Đây là Cửa Thánh cuối cùng của bốn Đền thờ Giáo hoàng được mở trong Năm Thánh 2025. Nghi thức bắt đầu với những lời của Thánh Vịnh 122: "Vui dường nào khi thiên hạ bảo tôi: 'Ta cùng trẩy lên đền thánh Chúa!'"... 


Sau lời nguyện, Đức Hồng y chủ tế đã đến gần Cửa Thánh và đọc: "Hỡi cửa công chính hãy mở cho tôi vào, để tôi vào tạ ơn Thiên Chúa" và mở Cửa Thánh. Sau khi cầu nguyện trong giây lát, ngài cùng cộng đoàn Dòng Biển Đức tại đan viện Thánh Phaolô và một số đại diện dân Chúa cùng bước qua Cửa Thánh, tiến về bàn thờ chính, trong khi ca đoàn hát bài Thánh ca "Những người hành hương hy vọng", là Thánh ca Năm Thánh 2025.

Vui mừng và hy vọng

Trong bài giảng, nhắc lại Thánh vịnh 122, Đức Hồng y James Harvey chia sẻ về niềm vui và niềm hy vọng, hai yếu tố đi đôi với nhau trong phụng vụ mở Cửa Thánh. Ngài nói: "Vui mừng bởi vì Đấng Cứu Thế đã sinh ra; hy vọng bởi vì Chúa Kitô là niềm hy vọng của chúng ta!". Ngài giải thích rằng niềm vui là đặc tính của mùa Giáng Sinh khi chúng ta chiêm ngắm kế hoạch diệu kỳ của Thiên Chúa, khi chúng ta được trở thành con Thiên Chúa nhờ Chúa Giêsu Kitô. Thiên Chúa Nhập Thể không chỉ để ở giữa chúng ta nhưng còn vì mỗi người chúng ta, để thông ban sự sống của Người cho chúng ta, để chúng ta được kết hiệp mật thiết với Chúa Cha. Vui mừng vì chúng ta được cứu độ nhờ Chúa Giêsu Kitô. Chúa Cha giàu lòng thương xót đã sai Con của Người đến cứu độ chúng ta. Chúa Con đã khiêm nhường đón nhận cái chết trên thập giá để xóa tội trần gian và cho chúng ta bước vào chiều kích của "niềm hy vọng ân phúc", trong lời hứa về sự sống đời đời.

Với đức tin, đi qua Cửa Thánh là đi vào lòng thương xót và tha thứ

Đức Hồng y nhấn mạnh rằng việc mở Cửa Thánh đánh dấu con đường cứu độ được Chúa Kitô mở ra bằng sự nhập thể, cái chết và phục sinh của Người và bằng việc mời gọi mọi thành phần của Giáo hội hòa giải với Thiên Chúa và tha nhân. Do đó, ngài lưu ý, "Đi qua Cửa Thánh Đền thờ này, với đức tin, chúng ta đi vào lòng thương xót và tha thứ, ... để con đường hy vọng không làm thất vọng được mở ra cho mỗi người (xem Rm 5,5)".

Những ai hy vọng sẽ sống khác đi, bởi vì họ đã được ban sự sống mới

Tiếp tục bài giảng, Đức Hồng y Giám quản Đền thờ Thánh Phaolô nói rằng thế giới hiện nay cần hy vọng biết bao, đặc biệt là sau đại dịch, giữa bao thương tích của chiến tranh và khủng hoảng môi trường thiên nhiên. Hy vọng là điều kết nối với tương lai nhưng chúng ta có thể cảm nghiệm nó trong hiện tại. Bởi vì, như Đức cố Giáo hoàng Biển Đức viết trong Thông điệp "Spe salvi", "hy vọng Kitô giáo mang lại một chiều kích nguyên thủy trong tương quan giữa hiện tại và tương lai". Với ơn cứu độ trong Chúa Giêsu, "chúng ta được ban một niềm hy vọng đáng tin và nhờ đó chúng ta có thể đối mặt với hiện tại; cho dù là một hiện tại vất vả mệt mỏi cũng có thể được sống, được chấp nhận, nếu nó dẫn đến một đích điểm và nếu chúng ta có thể chắc chắn về đích điểm này, nếu đích điểm này thật quan trọng để có thể lý giải cho vất vả của chúng ta trên hành trình.

Tin mừng của Kitô giáo chính là lời loan báo về một thực tại đã được hiện thực: Chúa Giêsu Kitô, đã chết, đã sống lại và được tôn vinh, là niềm hy vọng của chúng ta. Đức Biển Đức XVI viết: "Cảnh cửa tăm tối của thời gian, của tương lai, đã được mở rộng. Những ai hy vọng sẽ sống khác đi, bởi vì họ đã được ban sự sống mới" (Spe salvi, 1-2).

Hy vọng dựa trên lòng trung thành của Thiên Chúa với lời hứa của Người

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng nói về hy vọng trong các bài giáo lý gần đây. Ngài giải thích: "Hy vọng không phải là một từ ngữ sáo rỗng, hay là một ao ước mơ hồ của chúng ta rằng mọi sự sẽ tốt hơn. Ngược lại, hy vọng là một điều chắc chắn, bởi vì được dựa trên sự trung thành của Thiên Chúa với lời hứa của Người". Ngài nói thêm rằng hy vọng được Thiên Chúa ban và được Người bảo đảm. Nó không phải là nhân đức thụ động, nhưng là nhân đức tích cực giúp tạo nên sự thành công. Hy vọng là một nhân đức siêu nhiên và chính Chúa Thánh Thần là nguồn mạch của niềm hy vọng Kitô giáo.

Đón nhận Năm Thánh với lòng thống hối, hoán cải và tha thứ

Cuối cùng, Đức Hồng y Harvey nhắc lại rằng Năm Thánh 2025 mời gọi chúng ta trở thành những người hành hương, như cộng đoàn Kitô hữu hai ngàn năm trước đi trên các nẻo đường thế giới loan báo về Chúa Kitô Phục Sinh. Ngài mời gọi các tín hữu Roma đón tiếp các tín hữu hành hương từ mọi nơi và sống Năm Thánh như một món quà ân sủng, thống hối, hoán cải và tha thứ tội lỗi. Để qua kinh nghiệm này, Giáo hội mời gọi mỗi tín hữu hành hương bắt đầu hành trình thiêng liêng theo bước chân đức tin. Giáo hội hy vọng rằng hành trình này sẽ thắp lại ngọn đuốc hy vọng trong lòng mọi người.

Hy vọng - món quà đẹp nhất Giáo hội có thể trao cho nhân loại

Đức Hồng y kết thúc bài giảng bằng cách nhắc lại rằng chúng ta không được chỉ thỏa mãn với việc có niềm hy vọng, nhưng cũng tỏa ra hy vọng, là người gieo hy vọng. Đó chắc chắn là món quà đẹp nhất mà Giáo hội có thể trao tặng tới toàn thể nhân loại, đặc biệt là vào thời điểm này trong lịch sử của nhân loại (Đức Thánh Cha Phanxicô, Bài giáo lý trong buổi Tiếp kiến chung thứ Tư ngày 11 tháng 12 năm 2024).

Nguồn: vaticannews.va/vi