DIỄN VĂN CỦA ĐTC VỚI CÁC GIÁM MỤC,
LINH MỤC, TU
SĨ VÀ GIÁO LÝ VIÊN HY LẠP
Vatican News (04.12.2021) - Trong bài nói chuyện với các Giám mục, Linh mục, Tu sĩ nam nữ, Chủng sinh, Giáo lý viên của Hy Lạp, Đức Thánh Cha nhắn nhủ họ về hai thái độ: tin tưởng vững vàng và đón nhận.
Diễn văn của Đức Thánh Cha Phanxicô
với các Giám mục, Linh mục, Tu sĩ nam nữ, Chủng
sinh, Giáo lý viên của Hy Lạp
Nhà thờ Chính tòa thánh Diônisiô
Thứ Bảy 04/12/2021
Quý hiền huynh Giám
mục,
Quý Linh mục, Tu sĩ
nam nữ, Chủng sinh,
Quý anh chị em thân
mến, kaliméra sas! (chào anh chị em)
Tôi chân thành cảm
ơn anh chị em về sự tiếp đón và những lời chào mừng của Đức cha Rossolatos dành
cho tôi. Và tôi cảm ơn sơ (Maria) về chứng từ của sơ: điều quan trọng là các tu
sĩ nam nữ phục vụ với tinh thần này, với một tình yêu nồng nhiệt trở thành quà
tặng cho cộng đoàn mà họ được gửi đến. Xin cám ơn! Cũng xin cám ơn ông Rokos về
chứng tá đức tin tuyệt vời trong gia đình, trong đời sống hàng ngày, cùng với
các con cái, những người mà, như rất nhiều người trẻ, một lúc nào đó bắt đầu
thắc mắc, tự hỏi, và hơi phê bình chỉ trích một số điều. Nhưng điều đó cũng
không sao, bởi vì nó giúp chúng ta, như là một Giáo hội, suy tư và thay đổi.
Tôi rất vui được
gặp anh chị em ở một vùng đất, nơi là quà tặng, là di sản của nhân loại, trên
đó, các nền tảng của phương Tây đã được xây dựng. Tất cả chúng ta đều là những
người con và những người mắc nợ đất nước các bạn: nếu không có thơ ca, văn học,
triết học và nghệ thuật được phát triển ở đây, chúng ta sẽ không thể biết nhiều
khía cạnh của cuộc sống của con người, cũng như không thể trả lời nhiều câu hỏi
nội tâm về cuộc sống, về tình yêu, về nỗi đau và sự chết.
Vào buổi bình minh
của Kitô giáo, di sản phong phú này đã làm nảy sinh một cuộc hội nhập văn hóa
của đức tin, được thực hiện, như trong một “phòng thí nghiệm”, nhờ sự khôn
ngoan của nhiều Giáo phụ trong đức tin, những người bằng lối sống thánh thiện
và các tác phẩm của họ vẫn là hải đăng cho các tín hữu ở mọi thời đại. Nhưng
nếu chúng ta tự hỏi: ai là người đã khởi đầu cuộc gặp gỡ giữa Kitô giáo sơ khai
và nền văn hóa Hy Lạp, thì ngay lập tức chúng ta nghĩ đến thánh Tông đồ Phaolô.
Chính ngài là người tổng hợp hai thế giới đó. Ngài đã làm điều đó ngay tại đây,
như sách Công vụ tông đồ kể lại: Ngài đến Athens, bắt đầu rao giảng tại các
quảng trường thành phố và một số triết gia đã đưa ngài đến Hội đồng Arêôpagô (Cv
17,16-34), đó là hội đồng các trưởng lão và các học giả, những người có trách
nhiệm đánh giá các vấn đề được công chúng quan tâm. Chúng ta hãy dừng lại và
suy tư về sự việc này. Như là Giáo hội, chúng ta có thể được hướng dẫn trong
cuộc hành trình của chúng ta nhờ hai thái độ của thánh Tông đồ; những thái độ
này có thể cho thấy chúng hữu ích cho nỗ lực hiện tại của chúng ta trong
việc hội nhập văn hóa đức tin.
