Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha
Chúa Nhật V Thường Niên A (09.02.2014)

KITÔ HỮU PHẢI LÀ CON NGƯỜI TỎA SÁNG

Trưa Chúa Nhật 9.2.2014, Đức Thánh Cha đã chia sẻ cùng với các tín hữu hành hương về ý nghĩa của đoạn Tin Mừng Mt 5,13-16. Ngài nói rằng cần phải hiểu lời mời gọi làm ánh sáng và làm muối của Đức Giêsu dành cho các môn đệ dưới ánh sáng của Tám Mối Phúc trước đó. Ngài cho biết, trở nên muối và ánh sáng cho trần gian là căn tính và là sứ mạng của mỗi người Kitô hữu chúng ta. Người Kitô hữu nào không có ánh sáng thì cuộc sống chẳng có ý nghĩa gì, chỉ mang danh là Kitô hữu, chứ không thực sự là Kitô hữu.

Sau đây là bài chia sẻ của ngài:

“Anh chị em thân mến!

Trong bài Tin Mừng của Chúa Nhật hôm nay, vốn nằm ngay sau Bài Giảng Trên Núi, Đức Giêsu đã nói với các môn đệ Người rằng: “Anh em là muối cho đời… Anh em là ánh sáng trần gian” (Mt 5,13.14). Điều này khiến chúng ta ngạc nhiên đôi chút, nếu chúng ta nghĩ đến những người đang hiện diện trước mặt Đức Giêsu khi Người nói những lời này. Các môn đệ là ai? Họ là những ngư phủ, những con người bình thường… Nhưng Đức Giêsu đã nhìn họ bằng đôi mắt của Thiên Chúa, và lời tuyên bố của Người có thể được hiểu như là hệ quả đi kèm các Mối Phúc. Ngài có ý muốn nói: nếu các con có tinh thần nghèo khó, nếu các con hiền lành, nếu các con có con tim thanh sạch, nếu các con có lòng thương xót… các con sẽ là muối cho đời và là ánh sáng cho trần gian.

Để có thể hiểu rõ hơn hình ảnh này, chúng ta hãy nhớ rằng Luật Do Thái quy định phải rắc một chút muối trên mỗi lễ vật dâng lên Thiên Chúa, như dấu chỉ của giao ước. Ánh sáng đối với dân Israel là biểu tượng mặc khải của Đấng Mesia chiến thắng đêm đen của ngoại giáo. Vì thế, những người Kitô hữu, dân Israel mới, đón nhận một sứ mạng so với những người khác: với đức tin và đức ái, họ hướng dẫn, thánh hóa và làm cho nhân loại sinh nhiều hoa trái. Tất cả chúng ta đều đã lãnh nhận bí tích Rửa Tội, chúng ta là những người môn đệ của sứ mạng, chúng ta được mời gọi để trở nên một Tin Mừng sống động cho thế giới: với một đời sống thánh hiện, chúng ta sẽ trao ban “hương vị” trong nhiều môi trường khác nhau và không làm cho nó bị hư nát, giống như muối vậy; và chúng ta mang ánh sáng của Đức Kitô với chứng tá đức ái chân thực. Nhưng nếu những Kitô hữu chúng ta đánh mất đi hương vị của muối và tắt ngúm nguồn ánh sáng trong chúng ta, chúng ta sẽ trở nên vô dụng.

Sứ mạng trao ban ánh sáng cho thế giới thật tuyệt vời biết bao! Đó là một sứ mạng mà chúng ta có. Thật tuyệt vời biết bao! Và cũng thật tuyệt vời khi chúng ta gìn giữ ánh sáng mà chúng ta đã lãnh nhận từ Đức Giêsu, bảo quản nó, gìn giữ nó. Người Kitô hữu phải là một con người tỏa sáng, người mang ánh sáng, luôn luôn trao ban ánh sáng! Ánh sáng ấy không là của ta, nhưng là món quà của Thiên Chúa, là món quà của Đức Giêsu. Chúng ta mang lấy ánh sáng này. Nếu ánh sáng của một Kitô hữu bị tắt đi, cuộc sống của anh ta chẳng có ý nghĩa gì cả: đó là một Kitô hữu chỉ có danh, không mang ánh sáng, một cuộc sống không có ý nghĩa. Bây giờ, tôi muốn hỏi anh chị em: anh chị em muốn sống một đời sống như thế nào? Như một ngọn đèn cháy sáng hay như một ngọn đèn tắt ngúm? Sáng hay tắt? Anh chị em muốn sống một cuộc sống như thế nào? [Mọi người thưa: Cháy sáng!] Một ngọn đèn cháy sáng! Chính Thiên Chúa đã trao ban cho chúng ta ánh sáng và chúng ta phải lan tỏa ánh sáng ấy cho người khác. Một ngọn đèn cháy sáng! Đó là ơn gọi Kitô hữu chúng ta.”

Sau Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nhắc nhớ mọi người rằng, thứ ba tới đây, ngày 11.2, chúng ta sẽ cử hành lễ Đức Mẹ Lộ Đức, ngày quốc tế Bệnh Nhân. Đây là một dịp đặc biệt để chúng ta nhớ đến các cộng đồng các bệnh nhân. Cầu nguyện cho họ và với họ, ở gần bên họ. Sứ điệp nhân ngày quốc tế bệnh nhân lấy ý tưởng từ một câu nói của thánh Gioan: Đức tin và đức ái – “chúng ta cũng phải thí mạng sống vì anh em” (1Ga 3,16). Đặc biệt, chúng ta có thể bắt chước thái độ của Đức Giêsu dành cho những bệnh nhân mắc đủ thứ chứng bệnh: Chúa đã chăm sóc họ, chia sẻ với họ những khổ đau và mở con tim họ ra với niềm hy vọng mới.

Đức Thánh Cha cũng nhớ và gửi lời cảm ơn đến những nhà hoạt động chăm sóc sức khỏe, đã hằng ngày gặp gỡ, động viên và cứu chữa những bệnh nhân. Ngài nói rằng nhân phẩm con người không bao giờ có thể bị giản lược vào khả năng và cũng không bị giảm thiểu đi khi người đó bị yếu đi, bị bệnh và cần giúp đỡ. Ngài cũng nhớ đến các gia đình của các bệnh nhân và ngài hứa sẽ cầu nguyện cho họ.

Sau đó, ngài cũng nhắc đến biến cố Thế Vận Hội Mùa Đông đang diễn ra ở Sochi, Nga và xin mọi người cầu nguyện cho ban tổ chức và các vận động viên.

Cuối cùng, ngài gửi lời chào đến tất cả mọi người.

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ
Chuyển ngữ từ: vatican.va (09.02.2014)
Nguồn: dongten.net (09.02.2014)