Đối với người Công giáo, sự hiện diện của các vị mục tử trong lúc lâm chung là niềm an ủi lớn lao cho họ. Kế đó là sự nâng đỡ khích lệ cho thân nhân của người quá cố với các nghi thức tẩn liệm, canh thức cầu nguyện, thánh lễ an táng và nghi thức phó dâng tại Đất thánh hay Đài hoả táng, được gọi chung là tang lễ Kitô giáo. Việc cử hành tang lễ này mang lại niềm hy vọng, nâng đỡ cho người còn sống là chính.

Virus Corona - sự xa cách ngay trước mặt

Đại dịch Covid-19 lan tràn, gây ra cái chết cho bao nhiêu người. Cái đáng sợ của cơn đại dịch không chỉ là cái chết cô đơn của người bệnh tại bệnh viện mà còn ngay tại tư gia. Thân nhân của người quá cố còn phải giữ khoảng cách để ngăn ngừa sự lây lan của con virus, thì sự hiện diện của vị mục tử là điều không thể, chỉ còn biết nhận tin báo và dâng lễ cầu nguyện.

Đâu là niềm an ủi

Thiên Chúa của chúng ta là Thiên Chúa của niềm an ủi. Và các tang lễ luôn đòi hỏi sự tiếp xúc mục vụ, đồng thời tính chất tang lễ công giáo vốn nhằm cầu nguyện cho linh hồn người đã qua đời, an ủi thân nhân còn sống trong ánh sáng và sức mạnh của niềm tin. Thế nhưng, dịch bệnh tràn lan, sự hiện diện thể lý của vị mục từ không thể thực hiện trong hoàn cảnh tang thương của nhiều gia đình. Đây là nỗi buồn của các mục tử, khi mà ngay cạnh nhà thờ, chỉ vài bước chân thôi mà tôi, một cha sở cũng không làm được gì khác hơn, chỉ biết an ủi rằng xin các gia đình hãy đón nhận nỗi mất mát không những là người thân của họ, mà còn là sự thiệt thòi không có một nghi thức nào khả dĩ được cử hành tại tư gia, và xem những mất mát, thiệt thòi kia như một của lễ hy sinh cuối cùng của cuộc đời trần thế để dâng lên Chúa, với niềm tin và hy vọng Chúa sẽ thương đón nhận linh hồn người quá cố vào hưởng tôn nhan Chúa. Niềm an ủi bước đầu là thế, và là điều có thể làm được trong hoàn cảnh như vậy.

Nỗi niềm ai nào có biết

Các linh mục coi sóc đoàn chiên luôn được nhắc nhở tìm ra những phương thế phù hợp với thời đại, hoàn cảnh để có được những sáng kiến mục vụ giúp cộng đoàn giáo xứ thăng tiến trong đời sống đức tin, nhiệt tình loan báo Tin Mừng, làm chứng cho Chúa. Một cách nào đó, các mục tử chăm sóc đoàn chiên làm sao giữ cho mình điều được gọi là thao thức tông đồ, hay còn gọi là hồn tông đồ. Đó là phương thế để các mục tử giữ được tinh thần phục vụ cộng đoàn của mình. Khi dịch bệnh bùng phát vào tháng 5 năm 2021 và thêm quy định không được tụ tập đông người, nhà thờ tạm ngưng các thánh lễ và sinh hoạt, thì các linh mục chỉ có thể cử hành nghi thức tẩn liệm tại tư gia một lần đó rồi thôi. Sau đó gia đình cứ thế ngậm ngùi đưa tiễn người thân của mình đến nơi an nghỉ cuối cùng. Các cha sở thì dâng lễ một mình và tôi cũng không ngoại lệ. Có lần tôi dâng lễ một mình trong nhà thờ, thì bỗng có cảm giác ai đó đứng sau lưng tôi, tôi mới nhớ ra hai bà cụ gần nhà thờ qua đời mà tôi không thể đến để cử hành bất cứ một nghi thức nào cho các cụ khi dịch bệnh lên đến đỉnh điểm vào tháng 9 năm 2021. Có thể do quá lo lắng về việc mình không thực hiện được bổn phận thiêng liêng của mình chăng nên tôi mới có cái cảm giác kỳ lạ như thế.

Sáng kiến từ cuộc gọi lúc nửa đêm

Từ lâu, những cuộc gọi giữa đêm khuya khiến tôi khá khó chịu, nhất là trường hợp gọi nhầm số. Những cuộc gọi ấy còn đem đến cả nỗi sợ, nhất là từ những người thân, biết đâu là tin buồn. Một lần kia, giữa đêm có một cuộc gọi từ một người quen mà từ lâu tôi chưa gặp lại. “Cha ơi, cha nhớ con không, cậu con qua đời vì Covid, chỉ còn nửa tiếng nữa thôi y tế sẽ xuống và đưa cậu con đi. Gia đình con không biết làm gì. Các cha gần đây không ai đến được. Bỗng con nhớ đến cha, xin cha thương chúc lành cho cậu con lần cuối thôi, gia đình con cám ơn cha”.