Tin tưởng chắc
chắn
Thái độ đầu tiên
là tin tưởng chắc chắn. Khi thánh Phaolô giảng, một số triết gia
bắt đầu tự hỏi tên “lừa gạt” này đang muốn nói gì (câu 18). Họ gọi ngài là kẻ
phỉnh gạt: một kẻ bịa chuyện, lợi dụng lòng tin của người nghe. Vì vậy, họ đã
đưa ngài đến Hội đồng Arêôpagô. Chúng ta đừng tưởng tượng rằng họ chỉ đơn giản
là đưa ngài đến một nơi để giảng dạy. Ngược lại, họ đưa ngài đến đó để tra hỏi:
“Chúng tôi có thể biết thứ đạo lý mới ông dạy là gì không? Thực là ông có đem
đến cho chúng tôi một số điều lạ tai; vậy chúng tôi muốn biết những điều
đó nghĩa là gì?” (các câu 19-20). Tóm lại, thánh Phaolô bị kiểm tra.
Khía cạnh này của
sứ mạng của thánh Phaolô tại Hy Lạp có thể dạy chúng ta một bài học quan trọng
ngày nay. Thánh Tông Đồ bị chèn ép dữ dội. Trước đó không lâu, tại Thêsalônica,
ngài đã bị ngăn cản không cho rao giảng; vì tình trạng hỗn loạn do các đối thủ
gây nên, ngài phải bỏ trốn khỏi thành phố vào ban đêm. Giờ đây, khi đến Athens,
ngài đã bị xem là kẻ phỉnh gạt và đưa đến Hội đồng Arêôpagô như một vị khách
không mời mà đến. Đây không phải là khoảnh khắc chiến thắng đối với thánh
Phaolô. Người đang thực hiện sứ vụ trong một hoàn cảnh khó khăn. Có lẽ, nhiều
khi trên hành trình, chúng ta cũng cảm thấy mệt mỏi và thậm chí thất vọng vì là
một cộng đồng nhỏ bé, một Giáo hội với ít nguồn lực hoạt động trong một môi
trường không phải lúc nào cũng thuận lợi. Hãy nghĩ về thánh Phaolô ở Athens.
Ngài đơn độc, thuộc nhóm thiểu số, không được chào đón và có rất ít cơ hội
thành công. Nhưng ngài không để mình bị sự nản lòng khuất phục. Ngài đã không
từ bỏ sứ vụ của mình. Ngài cũng không chiều theo cám dỗ muốn phàn nàn. Đó là
thái độ của một Tông đồ chân chính: tin tưởng tiến về phía trước, yêu thích sự
bất trắc của những tình huống bất ngờ hơn là sự tự mãn đến từ sức mạnh của thói
quen. Thánh Phaolô đã có dũng khí đó. Điều này xuất phát từ đâu? Từ sự tin
tưởng vững chắc vào Thiên Chúa. Đó là lòng can đảm phát sinh từ sự tin tưởng
vào Thiên Chúa, Đấng yêu thích hoàn thành những điều vĩ đại thông qua sự thấp
hèn của chúng ta.
Anh chị em thân
mến, chúng ta hãy có cùng niềm tin tưởng vững vàng ấy, bởi vì là một Giáo hội
nhỏ bé khiến chúng ta trở thành dấu chỉ hùng hồn của Tin Mừng, về Thiên Chúa
được Chúa Giêsu rao truyền, Đấng đã chọn những người nghèo hèn, Đấng thay đổi
lịch sử bằng những việc làm đơn sơ tầm thường. Là Giáo hội, chúng ta không được
kêu gọi để có tinh thần chinh phục và chiến thắng, những con số ấn tượng hay sự
vĩ đại của thế gian. Tất cả điều này thật nguy hiểm. Nó có thể cám dỗ chúng ta
tìm chủ nghĩa chiến thắng. Chúng ta được yêu cầu lấy cảm hứng từ hạt cải, loại
hạt có vẻ không đáng kể, nhưng phát triển từ từ và âm thầm. Chúa Giêsu nói với
chúng ta: “Nó là hạt nhỏ nhất trong tất cả các hạt giống, nhưng khi lớn lên nó
lại là thứ lớn nhất, và trở thành cây to” (Mt 13,32). Chúng ta được yêu cầu trở
nên men, một cách kiên nhẫn và âm thầm, làm khối bột dậy men, ẩn mình trong bột
thế gian, nhờ sự hoạt động không ngừng của Chúa Thánh Thần (Mt 13,33). Mầu
nhiệm của Nước Thiên Chúa nằm trong những điều nhỏ bé, thường âm thầm và không
ai nhìn thấy. Tông đồ Phaolô, tên ngài có nghĩa là “bé nhỏ”, đã sống trong sự
tin cậy vững chắc, vì ngài đã ghi nhớ những lời Phúc âm đó trong lòng và biến
chúng thành bài học cho các tín hữu thành Côrintô: “Sự yếu đuối của Thiên Chúa
còn hơn sự mạnh mẽ của loài người”; “Thiên Chúa đã chọn những gì yếu đuối trên
thế gian để hạ nhục những kẻ hùng mạnh” (1Cr 1:25, 27).
