KINH TRUYỀN
TIN VỚI ĐỨC THÁNH CHA
MUỐN ĐƯỢC GẶP CHÚA GIÊSU
Từ thư viện Dinh Tông Tòa,
trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 21/3/2021,
Đức Thánh Cha nhắc lại câu hỏi của những người Hy Lạp trong bài Tin Mừng Chúa
Nhật V Mùa Chay năm B: “chúng tôi muốn được gặp ông Giêsu”, và nhận định rằng,
đây là câu hỏi của nhiều người, qua nhiều thời đại và ở mọi nơi. Và chúng ta có
trách nhiệm giúp họ gặp và biết Chúa Giêsu bằng chứng tá cuộc sống trao ban và
phục vụ của chúng ta. Sau đây là bài huấn dụ của Đức Thánh Cha:
Anh chị em thân mến, chào anh
chị em!
Phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật 5
Mùa Chay công bố đoạn Tin Mừng, trong đó, thánh Gioan thuật lại một sự kiện xảy
ra vào những ngày cuối đời của Chúa Giêsu, ngay trước cuộc Thương Khó của Người
(Ga 12,20-33). Khi Chúa Giêsu đang ở Giêrusalem để dự lễ Vượt Qua, một số người
Hy Lạp, vì tò mò về những gì Người đang thực hiện, họ bày tỏ mong ước gặp Người.
Họ đến gặp tông đồ Philípphê và nói với ông: “Thưa ông, chúng tôi muốn được gặp
ông Giêsu” (c.21). Ông Philípphê kể lại với ông Anrê, và họ cùng nhau đi
thuật lại với Thầy mình. Qua yêu cầu của những người Hy Lạp đó, chúng ta có thể
nhận thấy lời thỉnh cầu của nhiều người ở mọi thời và mọi nơi đặt ra với Giáo hội
và mỗi người chúng ta: “Chúng tôi muốn gặp Chúa Giêsu”.
Chúa Giêsu đã đáp lại lời thỉnh
cầu đó thế nào? Cách Người đáp lại khiến chúng ta suy nghĩ. Người nói: “Đã đến
giờ Con Người được tôn vinh! Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo
vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết
đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (cc. 23-24). Những lời này dường như không
trả lời câu hỏi được những người Hy Lạp đặt ra. Trong thực tế, nó vượt trên câu
trả lời. Thật vậy, Chúa Giêsu mặc khải rằng, đối với mỗi người muốn tìm
Người, Người là hạt giống được chôn vùi, sẵn sàng chết đi để sinh nhiều hoa
trái. Người muốn nói: nếu các ngươi muốn biết và hiểu Ta, hãy nhìn hạt lúa mì
chết đi trong lòng đất, hãy nhìn cây thập giá.
Hãy nghĩ về dấu chỉ Thánh giá,
qua nhiều thế kỷ, đã trở thành biểu tượng đặc biệt của các Kitô hữu. Ngay cả
ngày nay, những người muốn “gặp Chúa Giêsu”, có lẽ họ đến từ những đất nước và
nền văn hóa, nơi mà Kitô giáo không được biết đến nhiều, họ nhìn thấy điều gì đầu
tiên? Dấu hiệu phổ biến nhất mà họ gặp thấy là gì? Đó là Thánh giá. Trong nhà
thờ, trong nhà của các Kitô hữu, ngay cả được mang trên người các Kitô hữu. Điều
quan trọng đó là dấu chỉ phù hợp với Tin Mừng: Thánh giá không thể không diễn tả
tình yêu, sự phục vụ, sự hiến thân hoàn toàn: chỉ bằng cách này nó mới thực sự
là “cây sự sống”, của sự sống dồi dào.
Ngày nay cũng vậy, nhiều người,
thường không nói ra, nhưng ngầm muốn “thấy Chúa Giêsu”, gặp Người, biết Người.
