ĐTC Phanxicô khuyến khích các Kitô hữu đọc Lời Chúa
ĐTC Phanxicô khuyến khích các Kitô hữu đọc Lời Chúa
Đức Thánh Cha
khuyến khích các tín hữu đọc và lắng nghe Lời Chúa để nghe tiếng Chúa mời gọi
sám hối thay đổi đời sống mỗi ngày, để Lời Chúa đưa chúng ta ra khỏi bóng tối
và bước vào ánh sáng.
Sáng Chúa Nhật 26/01/2020, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành Thánh lễ tại đền thờ thánh Phêrô nhân ngày Chúa Nhật Lời Chúa lần thứ nhất. Trước khi bắt đầu Thánh lễ, Đức Thánh Cha đã tôn kính thi hài thánh Timôthê được đặt gần bàn thờ nhân dịp thánh tích được đưa về Roma trong Tuần lễ cầu cho sự hiệp nhất các Kitô hữu.
Trong bài giảng,
Đức Thánh Cha tập trung vào sứ vụ rao giảng của Chúa Giêsu. Người là Lời của
Thiên Chúa, đến trần gian để nói với chúng ta bằng lời và cuộc sống của Người.
Đức Thánh Cha giải thích 3 điểm: cách thế, nơi chốn và đối tượng của lời rao
giảng của Chúa Giêsu.
Sứ điệp đầu tiên, mới mẻ: Thiên Chúa đã bước xuống,
đến gặp gỡ chúng ta
Cách thế của Chúa:
Chúa Giêsu bắt đầu bằng một lời mời gọi đơn giản: “Anh em hãy sám hối vì Nước
Trời đã gần đến” (c.17). Đây là điều căn bản trong các lời giáo huấn của Người.
Nước Trời là Nước Thiên Chúa, Nước Trời đến gần nghĩa là Thiên Chúa đến gần.
Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Đây là điều mới mẻ, sứ điệp đầu tiên: Thiên Chúa
không ở xa, Đấng ở trên trời đã xuống trần gian, đã làm người. Người xóa bỏ các
rào cản, các khoảng cách. Chúng ta không xứng đáng với điều đó. Người đã bước
xuống, đến gặp gỡ chúng ta.”
Đức Thánh Cha nói
tiếp: “Đây là sứ điệp vui mừng: Thiên Chúa đã đến viếng thăm con người bằng
cách nhập thể làm người. Người không mang lấy thân phận con người vì trách
nhiệm nhưng vì tình yêu... Người mong ước ở cùng chúng ta, ban cho chúng ta sự
xinh đẹp của cuộc sống, bình an của tâm hồn, niềm vui được tha thứ và cảm thấy
được yêu thương.”
Hoán cải: không còn sống cho mình nhưng sống cho Chúa và
tha nhân
Như thế chúng ta
hiểu được lời Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hoán cải và thay đổi đời sống. Thay
đổi đời sống là bắt đầu cách sống mới: không còn sống cho chính mình nhưng là
sống với Thiên Chúa và cho Thiên Chúa, với tha nhân và vì tha nhân, với tình
yêu và vì tình yêu. Đức Thánh Cha giải thích: “Vì thế Chúa ban cho chúng ta Lời
Người để chúng ta đón nhận như lá thư tình được viết cho chúng ta và giúp chúng
ta cảm nhận Người ở bên cạnh chúng ta. Lời Chúa an ủi và khích lệ nhưng đồng
thời cũng mời gọi hoán cải, giải thoát chúng ta khỏi bị tê liệt bởi tính ích kỷ
cá nhân. Bởi vì Lời Chúa có sức mạnh thay đổi đời sống, giúp vượt qua miền u
tối đến với ánh sáng.” Đây là sức mạnh của Lời Chúa.
Thiên Chúa không ngại khám phá tâm hồn chúng ta
Điểm thứ hai Đức
Thánh Cha nhấn mạnh là Chúa Giêsu bắt đầu rao giảng từ vùng u tối, từ vùng
Galilê của dân ngoại, là nơi sinh sống của những người khác nhau và nó là một
hỗn hợp thực sự của các dân tộc, ngôn ngữ và văn hóa. Đó là nơi các ngư phủ,
thương gia và dân ngoại sinh sống, không phải là nơi thuần túy Do thái giáo.