Vì vậy, anh chị em
thân mến, tôi xin nói với anh chị em điều này: hãy xem sự nhỏ bé của mình là
một phúc lành và sẵn sàng chấp nhận nó. Nó giúp anh chị em tín thác vào Chúa và
chỉ một mình Chúa. Là một thiểu số - và đừng quên rằng Giáo hội trên toàn thế
giới là một thiểu số - không có nghĩa là tầm thường, mà là tiến gần hơn đến con
đường được Chúa yêu thích, đó là con đường của sự nhỏ bé: của "kenosis" (mầu
nhiệm tự huỷ), tự hạ, hiền lành. Chúa Giêsu đã xuống thế, thậm chí ẩn mình
trong sự yếu đuối của con người chúng ta và những vết thương trên thân xác
chúng ta. Người đã cứu độ chúng ta bằng cách phục vụ chúng ta. Như thánh Phaolô
đã nói với chúng ta, “Người đã trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ” (Pl
2,7). Chúng ta có thể thường xuyên bị ám ảnh bởi những hình thức và dáng vẻ bên
ngoài, nhưng “Nước Thiên Chúa không đến với những dấu chỉ có thể quan sát được”
(Lc 17,20). Chúng ta hãy giúp nhau củng cố lòng tin cậy vào hoạt động của Thiên
Chúa, và đừng đánh mất lòng nhiệt thành phục vụ. Hãy vững lòng, kiên trì!
Chấp nhận
Bây giờ tôi muốn
nêu bật thái độ thứ hai được thánh Phaolô thể hiện trước Hội đồng Arêôpagô; đó
là sự chấp nhận, một tính cách nội tâm cần thiết cho việc truyền
giảng Tin Mừng. Một thái độ chấp nhận không cố gắng chiếm chỗ và cuộc sống của
người khác, nhưng để gieo tin vui vào mảnh đất cuộc sống của họ; nó học cách
nhận biết và đánh giá cao những hạt giống mà Thiên Chúa đã gieo vào lòng họ
trước khi chúng ta đến. Chúng ta hãy luôn nhớ rằng Thiên Chúa gieo hạt trước
chúng ta. Truyền giáo không phải là đổ đầy một thùng rỗng; nhưng chính là cho
thấy rõ những gì Thiên Chúa đã bắt đầu hoàn thành. Và đây là phương pháp sư
phạm nổi bật mà thánh Tông đồ đã áp dụng với người Athens. Ngài đã không nói
với họ: “Tất cả điều các bạn biết là sai lầm”, hoặc “Bây giờ tôi sẽ dạy bạn sự
thật”. Ngược lại, ngài bắt đầu bằng việc chấp nhận tinh thần tôn giáo của họ:
“Thưa quý vị người Athens, tôi thấy rằng, về mọi mặt, quý vị là người sùng
đạo hơn ai hết. Thật vậy, khi rảo qua thành phố và nhìn lên những nơi thờ
phượng của quý vị, tôi đã thấy có cả một bàn thờ, trên đó khắc chữ:
‘Kính thần vô danh’” (Cv 17,22-23). Thánh Tông đồ tôn trọng những người
nghe mình và hoan nghênh lòng sùng đạo của họ. Mặc dù các đường phố ở Athens
đầy những thần tượng, điều đã khiến ngài “vô cùng đau khổ” (câu 16), thánh
Phaolô nhìn nhận lòng khao khát đối với Thiên Chúa tiềm ẩn trong tâm hồn của
những người đó, và muốn nhẹ nhàng chia sẻ với họ món quà đức tin tuyệt vời.
