Chỉ 48 giờ sau khi một lệnh ngừng bắn mong manh được tuyên bố giữa Iran và Israel, Đức Hồng y Dominique Mathieu, Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Tehran-Isfahan, đã chia sẻ kinh nghiệm của ngài về cuộc xung đột kéo dài 12 ngày vừa qua qua một cuộc phỏng vấn độc quyền với I.MEDIA. Ngài mô tả giai đoạn đầy căng thẳng và bất định, được ghi dấu bằng lời cầu nguyện, sự cô đơn gần như tuyệt đối và nhận thức luôn hiện hữu rằng hòa bình vẫn còn rất xa vời.
Được bổ nhiệm vào năm 2021, vị hồng y 62 tuổi người Bỉ, dòng Phanxicô, không hề có sự bảo vệ đặc biệt nào trong thời gian chiến sự. Tuy nhiên, ngài vẫn tiếp tục các bổn phận thiêng liêng, bao gồm việc cử hành Thánh lễ và cầu nguyện cùng một sinh viên y khoa người Phi Châu mà ngài đón nhận vào nhà sau khi một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái làm hư hại ký túc xá của sinh viên.
Đức Hồng y (Đức Hồng y) cảm thấy thế nào sau cuộc xung đột?
ĐHY Mathieu: Chúng tôi vừa trải qua 12 ngày chiến tranh bất đối xứng, lại càng thêm phức tạp bởi sự can thiệp của bên thứ ba. Lệnh ngừng bắn chúng tôi đang có thật mong manh - nó được xây dựng trên nguyên tắc răn đe, chứ không phải của bất kỳ cuộc đàm phán thực sự nào. Chúng tôi còn rất xa với sự tôn trọng hoặc tin tưởng lẫn nhau. Hiện tại, việc hòa giải thậm chí còn chưa được đặt lên bàn thảo luận. Trọng tâm vẫn là vấn đề quyền tự vệ, thậm chí là đòn phủ đầu. Hòa bình vẫn chưa hé mở.
Cuộc sống hằng ngày trong thời gian xung đột như thế nào và tâm trạng ở Tehran hiện nay ra sao?
ĐHY Mathieu: Mỗi ngày đều phụ thuộc vào thời điểm xảy ra các đợt tấn công và phản công, thường đồng nghĩa với việc không ngủ vào ban đêm. Tôi cử hành Thánh lễ bất cứ khi nào có một vài tín hữu Công giáo vẫn còn trụ lại trong thành phố có thể đến tham dự. Các bữa ăn và giờ Kinh Phụng vụ đều phải linh động. Mỗi buổi tối, tôi và cậu sinh viên đang ở với tôi dành một giờ chầu Thánh Thể, để cầu nguyện cho hòa bình - cho thế giới và cho tâm hồn chúng ta.
Chúng tôi không có nơi trú ẩn, không có còi báo động. Chúng tôi theo dõi từ trên mái nhà để xem quận nào bị đánh trúng, kiểm tra mạng xã hội khi có thể, gọi cho bạn bè, và lắng nghe thật kỹ bất kỳ âm thanh nào có thể là cảnh báo về một cuộc tấn công mới.
Bây giờ, khi lệnh ngừng bắn được duy trì trong hai ngày qua, một nửa dân số từng sơ tán đang quay trở lại. Những đường phố từng vắng bóng người giờ lại nhộn nhịp - như thể chẳng có chuyện gì từng xảy ra.
Là một Hồng y tại Iran, lãnh đạo một cộng đoàn Công giáo Latinh nhỏ bé trong bối cảnh loạn lạc như thế có ý nghĩa gì?
ĐHY Mathieu: Trong bóng tối của chiến tranh, khi bạo lực dường như thắng thế, Đức Kitô nhắc nhở chúng ta rằng sự cao cả đích thực nằm ở việc phục vụ tha nhân và hy sinh. Vai trò của tôi trở nên sâu sắc hơn - là một lời mời gọi làm chứng cho tình yêu của Thiên Chúa ngay trong tâm điểm của xung đột.
Đây không chỉ là một sự dâng hiến cá nhân, mà là sự đáp lại lời của chính Chúa Giêsu: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15:13). Tình yêu ấy được thể hiện qua việc đón tiếp một người đang cần giúp, hỗ trợ các tín hữu bị cô lập, và cầu nguyện liên lỷ cho hòa bình.
Đây không phải là sự hy sinh vô nghĩa. Nó là dấu chỉ của niềm hy vọng. Khi chúng ta ở gần những ai đang đau khổ, chúng ta trở thành khí cụ bình an. Ngay giữa đổ nát, lòng trắc ẩn vẫn có thể thắng thế. Vĩ đại không hệ tại ở quyền lực hay sự giàu sang - mà là ở việc chọn yêu thương, ngay cả trong những lúc gian khó nhất.
Đức Hồng y từng tham gia mật nghị bầu chọn Đức Thánh Cha Lêô XIV. Thông điệp đầu tiên của Đức Thánh Cha tập trung vào hòa bình. Trong một thế giới ngày càng rơi vào tình trạng mà Đức Thánh Cha Phanxicô gọi là “chiến tranh thế giới thứ ba diễn ra từng phần”, Giáo hội có thể đóng vai trò gì?
ĐHY Mathieu: Trong thời đại vũ trang quá mức và ngoại giao trở nên mờ nhạt, Giáo hội cần thể hiện điều mà Đức Thánh Cha Lêô XIV gọi là một “nền hòa bình phi vũ trang và giải trừ vũ khí.” Đây không phải là một nền hòa bình áp đặt hay chinh phục - mà là nền hòa bình xoa dịu và mời gọi.
Ngoài việc dỡ bỏ vũ khí, Hội thánh cần giúp vun đắp sự bình an nội tâm - thông qua cầu nguyện, lòng trắc ẩn và đối thoại. Chúng ta được kêu gọi thúc đẩy hòa giải, công bình và bác ái, để xây dựng một tương lai trong đó phẩm giá con người và sự tha thứ ngự trị.
Sức mạnh của Giáo hội nằm ở đó: trong việc giải trừ vũ khí tâm hồn, và chỉ cho thấy một nền hòa bình đích thực và lâu dài.
* Iran hiện có dân số hơn 80 triệu người, trong đó khoảng 2.000 tín hữu thuộc nghi lễ Latinh.
Hình: © PAOLO GALOSI / Siciliani
Tri Khoan
Chuyển ngữ từ: aleteia (27/6/2025)