang làm việc trong các lãnh vực kinh tế và chính trị cảm thấy chứng từ Phúc Âm của họ khi phục vụ cho xã hội quan trọng như thế nào. Đặc biệt, tôi mời gọi anh chị em hãy cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo các quốc gia hay các chính phủ của khối G8 đang gặp gỡ nhau trong những ngày này tại Aquila. Để từ cuộc gặp gỡ thượng đỉnh này họ có thể rút ra được những quyết định và định hướng ích lợi cho sự phát triển của tất cả các dân tộc, nhất là những dân tộc nghèo nhất. Xin phó dâng những ý hướng này cho Đức Maria, Mẹ của Giáo hội và Mẹ của nhân loại, xin Mẹ khẩn cầu cho chúng con.

(Theo Zenit)

Lm. Louis Nguyễn Anh Tuấn chuyển ngữ