Ngài không áp đặt; ngài đề nghị. “Phong cách” của ngài không dựa trên việc
chiêu dụ tín đồ, mà dựa trên sự hiền lành của Chúa Giêsu. Điều này có thể có là
nhờ thánh Phaolô có cái nhìn thiêng liêng về thực tế. Ngài tin rằng Chúa Thánh
Thần hoạt động trong lòng con người, ở trên và vượt qua những nhãn hiệu tôn
giáo. Chúng ta đã nghe thấy điều này trong chứng từ của Rokos. Vào một lúc nào
đó, các trẻ em rời xa việc thực hành tôn giáo, nhưng Chúa Thánh Thần vẫn tiếp
tục thực hiện công việc của mình, và do đó các em tin vào sự hiệp nhất, vào
tình huynh đệ với những người khác. Chúa Thánh Thần luôn làm nhiều hơn những gì
chúng ta có thể nhìn thấy từ bên ngoài. Chúng ta đừng quên điều này. Trong mọi
thời đại, thái độ của người tông đồ bắt đầu bằng việc chấp nhận người khác. Vì
“ân sủng giả định một nền văn hóa, và ơn Chúa được thể hiện trong nền văn hóa
của những người lãnh nhận nó” (Evangelii Gaudium, 115).
Khi suy tư về
chuyến đi của thánh Phaolô đến Hội đồng Arêôpagô, Đức Biển Đức XVI lưu ý rằng:
chúng ta phải chú trọng đến những người theo thuyết bất khả tri hoặc vô thần,
nhưng phải cẩn thận bởi vì “khi chúng ta nói về một cuộc truyền giáo mới, có
thể những người này bị hoảng sợ. Họ không muốn coi mình là mục tiêu của việc
truyền giáo, cũng như không muốn từ bỏ quyền tự do tư tưởng và ý chí của mình”
(Diễn văn trước Giáo triều Roma, ngày 21/12/2009). Ngày nay, chúng ta
cũng được yêu cầu trau dồi một thái độ chào đón, một phong cách hiếu khách, một
tấm lòng mong muốn tạo ra sự hiệp thông giữa những khác biệt về con người, văn
hóa và tôn giáo. Thách đố là phát triển niềm đam mê cho toàn thể, điều này có
thể dẫn chúng ta - những người Công giáo, Chính Thống giáo, anh chị em theo các
tín ngưỡng khác - đến việc lắng nghe nhau, mơ ước và làm việc cùng nhau, nuôi
dưỡng “huyền nhiệm” của tình huynh đệ (x. Evangelii Gaudium, 87).
Những nỗi đau trong quá khứ vẫn còn trên con đường hướng tới một cuộc đối thoại
đáng hoan nghênh như vậy, nhưng chúng ta hãy can đảm đón nhận thử thách của
ngày hôm nay!
Anh chị em thân
mến, tại đây trên đất Hy Lạp, thánh Phaolô đã thể hiện sự tin cậy thanh thản
của mình vào Thiên Chúa và điều này khiến ngài cởi mở và chấp nhận những người
trong Hội đồng Arêôpagô đang nghi ngờ ngài. Với tinh thần này, thánh Phaolô đã
loan báo một Thiên Chúa vô danh cho những người nghe ngài. Do đó, ngài đã có
thể trình bày khuôn mặt của một Thiên Chúa, Đấng qua Chúa Giêsu Kitô đã gieo
vào lòng thế giới hạt giống của sự Phục Sinh, quyền phổ quát về hy vọng. Khi
thánh Phaolô công bố tin vui này, hầu hết họ đều cười nhạo ngài và bỏ đi. Tuy
nhiên, “có mấy người đã theo ngài và tin Chúa, trong số đó có
ông Diônisiô, thành viên Hội đồng Arêôpagô và một phụ nữ tên
là Đamari cùng những người khác nữa” (Cv 17,34). Đa số bỏ đi; một số
nhỏ còn lại theo thánh Phaolô, bao gồm cả ông Diônisiô, người mà Nhà thờ này
mang tên. Một số nhỏ sót lại, nhưng đó là cách Thiên Chúa dệt nên những sợi dây
của lịch sử, từ những ngày đó cho đến thời đại của chúng ta. Tôi chân thành cầu
chúc anh chị em tiếp tục công việc trong “phòng thí nghiệm” lịch sử của đức tin
của anh chị em, và làm điều đó với sự giúp đỡ của hai yếu tố này, tin tưởng và
chấp nhận cách chắc chắn, để nếm hưởng Phúc Âm như một kinh nghiệm của niềm vui
và tình huynh đệ. Tôi gần gũi anh chị em trong tình cảm và lời cầu nguyện. Và
tôi xin anh chị em, xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. O Theós na sas
avloghi! [Xin Thiên Chúa chúc lành cho anh chị em!].
Nguồn: vaticannews.va/vi/