Chúc lành cho người quá cố là thế nào? Nghe xong, tôi không biết trả lời thế nào bởi vì nó đặt tôi vào một tình huống khó xử, chưa biết xứ trí thế nào. Tôi trả lời là để tôi suy nghĩ thêm, năm phút sau sẽ gọi lại. Cúp máy xong, tôi ngồi thừ ra đó, suy nghĩ thật nhanh và quyết định dứt khoát. Thế là tôi mặc áo alba, đeo dây các phép và cử hành các nghi thức tẩn liệm, tiễn biệt và nghi thức hoả táng qua cuộc gọi video. Chuẩn bị xong, tôi gọi video cho gia đình người quá cố và cử hành các nghi thức cuối cùng cho người quá cố. Qua hình ảnh trên điện thoại, tôi nhìn thấy gia đình người quá cố, và gia đình họ cũng nhìn thấy tôi.

Một buổi cử hành không kém phần trang nghiêm đã diễn ra trong đêm khuya thanh vắng, vốn đã tĩnh lặng trong những đêm khuya, nay lại thêm tĩnh lặng của một buổi cử hành nghi thức an táng chóng vánh này. Dẫu có những lời thưa đáp vang lên trong điện thoại, nhưng vẫn còn đó sự tĩnh lặng. Sự tĩnh lặng thánh thiêng đến từ ơn phúc và ơn soi sáng của Thiên Chúa, Đấng vẫn luôn đi bước trước và có những sáng kiến để có thể an ủi dân của Chúa.

Khi cử hành xong mọi nghi thức thì đã bước sang giờ thứ nhất của ngày hôm sau. Lúc này giấc ngủ đã trở nên khó khăn hơn với tôi, nhưng tôi cảm thấy một điều gì đó dễ chịu trong tâm hồn. Ít là tôi đã đem niềm an ủi là lời chúc lành như lời cầu xin của gia đình người quá cố. Lời chúc lành đó chính là sự hiện diện cách gián tiếp với gia đình người quá cố, nhưng trên hết là niềm an ủi của Chúa qua các nghi thức cuối cùng dành cho người qua đời, đồng thời thân nhân của họ đón nhận được sự nâng đỡ, ủi an của mục tử. Họ đã không bị bỏ rơi trong hoàn cảnh tang thương ấy.

Tuy nhiên đây là lần đầu tôi cử hành nghi thức tang lễ qua điện thoại mà chưa có sự hướng dẫn nào của Toà Giám mục. Do đó, tôi có phần nào lo lắng liệu việc làm của tôi có hợp pháp và có lợi ích thiêng thiêng không hay chỉ là biểu hiện của một sự mê tín? Đem thắc mắc này hỏi cha giáo là bạn cùng lớp, tôi nhận được sự khích lệ đáng trân trọng. Trong hoàn cảnh cấp bách, và việc cử hành này không trái với phong hóa của Giáo hội, cũng như ý thức hoàn toàn vì lợi ích thiêng liêng cho người tín hữu thì được phép làm. Tôi cũng nhớ ra rằng Đức Thánh Cha vẫn chẳng ban phép lành Toà Thánh cho các tín hữu khắp thế giới qua các phương tiện truyền thông hằng năm đó sao.

Sau cuộc gọi nửa đêm đó, tôi phổ biến hình thức này cho cộng đoàn giáo xứ với cam kết bất kể giờ giấc nào, ngày cũng như đêm tôi sẵn sàng cử hành các nghi thức cho người quá cố. Tôi để sẵn áo alba, dây stola, sách nghi thức trong phòng ở của mình để có thể cử hành nghi thức khi có cuộc gọi đến, tránh mất thời gian chờ đợi. Tôi đã cử hành hai lần vào ban đêm, ba lần ban ngày như thế. Việc cử hành này chấm dứt khi xã hội dỡ bỏ phong toả, mọi người có thể đi lại, thánh lễ trở lại bình thường, các cha sở có thể đến tư gia để cử hành nghi thức trực tiếp cho người quá cố.

Chúng ta có tin vào một Thiên Chúa mà chúng ta không hiểu không?

Khi dịch bệnh tạm lắng xuống, và suy nghĩ lại thời khắc kinh hoàng của dịch bệnh, tôi phần nào nhận ra sự quan phòng yêu thương của Thiên Chúa, một Thiên Chúa vẫn luôn hiện diện nâng đỡ, ủi an dân Chúa. Những câu hỏi đại loại như: tại sao Chúa lại để cho dịch bệnh xảy ra? Tại sao Chúa không can thiệp khi chúng ta kêu cầu trong đau đớn, thậm chí có người sợ hãi thất vọng? Cha James Martin, một linh mục dòng tên người Mỹ đã chia sẻ những suy tư của ngài về mầu nhiệm sự dữ: đối với cha câu trả lời vẫn là không có câu trả lời. Nhưng cha xác tín rằng chúng ta có thể tìm câu trả lời cho đau khổ nơi Chúa Giêsu Kitô. Qua cuộc đời của Chúa Giêsu, người Kitô hữu biết rằng Con Thiên Chúa đã trải nghiệm và biết hết những đau khổ của phận người và chắc chắn Người không bỏ rơi chúng ta. Vấn đề là chúng ta có tin vào một Thiên Chúa mà chúng ta không hiểu không? (James Martin, SJ, Thiên Chúa ở đâu giữa đại dịch, nguồn Internet)