Từ điều này chúng ta hiểu trách nhiệm lớn lao của các Kitô hữu chúng ta và của
cộng đoàn chúng ta. Chúng ta cũng phải đáp lại bằng chứng tá của một cuộc sống
được trao tặng trong phục vụ, của một cuộc sống theo cách thế của Thiên Chúa: gần
gũi, cảm thông và dịu dàng. Nghĩa là gieo mầm yêu thương, không phải bằng những
lời nói thoáng qua mà bằng những ví dụ cụ thể, giản dị và dũng cảm, không phải
bằng những lời lên án lý thuyết, mà bằng những cử chỉ yêu thương. Và rồi Chúa
Giêsu, bằng ân sủng của Người, làm cho chúng ta sinh hoa trái, ngay cả khi đất
khô cằn vì những hiểu lầm, khó khăn hoặc bách hại, hoặc những đòi hỏi duy luật
lệ hay luân lý. Chính vì vậy, trong thử thách và cô độc, trong khi hạt giống chết
đi, đó là thời điểm mà sự sống nở hoa, để đơm hoa kết trái đúng lúc. Chính
trong sự đan xen giữa cái chết và sự sống, chúng ta có thể cảm nghiệm được niềm
vui và hoa trái đích thực của tình yêu.
Xin Đức Trinh Nữ Maria giúp
chúng ta theo bước Chúa Giêsu, bước đi cách mạnh mẽ và vui tươi trên con đường
phục vụ, để tình yêu Chúa Kitô tỏa sáng trong mỗi thái độ của chúng ta và ngày
càng trở thành cách sống hằng ngày của chúng ta.
Ngày tưởng nhớ các nạn nhân vô
tội của mafia
Sau khi đọc Kinh Truyền Tin, Đức
Thánh Cha nhắc rằng ngày 21 tháng 3 là ngày nước Ý tưởng nhớ và dấn thân để nhớ
đến các nạn nhân vô tội của mafia. Đức Thánh Cha nói: “Mafia hiện diện ở nhiều
nơi trên thế giới và lợi dụng đại dịch, họ đang làm giàu bằng tham nhũng. Thánh
Gioan Phaolô II đã tố cáo nền văn hóa sự chết của chúng và Đức Bênêđíctô XVI đã
lên án chúng như những con đường dẫn đến sự chết. Những cấu trúc tội lỗi, cấu
trúc mafia, trái ngược với Tin Mừng của Chúa Kitô, đánh đổi đức tin bằng việc
thờ ngẫu tượng. Hôm nay chúng ta tưởng nhớ tất cả các nạn nhân và tái cam kết
chống lại mafia.”
Ngày thế giới về nước
Đức Thánh Cha cũng nhắc đến
Ngày thế giới về nước vào ngày 22 tháng 3 và mời gọi suy tư về giá trị của món
quà kỳ diệu và không thể thay thế của Thiên Chúa. Ngài khẳng định: “Đối với các
tín hữu chúng ta, "chị" nước không phải là một thứ hàng hóa: nó là một
biểu tượng hoàn vũ và là nguồn sống và sức khỏe.”
Rất nhiều anh chị em thiếu nước
và có nước bị ô nhiễm! Đức Thánh Cha kêu gọi: “Cần bảo đảm nước uống và dịch vụ
vệ sinh cho tất cả mọi người.”
Đức Thánh Cha cũng cảm ơn và
khuyến khích tất cả những người, với những chuyên môn và trách nhiệm khác nhau,
đang làm việc vì mục đích vô cùng quan trọng này. Ngài nói về trường đại học về
nước ở Argentina, về những người làm việc để phát triển nước sạch và giúp mọi
người hiểu tầm quan trọng của nước. Ngài cảm ơn những người đang làm việc trong
trường đại học về nước.
Cuối cùng Đức Thánh Cha chào mọi
người đang kết nối qua các phương tiện truyền thông, đặc biệt ngài nhớ đến các
bệnh nhân và những người đơn độc. Ngài chúc mọi người một Chúa Nhật bình
an và xin đừng quên cầu nguyện cho ngài.
Chuyển ngữ: Hồng Thủy
Nguồn: vaticannews.va/vi