Nhưng Chúa Giêsu đã bắt đầu từ đó, không phải từ tiền đình đền thờ Giêrusalem
nhưng là ở vùng dân ngoại, vùng ngoại biên của người Do Thái. Từ đó Đức Thánh
Cha nhận định: “Lời cứu độ không tìm những nơi dành riêng, an toàn, nhưng đến
với sự phức tạp và trong bóng tối của chúng ta. Như khi xưa, ngày nay Chúa mong
muốn viếng thăm nơi mà chúng ta nghĩ Người không đến. Bao nhiêu lần chúng ta
muốn đóng kín cửa, muốn che dấu các vấn đề, dấu nó trong lòng, rồi đi gặp Chúa
bằng cầu nguyện, cố gắng để sự thật của Người không đánh động nội tâm của chúng
ta. Và Đức Thánh Cha khẳng định, như trong Tin Mừng, Chúa đi khắp vùng Galilê
thì Người cũng không ngại khám phá tâm hồn chúng ta, những nơi cay đắng và khó
khăn nhất. Chúa biết chỉ có sự tha thứ của Người chữa lành chúng ta, chỉ có sự
hiện diện của Người biến đổi chúng ta, chỉ có Lời Người canh tân chúng ta. Và
Đức Thánh Cha mời gọi: hãy mở những con đường quanh co nhất của chúng ta để Lời
Chúa đi vào.
Được tình yêu của Chúa hấp dẫn
Cuối cùng, Đức
Thánh Cha lưu ý rằng, những người đầu tiên đón nhận lời Chúa Giêsu giảng dạy là
những người đánh cá, những người không được chọn theo điều kiện khả năng hay
đạo đức, nhưng là những người lao động. Người gọi họ từ cuộc sống của họ, nơi
họ ở và như chính họ là, để tham gia vào sứ mạng của Người. Và họ ngay lập tức
bỏ lưới theo Người, bởi vì họ bị thu hút bởi tình yêu. Đức Thánh Cha nói: “Để
theo Chúa Giêsu, những việc làm tốt thôi chưa đủ, còn cần lắng nghe lời mời gọi
của Người mỗi ngày. Chỉ có Người, Đấng biết và yêu chúng ta tận thẳm sâu, giúp
chúng ta bước ra biển đời. Do đó chúng ta cần lắng nghe Lời Chúa giữa hàng ngàn
tiếng nói mỗi ngày, chỉ có Lời Chúa không nói với chúng ta những sự kiện nhưng
về sự sống.
Mỗi ngày hãy đọc cẩn thận vài câu Kinh Thánh
Đức Thánh Cha kết
thúc bài giảng bằng lời mời gọi “hãy dành chỗ cho Lời Chúa! Mỗi ngày hãy đọc
cẩn thận vài câu Kinh Thánh.” Và ngài khuyên chúng ta luôn có Kinh Thánh bên
cạnh, trên ghế bành ở nhà, trong túi áo, trên điện thoại. Hãy để Lời Chúa linh
hứng cho chúng ta. Chúng ta sẽ khám phá rằng Thiên Chúa ở gần chúng ta, chiếu
sáng bóng đêm của chúng ta, dẫn dắt chúng ta bằng tình yêu.
Trao sách Kinh Thánh
Cuối Thánh lễ Đức
Thánh Cha đã trao sách Kinh Thánh cho 40 người đại diện cho các hoàn cảnh sống
khác nhau, từ các giám mục đến linh mục, từ các tín hữu Công giáo đến tín hữu
các hệ phái Kitô giáo khác, từ giáo lý viên đến những người tình nguyện, từ
hiến binh đến lính Thụy Sĩ, từ cảnh sát đến quân cảnh, từ bác sĩ đến y tá,
người già, người khuyết tật, vv. Các tín hữu tham dự Thánh Lễ cũng được nhận
mỗi người một cuốn Kinh Thánh.
Hồng Thủy
Nguồn: Vatican News Tiếng Việt
- Đức Thánh Cha Phanxicô: Nói không với kinh tế loại bỏ người khác ( 05/06/2023)
- Đức Thánh Cha sẽ viếng thăm Mông Cổ từ ngày 31/8 đến 4/9/2023 ( 04/06/2023)
- Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha Tháng 06/2023: Cầu nguyện để việc tra tấn bị loại bỏ ( 31/05/2023)
- Trực tiếp Buổi Tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha lúc 14 giờ 50 thứ Tư 31.05.2023 ( 31/05/2023)
- Ngày 31/5/2023 - Ngày cầu nguyện xin Mẹ Thiên Chúa đồng hành với Thượng Hội đồng ( 30/05/2023)
- Bộ Truyền thông công bố tài liệu suy tư mục vụ về việc Kitô hữu tương tác với truyền thông xã hội ( 30/05/2023)
- “Hướng đến sự hiện diện toàn diện”: Một văn kiện để chống lại “chế độ thuật toán trị” ( 30/05/2023)
- Đức Hồng y Zuppi: Chiến tranh là đại dịch ( 25/05/2023)
- Họp báo chuẩn bị Đại hội Thánh Thể Quốc tế 2024 tại Ecuador ( 25/05/2023)
- Các Giám mục Philippines kêu gọi hành động “nghiêm túc” chống khủng hoảng khí hậu ( 23/05/2023)