Chúng ta có tin vào một Thiên Chúa mà chúng ta không hiểu không? Đối với người tín hữu bình thường thì niềm tin vào một Thiên Chúa được hiểu đơn giản là sự hiện diện chúc lành rất đơn sơ chân thành qua các nghi thức từ lúc lãnh nhận bí tích Rửa tội, rước lễ lần đầu, Thêm sức, hôn phối, cho đến khi nhắm mắt lìa đời. Đó là bí tích, nhưng cũng là dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa và họ mong ước được lãnh nhận trọn vẹn, đầy đủ với niềm tin Chúa không bỏ rơi họ. Giáo hội qua các cử hành phụng vụ, cách riêng qua các nghi thức tang lễ sau cùng của đời người cũng không nói điều gì khác hơn là Giáo hội không bỏ rơi người nào, ngay cả trong hoàn cảnh khó khăn ngặt nghèo.

Gặp gỡ mọi người trong thực tại của họ

Sáng kiến cử hành nghi thức cuối cùng cho người quá cố qua phương tiện truyền thông là cách tiếp cận mục vụ trong hoàn cảnh mới. Tuy nhiên, trong biến cố này tôi nhận thấy sáng kiến mục vụ mới này khởi đi từ người tín hữu. Một khi sự thành tâm thiện chí và lòng khao khát được kết hợp với Chúa Giêsu thôi thúc, họ sẽ tìm ra phương thế giúp giải quyết vấn đề của họ và giúp các mục tử gặp gỡ người tín hữu trong thực tại của họ. (Truyền thông bằng cách gặp gỡ mọi người trong thực tại của họ - Sứ điệp Truyền thông Xã hội năm 2021)

Trong thực tại của mình, người tín hữu cách này hay cách khác mong ước được gặp Chúa, và Giáo hội là nơi ước mơ của người tín hữu được thực hiện. Giáo hội làm truyền thông không phải ở đâu xa xôi, mà ngay trong thực tại, “dành thời gian ở bên người dân, lắng nghe những câu chuyện của họ và so sánh với thực tế, điều luôn làm chúng ta ngạc nhiên dưới một khía cạnh nào đó” (Trích Sứ điệp Truyền thông Xã hội năm 2021)

Cuộc gọi lúc đêm khuya đã làm cho tôi ngạc nhiên về sự nhạy bén với phương tiện truyền thông, giúp mở ra một phương pháp mục vụ tiếp cận gián tiếp trong một số trường hợp khi không thể trực tiếp gặp gỡ và cử hành các nghi thức cho người quá cố. “Để biết thì chúng ta phải gặp gỡ, cần để cho người đứng trước mặt chúng ta nói, để cho chứng tá của họ đến với chúng ta” (Sứ điệp Truyền thông Xã hội năm 2021).

Tin Mừng như những câu chuyện mới mẻ

Khi tôi lắng nghe tiếng kêu cứu của người giáo dân lúc đêm khuya, tôi còn nhận ra chứng tá niềm tin của họ vẫn còn đó, họ không bỏ cuộc, buông xuôi trước nghịch cảnh, trái lại còn biết vượt lên khó khăn, tìm ra giải pháp giải quyết vấn đề. Và Tin Mừng như những câu chuyện mới mẻ đó vẫn đang được viết lên trong thực tại cuộc sống một cách đáng kinh ngạc như thế (Sứ điệp Truyền thông Xã hội năm 2021). Xin cám ơn chứng tá đức tin của người gọi lúc đêm khuya của ngày hôm ấy. Tiếng gọi lúc đêm khuya sao mà thiêng liêng, bởi đó có thể là tiếng gọi của Thiên Chúa. Như Samuen đã được thầy Hêli nhắc nhớ rằng Chúa đang gọi con đó, thì Samuen đã không bỏ qua tiếng gọi lúc đêm khuya. Samuen đã gặp được Thiên Chúa và lãnh nhận trách nhiệm làm tiên tri cho Chúa.

Tiếng gọi lúc đêm khuya là tiếng gọi an ủi của Thiên Chúa. Tiếng gọi lúc đêm khuya khơi dậy lòng mến tha nhân trong thực tại cuộc sống. Tiếng gọi lúc đêm khuya mở ra chân trời mới của mục vụ truyền thông trong hoàn cảnh khó khăn. Xin tri ân tiếng gọi lúc đêm khuya ấy. 

Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 128 (Tháng 3 & 4 năm 2022)